Thúc đẩy bảo đảm quyền khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam  

(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh niên khởi nghiệp không chỉ là nhu cầu mà là một quyền con người được phát triển về kinh tế. Chính vì vậy, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà nước đã và đang nỗ lực, tích cực thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có việc bảo đảm quyền khởi nghiệp của thanh niên. Bài viết mong muốn đề xuất một số định hướng thúc đẩy bảo đảm quyền khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam hiện nay.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình thanh niên khởi nghiệp (Ảnh: HOÀNG LONG).
 Về quyền khởi nghiệp của thanh niên

Thuật ngữ khởi nghiệp (startup) được nhắc đến với tần suất tăng dần trong vài năm gần đây để mô tả các dự án mạo hiểm của giới trẻ có ứng dụng phần mềm công nghệ mới hoặc để chỉ các công ty công nghệ lớn. Khởi nghiệp ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong xã hội, bởi các doanh nghiệp này đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới trong nền kinh tế số nhằm cải thiện đời sống cho nhiều người.

“Khởi nghiệp”, theo quan niệm phổ biến là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp, khi người sáng lập ra doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh để tạo ra một sản phẩm hay một giá trị tốt hơn hoặc chưa có trên thị trường bằng các biện pháp khoa học – công nghệ có tính sáng tạo; từ đó, đem lại sự tăng trưởng đến mức lớn nhất, đồng thời tạo nên ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng và xã hội. Khởi nghiệp khác với lập nghiệp: khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới (nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới)1.

Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của khởi nghiệp so với lập nghiệp là ở sự sáng tạo có tính khác biệt và dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro. Ở độ tuổi này, tuổi trẻ có sức khỏe, nhiệt huyểt, đam mê và có thời gian, không gian rộng mở cho nhu cầu sáng tạo. Họ có đủ sự nhanh nhạy, khả năng nắm bắt những kiến thức và công nghệ mới cho việc hình thành, xây dựng và hiện thực hóa một ý tưởng kinh doanh dù có tính mạo hiểm, rủi ro đến đâu với lòng can đảm không sợ thất bại và khát khao khẳng định bản thân hơn những người đi trước.

Đối với thanh niên, khởi nghiệp không chỉ là nhu cầu, mà là một quyền con người được phát triển về kinh tế, khoa học – công nghệ, kinh doanh,… để có việc làm, thu nhập và trên hết là sáng tạo. Theo Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam (GEM) năm 2017/2018, sự tự tin về năng lực kinh doanh thường thể hiện rõ với tuổi trẻ. Tỷ lệ thanh niên (18 – 34 tuổi) nhận thức có khả năng kinh doanh sáng tạo ở mức cao (55%) 2.

Báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm 2019, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương,…3. Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh rằng, những người trẻ tuổi thường vấp nhiều khó khăn, thất bại khi khởi nghiệp.

Cũng chính từ lý do nêu trên, “bảo đảm quyền khởi nghiệp của thanh niên” là các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền (Nhà nước, cá nhân, cộng đồng, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và doanh nghiệp,…) áp dụng các biện pháp về thể chế (lập pháp, hành pháp, tư pháp) trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa,… để hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền khởi nghiệp (QKN) của thanh niên nói riêng nhằm tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các QKN của thanh niên về thể chất, tinh thần, tài sản và nghĩa vụ pháp lý; đồng thời, ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong thực tế khởi nghiệp để phù hợp với Hiến pháp, pháp luật. Với quan niệm này thì chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm QKN của thanh niên bao gồm không chỉ Nhà nước, mà cả các cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp,… trong nước và tổ chức quốc tế.

Đặc điểm QKN của thanh niên: là ý tưởng kinh doanh có tính mới, tính sáng tạo;  là mô hình kinh doanh có khả năng mở rộng và có tốc độ tăng trưởng cao nhưng cũng có tính rủi ro, không chắc chắn. Song đối với thanh niên, khởi nghiệp đóng vai trò không chỉ đơn thuần là sự kiếm sống, mà là nhu cầu sáng tạo, khẳng định bản thân, từ kinh doanh nhỏ lẻ nhằm nuôi sống  bản thân, gia đình, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng cao với kinh doanh mới mẻ, mạo hiểm; hướng  đến chuyển nhượng ý tưởng hay công  việc khởi đầu cho người khác, doanh nghiệp khác để mình sáng tạo công việc mới khác; đặc biệt tạo nên phong cách sống và hướng  đến giá trị xã hội.

Thực tiễn bảo đảm quyền khởi nghiệp của thanh niên

Một là, cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp (TNKN).

Liên hiệp quốc đã xây dựng Chương trình hành động toàn cầu cho thanh niên năm 1995 và căn cứ vào đó quốc gia, khu vực đã ký kết các văn bản quốc tế tập trung vào vấn đề quyền con người của thanh niên như: Hiến chương Thanh niên châu Phi (African Youth Charter) và Công ước về quyền thanh niên tại khu vực nói tiếng Tây Ban Nha (Ibroamerican Convention on Rights of Youth), Nghị quyết số 2250 năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc,… Các văn kiện quốc tế này kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường đại diện cho giới trẻ trong việc ra quyết định ở mọi cấp nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền con người của thanh niên, trong đó có QKN  trên bình diện quốc tế.

Tại Việt Nam, Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014, khi quy định về quyền tự do kinh doanh, khởi nghiệp, đã đề cập QKN của thanh niên. Điều 18 Luật Thanh niên năm 2005 xác định: Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho thanh niên; được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xóa đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm.

Đại hội Đảng lần thứ XII, lần đầu tiên đề cập và nhấn mạnh khởi nghiệp là một giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực nhằm tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.  Tiếp đó, Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT-CP-BCHTWĐ ngày 29/12/2017 của Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2022.

Trong đó, quy định một số hình thức cụ thể về hỗ trợ TNKN; một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”; Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Nghị định số 38/2018/ NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để khởi nghiệp sáng tạo…

Hai là, kết quả thực hiện phong trào “Sáng tạo trẻ” và phát triển doanh nhân trẻ khởi nghiệp.

Nhiều năm qua, các doanh nhân trẻ đã tổ chức nhiều hội thảo định hướng khởi nghiệp với chủ đề, như: “Thanh niên- Khởi nghiệp thời kỳ hội nhập”; tổ chức các diễn đàn “thúc đẩy khởi nghiệp cho thanh niên đô thị”; tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”… Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn đã tham mưu chính cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về hỗ trợ TNKN và phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm Hỗ trợ TNKN (BSSC), Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) của các khu vực cùng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2018, năm 2019 tại nhiều địa phương; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm như: Diễn đàn “Thắp lửa khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn”,…

Mô hình khởi nghiệp trồng cây thảo dược của chị Vũ Thị Thu, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Anh: internet).

Đồng thời, cũng thường xuyên phối hợp đài phát thanh, truyền hình địa phương, Báo Tiền phong,… thông tin về các hoạt động khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên để kịp thời nhân rộng. Thông qua đó, các thông tin, định hướng về khởi nghiệp đến được thanh niên nhiều hơn; từ đó thanh niên nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong vấn đề khởi nghiệp, đã xuất hiện những doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển doanh nhân trẻ khởi nghiệp.

Điển hình là những thanh niên Việt Nam trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á của Tạp chí Forbes châu Á năm 2018 và năm 2019, như: Phạm Anh Đức – sáng lập và điều hành công ty cổ phần Vicare; Tống Nhật Dương – đồng sáng lập Homage; Lưu Thế Lợi và Trần Huy Vũ (Victor Trần) – đồng sáng lập, Kyber Network; Nguyễn Văn Quang Huy – đồng sáng lập và CEO, Holistics…Đến năm 2019, có Lý Khánh Hậu (28 tuổi, được vinh danh ở lĩnh vực Tài chính và Đầu tư mạo hiểm) là nhà đầu tư trẻ nhất tại 500 Startups Vietnam – quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô 14 triệu USD, với mục tiêu đầu tư vào khoảng 80 – 100 startup tiềm năng có hoạt động hoặc xuất xứ từ Việt Nam; Kevin Tùng Nguyễn (29 tuổi, doanh nghiệp công nghệ) là người đồng sáng lập JobHop – công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng của Việt Nam với mục tiêu đơn giản hóa và cải thiện quá trình tuyển dụng cho các nhà quản lý nhân sự, công ty sử dụng dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc hồ sơ ứng viên trên các trang web nhằm đề xuất những người phù hợp nhất…4.

Những hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện quyền khởi nghiệp của thanh niên

Những hạn chế về vốn khởi nghiệp, kỹ thuật chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Việc tiếp cận với kỹ thuật mới chủ yếu là học hỏi qua sách, báo, internet và những người xung quanh mà chưa được hỗ trợ. Sự liên kết, hợp tác giữa các thanh niên với nhau còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, quỹ thời gian và công tác quản lý. Nhiều thanh niên chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng khởi nghiệp cơ bản. Bên cạnh đó, thị trường không ổn định, đa phần các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên không có đầu ra ổn định; giá cả sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, khó trong việc bán ra do thói quen của người tiêu dùng cần có thời gian để thay đổi. Chưa có sự hỗ trợ đủ từ chính quyền địa phương, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước còn chưa trực tiếp đến được với TNKN. Cơ chế, chính sách mới được xây dựng đôi khi còn gây ra khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp, nhất là của thanh niên.

Hiện nay, cơ chế của chúng ta chưa cho phép Nhà nước tham gia đầu tư cho startup, kể cả thông qua hình thức hợp tác với một quỹ tư nhân mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa thực hiện triển khai Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có quy định việc “sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”. Lý do ở chỗ: chỉ một tỷ lệ nhỏ các dự án khởi nghiệp thành công, mà theo quy định hiện hành, cơ quan nào quản lý các dự án thất bại sẽ bị coi là vi phạm luật ngân sách nhà nước, phải đối diện với Bộ luật Hình sự.

Thêm một vấn đề nữa, đó là vẫn còn quan niệm cho rằng, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, hoạt động hỗ trợ đầu tiên (ví dụ trợ giúp đào tạo về năng lực) chứ không hỗ trợ trực tiếp. Đây là trở ngại khó khăn mà hệ quả là các công ty khởi nghiệp Việt Nam sẽ không nhận được sự hỗ trợ tài chính mà họ rất cần từ Nhà nước, đặc biệt ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp. Trong khi đó, tại các quốc gia Đông Nam Á.

Chẳng hạn, Chính phủ  Xinh-ga-po cung cấp nhiều khoản tài trợ, thậm chí lên đến 70% chi phí của một công ty. Thí dụ: Quỹ ACE Startups Scheme, cung cấp 70% vốn đầu tư (tối đa là 50.000 đô la Xinh-ga-po – SGD, khoảng 850 triệu đồng) cho người mang quốc tịch Xinh-ga-po hay người thường trú lần đầu tiên trở thành doanh nhân và có ý tưởng mang tính sáng tạo; (ii) Quỹ CDG (trợ giúp phát triển năng lực) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các startup để xây dựng năng lực trong 10 lĩnh vực kinh doanh, quỹ này chi trả tới 70% (không quá 30.000 SGD) tổng chi phí tư vấn, phí chứng nhận, và chi phí thiết bị và đào tạo cho các startup, đối tượng là tất cả các SME thành lập và hoạt động tại Xinh-ga-po;…5.

Nguyên nhân hạn chế là do: hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều địa phương còn đang được xây dựng và chưa hoàn thiện; ý thức khởi nghiệp trong thanh niên chưa cao và mới dừng ở kiến thức khái quát về khởi nghiệp; còn thiếu kỹ năng, kiến thức, thông tin thị trường và năng lực hoạch định kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý con người, tài chính để huy động nguồn lực. Thiếu nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư mạo hiểm với tư cách là một trong những yếu tố thương hiệu của startup. Đa số vốn đầu tư khởi nghiệp của thanh niên trong thời gian qua là từ vốn tích lũy của gia đình, vay ngân hàng và hỗ trợ của các nguồn vốn từ chính quyền và xã hội hóa.

Đối với thanh niên nông thôn, khởi nghiệp chủ yếu dựa và nhắm vào phát triển kinh tế nông nghiệp; đa số chỉ quen sản xuất theo các phương pháp truyền thống, không có đất sản xuất, hầu như không được đào tạo bài bản để có thể áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất. Đối với thanh niên vùng ven đô thị, thách thức đầu tiên chính là nguồn thu nhập kinh tế của bản thân và gia đình không ổn định. Vì thế việc huy vốn từ gia đình, cộng đồng để hỗ trợ họ khởi nghiệp là rất khó khăn, đặc biệt khi tuổi đời còn trẻ.

Thúc đẩy bảo đảm quyền khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, để thúc đẩy bảo đảm QKN của thanh niên, các chủ thể có trách nhiệm (Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và doanh nghiệp,…) cần áp dụng các biện pháp về thể chế (lập pháp, hành pháp, tư pháp)  trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa,… nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền con người, quyền công dân nói chung và QKN của thanh niên nói riêng.  Khung khổ thể chế đó sẽ thúc đẩy việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện các QKN của thanh niên về thể chất, tinh thần, tài sản và nghĩa vụ pháp lý; đồng thời, ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong thực tế khởi nghiệp.

Thứ hai, những giải pháp cụ thể cần được triển khai, thực hiện gồm: tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình TNKN, như: đa dạng hóa các hình thức truyền thông về khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho TNKN… Để làm được điều này hiệu quả, Chính phủ cần phải  hoàn thiện các chính sách hỗ trợ TNKN, tham gia phát triển kinh tế; tăng nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho thanh niên làm kinh tế thuộc đối tượng vay vốn theo quy định. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức Đoàn Thanh niên xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả Quỹ hỗ trợ TNKN, Trung tâm Hỗ trợ TNKN và hỗ trợ phát triển các vườn ươm doanh nghiệp tại các địa phương.

Thứ ba, cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện, ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích tăng cường thúc đẩy thanh niên chủ động, tích cực khởi nghiệp. Cần tiếp tục bổ sung quy định và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho thanh niên tương xứng với trách nhiệm to lớn của những người trong độ tuổi 16 – 30. Cụ thể, trong các quyền của thanh niên được quy định ở Chương 2 Luật Thanh niên năm 2005, nổi lên vấn đề quyền được sáng tạo phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định và có việc làm; những quyền này được tích hợp ở QKN.

Tính chủ động, tích cực của thanh niên trong việc thực hiện QKN là chỉ báo rất quan trọng đánh giá sức bật của thanh niên nói riêng và nền kinh tế – xã hội nói chung trong điều kiện không chỉ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang nỗ lực hướng đến và tích cực thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời góp phần bổ sung, phát triển Luật Thanh niên năm 2005 đang chuẩn bị được Quốc hội thẩm định, chuẩn y và ban hành.

Chú thích:
1. Các thông tin và tài liệu về khởi nghiệp. https://www.startupnews.com.au
2. VCCI. Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam (GEM) năm 2017/2018. H. NXB Thanh niên, 2018.
3. Chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. https://laodong.vn, ngày 13/9/2018.
4. Các thông tin và tài liệu về khởi nghiệp trẻ. https://khoinghieptre.vn
5. Khởi nghiệp thành công: Bài học từ Israel. https://doanhnhansaigon.vn, ngày 06/02/2019.

ThS. Nguyễn Thị Loan Anh
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội