Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng đẹp của sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa phương Đông với phương Tây. Cho đến nay, những tư tưởng của Người về văn hóa vẫn nguyên giá trị, mang tính thời sự và nhân văn sâu sắc.

 

 Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, chúng ta chưa thấy có một tác phẩm nào của Người bàn về văn hóa nhưng qua những bài phát biểu, nói chuyện tại các hội nghị, từ ghi chép cá nhân, những bức thư gửi dành cho cán bộ, đảng viên, các chiến sĩ cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, từ các cụ già đến các cháu thiếu niên nhi đồng…, đều toát lên một mối quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Văn hóa – ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi

Trải qua hành trình hơn 30 năm (từ năm 1911 – 1941) bôn ba các châu lục, lao động, học tập, tham gia hoạt động cách mạng để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, quan điểm văn hóa của Hồ Chủ tịch luôn nêu cao tinh thần kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, học tập nhưng có tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy, đối với Người, cần học cái hay trong từng nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới và phát huy giá trị truyền thống trong những làn điệu dân ca, những vần thơ cổ của dân tộc là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Người. Đó là những di sản văn hóa dân tộc được Người gìn giữ, gửi gắm vào trong các bài phát biểu, bài viết tại các hội nghị, tại buổi nói chuyện, trong những bức thư và ghi chép cá nhân của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các em học sinh và giáo viên Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19/02/1960. (Nguồn: internet).

Những giá trị hệ tư tưởng về bảo tồn văn hóa dân tộc của Người là không phủ nhận sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau của văn hóa các dân tộc, mà ngược lại, là sự khẳng định giao thoa giữa nền văn hóa của các dân tộc, coi đó như một động lực để phát triển văn hóa dân tộc của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn, Người cho rằng: “… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”1.

Để khẳng định quan niệm về văn hóa dân tộc của Người, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, văn hóa là phải soi đường cho quốc dân đi – là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi.

Tiếp tục khẳng định điều này, năm 1961, trong bài trả lời phỏng vấn câu hỏi của phóng viên báo Nhân đạo thường trú tại Hà Nội về nguyên nhân làm nên sức mạnh kỳ diệu của nhân dân trong 9 năm kháng chiến chống Pháp để bảo vệ chính quyền còn non trẻ và sức mạnh tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại, lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn nói rằng: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà tri thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc…Có lẽ phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa… Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”2.

Dù ở đâu cũng vậy, khi nói đến nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cách mạng vĩ đại, giành lại độc lập, Người luôn nhắc nhở và căn dặn: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến, kiến quốc dân tộc, văn hóa gánh một phần rất quan trọng” 3. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, sức mạnh của truyền thống lịch sử – văn hóa dân tộc đã trở thành “cái nôi nuôi dưỡng” và thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, tinh thần yêu nước và dũng cảm kiên cường của con người Việt Nam trong lửa đạn chiến tranh và khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh trong thời bình.

Tư tưởng văn hóa và những giá trị nhân văn sâu sắc, mang tính thời đại

Sự kết hợp tinh tế giữa truyển thống văn hóa phương Đông với phương Tây đã đúc kết trong nhân cách vĩ đại và tư tưởng văn hóa sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một buổi gặp mặt và nói chuyện với Bác Hồ, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã cảm nhận về nhân cách và văn hóa của Người: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là văn hóa của tương lai”4. Đúng như cảm nhận của nhà thơ trẻ nước ngoài, tư tưởng lớn của Người về văn hóa là kim chỉ nam cho các thế hệ chúng ta tiếp tục học tập và phát huy giá trị, để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và để chúng ta có thể hội nhập và giao lưu với các nền văn hóa dân tộc khác trên thế giới.

Đối với Người, văn hóa chính là: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”5. Quan niệm của Người có thể được xem là một định nghĩa khá đầy đủ về văn hóa, bởi nó đã khắc phục được quan niệm phiến diện về văn hóa trong lịch sử và hiện tại.

Xem xét định nghĩa về văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) trong Tuyên bố về những chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế bàn về văn hóa họp tại Mê-xi-cô năm 1982 đã nêu rõ: “văn hóa bao gồm những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩ mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân” 6.

Từ quan điểm văn hóa của Người và định nghĩa văn hóa của UNESCO có điểm tương đối giống nhau, cả hai định nghĩa này đều nhấn mạnh vào tính sáng tạo của con người và thể hiện rõ những giá trị văn hóa riêng của mỗi nền văn hóa trên thế giới.

Khi bàn về quan điểm xây dựng nền văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Trong đó, nền văn hóa dân tộc phải không ngừng học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phải có tinh thần dân chủ. Nền văn hóa mới đó phải lấy con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo đó, khi xây dựng nền văn hóa và thực hiện nhiệm vụ, Người đặc biệt lưu ý các cấp chính quyền, cán bộ cần hiểu thấu đáo về những nội hàm của văn hóa, bên cạnh nắm vững những đặc điểm của ngành, lĩnh vực văn hóa riêng biệt, cần chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố được Người chỉ ra, đó là: “1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường; 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế” 7.

Theo Người, 5 định hướng lớn trong xây dựng nền văn hóa mới cần phải có cơ chế, chính sách tác động để văn hóa thực sự trở thành tinh thần văn hóa không thể thiếu trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

Kế thừa và phát huy quan điểm, tư tưởng về văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới của Hồ Chủ tịch, trong nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết, các văn kiện…  Đảng ta cũng khẳng định những giá trị trường tồn và sức mạnh to lớn của văn hóa, trong đó xác định: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam được hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc, được tiếp thu và phát huy trong Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Gần 16 năm sau, Ban Chấp hành Trung ương 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững đất nước, trong đó tiếp tục khẳng định:  “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” 8.

Đồng thời, khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” 9. Điều này đã thể hiện rất rõ sự kế thừa và tiếp thu có bổ sung tinh thần, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trong điều kiện hiện nay. Đó là mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa văn hóa với kinh tế, chính trị; vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng; văn hóa trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; những giá trị nhân văn tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc đang được toàn Đảng, toàn quân ra sức phát huy và nhân rộng.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn cầu hóa hiện nay, việc quan tâm chú trọng phát triển nguồn lực văn hóa, con người, phát huy tối đa tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc của đất nước để chống lại những nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, đồng thời là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, Đảng ta xác định: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”10.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, toàn Đảng, toàn dân ta đã ra sức, đồng lòng xây dựng được bản sắc riêng của văn hóa và con người Việt Nam. Bản sắc ấy được thể hiện rõ nét nhất trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cả trong thời bình.

Có thể khẳng định, quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã, đang và tiếp tục trở thành nền tảng, kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước ta trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nhưng luôn có sự hội nhập và giao lưu với nền văn hóa tiến bộ của các nước trên thế giới để hướng tới một “nền văn hóa của tương lai” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lớp lớp thế hệ Việt Nam chúng ta. Trong đó, cần xác định rõ văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Về văn hóa. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.350.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 190.
3, 7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 464.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 462.
5, 8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 431, 431.
6. Phát triển tư duy lý luận về văn hóa qua 30 năm đổi mới. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 28/9/2016.
9, 10. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hồng Ngọc
Học viện Hành chính Quốc gia