Cơ hội và thách thức của đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học hiện nay

Ảnh minh họa

 QLNN) – Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam hiện nay đang được nhìn nhận như là một cơ hội để gia tăng năng suất lao động dựa trên những tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Giáo dục và đào tạo được coi là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học. Ngoài những cơ hội phát triển, hình thức đào tạo vừa làm, vừa học sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi hệ đào tạo này đang còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cơ hội phát triển của đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học

Đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học (VLVH) trong một thời gian dài đã đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu học tập của người dân…

Ngày nay, dưới sự tác động của công nghệ thông tin đã phủ sóng toàn thế giới, giúp cho giáo dục và đào tạo Việt Nam tiếp thu những yếu tố tiên tiến, tạo ra nhiều lợi thế cho hình thức đào tạo VLVH tại Việt Nam, tạo cơ sở cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Nhiều trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Đại học mở Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân… hiện nay đã liên kết với các trường đại học tiên tiến trên thế giới nhằm tăng cường giao lưu, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là phát triển e-learning và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Ngày 15/01/2019 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025, trong đó nêu: “đa dạng hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với lao động đã tốt nghiệp trình độ đại học trở lên theo nhu cầu thị trường lao động. Phát triển các mô hình đào tạo, các hình thức học trực tuyến, từ xa. khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc doanh nghiệp, bảo đảm yêu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng thực tiễn”.

Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, hệ sinh thái đại học 4.0 được hình thành, cơ hội tham gia học tập được mở rộng theo không gian và thời gian, tức là đối tượng tham gia học tập từ xa, trực tuyến sẽ rất lớn. Khoảng cách về địa lý không còn, một sinh viên có thể tham gia học tập với giảng viên ảo, giảng đường ảo của một trường đại học ở cách xa hàng ngàn kilomet mà không cần phải đến trường học. Hình thức đào tạo VLVH và đào tạo chính quy bị xóa nhòa về ranh giới.

Từ những thuận lợi ưu việt nói trên từ chính sách của Nhà nước cho đến nền tảng của công nghệ thông tin đã tạo ra lợi thế để các trường nâng sức cạnh tranh của mình một cách lành mạnh, tăng khả năng mở rộng quy mô đào tạo của các trường đại học bởi hình thức đào tạo VHVL không bị bó hẹp trong phạm vi không gian, thời gian mà phụ thuộc chính vào khả năng đáp ứng về mặt khoa học, khả năng đào tạo thực tế của trường đại học.

Mô hình đại học truyền thống vì thế gặp  thách thức lớn trước sự thay đổi nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0. Mô hình đại học 4.0 ra đời, bao gồm: dạy học 4.0, nghiên cứu 4.0 và quản lý 4.0. Việc học tập trở nên dễ dàng và thuận tiện khi có các công cụ học tập trực tuyến với môi trường và thiết bị ảo hỗ trợ cho việc học tập từ xa và tự học. Thậm chí sinh viên có thể tiếp xúc với những sản phẩm khoa học – kỹ thuật tiên tiến, các ứng dụng thực tế ảo, thực tại ảo được tăng cường sử dụng với tiềm năng ứng dụng cao và sử dụng rất nhiều dữ liệu tích hợp.

Đào tạo đại học theo hình thức VLVH trong thời đại 4.0 sẽ có điều kiện để khắc phục những thiếu sót, bất cập vốn có của nó như hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu nghiên cứu được đa dạng hóa, số hóa, hệ thống giảng đường, giảng viên được ảo hóa khiến cho người học có thể tham gia học tập trên môi trường ảo, không cần phải đến trường, hệ thống kiểm tra, đánh giá được tối ưu hóa, giúp đánh giá chính xác năng lực của sinh viên. Như vậy, toàn bộ dữ liệu của hệ thống giáo dục đại học tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn, hệ sinh thái đại học 4.0 sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu học tập của sinh viên.

Thách thức của đào tạo đại học vừa làm, vừa học

Đứng trước cuộc CMCN 4.0 đang phát triển như vũ bão, hình thức đào tạo đại học VLVH phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục cần có những dự báo và đánh giá khách quan để chủ động đề ra những giải pháp phù hợp trong lộ trình phát triển đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ nhất, cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo đại học VLVH sẽ ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học, cao đẳng, kể cả công lập và tư thục ngày một gia tăng đã làm tình trạng cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo VLVH ngày càng gay gắt. Sự lựa chọn của người học là bằng chứng để chứng minh sự đáp ứng về nhu cầu của người học cũng như về chất lượng đào tạo và sự tồn tại của một trường đại học.

Thứ hai, sự phát triển của xã hội và nền kinh tế đòi hỏi nguồn nhân lực phải có chất lượng cao.

Yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực có số lượng lớn mà còn đòi hỏi chất lượng cao; lực lượng lao động cần phải thay đổi 35% kỹ năng cần thiết cho việc ứng dụng công nghệ hiện tại để bắt kịp xu thế 1.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ lao động lành nghề và công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam mới đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB2. Tại Việt Nam, đào tạo đại học theo hình thức VLVH chưa được xã hội đánh giá cao về mặt chất lượng là lý do chính khiến cho loại hình đào tạo này phát triển dưới sự kỳ vọng.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp thay đổi từ chế độ, chính sách không phân biệt bằng tốt nghiệp đại học giữa các hình thức đào tạo, sinh viên tốt nghiệp đại học được bình đẳng về cơ hội việc làm, có sự đánh giá khách quan về khả năng, kỹ năng chuyên môn thực tế, tuy nhiên, bài toán chất lượng đào tạo của hình thức VLVH vẫn là một thách thức không nhỏ đối với giáo dục đại học Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng.

Thứ ba, thách thức về thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường.

Trong tình hình hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực giáo dục, chính việc được giao quyền tự chủ đại học cùng với các chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo đang tạo áp lực cho các trường đại học, buộc các trường phải đổi mới về cơ chế tổ chức và cách thức quản trị đại học để có thể đứng vững và cạnh tranh được về các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu, nhất là đối với đào tạo đại học theo hình thức VLVH. Trong khi đó, việc thu hút giảng viên giỏi rất khó khăn; nguồn lực tài chính còn hạn hẹp; một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế về tư duy quản trị… Do vậy, đây cũng được coi là một thách thức lớn cho các trường trong tổ chức đào tạo đại học theo hình thức VLVH.

Ngoài ra, đào tạo đại học VLVH cũng phải đối mặt với các thách thức về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; phải cân bằng giữa chất lượng giáo dục với số lượng sinh viên; ngân sách phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo còn hạn hẹp; khả năng dự báo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động ngày càng khó khăn…

Định hướng phát triển

Trong thời đại mới, công nghệ phát triển nhanh chóng, do đó, để tiếp tục tồn tại và phát triển quy mô đào tạo, các trường đại học cần theo kịp với trình độ phát triển của xã hội, của cuộc CMCN 4.0.

Điều này đòi hỏi trước hết các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cần thay đổi tư duy về đào tạo đại học VLVH và xây dựng lộ trình đổi mới, phát triển hình thức đào tạo này tương xứng với tốc độ phát triển của giáo dục và đào tạo hiện nay. Song song với đó thì phương thức quản lý nhà nước, quản lý đào tạo, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức và phương pháp học tập cũng cần phải thay đổi triệt để nhằm phù hợp với nền giáo dục và đào tạo trong thời kỳ 4.0.

Để thay đổi kịp với cuộc CMCN 4.0 hiện nay, các trường đại học phải đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh hình thức VLVH.

Cần đẩy mạnh các kênh truyền thông để sinh viên chủ động nắm bắt cơ hội, lựa chọn chương trình học phù hợp với vị trí đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc thuận tiện nhất cho công việc tại cơ quan, đơn vị của mình; khuyến khích phát triển các chương trình và hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến để nâng cao tính cạnh tranh, tạo ra nguồn lao động có chất lượng và tay nghề cao, đủ năng lực cạnh tranh không chỉ với thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

Sinh viên hệ VLVH ra trường thường khó xin được việc làm tốt do chất lượng đào tạo và định kiến của xã hội về loại hình đào tạo này. Do vậy, các trường nên chủ động kết nối nhiều hơn với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phải xem nơi sử dụng lao động là thị trường của mình, sinh viên đào tạo ra là để đáp ứng nhu cầu công việc cho xã hội. Bên cạnh đó, các trường cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, thu hút các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về giảng dạy và nghiên cứu; đổi mới cơ chế tài chính, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học để giữ chân người tài. Đồng thời, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thường xuyên nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu của sinh viên hệ VLVH, nhất là đối với những lớp học đặt ngoài cơ sở giáo dục trước nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Có thể nói, bên cạnh đào tạo chính quy, đào tạo theo hình thức VLVH đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thách thức phía trước đối với đào tạo đại học VLVH là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các trường cùng với sự hỗ trợ, điều tiết vĩ mô của Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách để biến những thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng môi trường học tập hiện đại, tiên tiến với mô hình quản trị thống nhất, bền vững, bắt kịp với xu hướng phát triển của CMCN 4.0 hiện nay.

Chú thích:
1. Vai trò của trí thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. http://www.vnu-itp.edu.vn.
2. Đại học Kinh tế quốc dân. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia về đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội, ngày 26/12/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề án Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Hà Nội, 2005.
2. Đại học Nguyễn Tất Thành. Kỷ yếu Hội thảo: Nghiên cứu và triển khai mô hình đại học sáng tạo. TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/9/2012.
3. Anealka Aziz Hussin. Education 4.0 Made Simple: Ideas for teaching, International Journal of Education & Literacy Studies, 31/7/2018.

ThS. Nguyễn Đức Thuận
 Học viện An ninh nhân dân