Về chế độ sở hữu đất đai ở nước ta hiện nay

 (QLNN) – Đất đai là một trong những yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội, vì vậy quan hệ sở hữu về đất đai từ xa xưa đã được các nhà kinh tế học kinh điển đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Lịch sử quan hệ về đất đai ở Việt Nam, quá trình đổi mới thông qua những lần sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai đã và đang tháo gỡ dần những vướng mắc về chế độ sở hữu đất đai ở nước ta, góp phần tạo sự ổn định về chính trị, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và tạo công bằng xã hội cho nhân dân.

 

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam có ưu điểm chung giống với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở các nước khác
Lý luận địa tô

C.Mác đã dành sự quan tâm đáng kể cho việc nghiên cứu về vấn đề địa tô. Ông đã trình bày quan điểm của mình về địa tô trong quyển III của Bộ tư bản, phần II. Sau khi nghiên cứu, Ông đã rút ra kết luận rằng: sau một thời hạn kinh doanh, nhà tư bản nông nghiệp phải trả cho địa chủ một khoản tiền (theo hợp đồng) để được quyền sử dụng ruộng đất. Số tiền đó gọi là địa tô tư bản chủ nghĩa (TBCN). Địa tô TBCN là phần giá trị thặng dư còn lại sau khi trừ đi lợi nhuận bình quân mà nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải nộp cho địa chủ.

Địa tô TBCN và địa tô phong kiến tuy có điểm giống nhau đều là quyền sở hữu ruộng đất được thực hiện về mặt kinh tế và đều là kết quả của sự bóc lột người lao động, nhưng có sự khác nhau căn bản:

Về chất, địa tô TBCN phản ánh quan hệ giữa ba giai cấp: giai cấp tư sản kinh doanh ruộng đất, giai cấp địa chủ và công nhân nông nghiệp làm thuê, trong đó địa chủ gián tiếp bóc lột công nhân qua tư bản nông nghiệp; còn địa tô phong kiến chỉ phản ảnh mối quan hệ giữa hai giai cấp: địa chủ và nông dân lĩnh canh.

Về lượng, địa tô tư bản chủ nghĩa là một phần giá trị thặng dư; còn địa tô phong kiến gồm toàn bộ sản phẩm thặng dư đôi khi còn lấn sang phần sản phẩm cần thiết khi mất mùa địa chủ không giảm mức tô.

Về hình thức, địa tô tư bản chủ nghĩa là địa tô bằng tiền, còn địa tô phong kiến chủ yếu là địa tô hiện vật và địa tô lao dịch.

Có hai hình thức địa tô cơ bản là địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối:

– Địa tô chênh lệchlà phần địa tô thu được ở trên những ruộng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi (độ màu mở của đất đai tốt hơn, vị trí gần thị trường, gần đường hơn, hoặc ruộng đất được đầu tư để thâm canh). Nó là số chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung của nông phẩm được quyết định bởi điều kiện sản xuất xấu nhất với giá cả sản xuất cá biệt ở những nơi có điều kiện sản xuất thuận lợi.

Cơ sở của địa tô này là do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp khác với công nghiệp. Do diện tích đất có hạn trong khi dân số tăng lên làm tăng nhu cầu nông sản, buộc xã hội phải canh tác trên tất cả các loại đất bất kể là thuận lợi hay không thuận lợi. Vì thế, giá cả xã hội của nông phẩm được quyết định bởi chi phí cao nhất ở loại đất có điều kiện sản xuất bất lợi nhất. Điều này làm cho các loại đất có điều kiện sản xuất thuận lợi thu được lợi nhuận siêu ngạch. Phần  siêu ngạch này nhà tư bản nông nghiệp phải nộp cho địa chủ về quyền sở hữu ruộng đất, gọi là địa tô chênh lệch. Địa tô chênh lệch gắn với độc quyền kinh doanh ruộng đất.

Có hai loại địa tô chênh lệch: địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II.

 Địa tô chênh lệch Ilà địa tô chênh lệch thu được trên những ruộng đất có độ màu mỡ tự nhiên thuộc loại trung bình và tốt, hoặc có vị trí gần thị trường tiêu thụ, gần đường giao thông. Chủ sở hữu ruộng đất sẽ thu được loại địa tô này

Địa tô chênh lệch IIlà địa tô chênh lệch thu được do thâm canh mà có. Trong thời gian hợp đồng thuê đất còn hiệu lực, địa tô này nhà tư bản nông nghiệp được hưởng. Chỉ khi hết thời hạn hợp đồng, địa chủ tăng mức tô, biến thành địa tô chênh lệch I và rơi vào tay địa chủ. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn đó là nhà tư bản thuê đất muốn kéo dài thời hạn thuê, còn địa chủ lại muốnrút ngắn thời hạn cho thuê. Do đó, trong thời gian thuê đất, nhà tư bản tìm mọi cách quay vòng, tận dụng, vắt kiệt độ màu mỡ đất đai.

Địa tô tuyệt đối là loại địa tô mà tất cả các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp đều phải nộp cho địa chủ, cho dù là ruộng đất tốt hay xấu. Do cấu tạo hữu cơ trong nông nghiệp thường thấp hơn trong công nghiệp làm cho tư bản kinh doanh nông nghiệp mặc dù có số tư bản và tỷ suất giá trị thặng dư ngang bằng với kinh doanh của các nhà tư bản công nghiệp, nhưng vẫn thu được giá trị thặng dư nhiều hơn so với các nhà tư bản công nghiệp; xuất hiện lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp. Do độc quyền sở hữu ruộng đất, phần lợi nhuận siêu ngạch này phải nộp cho địa chủ gọi là địa tô tuyệt đối.

Ngoài hai hình thức trên, trong nền kinh tế TBCN còn có địa tô đất hầm mỏ, địa tô đất xây dựng, địa tô độc quyền là những địa tô thu được trên các loại đất đặc biệt.

Lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của Marx không chỉ vạch rõ bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mà còn là cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách kinh tế liên quan đến thuế, đến điều tiết các loại địa tô, đến giải quyết các quan hệ đất đai. Nhằm kết hợp hài hòa các lợi ích, khuyến khích thâm canh, sử dụng đất đai tiết kiệm, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa sinh thái bền vững.

Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
Lý luận địa tô trong quá trình quốc hữu hóa ruộng đất

Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu về lý luận địa tô của C. Mác và Ph.Ănghen, V.I. Lê-nin đã đưa ra cơ sở lý luận của việc quốc hữu hóa ruộng đất. Trong tác phẩm “Cương lĩnh ruộng đất của Đảng xã hội dân chủ trong cuộc cách mạng đầu tiên ở Nga năm 1905 – 1907”, V.I. Lê-nin đã làm sáng tỏ bản chất của khái niệm quốc hữu hóa ruộng đất và chỉ rõ mối liên hệ của địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối với hai hình thức độc quyền trong nông nghiệp. V.I.Lênin cho rằng, địa tô chênh lệch sẽ đem lại kết quả tất yếu của sự hạn chế về ruộng đất. Trong chế độ nông nghiệp tư bản chủ nghĩa, khi thực hiện canh tác ruộng đất của các doanh nghiệp thì đều xuất hiện địa tô chênh lệch cho dù là chế độ tư hữu ruộng đất có tồn tại hay không và hình thức chiếm hữu ruộng đất như thế nào. Ông viết: “Địa tô chênh lệch không tránh khỏi hình thành trong chế độ nông nghiệp tư bản chủ nghĩa, ngay cả khi chế độ tư hữu về ruộng đất bị xóa bỏ hoàn toàn”1.

Địa tô tuyệt đối diễn ra bắt nguồn từ chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân. Chính chế độ tư hữu này đã cản trở việc cạnh tranh tự do, cản trở việc san bằng lợi nhuận thành lợi nhuận bình quân giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp phi nông nghiệp. Nếu địa tô chênh lệch là vốn có của bất kỳ nền nông nghiệp tư bản chủ nghĩa nào, thì địa tô tuyệt đối chỉ tồn tại trong điều kiện của chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân.

Theo V.I. Lê-nin: “Vấn đề quốc hữu hóa ruộng đất trong xã hội tư bản chủ nghĩa chia thành hai phần khác nhau về bản chất: vấn đề địa tô chênh lệch và vấn đề địa tô tuyệt đối. Quốc hữu hóa thay đổi người hưởng địa tô chênh lệch và xóa bỏ ngay cả sự tồn tại của địa tô tuyệt đối. Vậy quốc hữu hóa một mặt là một cải cách bộ phận trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản (thay đổi người làm chủ một bộ phận giá trị thặng dư), và mặt khác, là sự xóa bỏ các độc quyền gây trở ngại cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nói chung”2. Thiếu sự phân biệt hai mặt này sẽ không thể hiểu được ý nghĩa kinh tế của việc quốc hữu hóa ruộng đất – vấn đề quyết định ý nghĩa của các cơ sở lý luận về ruộng đất.V.I. Lê-nin chỉ rõ rằng, nhận thức đúng đắn cơ sở lý luận của việc quốc hữu hóa ruộng đất và tiếp đó là vấn đề ruộng đất có ý nghĩa rất to lớn.

Chính vì những sai lầm trong lý luận dẫn tới những kết luận không đúng đắn và dẫn đến những sai lầm về chính trị. Sự tồn tại chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân đã trở thành lực cản đối với việc đầu tư tự do tư bản vào ruộng đất. Theo Ông: “Thủ tiêu chế độ tư hữu ruộng đất tức là xóa bỏ đến mức tối đa có thể có được trong xã hội tư sản, tất cả những trở ngại, ngăn cản việc tự do dùng tư bản vào nông nghiệp và tự do chuyển tư bản từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác. Sự phát triển tự do, rộng rãi nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản, sự xóa bỏ tất cả những khâu trung gian không cần thiết khiến cho nền nông nghiệp giống như một nền công nghiệp có những “nhịp độ kinh khủng”, – quốc hữu hóa ruộng đất dưới chế độ sản xuất tư bản chủ nghĩa là như thế đấy”3.

Ở Việt Nam, theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ sở pháp lý xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đất đai được quy định tại Điều 53: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Theo Điều 4 Luật Đất đai 2013, hình thức sở hữu đất đai tại Việt Nam được quy định là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam có ưu điểm chung giống với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở các nước khác. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ đó trên thực tế ở Việt Nam có lúc và có nơi chưa phù hợp. Điều đó thể hiện ở điểm sau.

Thứ nhất, mức định giá đất và cách thu hồi đất của chính quyền có lúc và có nơi còn bất hợp lý. Chính vì thế đã gây ra không ít phiền phức cho người sử dụng đất. Người dân thì luôn muốn chủ động trong việc quyền sử dụng (quyết định có nên bán hay không nên bán quyền sử dụng) mảnh đất mà mình được trao. Nhà nước có quyền thu hồi bất cứ mảnh đất nào vào bất kỳ lúc nào vì mục đích phục vụ lợi ích quốc gia. Song ở nhiều nơi chính quyền không có quy hoạch sử dụng đất rõ ràng trong thời gian dài, dẫn đến bị động đối với người sử dụng đất do không có kế hoạch sử dụng đất hợp lý.

Mức giá đền bù thì cố định lâu dài trong khi mức giá đất thực tế rất đa dạng và biến động. Các mảnh đất ở những vị trí khác nhau có giá trị khác nhau, trong khi đó mức giá đền bù lại giống nhau cho các mảnh đất có vị trí khác nhau. Do việc định giá đất một cách chung chung, không phù hợp với giá thị trường nên việc đền bù ở một số nơi chưa thỏa đáng. Ở nhiều nơi diễn ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp về đền bù đất đai. Điều đó có nguyên nhân chủ yếu ở sự bất hợp lý về giá đền bù.

Vẫn còn có những bất hợp lý trong thu hồi đất đai khi chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm nào đó. Một số doanh nghiệp thu hồi đất (vì mục đích thương mại) đã không có sự thỏa thuận hợp lý với người sử dụng đất trong việc đền bù nên thực tế đã diễn ra những va chạm lớn giữa doanh nghiệp và người dân trong diện bị thu hồi đất, gây nên những bất ổn trong xã hội.

Thứ hai, khung khổ pháp lý đối với quyền sử dụng đất đai ở Việt Nam chưa thật cụ thể và rõ ràng. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là hợp lý nhưng từ chế độ đó cần có quy định pháp lý cụ thể và rõ ràng đối với quyền sử dụng đất đai. Đất đai là một tài nguyên lớn. Quyền sử dụng đất đai là một tài sản có giá trị trong việc mua bán và góp vốn. Để phát huy vai trò của đất đai như là một nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển thì cần có khung khổ pháp lý rõ ràng đối với quyền sử dụng đất đai. Nhiều thửa ruộng, mảnh vườn, núi đồi, ao hồ có giá trị lớn cho sản xuất nhưng không thể hoặc không dễ chuyển thành vốn được hoặc có giá trị vốn hóa thấp do thủ tục pháp lý về quyền sử dụng không rõ ràng.

Xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Việc xác lập và duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai vào thời điểm hiện tại là cần thiết dựa trên các căn cứ lịch sử, yếu tố khách quan và chủ quan của nước ta điển hình đó là:

Thứ nhất, chế định sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, bảo đảm điều tiết quá trình phân phối địa tô phù hợp với sở hữu toàn dân, bảo đảm công bằng, ngăn ngừa khả năng để một số ít người chiếm dụng phần lớn địa tô một cách bất hợp lý, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận bình đẳng và trực tiếp đối với đất đai và xóa bỏ tình trạng một nhóm người dùng độc quyền sở hữu đất đai để bóc lột người sử dụng đất. Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do. Xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng coi trọng lao động, rằng lao động tạo ra xã hội loài người, tạo ra của cải và tạo ra cuộc sống ngày càng tốt hơn cho con người theo nghĩa nhân văn.

Thứ hai, xuất phát từ lập trường “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.

Thứ ba, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại nhiều lợi ích phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Chế độ sở hữu toàn dân còn đem lại nhiều lợi ích phù hợp với đặc thù của nước ta. Chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích từ đất.

Thứ tư, sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân, nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế đó là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Người sử dụng đất không có quyền sở hữu đất mà chỉ có quyền sử dụng đất. Quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân và do Nhà nước là chủ thể đại diện thực hiện quyền năng đó nên người sử dụng đất không thể có quyền sở hữu đối với đất.

Thứ năm,xét dưới khía cạnh quản lý đất đai, đi đôi với việc giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài của người sử dụng đất, Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người sử dụng đất và trao cho người sử dụng đất thực hiện các quyền giao dịch tài sản đối với các quyền sử dụng đất, tiến hành việc cấp giấy chứng nhận, xác nhận ảo hộ quyền hợp pháp cho họ.

Như vậy, quy định này giữ được ổn định của quan hệ đất đai, ngăn ngừa những xung đột, phức tạp về mặt xã hội, mặt lịch sử có thể nảy sinh nếu thay đổi hình thức sở hữu đất đai ở nước ta. Đồng thời, quy định như vậy cũng phù hợp với chủ trương của Đảng là tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm pháp lý gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu đất đai trong đó xác nhận quy định và bảo vệ quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai.

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia, chế độ sở hữu đất đai phù hợp sẽ giúp cho việc khai thác nguồn tài nguyên vô giá này có hiệu quả. Ngược lại, chế độ sở hữu không phù hợp sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, chế độ sở hữu đất đai là chế độ sở hữu toàn dân. Chế độ đó là phù hợp nhưng việc cụ thể hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chính vì thế, việc nghiên cứu, bổ sung chỉnh sửa các quy định pháp luật về đất đai vẫn đang là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Chú thích:
1,2,3. V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.16, tr. 346, 349, 371
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2013/20653/So-huu-toan-dan-ve-dat-dai-Tat-yeu-lich-su-trong.aspx
2. https://caphesach.wordpress.com/2014/05/06/co-so-ly-luan-va-thuc-tien-cua-che-do-so-huu-toan-dan-ve-dat-dai-o-viet-nam/
3. https://luatminhkhue.vn/tu-van-luat-dat-dai/che-do-so-huu-toan-dan-ve-dat-dai-va-nguyen-tac-co-ban-va-quan-trong-nhat-cua-luat-dat-dai-aspx
TS. Phạm Thị Thủy
Đại học Lao động và Xã hội