Người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu

Bài 3: Bàn về văn hoá từ chức

Thực tiễn trên thế giới, một nhà lãnh đạo, một chính khách khi thấy mình không còn được tin tưởng và được tín nhiệm nữa thì đều sẵn sàng xin từ chức. Ở phương Đông, quan chức thời xưa cũng có hành động tương tự, đó là “từ quan”. Đây không phải là sự chối bỏ trách nhiệm mà là phản ứng tự nhiên của lòng tự trọng, nền tảng cơ bản nhất của văn hóa chính trị. Hành động đó thể hiện sự từ chối quyền lực, bổng lộc một cách rất nhẹ nhàng. Hạt nhân của văn hoá từ chức là sự nhận thức cao về tinh thần trách nhiệm cá nhân.

 

Ảnh minh hoạ.
Khái quát về trách nhiệm chính trị

Trách nhiệm chính trị (TNCT) là loại hình trách nhiệm được xác định bởi các quan hệ và thể chế chính trị. Việc thiết lập nên chủ thể của TNCT, cơ chế bảo đảm, cũng như chế tài áp dụng đối với các chủ thể này… đều thông qua cơ chế chính trị1. Chủ thể của TNCT là những người nắm các chức danh được hình thành thông qua sự tín nhiệm của cử tri hoặc cơ quan đại diện cử tri, cụ thể là thông qua cơ chế bầu hay phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm. Ở Việt Nam, những người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) như Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) không phải do cử tri trực tiếp bầu ra, vì vậy, chế tài về TNCT được thực hiện thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri là Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Cơ sở của TNCT là sự tín nhiệm của cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền hoặc có ảnh hưởng mang tính quyết định đến chức vụ mà chính khách đang nắm giữ2. Tùy thể chế mà TNCT được xác lập dựa trên sự tín nhiệm của cử tri một cách trực tiếp (người dân trực tiếp bầu) hoặc một cách gián tiếp – thông qua cơ quan đại diện cử tri (HĐND và Quốc hội). Ở Việt Nam, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND mà quan trọng nhất là chất vấn, nghe báo cáo và bỏ phiếu tín nhiệm chính là công cụ để bảo đảm TNCT của người đứng đầu CQHCNN.

Về nội dung, nhìn chung, TNCT là trách nhiệm về “hình ảnh chính trị”. Chủ thể của TNCT có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn hình ảnh chính trị của mình sao cho “đẹp lòng” cử tri, qua đó, nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri. Dưới góc độ QLNN, hình ảnh chính trị của người đứng đầu CQHCNN xuất phát từ yếu tố quan trọng và cơ bản nhất, đó là các chính sách mà người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện. Vì vậy, “Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm về chính sách, không phải trách nhiệm về hành vi”3.

Các chính sách mà người đứng đầu CQHCNN có trách nhiệm ban hành thể hiện dưới hình thức cơ bản là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa phương trong thẩm quyền quản lý. CQHCNN chịu trách nhiệm quản lý nhà nước ở ngành, lĩnh vực, địa phương nào thì người đứng đầu CQHCNN có trách nhiệm ban hành và triển khai thực hiện chính sách ở ngành, lĩnh vực, địa phương đó. Sự tín nhiệm của Quốc hội, của HĐND đối với chính sách của Chính phủ, của bộ, của UBND cũng là sự tín nhiệm đối với chính Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND4.

Chế tài duy nhất của TNCT, đó là sự “bất tín nhiệm”. Do đó, “Trách nhiệm chính trị được xác lập dựa trên sự tín nhiệm. Và sự bất tín nhiệm chính là loại chế tài duy nhất ở đây5. Với TNCT, còn tín nhiệm thì người đứng đầu CQHCNN còn chức quyền, hết tín nhiệm thì người đứng đầu CQHCNN hết chức quyền. Khi một quan chức tuyên bố sẵn sàng chịu TNCT trước Quốc hội, HĐND thì điều đó có thể hiểu như sau: nếu Quốc hội/HĐND không tín nhiệm, tôi sẵn sàng từ chức.

Quan niệm về từ chức

Từ chức là việc rời bỏ chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ. Việc từ chức là quyết định cá nhân của một người giữ chức vụ nào đó. Quyết định đó tự động hay do áp lực nào đó từ bên ngoài.

Khi nào vấn đề từ chức được đặt ra?

Thông thường, vấn đề từ chức được đặt ra khi xảy ra các sự việc ảnh hưởng lớn tới tổ chức, khiến cho:

(1) Giá trị và/hay đạo đức cốt lõi bị xâm phạm.

(2) Hướng phát triển chiến lược bị xô lệch.

(3) Thành quả kém cỏi.

(4) Chính sách nhân sự không được thực hiện hay thực hiện nghèo nàn.

(5) Dân chúng không còn tin tưởng người lãnh đạo.

Mục đích của từ chức

(1) Để khỏi bị cách chức. Đây là mục đích khi sự cách chức là cần thiết, nhưng hoàn cảnh cần sự việc diễn ra êm thấm.

(2) Để nhận trách nhiệm. Đây là trường hợp chiếm đa số. Ví dụ, trước một tai nạn đường sắt do bất cẩn gây chết vài người, bộ trưởng từ chức để chịu trách nhiệm.

(3) Để sự việc được điều tra một cách thuận lợi. Khi sự việc xảy ra và cần điều tra, người lãnh đạo tự giác đứng ra xa để việc điều tra được thuận lợi và để tránh sự nghi ngờ của dân chúng. Sau giai đoạn điều tra, nếu cần xử lý, việc đứng ra ngoài của người lãnh đạo có liên quan cũng khiến việc xử lý dễ hơn, dân chúng dễ đồng tình với giải pháp xử lý vì tin vào tính khách quan và công tâm hơn.

4) Để giúp chính phủ và đảng của đương sự bớt lúng túng, khó xử vì hoàn cảnh trước mắt. Trong nhiều trường hợp, từ chức còn giúp chính phủ tỏ rõ quyết tâm cải cách và dễ thu phục lòng dân khi đưa ra các giải pháp lâu dài6.

Để từ chức trở thành văn hóa chính trị

Văn hóa từ chức là một biểu hiện của văn hoá chính trị, văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi những người lãnh đạo thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, hay nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ thì họ sẽ từ chức. Văn hóa từ chức cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Văn hóa từ chức là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất về một nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và đầy dũng khí, tương phản với nó là một nền chính trị thiếu văn minh được đặc trưng bằng những nhà cầm quyền “tham quyền cố vị” giữ địa vị bằng mọi giá, chà đạp lên dư luận xã hội chỉ để duy trì quyền lực của mình.

Như vậy, một trong những biểu hiện mạnh mẽ của một người đứng đầu CQHCNN có đạo đức, đó là có dũng khí từ chức khi nhận thấy bản thân chưa đóng tròn “vai” người đứng đầu. Trên thế giới, một nhà lãnh đạo, một chính khách khi thấy mình không còn được tin tưởng và được tín nhiệm nữa thì đều sẵn sàng xin từ chức. Ở phương Đông, quan chức thời xưa cũng có hành động tương tự, đó là “từ quan”. Đây không phải là sự chối bỏ trách nhiệm, mà là phản ứng tự nhiên của lòng tự trọng, nền tảng cơ bản nhất của văn hóa chính trị. Hành động đó thể hiện sự từ chối quyền lực, bổng lộc một cách rất nhẹ nhàng. Hạt nhân của văn hoá từ chức là sự nhận thức cao về tinh thần trách nhiệm cá nhân.

Do đó, đối với người đứng đầu CQHCNN, cần tuyên truyền, giáo dục để họ thấy rằng trong cuộc đời, ngoài con đường quan chức còn có rất nhiều con đường khác để góp sức có ích cho xã hội. Sự từ chức đúng lúc tạo nên phẩm chất, uy tín, quan cách của người từ bỏ quyền lực.

Về phía dư luận, cần tuyên truyền để thấy từ chức là vấn đề mang tính văn hóa; những người từ chức là những người dũng cảm, đầy trách nhiệm và đáng được khích lệ. Tuy nhiên, xã hội chỉ ủng hộ những người từ chức để thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng; không đồng tình với kiểu từ chức để chạy trốn trách nhiệm, hậu quả.

Về phía các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong quản lý nhân sự, cần có sự nhìn nhận khách quan trong vấn đề từ chức và có cách thức sử dụng người từ chức hợp tình, hợp lý. Một người có thể không làm tốt vị trí người đứng đầu nhưng họ hoàn toàn có thể làm tốt việc khác. Không thể phủ định sạch trơn rằng, một người phải từ chức là hoàn toàn bỏ đi. Còn rất nhiều lĩnh vực khác, công việc khác họ có thể làm tốt, thậm chí rất tốt. Vấn đề là các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải biết dùng, dám dùng. Nếu thực hiện được điều này, cùng với sự nhìn nhận, ghi nhận công tâm từ phía dư luận xã hội, có thể sẽ khiến người đứng đầu có thêm dũng khí để từ chức bởi họ nhận thấy vẫn còn những con đường khác để tiếp tục thể hiện khả năng./.

Chú thích:
1,3,5. Nguyễn Sỹ Dũng. Trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý trong Thế sự – một góc nhìn. H. NXB Tri thức, 2007, tr. 34-37.

2. Đặng Xuân Phương. Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 51 – 52.
4. Nguyễn Đăng Dung. Chính phủ trong nhà nước pháp quyền. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, tr. 477.
6. Từ chức và trách nhiệm. http://www.thesaigontimes.vn.

TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Nguyễn Lưu

Học viện An ninh nhân dân