Phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở ở Việt Nam hiện nay  

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực là một nội dung quan trọng trong quản lý nguồn nhân lực. Đối với cấp sở, hoạt động phát triển nguồn nhân lực phụ thuộc vào đặc thù của sự phân cấp quản lý và chuyên môn mà các sở phụ trách. Hoạt động của nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở có vai trò rất lớn, tạo ra những bước thay đổi và phát triển căn bản liên quan đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực ở địa phương. Phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở chính là tạo ra đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động chuyên nghiệp thông qua công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tuyển dụng, đánh giá…

 

Ảnh minh họa
Khái quát về phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở

Phát triển nguồn nhân lực (NNL), hiểu theo nghĩa chung nhất là quá trình tạo ra sự thay đổi về số lượng, nâng cao chất lượng, phẩm chất NNL, nâng cao hiệu quả sử dụng NNL nhằm chuẩn bị và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của vùng hay của một tổ chức.

Cấp sở là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Ở đây, phát triển NNL lãnh đạo, quản lý (LĐQL) cấp sở nằm trong phạm vi điều chỉnh của việc phát triển nhân lực LĐQL ở khu vực hành chính công. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, sự dịch chuyển lao động và tài chính giữa các quốc gia, đặc biệt là quá trình cải cách hành chính nên các nhà LĐQL ở khu vực hành chính công đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, nhu cầu phát triển một đội ngũ LĐQL làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo và hiệu quả cho khu vực hành chính công trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt. Cấp sở, với tư cách là cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp tỉnh trong lĩnh vực công nên cũng nằm trong bối cảnh chung này.

Phát triển NNL LĐQL cấp sở là phát triển NNL trong một tổ chức có những vị trí và nhiệm vụ đặc thù. Mục tiêu mà nó hướng tới là tạo ra NNL chất lượng cao trong hoạt động LĐQL nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, chiến lược và sự phát triển chung của cấp sở, nhất là khi NNL này là mắt khâu quan trọng tác động đến hiệu quả hoạt động của cả bộ máy hành chính nhà nước.

Về phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở hiện nay

Thứ nhất, phát triển NNL LĐQL cấp sở thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD).

Phát triển NNL, nhất là NNL LĐQL, trước hết phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng NNL. Để thực hiện tiêu chí này thì hoạt động ĐTBD là một khâu rất quan trọng, quyết định chất lượng NNL.

Đối với NNL LĐQL cấp sở, đào tạo và bồi dưỡng là hoạt động nhằm hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng LĐQL, đồng thời rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Hoạt động đào tạo cán bộ LĐQL cấp sở cần thực hiện liên tục nhằm giúp họ tiếp cận với những kiến thức mới nhất trong ngành để hoạch định chiến lược, tổ chức thực hiện phát triển ngành trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Theo đó, có thể thực hiện các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao trình độ tư duy lý luận…

Còn trong hoạt động bồi dưỡng NNL LĐQL cấp sở thì việc trang bị và cập nhật đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là yêu cầu bắt buộc, bởi một trong những tiêu chuẩn “cứng” của LĐQL cấp sở là “có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương”1. Ngoài ra, đội ngũ này còn phải được bổ túc các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, năng lực, kỹ năng LĐQL cấp sở hoặc tương đương, bồi dưỡng về trình độ ngoại ngữ, tin học, các kiến thức về phát triển kinh tế – xã hội, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cải cách hành chính… và đặc biệt là trách nhiệm của LĐQL cấp sở.

Hiện nay, việc ĐTBD được thực hiện chú trọng vào những lĩnh vực chuyên môn theo đặc thù của từng sở do các sở tổ chức và vào năng lực quản lý nhà nước cũng như vị trí LĐQL của cán bộ, do Học viện Hành chính Quốc gia đảm nhận. Bởi theo mục 2 Điều 27 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức thì chỉ có Học viện Hành chính Quốc gia là cơ sở thực hiện các chương trình ĐTBD dành cho cấp sở, trong đó có chương trình dành cho LĐQL sở (bao gồm giám đốc và phó giám đốc các sở).

Thứ hai, phát triển NNL LĐQL cấp sở thông qua công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi tuyển và đãi ngộ.

Nếu phát triển NNL nói chung cần chú trọng ở ba khía cạnh là: chất lượng, số lượng và cơ cấu thì việc phát triển NNL LĐQL cấp sở thông qua các hình thức như quy hoạch, bổ nhiệm, thi tuyển và đãi ngộ chính là những nội dung đặc thù, tạo ra những chuyển biến tích cực, bền vững về mặt số lượng và chất lượng cũng như sự phân bổ hợp lý NNL này.

(1) Về công tác quy hoạch.

Là một bộ phận trong khu vực hành chính công, việc phát triển NNL LĐQL cấp sở cần sự kết hợp giữa ĐTBD để nâng cao chất lượng NNL với việc thực hiện các công đoạn về quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng và đãi ngộ để làm thay đổi chất lượng, số lượng và cơ cấu NNL. Để phát triển NNL LĐQL cấp sở thì một trong những nội dung chủ yếu là tạo ra được đội ngũ kế cận liên tục, đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất đạo đức. Để làm được điều này, cần có một thiết kế tổng thể mang tính chiến lược và dài hạn mà trong đó quy hoạch là khâu đầu tiên rất quan trọng. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập năng động hiện nay, ngoài các yêu cầu về chuyên môn và trình độ thì độ tuổi cũng là một yếu tố cần xem xét trong công tác quy hoạch NNL LĐQL cấp sở nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ LĐQL, phát huy tính nhanh nhạy, năng lực tiếp thu và lĩnh hội cái mới, khả năng bứt phá để phát triển.

Thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ LĐQL cấp sở theo các bước và trình tự của tổ chức đã được các sở thực hiện khá đồng bộ và kịp thời. Theo kết quả điều tra, khảo sát của tác giả (thực hiện trên 1.331 mẫu khảo sát đối với các chức danh LĐQL cấp sở), giai đoạn 2015 – 2019, tất cả các sở trên cả nước đã triển khai thực hiện công tác quy hoạch LĐQL (chức danh giám đốc, phó giám đốc sở): giám đốc sở đã quy hoạch 207 người; phó giám đốc sở quy hoạch 659 người.

(2) Về công tác bổ nhiệm.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của tác giả, giai đoạn 2015 – 2019, tất cả các sở đã triển khai thực hiện công tác bổ nhiệm LĐQL (giám đốc, phó giám đốc sở): bổ nhiệm 96 giám đốc sở và 235 phó giám đốc sở.

(3) Về công tác thi tuyển.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn LĐQL cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” ngày 27/4/2020 do Bộ Nội vụ tổ chức đã chỉ ra, trong 3 năm qua, việc thực hiện Đề án ở phần lớn cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm đã được triển khai khẩn trương, tích cực, chủ động theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ, đạt kết quả bước đầu. Trong đó, có 17/22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ LĐQL cấp sở và cấp phòng, từ đó có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng 335 ứng viên)…

(4) Về công tác đãi ngộ.

Đãi ngộ cũng là một nội dung cần được chú trọng trong phát triển NNL LĐQL  cấp sở bởi việc sắp xếp cán bộ đúng chuyên môn, phát huy được khả năng của cá nhân, có chế độ lương thưởng thỏa đáng… để người cán bộ LĐQL có thể yên tâm, có điều kiện toàn tâm, toàn ý cho công việc chính là động lực làm gia tăng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, giúp phát huy khả năng sáng tạo của nhà LĐQL, khuyến khích việc học tập, nâng cao trình độ. Theo kết quả khảo sát của tác giả, đánh giá về chế độ đãi ngộ cán bộ LĐQL cấp sở hiện nay, có 17,1% cho rằng chế độ lương, thưởng là rất phù hợp; 44,1% cho rằng phù hợp; 24,9% cho rằng chỉ phù hợp một phần và 13,9% cho rằng không phù hợp (xem bảng cuối bài).

Thứ ba, phát triển NNL thông qua đánh giá, luân chuyển cán bộ.

Đánh giá và luân chuyển cán bộ nhằm bảo đảm cơ cấu chất lượng NNL, phát triển nghề nghiệp cá nhân người lao động trong tổ chức và cuối cùng là cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức.

(1) Về đánh giá cán bộ.

Là việc đo lường kết quả làm việc, cống hiến của người lao động thông qua kết quả và hiệu suất công việc mà họ đạt được trong những khoảng thời gian nhất định. Việc đánh giá cán bộ là cơ sở quan trọng để tổ chức ra các quyết định về nhân sự, điều động, bổ nhiệm hay khen thưởng, kỷ luật…, tạo ra động lực giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vậy, đánh giá cán bộ LĐQL cấp sở là một yếu tố quan trọng để cán bộ LĐQL nhận thức khách quan về mình, từ đó điều chỉnh và hoàn thiện bản thân, làm thay đổi chất lượng NNL theo hướng ngày càng tốt hơn, tích cực hơn.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của tác giả đối với 1.331 cán bộ LĐQL cấp sở, có 320 người (24%) cho rằng các nhận định về công tác đánh giá cán bộ hiện nay là rất phù hợp; 568 người (42,7%) cho rằng phù hợp; 289 người (21,7%) cho rằng chỉ phù hợp một phần và 154 người (11,6%) cho rằng không phù hợp.

(2) Về luân chuyển cán bộ.

Mục đích của việc luân chuyển cán bộ LĐQL là nhằm tiếp tục ĐTBD, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002  của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ LĐQL nêu rõ: “Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị”.

Mặc dù trong phát triển NNL, thông thường người ta ít chú trọng đến khâu điều động, luân chuyển nhưng với đối tượng đặc thù là LĐQL cấp sở thì khâu này nếu được thực hiện đúng với mục đích giúp cán bộ LĐQL được trải nghiệm công việc ở những vị trí khác nhau, từ đó sẽ có cái nhìn bao quát hơn, đồng thời có phổ kiến thức rộng hơn, ứng xử, giải quyết công việc linh hoạt hơn trên những lĩnh vực khác nhau…

Đây chính là một trong những yếu tố làm thay đổi chất lượng NNL. Việc luân chuyển cán bộ LĐQL cấp sở giúp cho cấp trên và bản thân người LĐQL, khi được sắp xếp, giao nhiệm vụ vào những vị trí mới sẽ có điều kiện kiểm tra, so sánh được khả năng của mình trên cương vị mới đó, có điều kiện phát huy hết năng lực của mình trong những vị trí phù hợp. Chính qua thực tiễn, mỗi cán bộ LĐQL cấp sở có được tầm nhìn, hoạch định được chiến lược, chính sách, tổ chức, phân công, phối hợp thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của tác giả, giai đoạn 2015 – 2019, các sở trên cả nước đã triển khai công tác luân chuyển cán bộ: giám đốc sở là 224 người; phó giám đốc sở là 484 người.

Đánh giá mức độ cần thiết về công tác luân chuyển, điều động của lãnh đạo cấp sở và tương đương, có 5,1% cho rằng không cần thiết; 49,9% cho rằng cần thiết để đào tạo, rèn luyện và phát triển; 40,9% cho rằng rất cần thiết để đào tạo, rèn luyện và phát triển hơn; ngoài ra, có 4,1% không có câu trả lời.

Một số đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở

Một là, để phát triển NNL LĐQL cấp sở thì ĐTBD là nội dung đầu tiên cần quan tâm, bởi nội dung này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng NNL trong thực thi công việc. Ngoài ra, các yếu tố từ quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, đãi ngộ đến luân chuyển, đánh giá cũng có vai trò hết sức quan trọng, làm thay đổi NNL cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, tạo ra những chuyển biến tích cực trong NNL.

Hai là, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh LĐQL trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và LĐQL cấp sở nói riêng kèm theo bản mô tả vị trí việc làm và bộ tiêu chuẩn năng lực đối với các vị trí LĐQL cấp sở. Từ đó có định hướng phát triển NNL LĐQL cấp sở sao cho đầu ra đáp ứng được tiêu chuẩn chức danh của từng vị trí.

Hiện nay, tiêu chuẩn chức danh đánh giá cán bộ LĐQL được quy định tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ LĐQL các cấp. Theo đó, để trở thành cán bộ LĐQL ở các vị trí khác nhau, mỗi cán bộ phải đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chuẩn chính, bao gồm: chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực, uy tín và sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm. Nhưng quy định này mới chỉ nêu ra tiêu chuẩn chung cho chức danh LĐQL của các cấp nói chung chứ chưa có sự cụ thể hóa, chi tiết đến từng cấp. Trong khi ở mỗi cấp, mỗi ngành, lĩnh vực lại có những đặc thù riêng, theo đó là những tiêu chuẩn chuyên môn cũng như kỹ năng LĐQL khác biệt.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh LĐQL trong các cơ quan hành chính nhà nước. Dự thảo Nghị định này quy định tiêu chuẩn chức danh LĐQL trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh), bao gồm các sở (trong đó có tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm công tác đối với giám đốc sở và tương đương). Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thức quy định về vấn đề này. Chính vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện văn bản để có căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động phát triển NNL LĐQL cấp sở, đặc biệt là đối với công tác quy hoạch và bổ nhiệm.

Như vậy, phát triển đội ngũ cán bộ LĐQL cấp sở sẽ giúp hoàn thiện năng lực và các kỹ năng không chỉ của cán bộ LĐQL mà còn nâng những yêu cầu cơ bản đối với đội ngũ cán bộ trong bối cảnh hội nhập và đổi mới lên tầm cao mới, nhờ đó đẩy mạnh quá trình cải cách công vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các sở, phát huy được các thế mạnh của các sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Chú thích:
1. Bộ Nội vụ – Học viện Hành chính Quốc gia. Tài liệu bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp sở (tài liệu lưu hành nội bộ). Hà Nội 2017, tr. 15.
Tài liệu tham khảo:
2. Ngô Thành Can. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công. H. NXB Lao động, 2014.
3. Lê Quân. Phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc: Nghiên cứu điển hình tỉnh Hà Giang. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia, tập 31, số 1/2015.

ThS.  Trương Thị Quỳnh Hoa
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội