Sơn La đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh ủy Sơn La luôn kiên trì lãnh đạo đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ; bảo đảm an ninh lượng thực và thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Thu hút các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh Sơn La có thể phát triển các loại nông sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tính đặc trưng của địa phương.

Sơn La là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 1.410.983 ha, dân số gần 1,3 triệu người, với 12 dân tộc; tỉnh có 11 huyện, 1 thành phố; 204 đơn vị hành chính cấp xã; có 2.509 bản, tiểu khu, tổ dân phố, trong đó có 4 huyện nghèo, 118 xã và 1.708 bản có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, có 17 xã biên giới1. Tỉnh Sơn La có khí hậu nhiệt đới, mang đặc điểm khí hậu chung của vùng Tây Bắc. Từ các lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Sơn La có thể phát triển các loại nông sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tính đặc trưng của địa phương.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, nhất là các quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp, gắn với cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

(1) Không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự chỉ đạo, điều hành sáng tạo, sát sao, kịp thời và quyết liệt của các cấp chính quyền; sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bền vững.

(2) Xây dựng, rà soát, bổ sung và phê duyệt các đề án, quy hoạch ngành lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

(3) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính vào trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác.

(4) Chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể, trọng tâm là phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

(5) Thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các tổ chức, cá nhân trong phát triển vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu các loại nông sản.

Nông nghiệp tỉnh Sơn La không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu.

Quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, nông nghiệp tỉnh Sơn La không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và có ý nghĩa nền tảng trong phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2013 – 2020. Cụ thể như sau:

Một là, giá trị tổng sản phẩm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân: 4%/năm. Giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp, cơ cấu tổng sản phẩm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2013: 28,16%; ước thực hiện năm 2020: 23,6%. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 ha tăng từ 30,38 triệu đồng năm 2013, lên 47 triệu đồng năm 2020; giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1 ha tăng từ 91,23 triệu đồng năm 2013, lên 100 triệu đồng năm 20202.

Hai là, tích cực chuyển đổi thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; đồng thời, chuyển đổi cây trồng hằng năm, lâu năm sang trồng cây ăn quả, dược liệu, rau… mang lại hiệu quả cao hơn.

Diện tích gieo trồng cây hằng năm: 213.045 ha. Trong đó: lúa: 51.564 ha, sản lượng: 195.881 tấn; ngô: 85.302 ha, sản lượng: 365.002 tấn; sắn: 36.864 ha, sản lượng: 434.887 tấn; mía: 7.852 ha, sản lượng: 512.784 tấn; rau: 11.058 ha, sản lượng: 157.834 tấn; cao su: 5.879 ha, sản lượng: 4.000 tấn; chè: 5.535 ha, sản lượng chè búp tươi: 48.414 tấn; cà phê: 17.687 ha, sản lượng cà phê nhân: 28.822 tấn; dược liệu: 1.560 ha, sản lượng: 4.210 tấn. Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra: 78.850 ha3.

Ba là, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả: diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương đạt 17.538 ha. Sản lượng cá sản xuất áp dụng VietGAP: 2.777 tấn/năm. Sản lượng mật ong sản xuất áp dụng VietGAP: 364 lít/năm.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả cao.

Ngoài ra, triển khai thực hiện thí điểm có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện, thành phố, gồm mô hình sản xuất: cây ăn quả (bưởi, cam, nhãn, xoài, thanh long, chanh leo, na), rau, chè, lợn thịt theo hướng hữu cơ; ủ phân hữu cơ tổng hợp. Tổng diện tích ghép cải tạo toàn tỉnh: 13.109 ha (trong đó cây xoài: 3.967 ha; nhãn: 7.623 ha; bơ: 583 ha; cam: 364 ha; bưởi: 432 ha; cây ăn quả khác 140 ha). Hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun…) tiết kiệm nước: 1.234 ha. Trong đó hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây: rau các loại: 252 ha; cây ăn quả: 955 ha; hoa: 23 ha; dược liệu: 1 ha; cây trồng khác: 3 ha; nhà lưới, nhà kính: 53,21 ha… Cơ giới hóa chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi lợn đạt trên 80%; 580 hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt 100%. Áp dụng cơ giới hóa thực hiện ở khâu chặt hạ và vận chuyển lâm sản. Tàu thuyền có động cơ đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh có 1.988 chiếc4.

Bốn là, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được chú trọng và đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cơ cấu lại lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nhiều cơ sở bảo quản, chế biến nông sản an toàn được hình thành và phát triển gắn với vùng nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Năm 2013 chế biến nông sản gồm chế biến chè, cà phê, đường, tinh bột sắn, tơ tằm. Giai đoạn 2013 – 2020 chế biến nông sản của tỉnh Sơn La tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chế biến chè, cà phê, đường, tinh bột sắn, tơ tằm; đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến rau, quả, cao su.

Năm là, toàn tỉnh có 614 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có 76,2% hợp tác xã hoạt động ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh5.

Sáu là, tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; xuất khẩu nông sản ngày càng được mở rộng, nhiều thị trường khó tính đã chấp nhận nông sản an toàn của tỉnh Sơn La. Năm 2013 có 2 mặt hàng (chè, ngô) xuất khẩu với sản lượng 1.511,3 tấn, đến năm 2020 có 14 mặt hàng (nhãn, xoài, chanh leo, chuối, mận hậu, thanh long, chè, cà phê nhân, đường, tinh bột sắn, rau, ngô, tơ tằm, lõi ép ngô, than sinh học) xuất khẩu với sản lượng 108.483,4 tấn6.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có những khó khăn, vướng mắc, như: phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển (thiếu kho lạnh; dịch vụ đầu vào về giống, vật tư kỹ thuật…). Diện tích áp dụng công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung, không đồng bộ gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giảm sức thu hút đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, chưa tạo được động lực phát triển công nghiệp chế biến.

Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; việc tích tụ diện tích đất để hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn; sản xuất nông nghiệp chưa theo tín hiệu và nhu cầu của thị trường, các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân còn ít.

Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong nông nghiệp sau chuyển đổi, thành lập mới hiệu quả chưa cao, quản trị kinh doanh và khả năng tiếp cận khoa học – kỹ thuật còn hạn chế. Chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững

Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh: “…Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”7, trong thời gian tới cần nghiên cứu, xem xét triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng công nghệ cao.

Thứ hai, tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”), lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng huyện, thành phố nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho chế biến đường, sữa, chè, cà phê, sắn, rau, quả. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm; tổng kết phổ biến nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mỗi huyện, thành phố lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại nông sản chủ lực và nhóm nông sản mà địa phương có lợi thế sản xuất, mang tính đặc sản và có khả năng liên kết với các địa phương xung quanh để tạo ra vùng nông sản tập trung, quy mô hàng hóa lớn. Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông sản, thủy sản dựa trên nền tảng dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, thủy sản của tỉnh. Triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và phát triển sản xuất nông nghiệp sạch; thực hiện tốt các biện pháp phát triển bền vững trong sản xuất nông sản, thủy sản.

Thứ ba, phát triển nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ trên cơ sở nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, nhất là nhu cầu lao động chất lượng cao trong ngành nông nghiệp. Có chính sách xây dựng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và các chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan trung ương, các viện, trường đại học đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện, xã. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học mới trong phát triển vùng sản xuất hàng hóa lớn một cách bền vững; xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác tập huấn, đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người dân trong vùng có dự án hoặc phương án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Thứ tư, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững. Đa dạng nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế, huy động các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: thủy lợi, giao thông, điện, nước, viễn thông, các công trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, hệ thống hạ tầng thương mại ở nông thôn.

Thứ năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển nông nghiệp; gắn cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với các chương trình giải quyết việc làm, chương trình đào tạo nghề, chương trình tái định cư thủy điện Sơn La, chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…Trọng tâm là các chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao tập trung; chính sách phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, ứng dụng các các tiến bộ kỹ thuật mới, giống có năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn vào sản xuất nông sản. Tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác đối với từng loại sản phẩm đối với từng vùng sinh thái khác nhau. Áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong kiểm định giống, thực vật, động vật…; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất; ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, không gây hại cho môi trường. Quản lý, sử dụng có hiệu quả khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu.

Tăng cường hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các nước trong khu vực và thế giới về khoa học công nghệ trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông sản; thiết lập hệ thống thông tin quản lý nông sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề bảo đảm cho nông dân tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Thứ bảy, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch, gắn phát triển du lịch với việc tổ chức các hoạt động, chương trình công bố giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các rào cản kỹ thuật, thuế quan để định hướng cho sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh. Đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng; tiếp tục tìm kiếm, khai thác các thị trường mới mà nông sản của tỉnh có lợi thế về chủng loại, chất lượng, mùa vụ. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản của tỉnh; tăng diện tích cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôn vinh sản phẩm nông sản của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng; xây dựng mạng lưới bán sản phẩm nông sản, thủy sản tươi và chế biến (chợ đầu mối, siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ…) được trang bị hệ thống bảo quản (quầy lạnh và kho lạnh).

Quan tâm xây dựng và phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp để khâu kết nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản./.

Chú thích:
1. Cục Thống kê tỉnh Sơn La. Niên Giám thống kê tỉnh Sơn La 2019. H. NXB Thống kê, 2020.
2,3,5,6. UBND tỉnh Sơn La (2020). Quyết định số 2887/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La. Báo cáo số 889/BC-SNN ngày 10/12/2020 kết quả triển khai Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 04/10/2018 thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
7. Tỉnh ủy Sơn La. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.
ThS. Nguyễn Thành Công
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La