Sự tham gia của tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong xây dựng và phát triển các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư  

(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình tự quản của cộng đồng dân cư là một mô hình được xây dựng trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình có sự tham gia tích cực và chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội. Bài viết tổng quan các văn bản cơ sở pháp lý và việc thực hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong xây dựng và phát triển mô hình tự quản của cộng đồng dân cư.

 

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư được tổ chức tại tỉnh Bình Dương năm 2020 (nguồn: internet).

Các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư làng xã và quá trình xây dựng, phát triển

Cơ sở pháp lý của các mô hình tự quản cộng đồng và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội

Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Chỉ thị đã đề cập việc phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân với chế độ dân chủ đại diện và thực hiện dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nội dung Chỉ thị nêu rõ mở rộng các hình thức tổ chức tự quản để Nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật những công việc mang tính xã hội hóa, có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, Chỉ thị đã chỉ ra vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã nêu quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội (CTXH) và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong đó, có nêu rõ quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật…

Tại Chương I Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh quyền làm chủ của Nhân dân. Theo đó, quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân…” (Điều 3); “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). Và “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 8).

Các nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, cũng như các quy định về cơ sở, phạm vi hoạt động của tổ chức này được quy định rõ tại Điều 9 Chương I Hiến pháp năm 2013. Văn bản này cũng khẳng định tính “tự nguyện” của các tổ chức thành viên trong việc tham gia MTTQ Việt Nam, tính đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Các hình thức tổ tự quản nhân dân được nhấn mạnh trong Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và được nhấn mạnh nhằm mục đích “Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở” (Điều 3). Quyết định cũng quy định về sự tham gia của MTTQ Việt Nam, trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xác nhận và công nhận hương ước, quy ước (khoản 2 Điều 5, khoản 3 Điều 12).

Tại khoản 5 Điều 2 Chương I Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 quy định: “Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của Nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật này”. Đồng thời quy định “Phạm vi hòa giải ở cơ sở” (Điều 3).

Ngoài ra, còn một loạt các văn bản có liên quan khác, như: Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (căn cứ để ban hành là Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 26/02/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn); Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/1998, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Chỉ thị số 22/1998/CT-TTg ngày 15/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, Quyết định số 164/TCCP-CCVC ngày 29/6/1995 của Bộ trưởng – Trưởng ban Tổ chức- cán bộ của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức ở các xã miền núi và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng bản…

Luật MTTQ năm 2013 đã quy định rõ một số nội dung cơ bản về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam (Điều 3); trong mối quan hệ với Nhân dân, MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên (Điều 8); vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tuyên truyền, vân động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật, trong đó nhấn mạnh vai trò vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước của khu dân cư và tham gia tổ hòa giải cơ sở (Điều 17).

Về quy định trong các văn bản của các tổ chức CTXH, như: Điều lệ của MTTQ Việt Nam, Điều lệ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nghị quyết Đại hội của các tổ chức CTXH, các tổ chức xã hội đều có các nội dung quy định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong mô hình tự quản cơ sở.

Các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư làng xã

Tổ chức tự quản là tổ chức được thành lập theo chế độ dân bầu để quản lý những công việc mang tính cộng đồng hoặc do Nhà nước ủy quyền. Tổ tự quản rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, tổ tự quản được thành lập theo nơi cư trú, nơi làm việc của công dân, ví dụ như tổ dân phố, tổ hòa giải, tổ tự quản phụ lão/phụ nữ, tổ tuần tra nhân dân… hoặc nơi có thể tập hợp những người dân có cùng chung sở thích, chung nguyện vọng hay có cùng những đặc điểm như hội đồng hương, hội đồng môn, hội cây cảnh… Yếu tố tự nguyện là một đặc trưng cơ bản của tổ tự quản, bao gồm: người dân tự nguyện tham gia, tự xây dựng cơ chế quản lý, tự nguyện đóng góp, xây dựng quỹ.

Có thể chia thành hai mô hình tổ tự quản.

(1) Các mô hình xây dựng trên cơ sở nhu cầu tự phát của người dân.

Các hội/nhóm như: hội đồng hương, hội đồng niên, hội lớp, hội khóa, hội đồng môn, hội cây cảnh… Các hội/nhóm được xây dựng trên cơ sở ý chí và nguyện vọng của những người có cùng sở thích, cùng nhu cầu. Việc thành lập các hội/nhóm trên cơ sở tự nguyện, ban đầu thường xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của một nhóm nhỏ đóng vai trò nòng cốt, sau đó trong quá trình phát triển sẽ tăng dần về số lượng người tham gia cũng như mô hình hoạt động. Kinh phí do các hội viên tự nguyện đóng góp hoặc có quy định thu định kỳ hằng năm.

Một số hội/nhóm sau một thời gian hoạt động đã có sự tăng trưởng cả về số lượng nhân sự cũng như đa dạng các hoạt động, từ việc chỉ được thành lập trên cơ sở nhu cầu của một số người. Các hội/nhóm này cũng đã có những đóng góp đáng kể trong các hoạt động của địa phương. Đơn cử như sự hỗ trợ về kinh phí của các hội đồng hương đối với địa phương như đóng góp vào quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ thiên tai, hỗ trợ xây điện, đường, trường, trạm…

(2) Các mô hình xây dựng trên cơ sở chịu sự giám sát và quản lý của cơ quan nhà nước hoặc hội đoàn thể cấp trên.

Các mô hình này đều được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương. Chủ trì thành lập các mô hình này chính là các đoàn thể CTXH hoặc chính quyền địa phương để xây dựng và phát huy các phong trào của địa phương, như: mô hình “Tổ phụ nữ 3 sạch”, “Ngày thứ 7 vì cộng đồng”, “Cổng xanh, ngõ đẹp”; “Tổ thu gom rác thải”, “Con đường hoa màu”của Hội Phụ nữ Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; mô hình “Tổ phụ nữ tự quản” của Hội Phụ nữ Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình… Ngoài ra, còn các tổ dân phố, thôn, xóm, ấp, các tổ hòa giải, các câu lạc bộ liên thế hệ của người cao tuổi, các ban an ninh, ban kiến thiết,…

Về mặt tổ chức: việc hình thành và hoạt động của những tổ tự quản này đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền và tổ chức đoàn thể địa phương.

Về kinh phí: một phần kinh phí do người dân tự nguyên đóng góp và một phần kinh phí được trích từ ngân sách hằng năm của hội đoàn thể và chính quyền địa phương.

Về nhiệm vụ: các tổ chức tự quản tại cơ sở có điều kiện gần dân, trực tiếp với dân, nắm chắc tình hình an ninh, trật tự xã hội ở địa phương, giúp cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý hành chính ở địa phương; Tổ tự quản là nơi người dân được thực hiện quyền làm chủ, tham gia giải quyết các công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia các hoạt động của địa phương, giáo dục cho người dân ý thức pháp luật của công dân.

Các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư làng xã và những kiến nghị

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đóng vai trò quan trọng trong các mô hình tự quản của CĐDC làng xã. Trên thực tế, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là một bộ phận không thể tách rời của các địa phương như chủ trì, tổ chức các phong trào của địa phương. Trên cơ sở các phong trào đó, kêu gọi, vận động Nhân dân thành lập các tổ tự quản; tham gia phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hội nghị thôn, xóm, ấp, bản để người dân được bàn bạc và quyết định các vấn đề CTXH liên quan trực tiếp đến mình và gia đình mình. Tham gia xây dựng tổ hòa giải, xây dựng hương ước và đôn đốc, hỗ trợ người dân thực hiện.

Một là, đối với các phong trào địa phương: MTTQ Việt Nam phối hợp, gắn kết với các cơ quan, các tổ chức đoàn thể thành viên phát động và triển khai các cuộc vận động, các phong trào, như: “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, cuộc vận động “Năm không ba sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; phong trào “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; phong trào “Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Thanh niên tình nguyện”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu,  nước mạnh, xã hội công bằng,  dân chủ, văn minh”;  phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Nêu gương sáng, hiến công, hiến kế vì quê hương đất nước”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời – đẹp đạo”; phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến và tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện”; phong trào “Xây dựng xã hội học tập”; phong trào “Hiến máu nhân đạo”…

Trong các phong trào, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi Nhân dân thành lập các tổ tự quản tại các cụm dân cư, thôn, xóm, đồng thời đứng ra tổ chức và quản lý các tổ tự quản.

Hoạt động của các tổ tự quản thường bám sát các mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương, hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các mục tiêu đó. Theo đó, để phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội (nhất là MTTQ) trong việc thực hiện hoạt động này, cần sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp.

Hai là, hội nghị thôn, xóm, ấp, bản: MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phối hợp với trưởng thôn, xóm, ấp, bản tổ chức triệu tập và chủ trì các hội nghị thôn, xóm, ấp, bản theo định kỳ hoặc khi thấy cần thiết.

Các hội nghị này chính là một hình thức dân chủ trực tiếp rất quan trọng vì người dân được bàn và quyết định về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình.

Nội dung các hội nghị thường bàn luận và quyết định các công việc của cộng đồng dân cư  (CĐDC) về sản xuất, xây dựng hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống, những vấn về văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, các quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao; thảo luận, góp ý kiến về báo cáo kết quả công tác và tự phê bình, phê bình, kiểm điểm của trưởng thôn, ấp, bản, của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch UBND xã; xây dựng hương ước, quy ước; cử các ban, nhóm tự quản, ủy viên thanh tra nhân dân.

Hội nghị thôn ra nghị quyết về các vấn đề đã đưa ra thảo luận. Nghị quyết của hội nghị thôn có giá trị khi có ít nhất quá nửa số người dự họp tán thành và không trái với pháp luật. Để tổ chức thành công các hội nghị này, Ban MTTQ cấp cơ sở phải là một tổ chức năng động và có uy tín với Nhân dân, cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể.

Ba là, đối với tổ hòa giải: đây là một tổ chức tự quản của người dân để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động hòa giải tại cộng đồng. Hòa giải được tiến hành đối với các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong CĐDC. Tổ hòa giải thường có từ 3 tổ viên trở lên, các tổ viên tổ hòa giải là do dân bầu thông qua các cuộc họp hoặc kết quả bỏ phiếu của các hộ dân. Ủy ban MTTQ xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu người để Nhân dân bầu làm tổ viên tổ hòa giải. Đôi khi, các thành viên của tổ hòa giải là cán bộ của MTTQ Việt Nam hoặc các đoàn thể.

Bốn là, về hương ước, quy ước: là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do CĐDC cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của Nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn thôn, ấp, bản, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Mục đích của hương ước, quy ước là góp phần phát huy các phong tục, truyền thống tốt đẹp của địa phương, đưa pháp luật vào đời sống cộng đồng. Trong đó:

(1) Đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp dân cư trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của Nhân dân; động viên và tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân;

(2) Bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng xóm, đoàn kết tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong CĐDC;

(3) Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản công cộng và tài sản công dân, bảo vệ môi trường, rừng, biển, sông, hồ, danh lam thắng cảnh, đền chùa, miếu mạo, các nguồn nước, đê đập, kênh mương, kè cống, đường dây tải điện; xây dựng đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh;

(4) Đề ra các biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội, thờ phụng ở địa phương; khuyến khích những lễ nghi lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém;

(5) Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng;

(6) Đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn, góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn, như: ma túy, trộm cắp, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và các hành vi vi phạm khác nhằm xây dựng địa bàn trong sạch, lành mạnh;

(7) Đề ra các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện hương ước.

Hương ước, quy ước được niêm yết công khai và thực hiện khi nhận được sự đồng thuận của đa số người dân và được sự công nhận của trưởng thôn, xóm, ấp, bản, UBND cấp xã và MTTQ Việt Nam cấp xã. Vì vậy, cần có một quy trình đầy đủ trong việc xây dựng hương ước, quy ước, trong đó bao gồm lấy ý kiến của của mọi người dân trên địa bàn, thông qua ý kiến góp ý của những người có uy tín trong cộng đồng và thực hiện việc công khai, dân chủ.

Như vậy, tổ tự quản của người dân tại các cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, đấy là nơi người dân được thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thực hiện các quy định của pháp luật, tham gia quản lý nhà nước. Thông qua các tổ tự quản đã chuyển tải được các nội dung pháp luật vào cộng đồng, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản của các tổ chức đoàn thể đều quy định vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện dân chủ của người dân thông qua tổ tự quản.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
2. Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
3. Hiến pháp năm 2013.
4. Luật Hòa giải cơ sở năm 2013.
5. Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015.
6. Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
7. Nguyễn Thị Thiện Trí. Những luận điểm cho việc tiếp nhận, áp dụng mô hình tự quản địa phương ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12 (320), 2014.

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài
Học viện Phụ nữ Việt Nam