Phòng, chống dịch covid-19 ở Việt Nam – từ góc độ quản lý nhà nước  

(QLNN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, đặc biệt là xử lý dịch Covid-19 hiện nay. Ngay từ ngày đầu phát hiện dịch, Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, bảo đảm phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. Từ đó đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra tại Việt Nam.
Dịch Covid-19 lây lan toàn cầu

Dịch bệnh Covid-19 còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do virus corona mới, dịch virus corona Vũ Hán hay dịch viêm phổi Vũ Hán là một dịch bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Sars-coV2, bùng phát vào giữa tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân, đã tiếp xúc chủ yếu với những người buôn bán làm việc tại chợ buôn bán hải sản Hoa Nam, nơi bán động vật sống và được cho là địa điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên.

Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã phân lập được một loại virus corona mới, (được WHO lúc đó tạm thời gọi là 2019-nCoV), có trình tự gen giống với Sars-CoV trước đây. Sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 01/2020. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ho và khó thở. Ca nghi ngờ đầu tiên được phát hiện ngày 31/12/2019, ca tử vong do 2019-nCoV đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán ngày 09/01/2020. Trước nguy cơ bùng phát của dịch, ngày 23/01/2020, Trung Quốc cô lập thành phố Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng đến và đi đều bị tạm ngưng.

Đến ngày 24/01/2020, tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều đã ghi nhận ca nhiễm; một số thành phố lân cận cũng bị cô lập. Dịch phát triển rất nhanh và lây lan sang nhiều nước trên thế giới, I-ta-li-a là nước bị nhiễm bệnh và có số người tử vong cao nhất, đến ngày 08/3/2020, I-ta-li-a đã phải phát lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước.

Theo thông tin của Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính đến ngày 16/3/2020, dịch đã bùng phát ở 154 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với 169.341 ca nhiễm, 6.499 người tử vong, đã bình phục xuất viện 77.436 người 1. Một số nước trên thế giới, dịch đang có xu hướng gia tăng như: Hàn Quốc; Nhật Bản, I-ta-li-a, I-ran…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan COVID-19 ra cộng đồng (ảnh: internet).
Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) và khi có bệnh nhân bị nhiễm tại Việt Nam, việc tập trung tối đa nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại Việt Nam được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 về việc phòng, chống dịch (PCD) viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020 yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Liên tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ có các Chỉ thị, công điện và nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt PCD bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra. Thủ tướng chỉ đạo: hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học; thực hiện việc cách ly PCD đối với các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần với người nhiễm, người nghi nhiễm; áp dụng các biện pháp, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly.

Đồng thời, ngày 04/02/2020, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất – kinh doanh cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm,… để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu PCD bệnh Covid-19. Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi, nhanh nhất về thủ tục thông quan nguyên liệu, trang thiết bị PCD.

UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các DN trên địa bàn ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác PCD; bảo đảm việc cung ứng, kiểm soát giá đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tập trung PCD bệnh theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (ảnh: internet).

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương đã hết sức khẩn trương nghiêm túc triển khai công tác này, như: Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo quy định và theo khuyến cáo của WHO; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và PCD bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên phạm vi cả nước; hướng dẫn các biện pháp phòng lây nhiễm gồm: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay và đến cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp. Mặt khác, Bộ Y tế còn thành lập nhiều đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19. Tất cả các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc đều có phương án cách ly và cứu chữa bệnh nhân nhiễm dịch.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Y tế và chính quyền các địa phương đã thành lập các bệnh viện dã chiến, như: Quảng Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Các bệnh viện dã chiến có quy mô số lượng giường bệnh và các trang thiết bị bảo đảm ứng phó trong mọi tình huống nếu dịch lan tràn.

Các cửa khẩu, đặc biệt các cửa khẩu từ Trung Quốc, đã được kiểm soát chặt chẽ ngay từ những ngày đầu phát hiện dịch, sẵn sàng theo dõi, cách ly ngay tại cửa khẩu khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ; đóng tất cả đường mòn, lối mở dọc biên giới. Kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển (cả người và hàng hóa, đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam), có biện pháp soi chiếu, sàng lọc, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại các cửa khẩu.

Ngày 04/02, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng chạy tàu khách liên vận quốc tế đi Trung Quốc và ngược lại. Đồng thời, Bộ yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường tiêu độc, khử trùng khu vực nhà ga, bến xe. Hủy toàn bộ các phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác các chuyến bay thường lệ, không thường lệ giữa các điểm tại Việt Nam và thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; với các nước khu vực châu Âu khi có dịch bệnh lây lan. Đặt máy đo thân nhiệt tại các cảng hàng không quốc tế để theo dõi, phát hiện, cách ly y tế, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ bệnh.

Để ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương, nhà trường đã đồng loạt cho học sinh, sinh viên nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học cũng đã ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Song song với các giải pháp PCD, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm ngăn ngừa việc trục lợi từ dịch bệnh Covid-19.

Các cơ quan báo chí – truyền thông đã tích cực, nhanh chóng vào cuộc, thông tin kịp thời về dịch covid-19, về sự nguy hại của sự lây lan dịch, đã góp phần tích cực để người dân hiểu về dịch bệnh, về sự lây lan… từ đó, đã có nhiều sự ủng hộ, chung tay cùng các bộ, ngành, chính quyền các cấp PCD. Mặt khác, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án PCD, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát trong nước.

Với nhiều biện pháp “mạnh tay” và toàn diện của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng sự chung tay của người dân cả nước, dịch bệnh đã được khống chế, đến ngày 27/02, tất cả 16 ca dương tính với virus Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện. Tuy nhiên, sau đó, do một số bệnh nhân đã bị nhiễm với virus Covid-19 đi các chuyến bay từ châu Âu về Việt Nam làm lây lan cho một số người trong nước. Tính đến ngày 16/3/2020, theo số liệu của Bộ Y tế thì Việt Nam đã có 57 ca nhiễm virus Covid-19 (16 ca đã chữa khỏi hoàn toàn), 268 trường hợp nghi nhiễm được cách ly, theo dõi chặt; 24.938 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe 2.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ đội luôn là lực lượng nòng cốt trong Chiến dịch chống COVID-19 (ảnh: internet).

Trước diễn biến quá phức tạp của dịch bệnh, ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh PCD covid-19 trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: “Chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung, chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài); tổ chức cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khu vực cách ly tập trung được Bộ đội bảo vệ nghiêm ngặt (ảnh: internet).
 Dự báo thiệt hại do dịch gây ra

Mặc dù dịch bệnh đã có dấu hiệu chững lại tại Trung Quốc, nhưng lại lây lan, bùng phát rất nhanh và phức tạp ở châu Âu, chưa thể dự đoán được khi nào mới hết dịch. Do vậy, thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu là rất to lớn, sẽ có rất nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam. Như các chuyên gia đã nhận định, dịch Covid-19 gây ra hai vấn đề lớn, rất nghiêm trọng, đó là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nền kinh tế thế giới.

Tính đến thời điểm ngày 16/3/2020, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người nhiễm mới cũng như tử vong trên thế giới không ngừng tăng mỗi ngày. Những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu là hết sức nặng nề, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, nhiều lĩnh vực kinh tế đã bị ảnh hưởng, trong đó hai ngành: Du lịch và Nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Khách du lịch giảm, tác động liên hoàn đến ngành Hàng không; lưu trú, ăn uống, bán lẻ… bị ảnh hưởng theo; nông, thủy, hải sản bị ngưng trệ, không xuất khẩu được. Riêng đối với ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất, trong đó một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện – điện tử.

Chính vì vậy, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc thì cũng là lúc hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều DN trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp. Dịch Covid-19 cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp cách ly luôn con đường kinh doanh và sản xuất của nhiều DN trong lĩnh vực dệt may, giày da, nhựa… khu vực phía Nam bởi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong lĩnh vực vận tải cũng đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu kém tích cực khi nhiều DN công bố mức giảm doanh thu kỷ lục do bùng phát dịch Covid-19.

Trước những khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều DN, hiệp hội đã có văn bản gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương kiến nghị sớm có những giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, chủ động phòng ngừa nhằm tránh sa vào một kịch bản sụp đổ dây chuyền vì Covid-19.

Cần có sự quản lý, điều hành mạnh mẽ của Nhà nước để khôi phục nền kinh tế – xã hội ngay sau dịch

Thứ nhất, đối với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Trước những khó khăn mà các DN, ngành nghề đang gặp phải trong dịch Covid-19 lần này, Chính phủ cần có những sách lược cụ thể, như: không nới lỏng chính sách tiền tệ; yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay; hạ chi phí logictis và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu. Các ngân hàng thương mại nên giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các DN và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành khác cần sớm tham mưu cho Chính phủ những chính sách miễn giảm thuế, phí cho đến khi công bố chấm dứt dịch bệnh, thị trường hồi phục. Nên có chính sách miễn, giảm thuế, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, bảo quản hàng hóa, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.

Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm nghiên cứu, kịp thời tính toán các phương án nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường khác để hỗ trợ sản xuất trong nước, không để các chuỗi sản xuất gián đoạn hay ngưng trệ vì quá phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc. Các tập đoàn kinh tế cần phải sớm chủ động lên phương án sản xuất – kinh doanh để luôn chủ động giữa phòng chống dịch với phục hồi sản xuất – kinh doanh, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

Thứ hai, sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân.

Việc chống dịch, giảm mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở còn có sự chung tay, chung sức của người dân cả nước. Các cấp các ngành, các lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội cần phải tuyên truyền, phổ biến rộng khắp hơn nữa để người dân biết chính xác mức độ của dịch, hiểu được sự khó khăn, thuận lợi… Từ đó, có sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong PCD và phục hồi kinh tế. Chỉ có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng DN và người dân cả nước thì dịch Covid-19 mới có thể sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất – kinh doanh mới nhanh chóng được hồi phục.

Thứ ba, hệ thống báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền để người dân biết, ủng hộ, chung tay PCD, ổn định chính trị – xã hội và phục hồi, tăng trưởng nhanh chóng kinh tế – xã hội.

Báo chí, truyền thông cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thông tin chuẩn xác, định hướng cho người dân hiểu, biết cách và ủng hộ, chung tay PCD trong thời gian qua. Cần tập trung để nhanh chóng, thường xuyên kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về tình hình dịch bệnh, về kết quả công tác PCD của Việt Nam; tăng cường tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt PCD, ứng phó với diễn biến bất thường của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh.

Cổ vũ những cách làm hay, sáng kiến góp sức PCD, nhất là những tấm gương nhường sẻ công sức, vật chất của người dân đối với cộng đồng; ý thức phòng tránh dịch bệnh của người dân cho chính mình và cho xã hội; biểu dương kịp thời các thầy thuốc ngày đêm thầm lặng với người bệnh. Đồng thời, báo chí cũng đấu tranh, “vạch mặt” những kẻ cơ hội, trục lợi trong khi dịch đang xảy ra; phản bác các luồng thông tin xấu, xuyên tạc, bịa đặt gây hoang mang trong xã hội.

Chú thích:
1, 2. Covid-19, cập nhật mới nhất.  http://www.suckhoedoisong.vn, ngày 16/3/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
2. Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
3. Công văn số 79-CV/TƯ ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
4. Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
TS . Nguyễn Quang Vinh
Học viện Hành chính Quốc Gia
ThS. Nguyễn Lưu
Học viện An ninh nhân dân