Về năng lực đối với công chức lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn, nghiệp vụ cấp sở

(Quanlynhanuoc.vn) – Nội dung bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá, hệ thống các tiêu chuẩn và khung năng lực phù hợp cho chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, vận dụng hợp lý trong điều động, thuyên chuyển, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn, nghiệp vụ đúng với chuyên ngành, lĩnh vực, vị trí việc làm của các chức danh này hiện nay.

 

Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” (Nguồn: Laodong.vn).
Năng lực của lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn, nghiệp vụ cấp sở

Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định phòng chuyên môn, nghiệp vụ (CMNV) là một bộ phận, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của sở. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức phòng CMNV thuộc cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh do giám đốc sở chịu trách nhiệm ban hành quy định cụ thể bằng văn bản trên cơ sở thẩm quyền theo pháp luật.

Công chức lãnh đạo, quản lý (LĐQL) phòng CMNV là người đứng đầu cấp phòng của sở, là đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có vai trò nòng cốt, thực hiện các hoạt động CMNV nhất định, thúc đẩy phòng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Công chức LĐQL phòng CMNV phải là người có năng lực, trình độ chuyên môn, vững vàng về tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ, có phong cách lãnh đạo, làm việc khoa học, có đủ năng lực LĐQL phòng.

Năng lực công chức LĐQL phòng CMNV được xem xét trên các phương diện như: năng lực lãnh đạo; năng lực quản lý và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trên từng phương diện, năng lực này cũng được xem xét, đánh giá qua các yếu tố của năng lực cụ thể. Ngoài ra, còn có hệ tiêu chí khác mang tính chuyên ngành để bảo đảm thực hiện công tác LĐQL theo ngành, lĩnh vực chuyên môn của phòng CMNV trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Năng lực đối với công chức LĐQL phòng CMNV được xem xét, đánh giá trên các phương diện và cấu trúc chung về năng lực cho LĐQL cấp phòng. Cụ thể, năng lực của công chức LĐQL phòng CMNV = Kiến thức + Kỹ năng + Thái độ làm việc trong quá trình thực thi công vụ. Theo đó, để đánh giá năng lực của công chức LĐQL phòng CMNV dựa trên các tiêu chí sau:

Thứ nhất, về kiến thức chuyên môn, đòi hỏi công chức LĐQL phòng CMNV phải có kiến thức chuyên sâu thuộc lĩnh vực CMNV của phòng được giao phụ trách; được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành đúng với chức năng, nhiệm vụ của phòng CMNV; có kiến thức, sự hiểu biết về công nghệ thông tin, tin học, ngoại ngữ cần thiết để có thể xử lý hồ sơ điện tử, soạn thảo văn bản; lưu trữ; lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ qua cổng điện tử của cơ quan, đơn vị trong bối cảnh xây dựng chính quyền điện tử hiện nay…

Thứ hai, về kỹ năng, yêu cầu LĐQL phòng CMNV biết vận dụng thuần thục kiến thức CMNV về ngành, lĩnh vực; có kinh nghiệm điều hành, quản lý, xử lý các tình huống xảy ra trên thực tiễn thuộc chức năng, nhiệm vụ của phòng CMNV; có ảnh hưởng, có uy tín đối với cấp dưới để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của phòng CMNV.

Sự tương tác giao thoa giữa lãnh đạo với chuyên viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của phòng CMNV; mối quan hệ giữa LĐQL cấp phòng với chuyên viên có sự tác động qua lại, bổ trợ cho nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Khung tương tác cho thấy ngoài kỹ năng LĐQL, đòi hỏi công chức LĐQL phòng CMNV phải có trình độ chuyên môn mới thực hiện tốt nhiệm vụ điều hành hoạt động công vụ của phòng CMNV.

Ngoài ra, do tính đặc thù cơ cấu nhân sự của phòng CMNV, công chức LĐQL phòng ngoài những kỹ năng thực hiện chức trách LĐQL, tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, điều hành các nhân viên thuộc cấp; tham mưu cho giám đốc sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; công chức LĐQL phòng còn phải tham gia trực tiếp công tác CMNV cùng với công chức cấp dưới. Vì vậy, ngoài năng lực, kỹ năng LĐQL, công chức LĐQL phòng phải có CMNV giỏi. Đây là một đặc tính rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho công chức LĐQL phòng CMNV khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, về thái độ của LĐQL phòng CMNV phải tôn trọng, đối xử công bằng đối với cấp dưới; trung thực, có tư cách đạo đức trong sáng, có bản lĩnh và trách nhiệm trong công việc, phải là tấm gương đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Tầm quan trọng của năng lực đối với lãnh đạo, quản lý của phòng chuyên môn, nghiệp vụ

Công chức LĐQL phòng CMNV có trình độ chuyên môn cao sẽ có nhiều khả năng được đề bạt, bổ nhiệm, thăng tiến vào các vị trí LĐQL cao trong cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Đặc biệt, kiến thức chuyên môn cao là yêu cầu rất quan trọng đối với công chức LĐQL phòng CMNV. Bởi vì trong nhiều trường hợp, người LĐQL là người được giao trọng trách trực tiếp giám sát, bồi dưỡng, phát triển CMNV cho cấp dưới (chuyên viên phòng CMNV của sở). Vì vậy, đòi hỏi công chức LĐQL phòng CMNV phải có năng lực và quan trọng hơn là phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn cao mới bảo đảm cho việc huấn luyện, phát triển cấp dưới nâng cao chuyên môn nhằm thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ của phòng.

Thực tế cho thấy, công chức LĐQL phòng CMNV có kiến thức, kỹ năng chuyên môn hạn hẹp, thấp hơn chuyên viên cấp dưới thì kết quả hoạt động công vụ của phòng có thể bị ảnh hưởng và không đạt như yêu cầu mong đợi của cơ quan, đơn vị. Ngược lại nếu công chức LĐQL phòng CMNV có chuyên môn cao là một lợi thế, thuận lợi cho trường hợp giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong đơn vị. Những xung đột về CMNV giữa các thành viên, giữa các nhóm có thể giải quyết một cách dễ dàng, bởi lẽ thông thường công chức cấp dưới luôn tỏ ra đồng thuận với cấp trên nếu họ có chuyên môn giỏi hơn. Do đó, công chức LĐQL phòng CMNV có chuyên môn cao thường thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Những tác động từ năng lực có thể khiến công chức cấp dưới tâm phục và dễ đồng thuận, chấp hành các quan điểm chỉ đạo, điều hành của người LĐQL nhằm đạt được mục tiêu chung, phát triển tổ chức hoặc hoàn thành tốt các kế hoạch của phòng đề ra. Điều này có quan hệ mật thiết với việc đánh giá xu hướng phát triển của tổ chức và động lực để cấp dưới thành công.

Công chức LĐQL phòng CMNV có năng lực sẽ đạt được sự tự tin, chủ động thực thi chức trách, nhiệm vụ, điều hành hoạt động công vụ của phòng, giảm bớt sự phụ thuộc vào sự tham mưu của cấp dưới về CMNV.

Tầm quan trọng năng lực của công chức LĐQL phòng CMNV đối với sự thành công và hiệu quả hoạt động chung của tổ chức cũng như đối với bản thân công chức LĐQL phòng CMNV và công chức cấp dưới, được biểu hiện rõ ở tình huống: nếu công chức LĐQL phòng CMNV có năng lực thấp thì chắc chắn trong quá trình điều hành, quản lý của phòng sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Đó là sự chấp hành từ chuyên viên cấp dưới khó toàn diện và kết quả hoạt động chung về CMNV của phòng sẽ thấp. Nếu công chức LĐQL phòng CMNV có năng lực LĐQL thì có thể thực thi tốt công việc LĐQL nhưng khi điều hành công tác CMNV sẽ bị động, phụ thuộc vào sự tham mưu của cấp dưới về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của phòng. Trường hợp này, công chức LĐQL phòng CMNV cần phải được nâng cao trình độ chuyên môn và yêu cầu được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành, lĩnh vực phụ trách.

Định hướng nâng cao năng lực cho công chức lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn, nghiệp vụ cấp sở 

Thứ nhất, chú trọng về năng lực của công chức LĐQL phòng CMNV khi tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển phải bảo đảm tiêu chí được đào tạo chính quy, căn bản về kiến thức chuyên môn ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ và phải có kinh nghiệm LĐQL công tác chuyên môn của phòng CMNV.

Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để công chức LĐQL phòng CMNV phải có đầy đủ các kỹ năng như đáp ứng các yêu cầu về công nghệ thông tin, dịch vụ hành chính công điện tử, chủ động và làm chủ được các kỹ năng để xử lý tình huống liên quan đến vấn đề nghiệp vụ trong chuyên môn của công chức LĐQL phòng CMNV. Ngoài ra, họ cần phải được nâng cao kỹ thuật soạn thảo văn bản; kỹ thuật, nghiệp vụ văn thư lưu trữ; rèn luyện kỹ năng giao tiếp; kỹ năng xử lý hồ sơ điện tử, ngoại ngữ, tin học…  đáp ứng yêu cầu trong môi trường công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động CMNV của phòng.

Thứ ba, rèn luyện, nâng cao ý thức, trách nhiệm, lòng trung thực, tính liêm khiết và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ đối với công chức LĐQL phòng CMNV cấp sở. Họ cần gương mẫu về đạo đức, lối sống giản dị, lành mạnh, tích cực học tập và trách nhiệm công vụ.

Thứ tư, kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên môn trong thực thi công vụ là điều kiện cần thiết để công chức LĐQL phòng CMNV hoàn thành công việc tốt nhất theo đặc thù của ngành, lĩnh vực, do đó, phải  được kiểm tra, đánh giá của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bằng các công cụ đánh giá khoa học cùng với kết quả khảo sát sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức và khách hàng.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
2. Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Học viện Hành chính Quốc gia. Tài liệu bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp vụ. H. NXB Bách khoa, năm 2012.
4. Leadership, Richard L. Hughes; Robert C. Ginnett; Gordon J. Curphy. Năng lực lãnh đạo, (dịch thuật Đại học Duy Tân). NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2012.

ThS. Nguyễn Xuân Tiến
Học viện Hành chính Quốc gia