Hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Các doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia chỉ có thể phát triển sản xuất – kinh doanh hiệu quả khi hàng hóa, sản phẩm được đưa ra thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm chất lượng cao và có thương hiệu. Để đạt được điều này thì bản thân các doanh nghiệp phải vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ; đồng thời, Nhà nước với vai trò định hướng và tạo hành lanh pháp lý cần có các chính sách phù hợp tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Vai trò của doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  

Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đem lại cho thế giới những đột phá về công nghệ, tích hợp và kết nối internet, là cuộc cách mạng sản xuất mới, đem lại các giá trị mới, giúp giải phóng con người, giải phóng sức lao động và thủ tiêu mọi sự kìm hãm đối với các doanh nghiệp (DN), tạo đà cho các DN tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để trở thành các DN khoa học và công nghệ (KHCN), ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất – kinh doanh (SXKD), đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Thành tựu của CMCN 4.0 đã đặt ra nhiều thách thức về quy mô các DN, về năng lực đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ của các DN Việt Nam, về tầm nhìn và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu các DN đủ sức vươn mình biến thách thức thành thời cơ để tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với các chính sách đổi mới sáng tạo từ phía Nhà nước thì việc phát triển các DN KHCN Việt Nam với quy mô lớn cả về số lượng và chất lượng sẽ trở thành hiện thực.

DN KHCN được đề cập tại Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX): “Từng bước chuyển các tổ chức khoa học – công nghệ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp”. Điều này được cụ thể hóa trong Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập: “Các tổ chức khoa học – công nghệ có thể lựa chọn hình thức chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học – công nghệ”.

Theo quy định tại Luật KHCN năm 2013, DN KHCN là DN thực hiện SXKD, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Kết quả KHCN theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về DN KHCN bao gồm:

(1) Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; chương trình máy tính đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;

(2) Giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;

(3) Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về KHCN do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng theo quy định của pháp luật về giải thưởng KHCN;

(4) Các kết quả KHCN được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luật;

(5) Công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.

DN KHCN giữ vai trò là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KHCN chuyển giao vào sản xuất, đồng thời là lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sản phẩm có từ hoạt động SXKD của các DN KHCN góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tạo đà cho tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo lĩnh vực, đồng thời kích cầu giúp cho thu nhập bình quân đầu người tăng cao.

Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Việt Nam hiện có khoảng 700.000 DN, trong đó có 468 DN được công nhận là DN KHCN. Các DN KHCN được cấp giấy chứng nhận có kết quả KHCN chủ yếu ở một số lĩnh vực mũi nhọn như: công nghệ sinh học (38,5%), công nghệ tự động hóa (20,6%), công nghệ vật liệu mới (9,8 %), công nghệ thông tin (9,3%)1.

Các DN KHCN được hình thành chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi có tiềm lực KHCN mạnh, có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và khu công nghệ cao. Việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KHCN và sản phẩm tạo ra được các DN KHCN quan tâm đặc biệt.

Vườn ươm DN KHCN đã tạo nên các DN KHCN. Các vườn ươm DN KHCN là nơi có điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ để các DN KHCN được hình thành và phát triển. Hoạt động của vườn ươm DN KHCN hỗ trợ các DN nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, làm chủ sở hữu sáng chế để phát triển sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và DN KHCN, có 165 DN cung cấp thông tin về tình hình hoạt động SXKD. DN KHCN đã tạo cho việc làm cho 23.989 người lao động, tổng doanh thu đạt 160.887,4 tỷ đồng, trong đó, có 151 DN có doanh thu từ sản phẩm KHCN với tổng 8.672,8 tỷ đồng (chiếm 5,4% tổng doanh thu). GDP theo giá hiện hành của Việt Nam năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng2.

Năm 2018, kết quả hoạt động SXKD của các DN KHCN được thể hiện như sau:

– Tổng doanh thu của 165 DN KHCN đạt 2,9% GDP cả nước, 147 DN có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.215,2 tỷ đồng. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của sản phẩm KHCN đạt 724,9 tỷ đồng/131 DN; 40 DN có doanh thu trên 100 tỷ đồng; 7 DN báo cáo lỗ.

– 110 DN đã báo cáo thực hiện việc đầu tư cho phát triển KHCN với tổng kinh phí đầu tư đạt 853,5 tỷ đồng; 36 DN trích lập quỹ phát triển KHCN với tổng kinh phí là 55,6 tỷ đồng; 52 DN thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng vốn nhà nước với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước 213,7 tỷ đồng.

– Các DN KHCN chú trọng tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong số 468 DN có khoảng 7% DN được cấp giấy chứng nhận từ kết quả hoạt động KHCN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; hơn 90% DN còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KHCN bằng toàn bộ nguồn vốn tự có của DN.

– 88 DN được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 10 DN đã đăng ký bảo hộ và đang chờ kết quả3.

Tuy nhiên, để trở thành DN KHCN, các DN Việt Nam gặp nhiều rào cản như: các DN nhỏ, siêu nhỏ tiềm lực tài chính hạn chế nên đầu tư cho KHCN chứa nhiều rủi ro do thiếu nhân lực có trình độ; thiếu các tổ chức hỗ trợ, thiếu sự liên kết và điều kiện vật chất đầu tư cho hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, nhận thức về KHCN còn hạn chế, đổi mới công nghệ và tạo ra sản phẩm mới chưa đúng mức nguồn từ ngân sách nhà nước dành cho NCKH còn ít; chưa chú trọng đến thương hiệu và sở hữu trí tuệ; các sản phẩm KHCN chưa nổi trội về chất lượng sản phẩm nên không có thị trường để chuyển giao và ít đem lại nhuận cao cho DN KHCN.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Khi Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về DN KHCN được ban hành, số lượng các DN khởi nghiệp sáng tạo đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận DN KHCN gia tăng nhanh. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho DN KHCN với mục đích khuyến khích và tạo động lực cho các DN nghiên cứu và ứng dụng thành tựu KHCN vào SXKD. Số các DN KHCN được hưởng ưu đãi năm 2018 như sau: có 53 DN được miễn giảm thuế thu nhập DN; 21 DN được miễn giảm tiền thuê đất; 12 DN được ưu đãi vay vốn tín dụng; 52 DN thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước4.

Một số DN KHCN được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước như miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; vay vốn với lãi suất thấp hơn DN thông thường. Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, các tỉnh và thành phố đều quan tâm hỗ trợ cho các DN tiềm năng về KHCN thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.

Các DN được cấp chứng nhận công nhận “Doanh nghiệp khoa học – công nghệ” đã tạo thuận lợi cho DN thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ giúp DN có giá trị thương hiệu trong quảng bá sản phẩm qua các hội thảo, triển lãm, kết nối cung – cầu, chợ công nghệ và thiết bị; các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên DN tiết kiệm được nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư cho KHCN, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách cho phát triển DN KHCN nhưng việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với DN KHCN còn nhiều khó khăn, số DN được hỗ trợ còn khá khiêm tốn, vẫn còn một số chính sách chưa kịp thời tác động đến DN KHCN, như: chính sách ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Do còn thiếu các văn bản quy định hướng dẫn chi tiết, liên ngành nên việc đưa các chính sách ưu đãi này vào thực tiễn còn gặp khó khăn, cụ thể như: một số DN KHCN khó khăn về hiện thực hóa kết quả nghiên cứu KHCN do thiếu nguồn hỗ trợ tài chính để đầu tư cơ sở vật chất và quảng bá giới thiệu sản phẩm; các cơ quan nhà nước cấp phép sản xuất lưu hành chậm, dẫn đến việc đấu thầu các dự án công của các DN KHCN bị ảnh hưởng vì thiếu các quy định về định mức.

Ngoài ra, các sản phẩm nghiên cứu KHCN của DN không quá nổi trội hoặc không có thị trường tiêu thụ nên chưa mang lại lợi nhuận cao; số lượng các DN KHCN trên cả nước còn khá ít vì thiếu lực lượng hỗ trợ đồng hành nên một số quyền lợi của DN chưa được bảo đảm. Việc quy định DN KHCN phải đáp ứng điều kiện doanh thu từ SXKD sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả R&D đạt tỷ lệ theo quy định là rào cản mới đối với các DN KHCN; các kết quả KHCN sử dụng vốn nhà nước trong quy định về thủ tục giao quyền còn chưa rõ ràng và cụ thể, tốn nhiều thời gian và chi phí định giá. Quy định tỷ lệ doanh thu tối thiểu 30% khi thương mại hóa kết quả KHCN làm hạn chế DN có tiềm năng để có thể thành DN KHCN; thiếu cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ cho DN chứng nhận DN KHCN; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN chưa phát huy hiệu quả.

Một số giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ

Một là, cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ liên quan để DN KHCN được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Đồng thời, đổi mới chính sách thuế của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực để khuyến khích phát triển DN KHCN.

Hai là, xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đối với từng lĩnh vực để các nội dung ưu đãi được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Ba là, phát triển thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư mạo hiểm phát triển thị trường cổ phiếu công nghệ để huy động được vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ và ươm tạo DN KHCN.

Bốn là, mở rộng mạng lưới liên kết hỗ trợ phát triển DN KHCN, xóa bỏ một số điểm không phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của các địa phương, đặc biệt là các quy định liên quan đến hỗ trợ ươm tạo DN KHCN.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách tạo sự gắn kết giữa Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học và DN, giúp DN tiếp nhận các kết quả KHCN mới để hình thành các DN KHCN. Qua đó, cũng giúp các nhà khoa học có kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Sáu là, xây dựng cơ chế giám sát thực thi Luật Sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc để giảm tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho các DN KHCN có môi trường để hoạt động theo mục đích của mình.

Bảy là, giảm đầu mối các cơ quan quản lý nhà nước về DN KHCN theo hướng tinh gọn. Xây dựng cơ chế chuyển đổi tổ chức KHCN công lập sang thành lập các DN KHCN, bổ sung kịp thời các chuyên gia tư vấn cho vườn ươm DN KHCN.

Tám là, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về việc thực hiện các chính sách phát triển DN KHCN, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần lan tỏa tinh thần cho các DN tiềm năng và giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với phát triển DN KHCN.

Chú thích:
1, 2, 4. Báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ năm 2019.
3. Tổng cục Thống kê. Tổng quan kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp bộ về: “Nghiên cứu các giải pháp nhằm xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay” (2018 – 2020) do Viện Khoa học Lãnh đạo và Quản lý chủ trì.

ThS. Dương Thanh Phong
Viện Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực