Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động chính quyền cấp xã

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong xu thế dân chủ hóa các lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay, việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó có quyền tham gia vào hoạt động của các cấp chính quyền là rất quan trọng và cần thiết. Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã.

 

Nội dung, hình thức tham gia của người dân vào hoạt động chính quyền cấp xã

Người dân có thể tham gia vào hoạt động của chính quyền cấp xã (CQCX) với nhiều phương diện và nội dung khác nhau, có thể kể đến như: tham gia vào việc thành lập các cơ quan nhà nước ở cấp xã; tham gia vào quá trình đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) của CQCX; tham gia đóng góp cho các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia vào quá trình xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH); tham gia vào thực hiện các kế hoạch KTXH; vào hoạt động kiểm tra, giám sát của CQCX.

Để thực hiện quyền tham gia vào hoạt động của CQCX, người dân có thể lựa chọn hai hình thức tham gia là trực tiếp và gián tiếp.

Tham gia trực tiếp: là hình thức mà người dân tự mình thực hiện quyền tham gia hoạt động của CQCX, trực tiếp thể hiện ý chí của mình. Hình thức này thể hiện thông qua các loại hình như bầu cử, ứng cử, tham gia tuyển dụng, tham gia trực tiếp đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước, trưng cầu dân ý,… CQCX sẽ tạo điều kiện cho người dân trực tiếp thực hiện quyền của mình mà không cần thông qua một chủ thể đại diện nào.

Xã Lê Thanh (Mỹ Đức – Hà Nội) tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trong xã. Người dân tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Nguồn: https://myduc.hanoi.gov.vn).

Tham gia gián tiếp: là hình thức mà người dân tham gia hoạt động của CQCX thông qua một tổ chức hay cá nhân đại diện như thông qua đại biểu Hội đồng nhân dân, thông qua các tổ chức chính trị – xã hội hay thông qua đơn vị tự quản ở địa phương, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng,… Thông qua những tổ chức này, người dân sẽ đề xuất các ý kiến, kiến nghị để các tổ chức truyền đạt với CQCX giải quyết.

Việc lựa chọn nội dung và hình thức tham gia nào phụ thuộc vào trình độ dân trí; mức sống của người dân; cách thức chính quyền thu hút; đặc điểm, tính chất của vấn đề; mối quan hệ giữa chính quyền và người dân…

Quyền tham gia quản lý nhà nước của người dân trong các quy định pháp luật

Hiện nay, việc tham gia của người dân vào hoạt động của CQCX được quy định chung trong các văn bản quy định về quyền tham gia quản lý nhà nước (QLNN) của người dân. Quyền tham gia vào hoạt động QLNN nói chung và hoạt động của CQCX nói riêng là một quyền Hiến định. Quyền này đã được ghi nhận qua các bản Hiến pháp.

Hiến pháp năm 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều thứ 7). Đồng thời, quy định các quyền tham gia cụ thể như: quyền bầu cử, ứng cử (Điều thứ 18); quyền phúc quyết (Điều thứ 21).

Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định quyền tham gia QLNN của người dân thông qua: Quyền bầu cử, ứng cử (Điều 23); Quyền tố cáo (Điều 29).

Hiến pháp năm 1980 không sử dụng thuật ngữ “tham gia quản lý nhà nước” mà thay bằng thuật ngữ “tham gia quản lý công việc của nhà nước và xã hội”. Theo đó: “Công dân có quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội” (Điều 56).

Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, lần đầu tiên Hiến định thuật ngữ “tham gia quản lý nhà nước” của công dân. Theo đó: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 53).

Hiến pháp năm 2013 kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 về quyền tham gia QLNN của người dân. So với Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 thì Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tham gia QLNN của người dân một cách cụ thể và chi tiết hơn. Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Các quyền tham gia QLNN cụ thể cũng được quy định trong các điều khoản, như: Quyền bầu cử, ứng cử (Điều 7, Điều 27); Quyền được biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29); Quyền khiếu nại, tố cáo của Nhân dân đối với việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 1 Điều 30).

Ngoài các quy định trong Hiến pháp thì quyền tham gia vào hoạt động của CQCX còn được quy định trong các văn bản luật như: Luật Trưng cầu dân ý năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Tiếp công dân năm 2013,…

Hiện nay, văn bản pháp luật trực tiếp quy định về việc người dân tham gia vào hoạt động của CQCX là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Giải pháp thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động của chính quyền cấp xã
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về sự tham gia của người dân.

Pháp luật là một trong những công cụ rất quan trọng để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của người dân. Để sự tham gia của người dân thực sự có hiệu quả thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều quan trọng và cần thiết. Pháp luật cần quy định cụ thể các hình thức, cơ chế, cách thức tham gia của người dân cả về trực tiếp và gián tiếp.

Đặc biệt, khi Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định hình thức tham gia trực tiếp thì hình thức này cần phải được quy định cụ thể và chi tiết. Hệ thống pháp luật cần định hình được cơ chế và cách thức để người dân tham gia QLNN. Đối với những nội dung bắt buộc phải lấy ý kiến của người dân thì phải bảo đảm cho người dân. Đối với những vấn đề trưng cầu dân ý hay lấy ý kiến của người dân thì cần quy định rõ ràng vấn đề lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, cách thức lấy ý kiến,… Cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tiếp công dân.

Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11. Để khẳng định quyền tham gia của người dân ở cơ sở thì cần nâng cấp Pháp lệnh này thành Luật, đồng thời ban hành các văn bản cụ thể để hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa CQCX và người dân.

Việc người dân tham gia chỉ thực sự phát huy hiệu quả cao khi có sự liên kết chặt chẽ giữa CQCX và người dân. Vì vậy, phải xây dựng được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa người dân và CQCX. Cần tạo nên sự tin tưởng từ phía người dân khi tham gia hoạt động của CQCX.

Người dân thôn Nà Ché, xã Thượng Giáo đưa ra ý kiến tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể với nhân dân (Nguồn: https://babe.backan.gov.vn).

CQCX cần xây dựng một mô hình “chính quyền thân thiện” đối với người dân. Có như vậy, người dân mới thực sự yên tâm và chủ động khi giao dịch hay tham gia QLNN. CBCC phải luôn thể hiện tinh thần phục vụ khi giải quyết những công việc với người dân, phải bảo đảm tôn trọng, cầu thị với người dân. Xây dựng một môi trường công sở thân thiện với người dân, với hình ảnh “nụ cười công chức” khi thực thi công vụ. Mối quan hệ thân thiện không chỉ được thể hiện trong giao tiếp công vụ, trong công sở mà nó cần phải được thể hiện trong đời sống thường nhật. CBCC cần chủ động trao đổi và lắng nghe người dân để nắm bắt kịp thời các thông tin. Khi về nơi cư trú, CBCC cũng cần tích cực lắng nghe ý kiến của người dân.

Thứ ba, lựa chọn các hình thức tham gia phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

Việc lựa chọn cách thức tham gia phải căn cứ vào đặc điểm của địa bàn hành chính, đặc điểm của từng đối tượng, từng lĩnh vực thu hút, có như vậy mới nắm bắt và phát huy được lợi thế của từng đối tượng. Chẳng hạn:

(1) Đối với những địa bàn hành chính mang tính chất đô thị, như: phường, thị trấn với điều kiện KTXH phát triển, trình độ dân trí khá cao, do đó, cần phát huy các hình thức tham gia trực tiếp. Đối với các xã, thị trấn vùng nông thôn thì việc thu hút tập trung vào đóng góp ý kiến, góp công sức và tham gia giám sát.

(2) Đối với các đối tượng:  là công nhân, cần kết hợp với các doanh nghiệp, các khu vực nhà trọ để lôi cuốn họ tham gia với các hình thức như: giữ gìn trật tự xã hội, đóng góp các ý kiến… Đối với đối tượng là nông dân thì việc thu hút tập trung vào tham gia đóng góp vốn, công sức,… vào việc thực hiện các chính sách KTXH. Trong khi đó, đối với các đối tượng là người buôn bán thì thu hút họ tham gia vào quá trình đóng góp các nguồn vốn. Đội ngũ trí thức thì tập trung thu hút tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến cho xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển KTXH…

Thứ tư, nâng cao nhận thức của CBCC và người dân.

Để việc người dân tham gia hoạt động của CQCX đi vào thực chất và hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của cả CBCC và người dân. Người dân chính là chủ thể của hoạt động tham gia QLNN. Mỗi người dân và CBCC cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nội dung, ý nghĩa và sự cần thiết đối với việc tham gia của người dân vào hoạt động của CQCX.

Đội ngũ CBCC cũng cần nhận thức việc tham gia của người dân phải gắn liền với trách nhiệm thu hút của cơ quan nhà nước. Việc người dân tham gia QLNN không phải là quyền tự chọn, tự quyết định của cơ quan nhà nước mà đây là một nội dung đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản luật. Trong xu thế dân chủ hóa hiện nay,  mối quan hệ giữa chính quyền và người dân đã có sự thay đổi. Đó không còn là quan hệ mang tính chất mệnh lệnh một chiều mà đó là quan hệ mang tính chất hai chiều, có sự gắn bó chặt chẽ, sự tương tác giữa chính quyền và người dân ngày một tăng lên.

Bên cạnh đó, việc người dân tham gia cũng là một cách thức hỗ trợ cho hoạt động QLNN. Hoạt động QLNN sẽ trở nên hiệu lực, hiệu quả hơn, hoạt động của CBCC sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn khi huy động được sự tham gia của người dân. CBCC, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cần thấy được tầm quan trọng, những lợi ích cũng như trách nhiệm của CQCX trong thu hút người dân tham gia QLNN.

Trong khi đó, đối với người dân, việc nâng cao nhận thức này tập trung vào vai trò, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tham gia vào hoạt động của CQCX. Người dân cần thấy rõ được lợi ích của mình khi tham gia vào hoạt động này. Chính quyền phải làm cho người dân thấy rõ việc tham gia QLNN là cách để người dân thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người dân cần hiểu rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và biến nó thành những hành động cụ thể trong thực tế.

Thứ năm, phát huy tính chủ động của người dân.

Sự tham gia của người dân vào hoạt động QLNN được thể hiện rõ nét qua khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Để có thể biết, bàn, làm và kiểm tra thì người dân phải có trình độ, hiểu biết về pháp luật và chính sách, hiểu được nội dung, yêu cầu của những vấn đề đặt ra. Trình độ nhận thức của người dân quyết định việc tiếp nhận, xử lý thông tin, hiểu và tiếp thu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, chính quyền cần có những biện pháp thiết thực để nâng cao dân trí. Song song với việc nâng cao dân trí thì CQCX cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền những kiến thức về pháp luật, những chủ trương, chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có các chính sách để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Một khi người dân đã được cải thiện về đời sống vật chất thì họ sẽ chủ động hơn trong việc tham gia QLNN.

Việt Nam đang trong tiến trình cải cách hành chính và phát triển các lĩnh vực đời sống KTXH. Để thực hiện thành công và hiệu quả quá trình này, đòi hỏi các cấp chính quyền phải tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, nhất là hoạt động CQCX. Mở rộng sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động QLNN sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, ổn định chính trị, phát triển KTXH trong điều kiện hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), 2013.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
3. Dương Quang Tung. Huy động sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 143, tháng 12/2007.

ThS. Trần Bá Hùng
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh