Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, trong đó nêu rõ mục tiêu: đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đến nay, sau 10 năm thực hiện, nhiều mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai đồng bộ, mang lại những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần  tiếp tục tìm ra các giải pháp để khắc phục.

 

Phiên họp toàn thể ần thứ 18, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tập trung thảo luận tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 (Nguồn: https://tcnn.vn).

1. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) là một bộ phận cấu thành quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta. Công tác BĐG là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội.

Tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020 đã đưa ra 7 mục tiêu cụ thể (bao gồm 22 chỉ tiêu) cần thực hiện trong giai đoạn này, đồng thời chỉ rõ phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác BĐG.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016 – 2020; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025; Đề án Thực hiện biện pháp bảo đảm BĐG đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020; Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án hỗ trợ hoạt động BĐG vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025…

Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách cũng từng bước được thực hiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc BĐG. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án… đã được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế – xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG trên các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình (xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước). Với chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 162 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đã đạt được kết quả như sau:

Thứ nhất, về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Theo thống kê, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước: nếu khóa XI, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng là 8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương 11,4%, cấp huyện 14% và cấp cơ sở là 18,1% thì tới khóa XII, tỷ lệ tương ứng là 10%; 13,3%; 14,3% và 19,07%. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (chiếm tỷ lệ 15,78%). Tỷ lệ nữ tham gia Ban Bí thư đạt 14,3%. Tại Đảng bộ khối ở Trung ương có 10,7% nữ tham gia Ban Chấp hành và 19,4% tham gia Ban Thường vụ; cấp tỉnh có 14,2% nữ tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy và 10,9% trong Ban Thường vụ tỉnh ủy. Cả nước hiện có 8/63 nữ bí thư tỉnh ủy, 14 nữ phó bí thư tỉnh ủy1.

Về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%; tới khóa XIV đạt 27,31%, tăng 3,11% so với khóa XIII và lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010 – 2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Nếu nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62%, cấp xã 21,71% thì đến nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ này tương ứng là 26,54%, 27,85% và 26,59%.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, có 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh từ 30% trở lên; 26/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh từ 20 – 30%; cá biệt có 7/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh dưới 15%. Hiện cả nước có 8/63 nữ chủ tịch HĐND cấp tỉnh, 31/63 nữ phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Có 8/53 tỉnh, thành phố (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện) có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện từ 30% trở lên; 37/53 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện từ 20 – 30%; 43/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã từ 20 – 30%2.

Tính đến hết tháng 7/2020, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 36,6% (11/30), trong đó có 11/16 nữ thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đến cuối nhiệm kỳ 2011 – 2015, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%. Tính đến tháng 7/2020, có 2/63 nữ chủ tịch UBND cấp tỉnh, 19/204 nữ phó chủ tịch UBND cấp tỉnh3.

Thứ hai, về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nam giới chiếm 52,7% và nữ chiếm 47,3% trong lực lượng lao động. Tính đến tháng 10/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số DN cả nước. Trong số các DN do phụ nữ làm chủ, phân bố theo các ngành nghề sản xuất – kinh doanh chính, số lượng DN tập trung cao nhất ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (75%), 12% trong lĩnh vực xây dựng, 7% trong lĩnh vực công nghiệp, 7% trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản4.

Giai đoạn 2010 – 2019, đã có 1,7 triệu lao động nữ được đào tạo nghề từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, thành Hội; có 12.142 lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề trình độ sơ cấp với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ có việc làm trên 80%5.

Thứ ba, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15 – 60 đạt 97,33% so với nam giới là 97,98%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi từ 15 – 60 đạt 93,6%, trong đó tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số biết chữ đạt 92,58%.

Năm 2015, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 59%, tiến sỹ đạt 36%; năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tiến sỹ đạt 30,8%6.

Thứ tư, về bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ số giới tính khi sinh qua các năm của Việt Nam được khống chế ở mức khá ổn định: năm 2011: 111,9 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2012: 112,3 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2013: 112,3 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2014: 112,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2015: 112,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2016: 112,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2017: 112,1 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Tỷ số tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm từ 67 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2011 xuống 58,3 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015 và xuống 46 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống vào năm 20197.

Thứ năm, về bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin.

Hiện nay, 100% hệ thống thông tin cơ sở tại các xã, phường, thị trấn đều dành thời lượng phát sóng các nội dung liên quan đến BĐG, bạo lực gia đình. Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về giới và BĐG. Đặc biệt, các chương trình phát thanh và truyền hình về BĐG được thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta về BĐG.

Thứ sáu, về bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) về “Các yếu tố xã hội quyết định bất BĐG ở Việt Nam” năm 2015, có sự khác biệt lớn trong số lượng công việc nhà do người phụ nữ thực hiện so với số lượng công việc nam giới thực hiện trong gia đình. Ở khu vực đô thị, trên 97% số phụ nữ và trên 90% số nam giới cho biết nam giới trong gia đình họ chủ yếu chỉ làm từ 0 – 2 đầu việc nhà, trong khi 90,91% phụ nữ và 78,62% nam giới cho rằng phụ nữ trong gia đình họ làm ít nhất từ 5 đầu việc nhà trở lên. Tương tự, có 97,02% số phụ nữ và 89,53% nam giới nông thôn cho biết nam giới trong gia đình họ chủ yếu chỉ làm từ 0 – 2 đầu việc nhà, trong khi 91,03% phụ nữ và 81,7% nam giới nông thôn cho biết phụ nữ trong gia đình họ làm ít nhất từ 5 đầu việc nhà trở lên.

Năm 2016 – 2017, ActionAid Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu về công việc chăm sóc không lương. Kết quả cho thấy, năm 2017, phụ nữ đã giảm 40 phút thời gian làm công việc chăm sóc không lương so với năm 2016 sau khi cả nam giới, phụ nữ cùng tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức và tập huấn về công việc chăm sóc không lương. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn dành trung bình 4,5 giờ cho công việc chăm sóc không lương, tương đương 32 giờ trong 1 tuần và 207 ngày làm việc trong 1 năm mà công việc này không được ghi nhận. Thời gian làm việc nhà của phụ nữ gấp 1,62 lần so với nam giới8.

Về vấn đề bạo lực gia đình, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình của giai đoạn 2011 – 2015 là 120.452 lượt người, năm 2016 là 18.104 lượt người, năm 2017 là 14.942 lượt người, năm 2018 là 8.580 lượt người, năm 2019 là 7.838 lượt người. Như vậy, tổng số lượt nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn, được hỗ trợ và chăm sóc là 169.946 lượt người.

Thứ bảy, nâng cao năng lực QLNN về BĐG.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề BĐG; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định và đều được xem xét lồng ghép vấn đề BĐG theo quy định của Luật BĐG và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm bố trí cán bộ làm công tác BĐG; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ. Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 146 công chức làm công tác BĐG cấp tỉnh9. Tính trung bình, mỗi tỉnh có 2,3 công chức làm công tác BĐG. Ở cấp huyện, đa phần cán bộ làm công tác kiêm nhiệm và ở cấp xã, công tác BĐG do công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm.

Việc tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành ngày càng được quan tâm và thực hiện thường xuyên hằng năm. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, về cơ bản, 100% cán bộ làm công tác BĐG hằng năm được tập huấn, nâng cao kiến thức về giới.

2. Như vậy, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân về thực hiện BĐG. Thống kê cho thấy, có 13/22 chỉ tiêu dự kiến đạt mục tiêu đề ra; 9/22 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá đạt kết quả.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác BĐG, đây là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG. Ngoài ra, sự hợp tác, hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác BĐG.

Các cơ quan chức năng đã chú trọng thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, nâng cao năng lực về BĐG từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Trong 10 năm qua, ước tính có khoảng gần 15 triệu lượt cán bộ làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các bộ, ngành và địa phương được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo nền tảng lý luận cho việc đề xuất chính sách, pháp luật về BĐG cũng đã được các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020 vẫn còn không ít hạn chế, như: một số chỉ tiêu đặt ra quá cao, không có tính khả thi nên mặc dù các cấp, các ngành đã rất nỗ lực nhưng không thể đạt được. Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu còn chưa thực chất, chưa sát sao, chưa quan tâm đúng mức đến công tác BĐG tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Một số văn bản hướng dẫn lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực hiện các VBQPPL chưa được ban hành kịp thời. Nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo còn gặp khó khăn trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng VBQPPL theo quy định của Luật BĐG và Luật Ban hành VBQPPL.

Đội ngũ cán bộ nhìn chung còn thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Ở các bộ, ngành, địa phương, hầu hết cán bộ làm công tác BĐG đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên hiệu quả công tác còn hạn chế.

Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về BĐG chưa bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho công tác QLNN về BĐG ở các cấp. Số liệu tách biệt theo giới phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lập ngân sách chưa được quan tâm xây dựng ở từng bộ, ngành cũng như trong cả nước. Thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ.

Kinh phí dành cho công tác BĐG còn thấp, phụ thuộc vào sự quan tâm của từng bộ, ngành, địa phương. Kinh phí cấp cho triển khai Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2015 còn hạn chế, chưa đạt so với dự kiến ban đầu.

3. Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện BĐG trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về BĐG. Đẩy mạnh các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép giới trong xây dựng các luật. Bảo đảm việc phân bổ kinh phí thích đáng để thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động giám sát cũng như hướng dẫn, chỉ đạo cấp cơ sở giám sát việc thực hiện pháp luật về BĐG.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về BĐG trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng. Tuyên truyền và triển khai thực hiện những nội dung mới về BĐG trong Bộ luật Lao động; thực hiện Kế hoạch truyền thông thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị hướng tới bầu cử Đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông; tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tốt, người có ảnh hưởng tại cộng đồng  trong thực hiện BĐG; triển khai các hoạt động thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong thực hiện BĐG; sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong truyền thông về BĐG phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Rà soát, loại bỏ những nội dung, hình ảnh mang định kiến giới trong sản phẩm truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật. Tập huấn và nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí trong hoạt động truyền thông về BĐG; xử lý nghiêm và kịp thời những hình ảnh, bài viết mang định kiến giới.

Thứ hai, xây dựng, ban hành và đẩy mạnh thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về BĐG và thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG. Thể chế hóa chủ trương, chính sách đối với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ theo các văn bản, chủ trương của Đảng. Ban hành các chiến lược, chương trình, đề án nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu BĐG. Nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL; phân tích; đánh giá tác động về giới trong quá trình xây dựng VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy trình xây dựng văn bản theo quy định hiện hành.

Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát VBQPPL để sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm bảo đảm thực hiện BĐG; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xóa bỏ phân biệt giới, tạo cơ hội bình đẳng cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội. Nghiên cứu xây dựng chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm BĐG trong lao động, việc làm.

Thứ ba, bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương; xây dựng đội ngũ chuyên gia về giới ở các bộ, ngành, địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa sự tham gia của các chuyên gia giới trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách ở các bộ, ngành, địa phương.

Nâng cao năng lực và tăng cường trách  nhiệm của cơ quan QLNN về BĐG để có thể tư vấn, đánh giá hiệu quả lồng ghép vấn đề BĐG vào công tác QLNN trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cơ quan QLNN về BĐG cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng để kiểm tra, thanh tra và kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm minh những vi phạm Luật BĐG.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG, lồng ghép nội dung về BĐG trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu về BĐG.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác quốc tế về BĐG. Chủ động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm triển khai công tác BĐG và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ có uy tín để góp phần thúc đẩy BĐG và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.

Chú thích:
1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9. Báo cáo số 362/BC-CP ngày 10/8/2020 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020.
4. Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2019.
TS. Hoàng Thị Giang
Học viện Hành chính Quốc gia