Giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) qua các năm, điều này khẳng định sự cam kết của Chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, khi càng gần top 40, trở thành những nước có thu nhập vượt trội thì việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, do vậy, Việt Nam cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao về chất thay vì về lượng của GII.

 

Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2020 và Kết quả của Việt Nam (Nguồn: nhandan.com)..

Tổng quan về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được định nghĩa là việc đưa ra một sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) mới hoặc một sản phẩm được cải tiến đáng kể hoặc đưa ra và thực hiện quy trình công nghệ mới, phương pháp tiếp thị mới, một phương pháp tổ chức mới trong hoạt động kinh doanh, trong tổ chức nơi làm việc hoặc trong quan hệ với bên ngoài (OECD, 2005). ĐMST thường cần tới nhiều loại hoạt động, không chỉ nghiên cứu và phát triển, mà còn những hoạt động khác, như thay đổi về tổ chức, đào tạo, kiểm nghiệm, tiếp thị và đặc biệt là thiết kế1.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) được đưa ra năm 2007 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO, thuộc Liên hiệp quốc), kết hợp với một số công ty lớn và tổ chức phi lợi nhuận khác. Mục đích của chỉ số này là đưa ra các đánh giá về độ sáng tạo, đổi mới của mỗi quốc gia một cách toàn diện nhất.

Trước đây, theo cách đánh giá truyền thống, chỉ số GII chủ yếu được đánh giá theo các tiêu chí như: số lượng tiến sỹ, số lượng bài báo nghiên cứu khoa học được công bố, số bằng sáng chế, kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển chiếm bao nhiêu phần trăm GDP,… Tuy nhiên, các tiêu chí đó chưa phản ánh đầy đủ, đúng nhiều mặt mức độ sáng tạo của quốc gia.

Theo Tổ chức WIPO, ĐMST được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là ĐMST dựa trên nghiên cứu và phát triển mà còn dựa trên các chỉ số sáng tạo trong xã hội, chỉ số sáng tạo trong các mô hình kinh doanh và thị trường… Với cách tiếp cận này, GII được tích hợp từ số đo (được quy chuẩn) của 7 trụ cột lớn, mỗi trụ cột lớn được tích hợp từ số đo của 03 trụ cột nhỏ, tạm gọi là nhóm chỉ số. Mỗi nhóm chỉ số bao gồm từ 2 – 5 chỉ số thành phần, tổng thể có khoảng 70 – 80 chỉ số thành phần và thay đổi tùy từng năm2.

Hiện nay, có thể hệ thống các chỉ tiêu vào hai nhóm chính là: (1) Nhóm chỉ số tổng hợp về đầu vào ĐMST (gồm 5 trụ cột: phản ánh những yếu tố trong nền kinh tế tạo điều kiện cho các hoạt động ĐMST); (2) Nhóm chỉ số tổng hợp về đầu ra ĐMST (gồm 2 trụ cột: phản ánh kết quả của các hoạt động ĐMST trong một nền kinh tế).

Thực trạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam

Trong bảng xếp hạng năm 2016, Việt Nam xếp hạng thứ 59, giảm 7 bậc so với thứ hạng năm 2015. Việc giảm bậc này là do thay đổi trong phương pháp tính toán và xếp hạng của GII. Ngoài ra, các nước không đáp ứng 66% chỉ số có dữ liệu đã không được xếp hạng. Vì vậy, số các nước được xếp hạng đã giảm từ 141 nước năm 2015 còn 128 nước năm 2016, dẫn đến thứ hạng các nước giữa năm 2015 và 2016 có nhiều thay đổi.

Năm 2017, Việt Nam xếp hạng 47 trên 127 quốc gia/nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc, lên vị trí 45/126 quốc gia.

Năm 2019, lại tiếp tục tăng 3 bậc, từ vị trí 45 lên vị trí 42 trên tổng số 129 nền kinh tế được xếp hạng. So với năm 2017, ngoài điều chỉnh nhỏ về số lượng quốc gia tham gia xếp hạng (giảm 01 từ 127 quốc gia/nền kinh tế còn 126)3.

Mới đây nhất, trong bảng xếp hạng GII 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 – được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam.

Thứ nhất, về trình độ phát triển của kinh doanh có nhiều cải thiện. Theo đánh giá của WIPO, năm 2020, hệ thống ĐMST của Việt Nam có kết quả nổi bật về trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019. Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, với kết quả tốt hơn ở chỉ số hợp tác viện, trường, doanh nghiệp (DN) (tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65) và chỉ số quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 – là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).

Thứ hai, về hạ tầng chung. Năm 2020, trụ cột này tiếp tục có sự cải thiện tích cực, tăng 9 bậc so với năm 2019. Trong đó, đáng kể nhất là nhóm chỉ số về hạ tầng ICT – tăng 6 bậc so với 2019 với tiến bộ rõ rệt về tiếp cận ICT (tăng 4 bậc từ vị trí 90 lên 86) và Sử dụng ICT (tăng 27 bậc, từ vị trí 92 lên 65). Các chỉ số liên quan tới năng lượng trong GII 2020 cũng có sự cải thiện tích cực. Chỉ số sản lượng điện theo đầu người tiếp tục cải thiện so với 2019, tăng 5 bậc, từ vị trí 81 lên 76. Chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng tăng 7 bậc từ vị trí 92 lên 85.

Thứ ba, về đầu ra ĐMST, nhóm chỉ số sáng tạo tri thức và lan truyền tri thức có cải thiện tích cực so với 2019, trong đó nhóm chỉ số lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhờ sự dẫn đầu về xuất khẩu công nghệ cao (hạng 2). Đặc biệt, chỉ số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật đã tăng 13 bậc so với 2019, từ vị trí 74 lên 61.

Thứ tư, về sản phẩm sáng tạo, tăng 9 bậc so với năm 2019, xếp hạng 38. Có 6 chỉ số ở trụ cột này cải thiện so với 2019 và có thứ hạng cao như số lượng ứng dụng phần mềm được sản xuất (hạng 10, tăng 3 bậc); chỉ số đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ (hạng 20, tăng 4 bậc). Chỉ số sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao tăng 4 bậc, từ 27 lên 23. Đặc biệt, với 33 thương hiệu nằm trong tốp 5000, dẫn đầu là công ty viễn thông Viettel Telecom, Việt Nam xếp hạng thứ 19 ở chỉ số mới được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong GII 2020 – chỉ số giá trị thương hiệu toàn cầu.

Báo cáo của WIPO cho thấy, các nước xếp trên Việt Nam trong GII 2020 đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu (năm 2019, nhóm này có 26 quốc gia và Việt Nam cũng đứng đầu). Trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 3, sau Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a4.

So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam có xu hướng cải thiện vị trí, thứ hạng trong GII, đồng nghĩa với việc cải thiện về năng lực ĐMST, khá ổn định, theo chiều hướng tích cực gần như liên tục từ năm 2016 đến nay. Trong khu vực, Việt Nam và Thái Lan hiện là hai nước có thứ hạng không chênh lệch nhiều và đều còn cách xa Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a. Trong đó, Xinh-ga-po là nước có thu nhập cao, Ma-lai-xi-a và Thái Lan đều là các nước có thu nhập trung bình cao. Nếu so với hai nước còn lại là Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a, đều cùng trong nhóm thu nhập trung bình thấp thì vị trí của Việt Nam cao hơn đáng kể.

Có thể thấy, Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng Chỉ số GII qua các năm, điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy ĐMST. Tuy nhiên, khi càng gần tốp 40, là những nước có thu nhập vượt trội thì việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, cần có sự nỗ lực lớn. Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao về chất thay vì về lượng. Đặc biệt, trong các trụ cột đầu vào, trụ cột trình độ phát triển của thị trường có sự cải thiện lớn nhất và hiện có vị trí thứ hạng tốt nhất (hiện ở hạng 29). Tuy nhiên, thể chế và cơ sở hạ tầng lại là hai trụ cột có vị trí thấp nhất hiện nay trong 5 trụ cột đầu vào (xếp hạng lần lượt 81 và 82).

Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số GII của Việt Nam năm 2019 cũng ghi nhận, trụ cột cơ sở hạ tầng tăng 0,5 điểm, nhưng giảm 2 bậc; trụ cột y tế giảm điểm nhẹ (0,5 điểm, từ 81 điểm xuống 80,5 điểm), do đó tụt 3 hạng (từ vị trí 68 xuống vị trí 71). Mặt khác, có 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Các trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (thứ 67) gồm: thể chế (89), cơ sở hạ tầng (77), y tế (71), kỹ năng (93), thị trường sản phẩm (79), thị trường lao động (83), mức độ năng động trong kinh doanh (89) và năng lực đổi mới sáng tạo (76).

Ở cấp độ các chỉ số thành phần, một số chỉ số có sự suy giảm mạnh như: dấu hiệu tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, hiện đứng ở gần cuối bảng (thứ 101), giảm 10 bậc so với năm 2018 (thứ 91)… Đáng chú ý là trong trụ cột hệ thống tài chính, chỉ số nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa giảm 0,8 điểm và 12 bậc, đứng ở thứ hạng 97 (năm 2018 có thứ hạng 85). Kết quả này cho thấy, tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế, dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc (từ vị trí 51 xuống vị trí 61). Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi, khiến các quỹ đầu tư còn thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam5.

Mặc dù có kết quả đầu ra tốt so với đầu vào và GDP trong nhiều năm liên tiếp song Việt Nam vẫn là nước thuộc nhóm “tiếp nhận” (achiever) công nghệ chứ chưa phải là những nước có các sản phẩm đầu ra mang tính dẫn dắt, dẫn đầu (leader).

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cũng đánh giá các xếp hạng mà Việt Nam đạt được chỉ ở vị trí trung bình thấp, các chỉ số về thể chế, hạ tầng, chi phí ngoài pháp luật còn xếp ở thứ hạng rất thấp và hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm, dịch vụ. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng cho thấy, 54% DN xác nhận phải chi ngoài pháp luật để “bôi trơn” trong giải quyết các thủ tục hành chính…6.

Giải pháp nâng cao Chỉ số GII của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Một là, đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển nói chung và cho DN nói riêng.

Đây là hoạt động nhằm tiến hành mua bán, đầu tư nghiên cứu, công nghệ mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của các DN trong nền kinh tế. Hoạt động này cũng nhằm tạo tiền đề cho những đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng ký sáng chế và các tài sản trí tuệ khác góp phần nâng cao chất lượng của ĐMST.

Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này cần chú trọng tới các nhiệm vụ sau: (1) Xây dựng chiến lược và kế hoạch nhằm phát triển khoa học – công nghệ. Theo đó, cần tập trung mọi nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan, từ đó, tiến dần tới việc đổi mới công nghệ trong DN. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ, sở Khoa học và Công nghệ các địa phương cần xây dựng các quy định đặc thù thích hợp với lĩnh vực sản xuất hàng hóa; tham gia, tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến. (2) Gắn kết với các chương trình và chiến lược quốc gia. Điều đầu tiên các DN cần làm là phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xác định danh mục các nhiệm vụ phát triển công nghệ. Từ đó có thể dự trù được chi phí một cách phù hợp, hiệu quả trong các giai đoạn. (3) Đầu tư đào tạo bộ phận nghiên cứu và phát triển. Đây là bộ phận đóng vai trò nền tảng nhằm giúp DN giảm được những rủi ro trong kinh doanh và gia tăng thêm khả năng cạnh tranh trên thị trường. (4) Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập công nghệ quốc tế.

Bên cạnh dó, cần triển khai xây dựng và thành lập các danh mục về công nghệ để tiến hành giao hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện; đồng thời, mở rộng quan hệ liên kết với các đối tác công nghệ quốc tế có tiềm lực lớn.

Hai là, chú trọng cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, trình độ kinh doanh.

Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ cần tiếp tục cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa. Ở các địa phương, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, vận hành của nền hành chính nhằm nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước cũng như tối ưu hóa hiệu quả giao dịch giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Theo đó, hạ tầng đường bộ đang là điểm nghẽn, cần tập trung ưu tiên giải quyết; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển cùng trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là việc làm cần thiết.

Ba là, thúc đẩy các chính sách thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài để nâng cao năng lực trong nước.

Thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Đến nay, mới có hơn 100 tập đoàn xuyên quốc gia trong số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam7. Do đó, Việt Nam cần xây dựng chiến lược và ban hành các cơ chế, chính sách thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN FDI lẫn DN trong nước và liên kết được 2 khối này với nhau. Thu hút FDI thế hệ mới được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các DN nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với DN trong nước…

Bốn là, nâng cao chất lượng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nâng cao nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đào tạo nguồn nhân lực nói chung, việc chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Đội ngũ này có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, thực thi các chính sách phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Qua đó, mới có thể hỗ trợ người dân, DN trong việc xử lý các giao dịch điện tử, bảo đảm nhanh chóng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật mạnh nhằm cải thiện nguồn nhân lực cho ĐMST, nhất là cải thiện giáo dục đại học. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, cải thiện các chỉ số về: tỷ lệ tuyển sinh đại học, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học – kỹ thuật, tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.

Năm là, tiếp tục tích hợp và áp dụng các kế hoạch, chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đáp ứng nhu cầu và chính sách trong nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước.

Để thực hiện có hiệu quả chiến lược, trước hết, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo đó, lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các chiến lược, chính sách phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội, ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng quyền SHTT.

Cùng với đó, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; xác định củng cố các đầu mối chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương và địa phương; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về SHTT. Đặc biệt, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng theo hướng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, chuyển đổi cơ chế phí trong cung cấp dịch vụ công sang cơ chế giá. Đơn giản hóa, hiện đại hóa, công khai, minh bạch trình tự và thủ tục hành chính về SHTT.

Xây dựng và hoàn thiện các chỉ số đo lường về sở hữu trí tuệ trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, sử dụng các chỉ số đo lường về SHTT như một công cụ quản lý, đặc biệt là các chỉ số cấu thành về SHTT của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI)… Tập trung đẩy mạnh việc thực thi quyền SHTT và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ. Phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT và tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT…

Sáu là, tích cực hỗ trợ về chính sách đối với các DN khởi nghiệp.

Cần đặc biệt coi trọng các DN, coi DN là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ của DN. DN phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Cụ thể, tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các DN, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ. Chính phủ cần tích cực khuyến khích và hỗ trợ việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập DN để khai thác quyền sở hữu trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất – kinh doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao… Bên cạnh đó, cũng cần tạo thuận lợi giải quyết phá sản DN, chi phí sa thải nhân công, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh, cải thiện chất lượng các quy định pháp luật. Đây cũng là những chỉ số còn có thứ hạng thấp và chưa có chuyển biến tích cực trong nhiều năm.

Chú thích:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ – Học viện Khoa học. Công nghệ và Đổi mới sáng tạo/Sổ tay hướng dẫn về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tháng 11/2018, tr. 1.
2. Tìm hiểu về các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ. http://www.noip.gov.vn, ngày 25/4/2020.
3. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Việt Nam đứng đầu nhóm 29 nền kinh tế cùng mức thu nhập. https://nhandan.com.vn, ngày 03/9/2020.
4.Giới thiệu báo cáo chỉ số GII năm 2020 và kết quả của Việt Nam. https://www.most.gov.vn, ngày 09/9/2020.
5, 6. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn, ngày 24/10/2020.
7. Một số vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn, ngày 24/7/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Larry Keeley. 10 Loại hình đổi mới sáng tạo – Bí kíp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. H. NXB Công thương, 2020.

PGS. TS. Nguyễn Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an
TS. Đặng Thành Lê – Học viện Hành chính Quốc gia