Bình Phước đẩy mạnh cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta hướng tới xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng là một  nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương luôn chú trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thông qua việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). PCI đã trở thành một động lực quan trọng cho quá trình cải cách môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại Việt Nam. Hiện nay, các địa phương nói chung và Bình Phước nói riêng đều đã xây dựng các chương trình, giải pháp nhằm cải thiện PCI.

 

Bình Phước đặt máy tự động để người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ tại bộ phận một cửa (Ảnh: Nhất Sơn).

Khái quát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

PCI là tên viết tắt tiếng Anh – Provincial Competitiveness Index. Chỉ số PCI đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành  kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành phố. Từ năm 2006 đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm1.

PCI được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần, bao gồm: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN); đào tạo lao động; thiết chế pháp lý2.

PCI được xem là một công cụ, chính sách hướng tới thay đổi thực tiễn môi trường kinh doanh của các địa phương; là một “hàn thử biểu” đo “sức khỏe” DN, để chính quyền “bốc thuốc” và “dùng thuốc” phù hợp cho những trường hợp “nóng sốt” cần điều trị và phòng ngừa giúp môi trường đầu tư của địa phương phát triển lành mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Về PCI của tỉnh Bình Phước

Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Bình Phước trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc cải thiện PCI, như: thành lập Tổ tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ phản ứng nhanh giải quyết kiến nghị của DN, tổ chức gặp gỡ định kỳ giữa Thường trực Tỉnh ủy với DN, thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN,… Những nỗ lực, cố gắng của Bình Phước qua cải cách thủ tục hành chính, chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư như mở chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, tạo những điểm thu hút mới với cộng đồng DN trong và ngoài nước,… đã góp phần cải thiện tích cực Chỉ số PCI

Sau gần 5 năm triển khai, đến cuối năm 2019, có nhiều chỉ số thành phần của tỉnh Bình Phước có bước cải thiện vượt bậc so với các tỉnh, thành khác trong khu vực, như: Chỉ số tiếp cận đất đai tăng mạnh, trọng số 5%, xếp hạng 14, tăng 0,72 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2018; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng mạnh, trọng số 5%, xếp hạng 29, tăng 1,26 điểm và tăng 22 bậc so với năm 2018; Chỉ số đào tạo lao động tăng mạnh, trọng số 20%, xếp hạng 40, tăng 1,38 điểm và tăng 19 bậc so với năm 20183.

Với quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thời gian qua, Bình Phước đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao tính minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư. Ngày 19/5/2020, Bình Phước vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến trong cung ứng dịch vụ công cho DN. Việc ra mắt cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh không chỉ đơn thuần là việc thay đổi phương thức tiếp nhận hồ sơ mà là cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với quá trình cải cách thủ tục hành chính cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN trong quá trình nộp hồ sơ cũng như minh bạch hóa quá trình giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành.

Đặc biệt, từ ngày 09/9/2020, Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh IOC Bình Phước đã chính thức đi vào hoạt động, đây được ví như “bộ não số” của tỉnh Bình Phước với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng với các phần mềm điều khiển trung tâm, đây được xem là cú hích trong khâu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước trong thời gian sớm nhất, là nội dung quan trọng, trọng tâm trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Bình Phước. Trung tâm thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin và giúp cho lãnh đạo tỉnh phân tích, phản ứng nhanh, đưa ra những quyết định chính xác, đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, như: điều hành kinh tế – xã hội, xử lý sự cố hạ tầng kỹ thuật giao thông, quản lý đô thị, đất đai, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục… tạo sự kết nối trực tuyến tốt hơn giữa Nhân dân, DN với các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động hành chính.

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh Bình Phước chọn một trong ba chương trình đột phá là cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Những khát vọng lớn của Bình Phước hoàn toàn có cơ sở khi Bình Phước là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng được chính quyền điện tử kết nối với cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Ứng dụng công nghệ thông tin là nền tảng vững chắc để Bình phước cải thiện PCI trong thời gian tới.

Những nỗ lực của Bình Phước trong thời gian qua đã được thể hiện thông qua việc cải thiện đáng kể PCI. Tuy nhiên, tỉnh Bình Phước vẫn đứng gần cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số PCI của cả nước. Năm 2019, Chỉ số PCI Bình Phước xếp hạng 61/63 tỉnh thành phố, bằng với vị trí của năm 2018 và xếp cuối nhóm “trung bình”, chưa đáp ứng so với yêu cầu đặt ra (kế hoạch năm 2019 là tăng từ 5 – 7 bậc so với năm 2018)4. Với những tồn tại, hạn chế, như: (1) Số ngày đăng ký DN của tỉnh còn cao, thời gian giải quyết thủ tục cho DN còn chậm. (2) Cán bộ am hiểu chuyên môn sâu về nghiệp vụ còn thấp. (3) Công tác thanh tra, kiểm tra DN còn nhiều, có nội dung còn trùng lắp. (4) Vẫn còn tình trạng “bôi trơn”, phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. (5) Các dịch vụ hỗ trợ cho DN chưa được nhiều. (6) Tòa án các cấp chậm giải quyết trong các vụ án kinh tế.

Mặt khác, tỉnh Bình Phước gặp bất lợi về hạ tầng giao thông, như: không có đường hàng không, đường biển và đường sông; chưa có đường bộ cao tốc và đường sắt. Một số khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút đầu tư.

Một số giải pháp cải thiện PCI của tỉnh Bình Phước

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) về Chỉ số PCI. Nhận thức và trình độ của đội ngũ CBCC có ý nghĩa rất lớn đối với việc cải thiện Chỉ số PCI. Vì vậy, đội ngũ này cần phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về PCI cũng như vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cải thiện PCI. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ trong thời gian tới cần tích cực thông tin kịp thời cho CBCC trên địa bàn tỉnh về PCI, kết quả PCI của tỉnh trong thời gian qua. Điều này sẽ giúp cho đội ngũ CBCC hiểu biết đầy đủ về Chỉ số này; đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về PCI, giải pháp cải thiện PCI. Thường xuyên tuyên truyền để CBCC thấy được lợi ích của PCI cũng như vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cải thiện PCI.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các đơn vị liên quan cần tập trung tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao PCI đối với phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Thứ hai, tăng cường xây dựng các mô hình, giải pháp để cải thiện PCI. UBND tỉnh Bình Phước cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Nội vụ tăng cường xây dựng các giải pháp, mô hình nhằm cải thiện PCI. Trong thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan xây dựng các giải pháp, lộ trình cụ thể. Khuyến khích các sở, ban, ngành, các địa phương và các công chức chủ động đề xuất các giải pháp và mô hình để cải thiện PCI trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham khảo mô hình của các địa phương làm tốt, như: Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Tháp, Quảng Ninh,… từ đó, áp dụng vào thực tiễn của tỉnh.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính.

UBND tỉnh cần đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và giải quyết hồ sơ theo phương thức điện tử, không nhận văn bản giấy;  bảo đảm hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; thực hiện cắt giảm các chi phí về tuân thủ pháp luật, phí và lệ phí, giảm chi phí đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; không được thanh tra, kiểm tra DN quá 01 lần/năm.

Thứ tư, tăng cường đối thoại với DN. Chính quyền tỉnh Bình Phước cần phải xây dựng được mối quan hệ tốt với DN trên địa bàn tỉnh cũng như các DN có ý định đầu tư vào tỉnh. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các buổi tiếp xúc với DN để nghe và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN.

Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện PCI.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp kịp thời trong cải thiện PCI. Cần gắn nhiệm vụ cải thiện PCI với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong cải thiện PCI.

Cần sử dụng công nghệ thông tin như zalo, để các cấp lãnh đạo của tỉnh nắm bắt được thông tin kịp thời, chính xác nhằm chỉ đạo, điều hành, sau đó tạo thành thói quen duy trì hoạt động đi vào nề nếp thực hiện.

Chú thích:
1, 2. Giới thiệu Chỉ số PCI. https://pcivietnam.vn
3, 4.  Hồ sơ tỉnh Bình Phước. https:/pcivietnam.vn

ThS. Huỳnh Thị Bé Năm
Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước