Về nhu cầu thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý trong nền công vụ  

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong hoạt động công vụ, chế độ tập sự đóng vai trò và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Riêng đối với chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý, hiện đã được áp dụng ở một số quốc gia nhưng với Việt Nam, đây vẫn còn là một vấn đề khá mới. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập nhu cầu thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số kiến nghị trong thời gian tới.

 

Tuyên dương 56 gương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc 2020 (ảnh minh họa).
 Khái quát về chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý

“Tập sự” là tập làm quen với công việc trong một thời gian nhất định trước khi chính thức được giao phụ trách công việc đó. Tập sự cũng chính là khâu sát hạch lại năng lực và mức độ phù hợp với vị trí làm việc của người được tuyển dụng. Đối với khu vực công, tập sự sẽ giúp cho đội ngũ công chức làm quen và không bị bỡ ngỡ khi đảm nhiệm các công việc được giao. Thông thường có hai hình thức tập sự công chức, đó là: (1) Tập sự dành cho công chức thừa hành và (2) Tập sự dành cho công chức lãnh đạo, quản lý (LĐQL).

Quá trình tập sự LĐQL là phương thức giúp cơ quan, đơn vị bố trí và sử dụng nhân sự có hiệu quả hơn, giúp người có khả năng LĐQL có cơ hội thử sức và hoàn thiện năng lực của mình, sẵn sàng đảm đương chức trách, nhiệm vụ khi chính thức được bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh LĐQL.

Đặc biệt, cơ chế này giúp khắc phục được tình trạng khá phổ biến trong việc bố trí, sử dụng nhân sự trong khu vực công, đó chính là tình trạng thiếu kinh nghiệm công tác. Mặc dù kinh nghiệm sẽ được tích lũy dần trong quá trình công tác, tuy nhiên, xem xét thấu đáo hơn, có thể thấy khi một công chức được bố trí vào chức danh LĐQL thì khi đó, về bản chất họ không còn ở vị trí “tập làm” để tích lũy lấy kinh nghiệm nữa mà họ đã ở vị trí “làm thật sự”, yêu cầu công việc buộc họ khi đưa ra các quyết định quản lý phải nhạy bén, kịp thời và chính xác. Tính chất của việc “tập làm” chỉ phù hợp khi họ chưa chính thức giữ chức vụ, chức danh LĐQL.

Mặt khác, đối với những công chức trẻ, còn thiếu kinh nghiệm thì việc được bố trí vào các vị trí LĐQL gần như đồng nghĩa với việc phải chấp nhận ít nhiều khả năng rủi ro trong quá trình chỉ đạo, điều hành nếu như đội ngũ tham mưu có năng lực còn hạn chế, hoặc khi họ đứng trước những tình huống khó, ít gặp cũng như những tình huống bất ngờ, “điểm nóng”. Vì vậy, để khắc phục nhược điểm về kinh nghiệm làm việc của công chức thì tập sự LĐQL là một trong những phương thức có nhiều ưu thế.

Tập sự LĐQL trong nền công vụ là vấn đề đã được nhiều quốc gia quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công… Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi quốc gia sẽ có chính sách, cách thức cụ thể về tập sự LĐQL khác nhau. Ví dụ, ở Cộng hòa Ai-len, tập sự LĐQL ban đầu được coi là một chính sách hãn hữu, là phương án cuối cùng nếu không thể áp dụng được các biện pháp quản lý nhân sự khác để đáp ứng nhu cầu nhân sự trong ngắn hạn của đơn vị, tổ chức, tuy nhiên, những năm gần đây, tập sự LĐQL lại được coi là một hoạt động cần thiết nhằm tạo điều kiện phát hiện và bồi dưỡng người tài, đồng thời tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả của nền công vụ. Hay đối với Cộng hòa Liên bang Đức, theo quy định của Điều 24 Luật Công chức Liên bang (BBG) thì công chức được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo phải qua thời gian thử việc (thường là 2 năm). Cơ quan lãnh đạo cao nhất có thể rút ngắn thời gian này trong trường hợp công chức được bổ nhiệm trước đó đã giữ vị trí lãnh đạo quan trọng hoặc thực tế đã giữ chức vụ phó (đại diện) cho vị trí này với thời gian ít nhất là 6 tháng1.

Còn ở Trung Quốc, theo Luật Công vụ thì việc đề bạt công chức vào một vị trí lãnh đạo sẽ áp dụng hệ thống công bố công khai tiền bổ nhiệm và hệ thống thời hạn tập sự với các quy định liên quan2.

Như vậy, tập sự LĐQL là một “bước đệm” nhằm bố trí và sử dụng công chức đạt hiệu quả hơn. Nếu thực hiện tốt hoạt động  này thì công tác quản lý, sử dụng công chức nói chung và công chức LĐQL nói riêng sẽ có cơ hội đạt được những kết quả khả quan hơn.

Nhu cầu thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý trong nền công vụ ở Việt Nam

Thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức (CBCC) ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đội ngũ CBCC ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng, tận tụy phục vụ Nhân dân; góp phần rất lớn vào tiến trình cải cách hành chính nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý, sử dụng CBCC vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc3. Và một trong số những nguyên nhân được xác định đó là: “một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới. Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ…”4. Việc đánh giá CBCC để bổ nhiệm chính thức vào các vị trí LĐQL chưa thật sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế đó, đặc biệt là có thể đánh giá đúng hơn năng lực cũng như sàng lọc lại đội ngũ công chức trước khi đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn thì cơ chế tập sự LĐQL đã được đề cập. Cụ thể, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã xác định chủ trương: thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự LĐQL.

Tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” cũng đã đề ra nhiệm vụ: đổi mới công tác bổ nhiệm công chức LĐQL; đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự LĐQL.

Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đang xây dựng Đề án thí điểm tiến cử, tập sự LĐQL nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác xây dựng nguồn CBCC LĐQL. Mục tiêu của Đề án này là phát hiện, đề bạt và tiến hành tập sự LĐQL, giúp CBCC đã được đưa vào diện quy hoạch tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức và năng lực quản lý, đồng thời làm quen với vai trò LĐQL, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ LĐQL khi được bổ nhiệm.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – thời đại kỷ nguyên số với sự bùng nổ của khoa học, công nghệ, như internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)…, sự tác động từ những công nghệ mới nổi này đối với nền hành chính nhà nước đòi hỏi đội ngũ công chức LĐQL phải có ưu thế và năng lực vượt trội, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập đầy biến động với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đặt ra.

Như vậy, trong bối cảnh cải cách nền hành chính nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề cốt yếu là phải nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC nhà nước nói chung và đội ngũ công chức LĐQL nói riêng. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công chức thì việc thực hiện chế độ tập sự đối với công chức LĐQL là vấn đề cần sớm được quan tâm thúc đẩy nhằm đổi mới cách tuyển chọn nhân sự LĐQL, từ đó có thể xây dựng được một đội ngũ công chức LĐQL ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp hơn.

Một số kiến nghị

Để thực hiện có hiệu quả chế độ tập sự LĐQL ở Việt Nam trong thời gian tới, cần quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, cần nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò và ý nghĩa đặc biệt của chế độ tập sự LĐQL trong nền công vụ. Thực tế cho thấy, việc nâng cao chất lượng cán bộ phải gắn liền với hệ thống cơ chế, chính sách; trong tình hình hiện nay, việc đổi mới cơ chế sử dụng và chính sách đối với cán bộ là khâu có tính đột phá5. Vì vậy, nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách quản lý CBCC luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở những chủ trương của Đảng về chế độ tập sự LĐQL, hệ thống chính sách về CBCC cần phải coi trọng đúng mức phương thức tập sự này. Tuy nhiên, cũng phải cần có sự thống nhất rằng, tập sự LĐQL chỉ nên được xem là một cơ chế bổ khuyết nhằm củng cố hệ thống các cơ chế quản lý, sử dụng CBCC chứ đây không phải là cơ chế chính yếu để lựa chọn, bố trí nhân sự vào những vị trí LĐQL.

Hai là, cần nhanh chóng cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn thực hiện chế độ tập sự LĐQL. Hiện tại, hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý CBCC chỉ mới có quy định chi tiết về tập sự ban đầu đối với công chức thông thường6 và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ7. Do đó, cần luật định các nội dung liên quan đến tập sự LĐQL. Cùng với đó, các quy định, hướng dẫn thực hiện chế độ tập sự LĐQL cần phải thật sự rõ ràng, cụ thể. Vấn đề trọng tâm là phải xác định đối tượng8 và tiêu chuẩn9 cụ thể của người được tập sự LĐQL, theo hướng đề cao yếu tố thực tài.

Bỡi lẽ, những tiêu chuẩn về người có tài năng trong hoạt động công vụ chưa được chính thức ban hành trong khi tiêu chuẩn các chức danh LĐQL của công chức hiện nay còn rất chung chung, khó đánh giá chính xác năng lực trên thực tế… Ngoài ra, một số nội dung khác cũng cần được quan tâm làm rõ như: tiêu chuẩn của người hướng dẫn tập sự; phạm vi thẩm quyền, mức độ trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định của người tập sự; tiêu chí đánh giá quá trình, kết quả tập sự…

Ba là, về lựa chọn, tạo nguồn đối tượng để thực hiện chế độ tập sự LĐQL. Như đã đề cập, mặc dù có những ưu điểm nhất định, nhưng không thể thực hiện chế độ tập sự LĐQL một cách tràn lan mà cần phải cân nhắc lựa chọn đối tượng thực hiện trong những trường hợp thật sự cấn thiết, không nên quá lạm dụng. Bởi lẽ, chế độ tập sự LĐQL không thể thay thế việc tuyển dụng nhân sự cơ hữu vào vị trí việc làm đang khuyết. Lạm dụng chế độ tập sự LĐQL tại đơn vị có thể gây ra áp lực nhất định với đội ngũ CBCC nòng cốt, gây xáo trộn văn hóa của đơn vị, tổ chức, khó kiểm soát trách nhiệm…

Bốn là, cần đa dạng các loại hình tập sự LĐQL. Có thể thực hiện theo các hình thức tập sự như:

(1) Tập sự dành cho công chức trong diện quy hoạch. Chẳng hạn, trường hợp cơ quan, đơn vị đang khuyết vị trí LĐQL: trong khi chờ cấp có thẩm quyền bố trí nhân sự mới, công chức trong diện quy hoạch có thể được xem xét, bố trí đưa vào diện tập sự, kết thúc tập sự, công chức sẽ tiếp tục công tác tại vị trí cũ trước đó hoặc sẽ được luân chuyển, bổ nhiệm sang cơ quan, đơn vị khác với chức danh cao hơn10 (nếu cơ quan có tiến hành thi tuyển chức danh LĐQL thì người tập sự cũng phải tham gia thi tuyển cạnh tranh với các ứng viên khác). Hình thức này cũng có thể thực hiện trong trường hợp lãnh đạo cơ quan, đơn vị do bận công tác trong thời gian dài, nhất là những vị trí công tác thường xuyên vắng mặt ở cơ quan.

(2) Tập sự đối với người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh công chức LĐQL mà trước đó người trúng tuyển chưa từng làm việc trong khu vực công (việc tổ chức thi tuyển nên được chủ động thực hiện trước khi người giữ vị trí lãnh đạo đương nhiệm nghỉ hưu).

(3) Tập sự “vượt cấp” dành cho công chức có tài năng nổi trội. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW) đã xác định cần phải: “Có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí LĐQL, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ”. Vì vậy, tập sự LĐQL dành cho những đối tượng này là rất cần thiết, nhất là những trường hợp được xem xét bố trí vượt cấp.

Song song với đó, có thể kết hợp đồng thời chế độ tập sự LĐQL với chế độ tập sự của sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Vì theo quy định của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017, trong trường hợp người tập sự đạt yêu cầu của ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức đang tập sự thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện quy trình ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương cho công chức, viên chức được tuyển dụng. Khi đó, những đối tượng này có thể được xem xét chuyển sang thực hiện hình thức tập sự LĐQL11, nếu đáp ứng các điều kiện về năng lực, phẩm chất.

Năm là, thời gian tập sự LĐQL phải linh hoạt, mềm dẻo, không cứng nhắc. Thiết nghĩ, thời gian này có thể từ 3 – 12 tháng, tùy theo năng lực của người tập sự và vị trí tập sự. Trường hợp đặc biệt, thời gian có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn do cấp có thẩm quyền quyết định. Trong quá trình tập sự LĐQL, nếu người tập sự không đáp ứng được yêu cầu công việc, khả năng làm việc còn nhiều hạn chế thì nên chấm dứt ngay việc tập sự LĐQL.

Sáu là, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người tập sự và người hướng dẫn tập sự LĐQL; quan tâm công tác hướng dẫn một cách chặt chẽ, giúp người có tài năng nổi trội ngày càng vững vàng hơn trong công tác. Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tập sự LĐQL; kịp thời phát hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Như vậy, tập sự LĐQL là một cơ chế hỗ trợ trong việc lựa chọn, bố trí nhân sự LĐQL, vì vậy, cơ chế này cần được tiến hành cẩn trọng. Qua đó, giúp sàng lọc và lựa chọn được đội ngũ công chức có năng lực thật sự, đủ khả năng đảm đương các chức vụ LĐQL trong tương lai.

Chú thích:
1, 2. Trần Anh Tuấn. Pháp luật về công vụ của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. H. NXB Chính trị quốc gia, 2013, tr. 746, 956.
3, 4. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW).
5. Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sầm (đồng chủ biên). Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. H. NXB Chính trị quốc gia, 2003, tr. 330.
6. Chế độ tập sự dành cho công chức thông thường quy định tại Điều 40 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; được quy định chi tiết tại Điều 20 – Điều 24, Mục 5, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ. Ngày 29/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2010/NĐ-CP, trong đó, có sửa đổi, bổ sung Điều 20 về chế độ tập sự.
7. Ngày 05/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian ít nhất là 03 tháng và không quá 12 tháng, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí được tuyển dụng.Thời gian tập sự cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định (Điều 10).
8. Theo Dự thảo Đề án tập sự lãnh đạo, quản lý do Bộ Nội vụ xây dựng, thì đối tượng dự kiến thực hiện thí điểm tập sự LĐQL được thực hiện với các chức danh LĐQL cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng; Phó Cục trưởng; Phó Vụ trưởng và tương đương; Phó Giám đốc Sở và tương đương.
9. Cũng theo Dự thảo Đề án tập sự lãnh đạo, quản lý thì tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự bao gồm: nam dưới 45 và nữ dưới 40 tuổi; thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự LĐQL hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh LĐQL; được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua.
10. Chẳng hạn: trưởng phòng của một sở sẽ được tập sự ở vị trí Phó Giám đốc sở, sau khi kết thúc quá trình tập sự sẽ được bổ nhiệm vào chức danh cấp phó của một sở khác, phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường.
11. Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương quy hoạch, bổ nhiệm đặc biệt dành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Cụ thể là: “xuất phát từ nhu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và căn cứ kết quả công tác, sau tuyển dụng từ 1 – 2 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sẽ được xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên (theo phân cấp), kể cả cán bộ đó chưa là đảng viên (trừ các cơ quan tham mưu của cấp uỷ, tổ chức đảng và lực lượng vũ trang)”.

ThS. Nguyễn Thị Minh Trang – ThS. Trương Thế Nguyễn
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng