Bảo vệ hiến pháp bằng pháp luật tại Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý giữ vai trò là nền tảng và vị trí tối thượng, vì thế mà việc bảo vệ Hiến pháp là rất quan trọng. Một trong những biện pháp bảo vệ Hiến pháp hiệu quả nhất là thiết lập hệ thống quy phạm pháp luật về bảo hiến, cùng với đó là xác lập các thiết chế, phương thức vận hành của các yếu tố này tạo thành một cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

 

Ảnh minh họa
Ý nghĩa của việc bảo hiến

Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản, thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều bản Hiến pháp được xây dựng cũng bảo đảm các quyền nhất định của Nhân dân. Xét về mặt nội dung, Hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia.

Một bản Hiến pháp tốt là nền tảng để tạo lập một thể chế chính trị dân chủ và một nhà nước minh bạch, quản lý xã hội hiệu quả, bảo vệ tốt các quyền lợi của người dân. Đây là yếu tố không thể thiếu để quốc gia ổn định và phát triển. Lịch sử loài người cho thấy, Hiến pháp gắn liền với vận mệnh của mỗi quốc gia.

Sự thịnh vượng, tính năng động, sức sáng tạo mạnh mẽ của xã hội và khả năng hóa giải khủng hoảng một cách nhanh chóng của một số quốc gia (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức,…) được cho là xuất phát từ những nguyên tắc được xác lập trong Hiến pháp của các nước này. Ngược lại, sự suy yếu và sụp đổ của nhiều quốc gia có nguyên nhân từ những thiết chế, quy phạm chuyên chính, tập quyền và xa rời thực tế trong Hiến pháp các nước đó.

Một bản Hiến pháp tốt rất quan trọng với mọi người dân, xét trên nhiều phương diện. Trước hết, một bản Hiến pháp tốt giúp tạo lập một nền dân chủ thực sự, trong đó mọi người dân có thể tự do bày tỏ tư tưởng, ý kiến và quan điểm về các vấn đề của đất nước và bản thân mình không sợ hãi bị áp bức hay trừng phạt. Đây là tiền đề để khai mở và phát huy trí tuệ, năng lực của mọi cá nhân trong xã hội cũng như để phòng, chống lạm quyền và tham nhũng.

Một bản Hiến pháp tốt cũng đồng nghĩa với việc ghi nhận đầy đủ các quyền con người, quyền công dân phù hợp với các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế, tạo lập cơ chế cho phép mọi người dân có thể sử dụng để bảo vệ các quyền của mình khi bị vi phạm. Hiến pháp là công cụ pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ dân quyền và nhân quyền. Cuối cùng, một bản Hiến pháp tốt, với tất cả những ưu điểm nêu trên, sẽ tạo ra sự ổn định và phát triển của đất nước, qua đó giúp người dân có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Các dạng thức vi phạm Hiến pháp

Cũng như việc thi hành các đạo luật bình thường khác, qua thực tiễn cho thấy có hai loại hành vi vi phạm Hiến pháp:

– Hành vi, hành động vi hiến là hành vi của chủ thể thực hiện hành động trái với các quy định Hiến pháp, hoặc không phù hợp với Hiến pháp. Đó có thể là hành vi của cơ quan ban hành văn bản pháp luật không phù hợp hoặc trái với Hiến pháp; hành vi của một cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm thẩm quyền (lạm quyền) mà Hiến pháp trao cho; hoặc hành vi của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào nhân danh nhà nước ngăn cản hoặc hạn chế việc thực hiện quyền và tự do hợp pháp của cá nhân người dân theo quy định của Hiến pháp.

– Hành vi không hành động vi hiến là hành vi không thực hiện thẩm quyền và nghĩa vụ đã được Hiến pháp quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Hiến pháp giao thẩm quyền, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ đó thì sẽ bị coi là vi phạm Hiến pháp không hành động.

Ở Việt Nam, việc thực thi Hiến pháp vẫn còn những bất cập. Việc nghiên cứu, phân tích các hành vi vi phạm Hiến pháp chưa được đặt ra đúng mức. Bên cạnh đó cũng tồn tại sự nhận thức sai lầm rằng, Hiến pháp cũng giống như các đạo luật thông thường khác, được ban hành ra chỉ để cho nhân dân thực hiện. Hoặc Hiến pháp là đạo luật tối cao, chỉ tập trung quy định những nguyên tắc chung mà muốn cho những quy định chung này được thực hiện, cần phải có sự cụ thể hóa bằng các đạo luật, trong khi đó, các hành vi vi hiến không phải là không có.

Hoạt động bảo hiến ở Việt Nam chỉ được hiểu và quy định ở nghĩa rộng, bao gồm các hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với các cơ quan nhà nước cấp dưới và cho đến tận hành vi tuân thủ Hiến pháp của các công dân.

(1) Vi hiến trong hoạt động lập pháp biểu hiện ở việc Quốc hội không hành động, không thực hiện đúng và đầy đủ quyền làm luật của mình. Thực tế, nhiều ngành, lĩnh vực trong tổ chức và hoạt động có sự vi phạm các quy định của Hiến pháp, luật nhưng Quốc hội thực hiện chưa được đầy đủ chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, luật; tồn tại việc thiếu tính kiên quyết hoặc không giải thích Hiến pháp kịp thời dẫn đến sự lạm quyền trong thực hiện công việc, đồng thời, tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý dẫn đến tính giám sát tối cao của Quốc hội bị hạn chế.

Trong ban hành luật, Quốc hội cũng có sự vi hiến khi có những điều luật vi phạm các quyền cơ bản của công dân, ví dụ, Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội cung cấp trái phép dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông đã vi phạm Điều 33 Hiến pháp năm 2013 về Quyền tự do kinh doanh và đây cũng chỉ là một lỗi trong số hơn 90 lỗi dẫn đến Bộ luật này phải chỉnh sửa, lùi thời hạn có hiệu lực. Đây có thể nói là sự vi hiến được phản ánh của cơ quan lập pháp.

(2) Sự vi phạm Hiến pháp trong hoạt động hành pháp bao gồm: việc ban hành các dự luật có quy định trái Hiến pháp, không đúng trình tự thủ tục. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có nội dung và quy trình, thủ tục trái với các quy định của Hiến pháp; ban hành các văn bản dưới luật dễ gây lạm quyền khi thi hành công vụ. Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật trong khi xây dựng và ban hành (tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức trình tự, thủ tục xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Điều này bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và các luật khác phải phù hợp với Hiến pháp, nhưng tính tối cao của Hiến pháp với các văn bản quy phạm pháp luật thực chất vẫn còn bị cơ quan hành pháp vi phạm.

Chẳng hạn như, một số nghị định, thông tư đã hạn chế hoặc xâm phạm đến các quyền tự do hiến định của công dân. Ví dụ: quyền sở hữu, quyền kinh doanh, hạn chế sở hữu xe theo Thông tư số 02/2003/TT-BCA ngày 13/01/2003 của Bộ Công an dẫn đến nhiều cá nhân phải bỏ thêm chi phí để được sở hữu xe máy hay Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014  của Chính phủ quy định các doanh nghiệp in không được phép hợp tác với các cơ sở in khác, dẫn đến doanh nghiệp không thể hoàn thành hợp đồng vì họ chỉ có thể làm được một khâu trong công đoạn sản xuất; Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2005 cho phép công dân dùng tài sản là bất động sản để bảo đảm nghĩa vụ quy định tại Điều 318 nhưng thực tế Luật Đất đai lại chỉ cho phép dưới hình thức thế chấp…

Như vậy, để thuận tiện cho công tác quản lý của mình, cơ quan hành pháp đã đẩy khó khăn cho người dân và không lường hết những phiền toái, khó khăn, thiệt hại mà người dân gặp phải; vi phạm trực tiếp các quyền hiến định của công dân.

(3) Tồn tại biểu hiện vi hiến trong hoạt động tư pháp thường biểu hiện dưới dạng “duyệt án”; báo cáo án, án bỏ túi hay họp 3 ngành công an – tòa án – kiểm sát để “duyệt án”, thể hiện sự thống nhất án hay chấp nhận sự can thiệp của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng mà bỏ qua một cách tùy tiện nguyên tắc hiến định tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy đã có vụ án được những người tiến hành tố tụng làm thay đổi bản chất của vụ án. Hậu quả của việc không tôn trọng Hiến pháp là án oan sai bị phát hiện ngày càng  nhiều, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng; vị thế của luật sư trong tranh tụng mờ nhạt, uy tín ngành Tư pháp bị tổn hại.

Hành vi vi phạm Hiến pháp trong hoạt động tư pháp còn thể hiện khi cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc có tính chất hướng dẫn luật làm cho người thừa hành hiểu sai, thực hiện trái nguyên tắc hiến định hoặc áp dụng pháp luật không đúng với quy định của Hiến pháp và chính các đạo luật. Điển hình trong hệ thống tòa án có văn bản nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, nghị quyết này có nội dung hướng dẫn thi hành các điều luật hoặc quy định cụ thể khoản, điểm áp dụng chi tiết đến các mức án trong hình sự hoặc cách giải quyết sự việc trong vụ án dân sự.

Đây là sự vi hiến nghiêm trọng xâm phạm đến tính tôn nghiêm của Hiến pháp, các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân, trái thẩm quyền hiến định của cơ quan tư pháp khi tòa án không phải là cơ quan lập pháp hay có quyền giải thích luật. Một số văn bản có tính quy phạm pháp luật như nghị quyết, công văn của Tòa án nhân dân Tối cao có hình thức như một thông tư tồn tại việc ban hành chưa đúng thủ tục (không lấy ý kiến các ngành liên quan, không đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng…).

Ngoài ra, tồn tại việc không thực hiện chế ước kiểm soát lẫn nhau nên tính độc lập của tòa án chưa được tuân thủ, tòa án có sự phụ thuộc nhất định về tổ chức và hoạt động vào các cơ quan khác nên thường bị can thiệp vào công tác tổ chức và cả hoạt động xét xử. Một tòa án độc lập nhưng kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất lại phụ thuộc vào cấp trên hay cơ quan nhà nước khác sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động xét xử và một cách tự nhiên, hoạt động tư pháp sẽ có hành vi vi hiến. Vì thế, rất cần sự nhận thức đúng về vai trò duy nhất của tòa án là bảo vệ công lý, công bằng thì mới hạn chế được các hành vi vi hiến trong hoạt động tư pháp và cả các hoạt động của các nhánh quyền lực khác.

Bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật

Ở Việt Nam, Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý giữa vai trò là nền tảng và vị trí tối thượng. Vì thế mà việc bảo vệ Hiến pháp cũng không kém phần quan trọng như việc xây dựng, ban hành Hiến pháp. Một trong những biện pháp bảo vệ Hiến pháp hiệu quả nhất là thiết lập hệ thống quy phạm pháp luật về bảo hiến, theo đó xác lập các thiết chế, phương thức vận hành của các thiết chế này, tạo thành một cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Ở đây, khái niệm cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật không phải là khái niệm mới mà là một cách tiếp cận khác của khái niệm cơ chế bảo hiến theo đó, chú trọng tới tính pháp lý của cơ chế bảo hiến.

Trên thực tế, cơ chế bảo hiến nào cũng phải được vận hành trên một nền tảng pháp lý được nhà nước đó thừa nhận ngay trong Hiến pháp và được cụ thể hóa bằng các đạo luật riêng. Tuy nhiên, tùy thuộc đó là cơ chế do Nhà nước thiết lập hay cơ chế xã hội bảo vệ Hiến pháp mà tính pháp lý của chúng không giống nhau. Tính pháp lý được hiểu là hoạt động bảo vệ Hiến pháp có giá trị pháp lý, khiến cho hành vi bị coi là vi hiến sẽ bị suy xét, đánh giá và kết luận theo trình tự, thủ tục luật định và chủ thể bảo hiến trực tiếp quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi hiến.

Đây cũng là điểm đặc thù riêng có của cơ chế Nhà nước thiết lập để bảo vệ Hiến pháp. Để thực hiện được điều này, trước tiên Nhà nước  phải xây dựng được một hệ thống quy phạm pháp luật, bảo vệ Hiến pháp để tạo hành lang pháp lý và các điều kiện bảo đảm cho việc bảo hiến.

Ở khía cạnh khác, cơ chế xã hội bảo vệ Hiến pháp chủ yếu mang tính phản ánh xã hội, có tác dụng tạo nên sự thống nhất trong nhận thức của nhiều chủ thể trong xã hội (nhóm xã hội, giai tầng trong xã hội…), để thúc giục các chủ thể có thẩm quyền đưa ra các quyết định để bảo vệ Hiến pháp trước nguy cơ mà họ cho rằng đó là vi hiến. Cơ chế tác động bảo hiến ở đây mang tính gián tiếp, không trực tiếp có hiệu quả pháp lý đối với chủ thể có hành vi vi hiến.

Theo cách tiếp cận cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật, vẫn nhìn nhận dưới góc độ cấu trúc cơ chế bảo hiến, gồm: thể chế bảo hiến – là quy phạm pháp luật về bảo hiến, thiết chế bảo hiến – các cơ quan, tổ chức được trao quyền bảo hiến, phương thức vận hành, phối hợp giữa các thiết chế bảo hiến, nhưng cấu trúc đó được luật hóa thành hệ thống và vận hành theo khung khổ pháp lý đã được thiết lập, trong đó Hiến pháp giữ vị trí tối thượng. Thiết nghĩ để bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật, các cơ quan xây dựng pháp luật cần phải sớm chọn và hoàn thiện 1 trong 3 phương án là: (1) Quốc hội lập Ủy ban giám sát trực thuộc Quốc hội; (2) Trao quyền bảo vệ Hiến pháp cho Tòa án Tối cao; (3) Thiết lập Tòa án Hiến pháp độc lập.

Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu Hội thảo khoa học: “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp – cơ sở lý luận và thực tiễn”. Viện Nghiên cứu Lập pháp, Văn phòng Quốc hội – Học viện Hành chính Quốc gia, 2016.
2. Nguyễn Đăng Dung. Chế ước quyền lực nhà nước. NXB Đà Nẵng, 2008.

Lê Văn Quyền
Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an