Cải cách hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Kết quả phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong 10 năm qua có những đóng góp nhất định của cải cách hành chính (CCHCgắn với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh có sự cải thiện liên tục, nhưng Việt Nam vẫn nằm ở nhóm dưới trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI. Vì vậy, việc xác định những giải pháp CCHC hiệu quả, mang tính bứt phá, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam là vấn đề cốt lõi, cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học.

 

Từ những bối cảnh, thách thức được nêu trên, sáng ngày 29/10/2020, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Cải cách hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời, có TS. Phạm Sỹ An – Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam; ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ; bà Đào Thị Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương; PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Đinh Duy Hoà – nguyên Vụ trưởng Vụ CCHC; TS. Tạ Ngọc Hải – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Tổ chức nhà nước; PGS.TS. Vũ Thị Loan – giảng viên cao cấp, Đại học Hải Phòng.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, tại Hà Nội có TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Vũ Thanh Xuân – nguyên Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; giảng viên, các nhà khoa học tại 4 đầu cầu trực tuyến: Hà Nội, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Phân viện Học viện tại thành phố Huế và Phân viện Học viện tại Khu vực Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc CCHC góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ở Việt Nam. Chủ đề của hội thảo rất cần được các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, CCHC, các nhà nghiên cứu về năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh trực tiếp trao đổi, bàn luận dựa trên bằng chứng thực tiễn, căn cứ khoa học để tiếp tục có những đóng góp xác đáng vào chương trình CCHC nhà nước giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia quan tâm đến Chỉ số quản trị và CCHC. Ông cho rằng, CCHC cần được bổ trợ bằng những giải pháp kỹ thuật, công nghệ và bằng các chỉ số CCHC cụ thể để đo lường kết quả và chỉ có như vậy, CCHC mới hiệu quả.

Đồng quan điểm với GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, TS. Phạm Sỹ An – Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng, nhờ có chỉ số CCHC công (PAR INDEX) mà các bộ, cơ quan ngang bộ, các ngành, địa phương đang làm rất tốt việc đánh giá và đo lường định lượng CCHC tại Việt Nam nhờ sự đổi mới trong hoạt động của Chính phủ trong thời gian qua. Đồng thời, ông cũng so sánh năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và với Trung Quốc để thấy được vị trí của Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ năng lực cạnh tranh thế giới, từ đó có bước đi thích hợp trong tiến trình CCHC quốc gia thời gian tới.

Ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là chủ trương trọng điểm của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua. Nhờ đó mà năng lực cạnh tranh của Việt Nam thay đổi và được cải thiện dần, tuy nhiên, so với thế giới và kể cả trong khu vực ASEAN thì vẫn ở mức thấp. Chính vì lẽ đó, để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cần phải tiếp tục CCHC một cách triệt để và mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư cũng như môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho rằng, có sự trùng lặp trong xác định các chỉ số đánh giá.

TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho rằng, hiện nay Việt Nam đang có sự trùng lặp giữa các chỉ số đánh giá về CCHC, năng lực cạnh tranh, do đó, cần nghiên cứu, xác định các chỉ số ưu tiên cho nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới để hội nhập sâu rộng chứ không chỉ còn là đánh giá năng lực cạnh tranh trong nội bộ nữa. Để làm được điều này đòi hỏi hệ thống thể chế, chính sách phải được xây dựng dựa trên năng lực cạnh tranh thực tế, chính xác nhằm mục đích cuối cùng là thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh quốc gia trong mối quan hệ biện chứng với CCHC nhà nước và là mối quan hệ nhân quả gắn kết chặt chẽ với nhau.

Nêu lên các thách thức cần vượt qua trong CCHC hiện nay, PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh quốc gia trong mối quan hệ biện chứng với CCHC nhà nước và là mối quan hệ nhân quả gắn kết chặt chẽ với nhau, tác động và bổ sung cho nhau. Do vậy, những thách thức mà CCHC nhà nước đang phải đối mặt sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chính vì vậy, cần tập trung giải quyết 8 thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới đó là: (1) CCHC phải đồng bộ với cải cách lập pháp, tư pháp và cải cách, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam; (2) Nhận thức về bản chất CCHC nhà nước; (3) Lực cản đối với CCHC; (4) Tư tưởng bao cấp, cào bằng, cục bộ trong xây dựng thể chế và chính sách chưa được khắc phục; (5) Sự thiếu hụt các nguồn lực đủ mạnh cho CCHC nhà nước; (6) Sự khác biệt giữa CCHC của các nước trên thế giới và CCHC ở Việt Nam; (7) Mâu thuẫn ngày càng tăng giữa năng lực quản trị nhà nước nói chung và năng lực quản trị các chương trình tổng thể CCHC nhà nước; (8) Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra cơ hội và các thách thức đối với CCHC nhà nước.

Tại điểm cầu trực tuyến Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, ThS. Nguyễn Chi Mai – giảng viên Phân viện trình bày về mối quan hệ giữa chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia và chỉ số CCHC được đánh giá dựa trên những phân tích cụ thể, theo thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI và các chỉ số về CCHC. Qua đó, chỉ rõ mối quan hệ của chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia và các chỉ số CCHC tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện ở cả 2 nhóm chỉ số trên, song theo tương quan đánh giá trên thế giới thì Việt Nam vẫn ở vị trí khá khiêm tốn, do vậy, việc đẩy mạnh CCHC cần tiến hành nhanh, mạnh và hiệu quả hơn nữa, căn cứ vào việc phân tích các chỉ số để thấy rõ các bước đi tiếp theo của cải cách trong thời gian tới.

Bà Đào Thị Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ cải cách Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, cải cách tư pháp ở Việt Nam gắn liền với CCHC.

Bà Đào Thị Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ cải cách Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, cải cách tư pháp ở Việt Nam gắn liền với CCHC và đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó nhấn mạnh, cải cách tư pháp là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định, phát triển, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế. Vấn đề đặt ra là cần phải tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp để thời gian tới cải thiện được vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới.

TS. Đinh Duy Hoà – nguyên Vụ trưởng Vụ CCHC phát biểu tại Hội thảo.

Đã có 35 bài tham luận gửi tới hội thảo và nhiều ý kiến, tham luận trực tiếp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn trong và ngoài Học viện. Các bài viết, ý kiến thảo luận đã phân tích chuyên sâu vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình CCHC từ nhiều góc nhìn khác nhau.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cảm ơn các ý kiến tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực CCHC của các ban, ngành.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực CCHC của các ban, ngành. Các ý kiến của các nhà khoa học là những định hướng, gợi mở quan trọng để Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự – Học viện Hành chính Quốc gia tổng hợp báo cáo, đề xuất nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, cũng là cơ sở để Học viện có những đóng góp, tham mưu với Đảng, Chính phủ trong việc xác định rõ mục tiêu CCHC trong chương trình tổng thể CCHC quốc gia giai đoạn tiếp theo, nhằm nâng cao vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tin, ảnh: Thu Hương