Những yêu cầu đổi mới đối với sự phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học sư phạm  

(Quanlynhanuoc.vn) – Trường đại học sư phạm là nơi đào tạo ra đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục của đất nước. Hiện nay, Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách đặc thù, ưu đãi dành cho các trường đại học sư phạm, đặc biệt là chính sách dành cho người học. Tuy nhiên, giảng viên  của các trường sư phạm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn so với giảng viên một số trường đại học khác trong cả nước. Chính vì vậy, cần có đổi mới chính sách của Nhà nước cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển đội ngũ giảng viên các trường sư phạm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nguồn: internet).

 Khái quát chung về thực trạng của các trường đại học sư phạm

Những năm qua, đặc biệt trong gần 35 năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo (GDĐT) và bồi dưỡng cán bộ. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020… Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên (ĐNGV) đại học sư phạm (ĐHSP) là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Hiện nay, cả nước có 63 cơ sở đại học đào tạo giáo viên, gồm 15 trường ĐHSP và 48 trường đại học đa ngành có đào tạo ngành Sư phạm1. Về cơ bản, ĐNGV ĐHSP có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, có kinh nghiệm trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên, hệ thống các trường sư phạm hiện phân bố dàn trải, nguồn lực bị phân tán, một số trường có các khoa đào tạo sư phạm trùng với nhiệm vụ chính của các trường khác, ví dụ như: khoa Giáo dục thể chất được đào tạo ở Trường ĐHSP Thể dục – Thể thao Hà Nội; Khoa Nghệ thuật trong Trường ĐHSP Hà Nội được đào tạo ở Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

Việc mở ngành đào tạo của nhiều trường cũng như hoạt động đào tạo về cơ bản vẫn chủ yếu chạy theo số lượng, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực cũng như bám sát quy hoạch của Sở GDĐT các địa phương. Hiện nay, các trường vẫn đào tạo đơn ngành, khép kín, điều này gây nhiều hạn chế cho ĐNGV của các trường ĐHSP trong việc mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc tiếp cận với các phương pháp dạy học mới.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ ở các trường còn thấp, phần lớn đội ngũ giáo sư và phó giáo sư chỉ tập trung ở một số trường ĐHSP, như: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Đại học Huế…, các trường ĐHSP khác tỷ lệ này rất thấp. Số giảng viên hạng I, hạng II chiếm tỷ lệ chưa cao. Trình độ ngoại ngữ của một bộ phận giảng viên còn hạn chế nên khả năng hợp tác đào tạo với các trường đại học khác trong khu vực chưa cao.

Hiện nay, mỗi năm cả nước có khoảng 20 nghìn giáo viên nghỉ hưu, trong khi đó, các trường ĐHSP tuyển sinh khoảng 23 nghìn sinh viên và các trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh 26 nghìn sinh viên2. Mặc dù sinh viên ĐHSP đã được Nhà nước hỗ trợ học phí và gần đây nhất theo Điều 85 Luật Giáo dục năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3.630.000 đồng/tháng nhưng sinh viên giỏi vẫn không lựa chọn học ngành Sư phạm. Điều này thể hiện sức hút của ngành Sư phạm chưa cao.

 Một số giải pháp

Hiện nay, việc đào tạo của các trường đại học cũng như việc tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng của ĐNGV về cơ bản đáp ứng yêu cầu của xã hội, định hướng, chiến lược và mục tiêu phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, các trường ĐHSP và các khoa sư phạm của các trường đại học đa ngành có tính đặc thù, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ làm giáo viên hoặc cán bộ quản lý giáo dục, vì vậy, “nhu cầu xã hội” đối với đầu ra của các trường ĐHSP không giống các trường đại học đào tạo các ngành nghề khác.

Trước những thách thức và yêu cầu đổi mới hiện nay, các trường ĐHSP cần:

Một là, nâng cao chất lượng ĐNGV và chất lượng đào tạo của các trường ĐHSP.

Với vai trò là người định hướng, là bà đỡ trong các hoạt động cần có đầu tư từ ngân sách nhà nước, Nhà nước cần hỗ trợ các trường tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Để nâng cao chất lượng ĐNGV và chất lượng đào tạo, Nhà nước và Bộ GDĐT cần có hướng dẫn, quy định về khung năng lực giảng viên sư phạm, từ đó có cơ sở đánh giá, xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực cho ĐNGV sư phạm. Đồng thời, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học cho ĐNGV các trường ĐHSP bằng cách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn thu của nhà trường, kinh phí tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học, sinh hoạt chuyên môn học thuật…

Ngoài ra, cần gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ĐNGV các trường ĐHSP với thực tế ở các trường phổ thông bằng cách tăng cường hướng dẫn sinh viên sư phạm thực tập, tham gia phát triển chương trình và biên soạn sách giáo khoa theo kế hoạch và yêu cầu của Bộ GDĐT.

Hai là, sắp xếp lại hệ thống các trường ĐHSP nhằm tạo cân bằng cung – cầu trong đào tạo của các trường ĐHSP với nhu cầu xã hội.

Ngành Sư phạm là một ngành đặc thù, vì vậy, cần có sự quản lý từ trung ương đến cơ sở và phải có kế hoạch chặt chẽ. Bộ GDĐT là đơn vị sử dụng đầu ra của các trường ĐHSP nên Bộ cần quản lý việc tiếp nhận đầu ra nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, phải có kế hoạch cụ thể trong việc duyệt chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào của các trường ĐHSP, tránh đào tạo dàn trải, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường và khó khăn cho ĐNGV trong quá trình giảng dạy.

Các trường ĐHSP có thể đào tạo theo đơn đặt hàng của Bộ GDĐT hoặc sở GDĐT của các địa phương, trên cơ sở khảo sát nhu cầu xã hội, dự báo nhu cầu nhân lực, từ đó có phương án tuyển sinh, đào tạo hợp lý cả về số lượng và cơ cấu. Như vậy, sẽ tập trung tối đa nguồn lực cũng như đào tạo chính xác theo địa chỉ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.

Sắp xếp các trường ĐHSP thông qua việc thành lập một số trường ĐHSP trọng điểm theo đề án của Bộ GDĐT, với cách này thì các trường ĐHSP có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm đào tạo, các trường khác sẽ trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm, cơ sở thực hành, bồi dưỡng của các trường trọng điểm.

Ba là, thu hút học sinh, sinh viên giỏi đăng ký học ngành Sư phạm.

Để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học ngành Sư phạm, bên cạnh chính sách học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt, Nhà nước và Bộ GDĐT cần quan tâm đến chính sách việc làm đối với sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Xếp theo thứ tự ưu tiên đối với sinh viên có thành tích học tập tốt, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp để sắp xếp, bố trí công tác tại các trường công lập hoặc giới thiệu, khuyến khích các trường dân lập tuyển dụng họ thông qua các Sở GDĐT.

Bốn là, tăng lương, tăng thu nhập cho giảng viên các trường ĐHSP.

Cần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho ĐNGV các trường ĐHSP ở mức độ nhất định, phù hợp với điều kiện kinh tế –  xã hội của đất nước, của địa phương và mặt bằng chung của ĐNGV các trường đại học.

Để thực hiện được điều này, ngoài chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với ngành Giáo dục thì trường ĐHSP cần hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với ĐNGV, kết hợp tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, thúc đẩy giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hỗ trợ trực tiếp cho ĐNGV nghiên cứu khoa học khi được đăng các bài báo quốc tế hoặc hoàn thành các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Xây dựng chính sách lương, thưởng trên cơ sở hiệu quả công việc, tạo động lực thúc đẩy cho ĐNGV cống hiến và gắn bó với nhà trường.

Chú thích:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sắp xếp hệ thống các trường sư phạm phải xuất phát từ nhu cầu, ngày 10/3/2019.
2. Đổi mới ngành Sư phạm nâng cao chất lượng người thầy. Báo Nhân dân cuối tuần, ngày 31/8/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Nghị định (dự thảo, 2019): Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
3. Quy trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên đại học sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. http://Vinhuni.edu.vn, ngày 29/6/2017.
Nguyễn Nhật Tân
NCS, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội