75 năm – Nhớ về vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước từ khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa . Hình ảnh của ông là tấm gương sáng, mẫu mực, đức độ – một nhân cách lớn, hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết khái quát dấu mốc quan trọng của đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời; những đóng góp, cống hiến của ông là vô cùng quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng ngành Tổ chức nhà nước, công tác chính quyền dân chủ nhân dân, đặc biệt là công tác cán bộ và tổ chức cán bộ trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ người dân Việt Nam mà cả thế giới đều biết đến ông là nhà quân sự lỗi lạc- Tổng tư lệnh Quận đội nhân dân Việt Nam.Tuy nhiên, ít người biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn như một kiến trúc sư trong nền hành pháp của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) về tổ chức nhà nước. Lúc bấy giờ có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao Võ Nguyên Giáp lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thời gian làm bộ trưởng không lâu chỉ 06 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946). Tuy nhiên, khối lượng công việc là rất đồ sộ, ông đã giải quyết được những vấn đề nền tảng, then chốt về bộ máy hành chính và tổ chức nhân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của một nhà nước non trẻ lúc bấy giờ – Chính phủ cách mạng lâm thời nước VNDCCH.

Sự lựa chọn của lịch sử

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải chịu nhiều cuộc xâm chiếm, đô hộ của ngoại bang. Trong cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ XX, dưới sự đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp và địa chủ phong kiến tay sai, trước cảnh đất nước “lầm than” người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân vào ngày 05/6/1911 trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville và Người đặt chân đầu tiên lên đất Pháp, bắt đầu cho cuộc hành trình gian nan đi tìm chân lý, ánh sáng cách mạng – chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tuy nhiên, cũng đúng năm 1911, Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà nho đức độ tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Một sự sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng lại là sự lựa chọn kỳ diệu của lịch sử. Bởi lẽ, sau gần 30 năm Nguyễn Tất Thành và Võ Nguyên Giáp trở thành đồng chí, thành thầy – trò và đều được Nhân dân tiến bộ trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao là những người có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với các phong trào cách mạnggiải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trênthế giới ở thế kỷ XX.

Với truyền thống của gia đình nho học, yêu nước Võ Nguyên Giáp học ở Trường Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học tại Trường Albert Sarraut, tốt nghiệp nhận bằng cử nhân luật; là thầy giáo dạy sử học tại Trường tư thục Thăng Long. Võ Nguyên Giáp đã tham gia cách mạng từ rất sớm. Từ năm 1925 đến 1926, ông tham gia vào phong trào biểu tình lớn của học sinh, sinh viên ở Huế chống thực dân Pháp; năm 1927 ông tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Có thể nói, lúc bấy giờ người thiếu niên trẻ Võ Nguyên Giáp đã thấm đượm tinh thần yêu nước, có màu sắc chủ nghĩa xã hội, chống lại mọi áp bức, bóc lột. Năm 1930, đối với toàn bộ các phong trào dân tộc, cũng là năm sảy ra nhiều vụ đụng độ với thực dân Pháp, ông đã tham gia phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, bị bắt và bị kết án 2 năm tù giam ở Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, sau đó được trả tự do. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh.

Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ta ở Hà Nội; đồng thời tham gia cộng tác tại các Báo Lao động, Báo Tiếng nói của chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ giải phóng… và được cử làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ. Trong thời kỳ này, ông và các nhà yêu nước chủ yếu hoạt động bí mật, với chủ trương đoàn kết tất cả các lực lượng công nông, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, tất cả các kế hoạch, chương trình hành động đều do Đảng ta đề ra từ năm 1930.

Từ năm 1936 – 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia tích cực phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Tháng 6/1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng trong năm này ông bí mật sang Trung Quốc và gặp được Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đây Võ Nguyên Giáp trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1941, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh phái về nước, bí mật tiến hành xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.Tháng 4/1945, ông được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ, đến tháng 5/1945 là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945 được giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng; tháng 8/1945 được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước VNDCCH

Sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.Trước tình hình đất nước đang đứng trước vô vàn khó khăn và phức tạp bởi thù trong, giặc ngoài luôn tìm cách chống phá, xâm chiếm một nhà nước non trẻ. Vì vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm thành lập cho được một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Ngày 27/8/1945 Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sỹ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân đã giao phó cho”1.

Do đó, Chính phủ lâm thời lúc này có 13 bộ được thành lập, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng tham mưu cho Chính phủ xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, theo dõi, điều hành công tác nội trị… và là đầu mối phối hợp hoạt động của các bộ. Chính vì vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời ngành Tổ chức nhà nước của Nhà nước cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chính quyền của ta lúc đó còn non trẻ, vì vậy Bộ Nội vụ có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng, kiện toàn chính quyền nhà nước các cấp từ cơ sở xã, huyện đến các tỉnh, các kỳ, các thành phố, thị xã từ Trung ương đến địa phương trong cả nước. Mặt khác, Bộ Nội vụ không chỉ coi trọng công tác tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và công tác cán bộ chính quyền, công tác thanh tra mà công tác an ninh cũng rất được coi trọng. Trong Bộ Nội vụ lúc bấy giờ có Nha Công an phụ trách công tác an ninh.

Nhằm củng cố, kiện toàn ngành Tổ chức nhà nước, ngày 19/01/1946 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 14/NĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cầu tổ chức của bộ. Lãnh đạo Bộ Nội vụ thời kỳ này bao gồm: Bộ trưởng, Đổng lý Văn phòng, Chánh Văn phòng; cơ quan bộ có hai bộ phận là Văn phòng và các Nha: Nha Công chức và Kế toán, Nha Pháp chế và Hành chính, Nha Thanh tra và Nha Công an.

Để sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp tham mưu chuẩn bị một sắc lệnh thực hiện Tổng tuyển cử, phổ thông đầu phiếu trong cả nước, bầu ra Quốc hội để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đây là nhiệm vụ bức thiết, khó khăn nhất lúc bấy giờ. Bởi vì, theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải kêu gọi được người hiền tài ra giúp nước. Sau cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội bầu ra Chính phủ chính thức với đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức tiêu biểu đã tham gia. Đây có thể nói là nhiệm vụ xuất sắc đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân dân đã tin tưởng giao phó.

Trong thời gian 6 tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, với tài năng, tầm nhìn chiến lược Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo xóa bỏ, giải tán các tổ chức chính trị phản động; các chính sách của chính quyền thực dân phong kiến; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân.

Sau 2 ngày nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 01-SL ngày 30/8/1945 về việc cử ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Đây là sắc lệnh đầu tiên của Bộ Nội vụ về bổ nhiệm nhân sự cho các bộ, ngành của đất nước.

Để giữ an toàn cho ngày Tuyên ngôn độc lập, ngày 01/9/1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 03-SL về tuyên bố “Thiết quân luật tại Hà Nội”, trong đó cấm đi lại trên phố từ 12h đến 6h sáng và không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép.

Ngày 05/9/1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 05-SL về việc bãi bỏ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam – lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là biểu tượng của đất nước Việt Nam cho tới tận bây giờ vẫn không thay đổi; cungx trong ngày 05/9/1945 thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh số 8-SL về việc giải tán “Đại Việt quốc gia xã hội Đảng” và “Đại Việt quốc dân Đảng”.

Sắc lệnh số 14-SL ngày 08/9/1945 về việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; Sắc lệnh số 19-SL ngày 08/9/1945 về việc thiết lập những lớp bình dân học vụ buổi tối cho nông dân và thợ thuyền; Sắc lệnh số 20-SL ngày 08/9/1945 về việc bắt buộc học chữ quốc ngữ và không mất tiền cho tất cả mọi người. Theo đó, tại khoản 2, Sắc lệnh số 19-SL nêu rõ: “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền”.

Sắc lệnh số 25-SL ngày 10/9/1945 về việc ấn định cho Bộ Tài chính lấy tiền ở Kho bạc mỗi khi có việc cấp bách. Đặc biệt, tại Sắc lệnh số 21-SL ngày 08/9/1945 về việc cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc và Sắc lệnh số 23-SL ngày 10/9/1945 về việc cử ông Vĩnh Thụy làm cố vấn Chính phủ lâm thời nước VNDCCH… Đây là những sắc lệnh thể hiện sinh động trong chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ có nhiều phe cánh, đảng phái chính trị.

Đặc biệt, cũng trong thời gian này ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập ban dự thảo Hiến pháp, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng bằng tài năng của mình cùng sự giúp đỡ của các nhân sĩ yêu nước, giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ban soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua bản Hiến pháp năm 1946 – đây là một Đạo luật cơ bản đầu tiên của nước VNDCCH.

Như vậy, chỉ trong khoảng 6 tháng với cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành khoảng 100 sắc lệnh, trong đó có 30 Sắc lệnh3 ông thay mặt Chính phủ ký ban hành là minh chức sinh động, cụ thể cho vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước VNDCCH.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực, đức độ – một nhân cách lớn

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở Võ Nguyên Giáp là một con người cốt cách cao đẹp, lòng yêu nước nồng nàn, một nhà báo, nhà giáo và sau này là nhà quân sự lỗi lạc, một nhà chính trị có tư duy và trái tim nhân văn cao cả. Thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thầy giáo môn lịch sử, hơn ai hết ông luôn thấu hiểu truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất tự cường, lòng tự tôn của một dân tộc phải chịu nhiều ách đô hộ, áp bức của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai… Những hình ảnh đó đã thấm vào máu thịt, tạo nên một tình yêu nước, thương dân thiết tha của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biết đến là một vị tướng tài, đức, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân. Đức độ, tài năng của ông là niềm tin trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của chính những tướng lĩnh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã từng là kẻ thù của nhau. Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, Peter Mac Donald, đánh giá: “Từ năm 1944 – 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là một người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có…”4.

Có thể nói, ở những nhiệm vụ khác nhau, lúc làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước VNDCCH; đấu tranh với địch trên bàn hội nghị; xông pha trên trận tuyến ác liệt; “lúc nhận nhiệm vụ phụ trách công tác khoa học – kỹ thuật, dù rất mới mẻ, nhưng với tinh thần học hỏi, nghiên cứu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại những dấu ấn khó phai mờ”5.

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng, của dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc bằng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất London, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi đang còn sống.

Các học giả nước ngoài đã đánh giá rất cao về tài năng và đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow (1925-2013) đã viết: “Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sỹ quan trên chiến trường”. Tờ xã luận EL Moudjahd của Algerie ra ngày 04/01/1976 nhấn mạnh: “Tướng Giáp còn hơn một anh hùng. Ông thuộc dòng các chiến sỹ mà người ta sẽ kể chiến công từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có lẽ ngay cả các nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết để kể lại đầy đủ những giá trị của ông”6.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Bộ Nội vụ đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng về các ngành, lĩnh vực như: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực của Chính phủ về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực trong việc tham mưu, đề xuất đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần quan trọng cho việc từng bước xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển trong kỷ nguyên số.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang đó, chúng ta vô cùng biết ơn đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đồng chí Võ Nguyên Nguyên Giáp – vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên đức độ, đáng kính là những người đặt nền móng trong việc xây dựng ngành Tổ chức nhà nước. Phát huy những thành tựu to lớn của Bộ Nội vụ qua 75 năm, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ nói riêng và ngành Tổ chức nhà nước nói chung, quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả… để sớm đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển hùng cường và thịnh vượng.

Chú thích:
1. Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2008, tr. 323 – 324.
2. Bộ Nội vụ 65 năm xây dựng và phát triển (1945-2010). H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010, tr. 10.
3. Sưu tập Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mắt các học giả quốc tế. Xem: https://vnexpress.net, ngày 25/10/2013.
5, 6. 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. H. NXB Hà Nội, 2011, tr. 57, tr. 95.

Lê Doãn Sơn
Tạp chí Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ