Trang chủ Tin nóng

Tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 363/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình mưa lũ và xử lý khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung (ngày 19/10/2020).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở.
Chia sẻ mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung

Thông báo nêu rõ, vừa qua, mưa đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày tại miền Trung đã gây lũ lớn vượt mức lịch sử ở nhiều nơi, ngập lụt sâu trên diện rộng, sạt lở đất, lũ quét, thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.

Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là gia đình những người bị nạn và cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, đến chiều ngày 19/10/2020 các lực lượng chức năng đã tìm thấy 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 bị sạt lở đất đã hy sinh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia đình của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh. Đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ và hậu phương gia đình, thân nhân của các đồng chí trên; chỉ đạo Quân khu 4 phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ tang chu đáo, trang trọng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, nhất là lực lượng vũ trang, các ngành chức năng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, y tế, thông tin và truyền thông… Thủ tướng Chính phủ biểu dương các lực lượng chức năng đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân với rất nhiều những tấm gương dũng cảm, nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhà báo đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Sẵn sàng ứng cứu người dân

Trong thời gian tới, lũ, bão đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định đời sống người dân với tinh thần là không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ngành khí tượng thủy văn làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan chức năng để chủ động trong công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão, lũ.

Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát các kịch bản ứng phó, huy động các phương tiện, lực lượng cần thiết, phù hợp với từng tình huống, từng khu vực để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu người dân khi mưa lũ.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc “lá lành đùm lá rách”.
Không được để xảy ra sự cố vỡ đập gây thảm họa đối với vùng hạ du

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, không được để xảy ra sự cố vỡ đập gây thảm họa đối với vùng hạ du.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc, nhất là các tổ chức của thanh niên, phụ nữ các cấp, các địa phương, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” quan tâm hỗ trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung sớm vượt qua những khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống.

Xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ 5 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến tại cuộc họp, cụ thể là: Đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ; yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo xuất cấp ngay, Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm tổ chức phân phối kịp thời, trực tiếp đến người dân, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo, xử lý việc hỗ trợ lương khô cho các địa phương có kiến nghị hỗ trợ. Các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng và các lực lượng có liên quan tổ chức phân phối kịp thời, đúng đối tượng (đặc biệt lưu ý các hộ dân ở đơn lẻ, vùng sâu, vùng xa).

Thủ tướng Chính phủ đồng ý xuất phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn theo đề nghị của Bộ Tài chính để kịp thời hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; giao Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thống nhất việc giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị bảo đảm hiệu quả.

Giao Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời hỗ trợ các địa phương theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao kịp thời xử lý đề nghị của các địa phương về thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng, khử khuẩn, xử lý môi trường, vắc xin, giống cây trồng để khôi phục sản xuất.

Hỗ trợ 5 tỉnh, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Bộ Tài chính và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp: Trước mắt, tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước (Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan). Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, phân bổ, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng.

Hàng trăm ngôi nhà tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chìm trong biển nướ.
Một số thiệt hại ban đầu do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, tính đến sáng 19/10, đã có 124 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền trung. Cụ thể, có 90 người chết và 34 người mất tích. Tỉnh gánh chịu thiệt hại lớn nhất về người là Quảng Trị với 41 người chết, 16 người mất tích. Tiếp đến là Thừa Thiên Huế 27 người chết, 15 người mất tích; Quảng Nam 11 người chết; Đà Nẵng ba người chết, một người mất tích; Kon Tum và Quảng Bình có hai người chết;  Gia Lai có một người chết, một người mất tích; các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lâm Đồng một người chết; Nghệ An một người mất tích.

Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến 6 giờ ngày 19/10, tại các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế đã sơ tán 37.490 hộ với 121.280 người dân. Cụ thể, Hà Tĩnh sơ tán 7.183 hộ với 20.761 người; Quảng Bình sơ tán 7.148 hộ với 28.592 người; Quảng Trị sơ tán 11.084 hộ với 34.737 người; Thừa Thiên Huế sơ tán 12.075 hộ với 37.190 người.

Tính đến nay, có 121.694 hộ dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập. Cụ thể, Hà Tĩnh có 2.704 hộ tại bảy huyện, thành phố Hương Khê, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà bị ngập. Quảng Bình có 65.231 hộ tại tám huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, TX Ba Đồn, TP Đồng Hới, Quảng Trạch bị ngập. Quảng Trị có 53.759 hộ tại chín huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, TP Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng bị ngập.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các lực lượng tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm 15 công nhân còn mất tích.

Tại Quảng Trị, đã tìm thấy thi thể của 14/22 cán bộ, chiến sĩ tại vị trí sạt lở Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4), xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, hiện đang tiếp tục tìm kiếm 10 người còn lại và 10 người mất tích tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.

Theo báo cáo, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia đợt 1 từ ngày 6 đến 13/10, gồm: 6.000 tấn gạo; 5,5 tấn lương khô; 20.000 thùng mỳ tôm và các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Ban Chỉ đạo đã tổng hợp và phối hợp với các Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về giao thông, 12 tuyến quốc lộ, 17.409m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Hiện tại, ngập lụt, chia cắt tại bốn điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và một vị trí trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

Về nông nghiệp, có 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 450 tấn cây giống và 46.562 tấn hạt giống bị hư hỏng; 2.899 con gia súc, 528.857 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Thuý Vân tổng hợp