Đổi mới quản trị công dựa trên dữ liệu lớn (big data) – Cơ hội và thách thức

(Quanlynhanuoc.vn) – Trên thế giới, chính phủ các nước đang có xu hướng huy động các chủ thể là các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân cùng phối hợp nhằm xây dựng và phát triển một mô hình quản trị công mới dựa trên dữ liệu lớn. Những đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới quản trị công dựa trên Big data đã đặt ra nhiều cơ hội và cả những thách thức mới.

 

Đại diện Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác với Cục Công nghệ thông Thông tin – Bộ Y tế thống nhất phối hợp trong việc xây dựng các quy định về trao đổi dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh của người dân phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y tế (Nguồn: internet).

Dữ liệu lớn và thời đại công nghệ dựa trên dữ liệu lớn

Năm 1876, Alexander Graham Bell đã phát minh ra điện thoại, tạo ra khả năng truyền thông tin bằng giọng nói đầu tiên của con người; từ cách đếm nút cổ xưa cho đến sự ra đời của chiếc máy tính đầu tiên vào năm 1946 đã đánh dấu một bước ngoặt, đánh dấu việc bước vào thời đại thông tin của con người.

Ngày nay, với sự phát triển của điện toán đám mây và công nghệ máy tính, đặc biệt là mạng xã hội, truyền thông di động và thương mại điện tử, con người đã được sống trong một kỷ nguyên mới áp dụng công nghệ thông tin, như: văn bản điện tử, số hóa, giọng nói, hình ảnh và video điện tử, được gọi là “kỷ nguyên dữ liệu lớn”. Vào tháng 9/2008, Tạp chí quốc tế “Nature” đã đưa ra một số đặc biệt mang tên “Big Data”, chủ yếu bàn về các chủ đề, các đặc điểm và ý kiến ​​về một trong những thách thức khó khăn nhất mà khoa học hiện đại phải đối mặt: làm thế nào để đối phó với các cơn bão dữ liệu đang được tạo ra1. Tạp chí đã tiên phong cho khái niệm “dữ liệu lớn”.

Ở châu Á, vào tháng 12/2012, một nhóm các doanh nghiệp và trường đại học của Trung Quốc đã cùng nhau khởi xướng và tuyên bố thành lập Liên minh công nghiệp dựa trên Big data tại Bắc Kinh. Vào ngày 05/9/2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn” để tăng tốc độ chia sẻ dữ liệu mở của chính phủ và xây dựng một nền tảng thống nhất và mở cho dữ liệu quốc gia. Vào tháng 6/2016, diễn đàn ứng dụng Big data toàn cầu được tổ chức thành công tại Bắc Kinh. Tại đây, các ứng dụng sáng tạo, nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tế của Big data đã được chứng minh rằng, nó tạo ra một sự phát triển vượt bậc trong giới học thuật, kinh doanh và chính trị trên các nước đi đầu về công nghệ trên toàn thế giới.

Các đặc trưng của công nghệ Big data

Không có định nghĩa thống nhất về DLL trong giới học thuật. Nhưng điều chắc chắn Big data là một dạng hiện tượng bùng nổ thông tin được hình thành bởi sự tiến bộ mang tính cách mạng của công nghệ thông tin. Nó được thực hiện trên cơ sở đẩy lùi dữ liệu quy mô nhỏ, và theo một cách “chưa từng có” thông qua việc sử dụng và phân tích các dữ liệu này có được nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị lớn và thông tin sâu sắc, chi tiết. Công nghệ DLL giúp nhanh chóng phân tích và kết luận các thông tin có giá trị từ nhiều loại và nhiều nguồn Big data khác nhau.

Dữ liệu này có các đặc điểm như: khối lượng (volume), vận tốc (velocity), sự đa dạng (variaty) và giá trị (value).  Đây được coi là 4 đặc trưng của DLL. Ở Trung Quốc, học giả Tu Zipei đã chỉ ra rằng, kỷ nguyên DLL có các đặc điểm là đạt được mức độ cá nhân hóa thông tin cao ở cấp độ kỹ thuật, phá vỡ các rào cản về thời gian và không gian, phân cấp quyền lực ở cấp xã hội và hiện thực hóa sự sáng tạo trong người dân2.

Với việc cá nhân hóa thông tin diễn ra như vũ bão, sự tràn ngập của các tương tác ảo trên mạng và luồng dữ liệu mở, xã hội hiện tại đã bước vào một kỷ nguyên mới của sự sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ đòi hỏi người dùng phải biết cách làm thế nào để sử dụng Big data đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa thông tin của mình. Chính phủ cần đổi mới mô hình quản trị công (QTC) và nâng cao hiệu quả QTC đã trở thành một bài toán cấp bách đối với các nhà quản lý và chính phủ các nước trên thế giới.

Cơ hội mới cho quản trị công trong kỷ nguyên dữ liệu lớn

QTC là sự kết hợp giữa các chủ thể xã hội khác nhau trong khu vực công, mà trong đó chính phủ là một chủ thể quan trọng. Thông qua quyền quản lý, chi phối tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, luật pháp…, chính phủ có quyền lợi và trách nhiệm phải tăng cường năng lực quản trị, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, từ đó làm gia tăng chất lượng dịch vụ công (DVC), nâng cao các giá trị lợi ích công cộng. Với sự ra đời của kỷ nguyên Big data, giá trị khổng lồ của Big data sẽ kích hoạt và tác động đến hàng loạt các thay đổi về phương thức quản trị, sự phát triển công nghệ và quan trọng hơn, tư duy Big data sẽ mang lại cơ hội mới cho quá trình QTC của các chính phủ hiện nay.

Thứ nhất, giúp tăng tính khoa học trong quá trình thiết kế và xây dựng chính sách công

Năng lực chính sách là yếu tố quan trọng, góp phần cải thiện năng lực QTC của chính phủ. Big data với vai trò là một công nghệ xử lý dữ liệu mới nổi, có thể tích hợp hiệu quả các nguồn thông tin về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh thái, … đồng thời, cung cấp nền tảng dữ liệu quan trọng và cơ sở cho việc thiết kế và xây dựng chính sách trong QTC. Bên cạnh đó, người dân có thể trực tiếp tham gia thảo luận về các chính sách công thông qua các phương tiện truyền thông xã hội mới giúp đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và các vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Trong lĩnh vực dự báo kinh tế và y tế công cũng đòi hỏi gia tăng khả năng dự báo dữ liệu. Các quyết định quản lý công trong thời đại Big data không còn chỉ dựa vào cảm giác và kinh nghiệm để đưa ra, mà dựa nhiều hơn vào dữ liệu từ các nguồn thông tin phong phú đa chiều và chi tiết nhằm nâng cao tính khoa học thực tiễn và dân chủ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách công.

Thứ hai, giúp cung cấp các DVC tốt hơn và hiệu quả hơn.

Sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu và công nghệ thông tin đã tạo ra một hành lang kỹ thuật vững chắc cho các DVC có chất lượng cao và hiệu quả. Trong thời đại dữ liệu thông tin, môi trường DVC không ngừng mở rộng, phương thức phục vụ linh hoạt và đa dạng hơn, nội dung dịch vụ phong phú hơn, chất lượng dịch vụ hiệu quả hơn. Hành vi của công chúng và chính phủ chịu sự giám sát của thông tin mạng, việc cung cấp DVC chủ động hơn, các DVC được theo dõi và đánh giá thông qua DLL, nhằm đưa ra những đánh giá và đề xuất của công chúng về chất lượng DVC nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ và tăng mức độ hài lòng của công chúng. Chính phủ đã chuyển đổi từ một “cơ quan cấp trên” thành một cơ quan cung cấp các DVC chất lượng cao và hiệu quả.

Ví dụ, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc có thể tận hưởng 59 dịch vụ sinh kế miễn là họ đăng nhập vào “trang chủ của công dân” bằng điện thoại di động. Theo “Báo cáo thống kê về tình trạng phát triển internet của Trung Quốc lần thứ 45” do Trung tâm Thông tin Mạng internet Trung Quốc công bố, tính đến cuối tháng 3/2020, số lượng người dùng dịch vụ chính phủ trực tuyến ở Trung Quốc đạt 694 triệu người, tăng 76,3% so với cuối năm 2018, chiếm 76,8% tổng số người dùng internet ở nước này3.

Trong tương lai gần, tất cả mọi người đều có thể sử dụng văn phòng ảo trực tuyến, tham gia tố tụng tại tòa án trực tuyến, tương tác ở trang chính phủ trực tuyến… và người dân hoàn toàn có thể tận hưởng sự thúc đẩy, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan chính phủ liên quan như một quản gia chu đáo mà không cần rời khỏi nhà. Kèm theo đó, các dịch vụ mang tính cá nhân theo yêu cầu ngày càng được quan tâm sẽ giúp các DVC chất lượng cao và hiệu quả hơn được hòa nhập và đi sâu vào vào cuộc sống của người dân.

Thứ ba, sử dụng Big data giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng có xu hướng cá nhân hóa của người dân.

Sự gia tăng của kết nối mạng, thông tin hóa và số hóa dẫn tới sự cá thể hóa đời sống xã hội đã làm xuất hiện tính độc lập, tính duy nhất và tính chủ quan của các cá nhân trong xã hội, bên cạnh đó cũng khiến cho đời sống xã hội ngày càng cởi mở và thay đổi nhanh chóng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế và sức khỏe, các bộ phận liên quan có thể tận dụng việc thu thập và phân tích dữ liệu để thu thập thông tin sức khỏe từ nhiều kênh và kết hợp hồ sơ y tế điện tử cá nhân của công dân và dữ liệu y tế khác với nghề nghiệp, loại công việc và dữ liệu hành vi khác của họ. Thực hiện đánh giá sức khỏe toàn diện và nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế tinh vi hơn. Các bộ phận liên quan có thể lập các kế hoạch dịch vụ hiệu quả hơn và thúc đẩy các dự án DVC có mục tiêu hơn dựa trên việc phân tích nhiều hồ sơ dữ liệu, như số lượt xem và nhận xét được công chúng đăng trên các trang web của chính phủ, các trang mạng xã hội.

Thứ tư, có thể giúp tăng cường khả năng quản trị khủng hoảng xã hội.

Sự xuất hiện của thiên tai, khủng hoảng tài chính, khủng bố, dịch bệnh và các nguy cơ khác đã đẩy con người vào tình thế nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Phân tích và dự đoán khủng hoảng phụ thuộc vào nhận thức, sự tồn tại và sự phân bố của các loại khủng hoảng. Sự thay đổi lớn nhất trong kỷ nguyên Big data nằm ở việc chuyển đổi từ phản ứng thụ động ban đầu sau khi rủi ro xảy ra sang dự đoán chủ động trước khi rủi ro xảy ra giúp nâng cao tính chủ động, dự báo được tương lai và hiệu quả của công tác quản trị khủng hoảng. Sử dụng công nghệ Big data để dự đoán sự xuất hiện của các cuộc khủng hoảng và rủi ro xã hội, đồng thời biến sự không chắc chắn của rủi ro thành khả năng kiểm soát.

Vừa qua, Mỹ đã lắp đặt hàng trăm thiết bị quan sát trên núi lửa Yellowstone để dự đoán sự xuất hiện của thiên tai; cảnh báo sóng thần sau trận động đất “ngày 11 /3” ở Nhật Bản. Cảnh sát Los Angeles, Mỹ áp dụng “bản đồ tội phạm” dựa trên phân tích dữ liệu vào các hoạt động an ninh hằng ngày và tăng cường lực lượng cảnh sát tại các điểm nóng về tội phạm một cách có mục tiêu để số lượng tội phạm được kiểm soát hiệu quả và duy trì an ninh công cộng trong khu vực. Đây chính là các ví dụ cho việc ứng dụng Big data vào quản trị các nguy cơ khủng hoảng trong xã hội.

Những thách thức đối với quản lý công trong kỷ nguyên dữ liệu số

Trong khi kỷ nguyên Big data mang lại cơ hội không giới hạn cho QTC, bên cạnh đó, do các phương thức QTC, cơ chế thể chế và quy trình dịch vụ truyền thống không thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin do Big data mang lại. Do đó, trong lĩnh vực QTC ít nhiều cũng đã gặp những thách thức không nhỏ.

Một là, chưa đủ nhận thức, kiến thức về các dữ liệu lớn.

Việc thiếu kiến thức, tri thức về dữ liệu trở thành thách thức chính đối với đổi mới QTC. Trong thời đại Big data, nguồn dữ liệu vô cùng phong phú và công nghệ phân tích dữ liệu cũng vô cùng tiên tiến. Nếu tư duy ra quyết định của các nhà quản lý nhà nước vẫn nằm ở tư duy quán tính truyền thống là dựa vào kinh nghiệm thì khó có thể đưa ra các chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, tầm quan trọng của dữ liệu ngày càng trở nên nổi bật và mô hình quản trị trước rồi mới thu thập và lưu trữ dữ liệu đã không còn phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Hai là, thách thức lớn về an ninh, an toàn thông tin.

Với sự phát triển bùng nổ của dữ liệu, các loại dữ liệu khác nhau xuất hiện với số lượng lớn, đặc biệt là: dữ liệu bí mật, dữ liệu riêng tư, an ninh quốc gia, xã hội, bí mật quốc phòng, quân sự, an toàn thông tin cá nhân của công dân đang bị đe dọa nghiêm trọng. QTC liên quan đến tất cả các khía cạnh và lĩnh vực của xã hội, và chính phủ có lợi thế tự nhiên về quyền lực công, thậm chí có thể buộc công chúng phải cung cấp thông tin. Trong cuộc sống thực, có rất nhiều trường hợp lấy và tích hợp dữ liệu thông qua các phương tiện hợp pháp hoặc không hợp pháp, sau đó để lộ thông tin riêng tư của người khác. Tại Hội nghị Internet toàn cầu, vấn đề an ninh mạng toàn cầu được đưa vào chương trình nghị sự quan trọng và thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tầm nhìn toàn cầu hóa cũng đã nêu ra ý tưởng nên có đổi mới QTC trong kỷ nguyên Big data.

Ba là, thách thức từ vấn đề tích hợp các “vùng dữ liệu” khác nhau

Điều cốt yếu trong ứng dụng dữ liệu vào QTC không phải là sở hữu dữ liệu mà là ứng dụng dữ liệu một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, sự thiếu tương tác, thống nhất các “vùng dữ liệu” khác nhau đặt ra những thách thức đối với việc sử dụng Big data một cách hiệu quả. Thuật ngữ “vùng dữ liệu” dùng để chỉ hiện tượng hệ thống dữ liệu không tương thích giữa các hệ thống thông tin khác nhau do các tiêu chuẩn dữ liệu và một vài lý do khác, tạo thành các “đảo” dữ liệu biệt lập. Trong thời đại Big data, công nghệ thông tin đã phát triển lên một tầm cao mới, dữ liệu công cộng bùng nổ, bao gồm các dữ liệu về dân số, giao thông, thuế, an sinh xã hội, y tế … đều được xây dựng và lưu trữ ở các “vùng” khác nhau, không hệ thống và xen kẽ với nhau. Tình trạng cô lập thông tin giữa các bộ phận QTC tất yếu sẽ xảy ra.

Trước đây, chính phủ điện tử được xây dựng dựa trên các quy trình nghiệp vụ, điều này khiến thông tin chính phủ điện tử không thể kết nối với nhau, gây trở ngại nghiêm trọng cho việc tích hợp, phân tích và ứng dụng thông tin giữa các tổ chức hoặc bộ phận khác nhau trong QTC, hạn chế ứng dụng của dữ liệu và gây bất tiện trong thiết kế các DVC. Ví dụ, để xin được hộ chiếu, người lao động nhập cư phải về quê làm nhiều thủ tục, và họ cần có con dấu chính thức của nhiều cơ quan, ban, ngành. Thực tế, chỉ cần có hệ thống mạng liên kết thông tin với nhau, các dữ liệu này có thể được chia sẻ giữa các cơ quan chính phủ mà không quá rườm rà.

Bốn là, khoảng cách kỹ thuật số đặt ra thách thức đối với sự bình đẳng trong QTC.

Big data dựa vào thế giới mạng. Làm thế nào để thu thập dữ liệu từ những người vắng mặt trong thế giới này? Dù ở các nước phát triển hay đang phát triển, khoảng cách số (digital divide) là một vấn đề xã hội nổi cộm trong thời đại thông tin. Khoảng cách kỹ thuật số là sự phân biệt nổi bật nhất trong xã hội hiện tại ngoại trừ các phân biệt truyền thống như giữa thành thị và nông thôn, công nhân hay nông dân, có tri thức hay không có tri thức. Sự khác biệt về kỹ thuật số giữa các vùng miền, giữa các đối tượng có khả năng tiếp cận đến kỹ thuật số sẽ dẫn đến khoảng cách lớn trong việc tiếp cận các DVC; đồng thời, tạo ra rào cản và khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, cần tăng cường xây dựng hạ tầng mạng lưới thông tin ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, mở rộng phạm vi chia sẻ dữ liệu, chia sẻ dịch vụ.

Năm là, những thiếu sót về công nghệ dữ liệu và nhân sự trong áp dụng công nghệ Big data một cách có hiệu quả

Công nghệ và con người là những yếu tố cốt lõi của thời đại thông tin, đặc biệt là trong thời đại Big data. Vấn đề này là hết sức cần thiết trong quá trình đổi mới QTC dựa trên Big data. Vượt qua các rào cản và thách thức, công nghệ Big data cần những con người có chuyên môn về DLL để kiểm soát và cung cấp các dịch vụ. Có thể thấy rằng, nhân sự ở khu vực công vẫn là các nhà quản lý của chính phủ, họ chưa thể làm chủ được công nghệ thông tin và cũng chưa kiểm soát và thao túng các dữ liệu này. Bên cạnh đó, khu vực công chưa thực sự coi trọng và tăng cường sử dụng các chuyên gia Big data, điều này cản trở rất nhiều đến sự phát triển của ứng dụng công nghệ Big data trong QTC. Việc áp dụng tốt công nghệ Big data đòi hỏi các bộ phận liên quan phải quan tâm đầy đủ về vấn đề con người và công nghệ, kết hợp với các nỗ lực thay đổi.

Sự tiến bộ nhanh chóng của internet và công nghệ Big data đã đặt ra những yêu cầu mới đối với QTC. Chính phủ, thị trường, xã hội và các yếu tố khác đã cho thấy những đặc điểm mới trong kỷ nguyên Big data. Việc sử dụng công nghệ Big data  vào lĩnh vực QTC chắc chắn sẽ mang lại các tác động tích cực cho việc cải thiện hiệu quả của các DVC. Chính quyền các cấp cần tích cực sử dụng công nghệ Big data, nắm bắt kịp thời các cơ hội, nhận diện và giải quyết tốt các vấn đề thách thức mà công nghệ Big data đặt ra. Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân công dân, phương tiện truyền thông mới và các chủ thể đa dạng khác đang tiến tới hợp tác cùng nhau quản lý và sử dụng công nghệ Big data nhằm thúc đẩy đổi mới QTC

Chú thích:
1. Tạp chí Nature, Tập 455. htps://www.nature.com, truy cập ngày 20/9/2020.
2. Tu Zi Pei. Dữ liệu lớn: cuộc cách mạng dữ liệu không xa. NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây – Trung Quốc, 2014, tr. 96.
3. Theo Tân Hoa Xã. http://www.xinhuanet.com, bài đăng ngày 25/5/2020.

                                                             ThS. Nguyễn Thúy Hà
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh