Hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Pháp luật về an sinh xã hội là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu ổn định chính trị – xã hội, phát triển bền vững. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi rô-bốt thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp,dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng thêm.Vì vậy, cần phải hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội phù hợp với các trụ cột, như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động để hỗ trợ người lao động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

Thực trạng pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là xu thế tất yếu của thời đại đang đặt ra những yêu cầu phải đổi mới đối với hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có pháp luật về an sinh xã hội (ASXH).

Với sự xuất hiện và phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng này thì khoảng cách về thu nhập, về mức sống ngày càng có sự phân hóa lớn. Sự đầu tư và các biện pháp thay đổi cơ cấu công nghệ để cạnh tranh và tồn tại đã làm gia tăng số người mất việc làm, sự nghèo khó xuất hiện cùng với giàu có ngày càng tăng thì nhu cầu trợ giúp xã hội không hề giảm mà càng lớn hơn trước. Do đó, Nhà nước phải sử dụng pháp luật về ASXH để thực hiện các chính sách điều tiết các quan hệ xã hội, giúp người lao động thích ứng với các yêu cầu mới. Đó là pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), việc làm và lao động.

Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống pháp luật về ASXH đã từng bước được hoàn thiện, bảo đảm quyền ASXH cho người dân. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định” (Điều 59) và cũng quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội” (Điều 57).

Đồng thời, quán triệt rõ định hướng phát triển thực hiện BHYT toàn dân: “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” (Điều 58) và Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Như vậy, pháp luật về ASXH là công cụ thực hiện chính sách phúc lợi xã hội trong kinh tế. Nếu thiếu hệ thống các văn bản pháp luật về ASXH, Nhà nước ta không thể giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại. Thông qua pháp luật về ASXH, Nhà nước điều tiết các mối quan hệ xã hội nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển xã hội theo nguyên tắc phát triển bền vững và phục vụ các mục tiêu xã hội.

Trước tác động của cuộc CMCN 4.0, việc phát triển hệ thống BHXH, đặc biệt BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, chế độ bệnh nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của người lao động phi chính thức, lao động nghèo; hoàn thiện tổ chức quản lý và chi trả BHXH là một trong những nội dung cơ bản của chính sách ASXH nhằm nâng cao tính chủ động, khả năng tự an sinh của người dân khi xảy ra các tác động bất lợi về kinh tế. BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Chính sách của Nhà nước vể BHXH là nội dung quan trọng thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động.

Ngày 29/6/2006, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật BHXH. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, thể chế hóa chính sách ASXH của Nhà nước và là công cụ để Nhà nước giải quyết vấn đề thất nghiệp đang là xu hướng tất yếu của cuộc CMCN 4.0. Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là sự quan tâm của Nhà nước đối với những người tạm thời chưa thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, là sự động viên lớn đối với họ để có thể tiếp tục tìm công việc mới.

Đến năm 2014, Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung, trong đó quy định mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc cho cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động; tăng cường chế tài đối với hành vi trốn đóng BHXH; hoàn thiện chế độ BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức; đề xuất giải pháp khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH có sự hỗ trợ của Nhà nước; hiện đại hóa công tác quản lý đối tượng tham gia BHXH.

Các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH đã được quy định trong Luật BHXH sửa đổi 2014 và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (từ Điều 214 – 216).

Những quy định về BHTN tại Bộ luật Lao động qua mấy lần sửa đổi đã được chỉnh sửa ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã mở rộng đối tượng áp dụng cho cả khu vực không có quan hệ lao động là một sự tiến bộ vượt bậc. Tiếp đến, ngày 20/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN.

Luật Việc làm năm 2013 lần đầu tiên đã hướng đến khu vực kinh tế phi chính thức; tiếp tục mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia BHTN. Luật BHYT được ban hành lần đầu vào ngày 14/11/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 chuyển từ bao phủ toàn dân sang BHYT bắt buộc đối với toàn bộ dân cư theo mô hình hộ gia đình; mở rộng sự tham gia của người dân vào BHYT; mở rộng đối tượng được Nhà nước bảo hộ một phần và toàn phần để tham gia BHYT.

Ngày 24/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Theo đó, việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN bao gồm: đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả cho thấy, trong khoảng 10 năm gần  đây, việc cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực BHXH đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành BHXH được cắt giảm từ 263 xuống còn 27 thủ tục; thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%. Thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm…1. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017) và Việt Nam đứng thứ 4, sau Xinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a2.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHXH, trong đó xây dựng các cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc về hoạt động quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, hồ sơ lưu trữ; cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT được xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình. BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công3. Đặc biệt, tại Hội nghị Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) lần thứ 35 (tháng 9/2018), BHXH Việt Nam đã được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp” với sản phẩm “Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế”4.

Trong những năm qua, hoạt động thực thi pháp luật về ASXH đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng người tham gia BHXH không ngừng tăng lên qua từng năm. Qua 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112.5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Trong đó, có gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn ( ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe). Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BHTN, đã có gần 5 triệu lượt người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp; có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 – 2018, ngành BHXH, ngành Y tế đã phối hợp để bảo đảm quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT5.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn quá trình thực hiện pháp luật về ASXH cho thấy các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Ngoài ra, yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 cũng đòi hỏi pháp luật về ASXH phải được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định còn thiếu để phát huy hơn nữa hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội trong tình hình mới. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể về quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chưa được quy định cụ thể và chưa đủ sức răn đe.

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định bất cập và bổ sung các quy định còn thiếu trong pháp luật về ASXH.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Thiết kế hệ thống BHXH đa tầng với các quy định về đóng – hưởng phù hợp. Nghiên cứu sửa đổi các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo hướng tăng nặng hình phạt hơn nữa để bảo đảm tính răn đe.Tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (khoản 3 Điều 16 Nghị định số 166/2016/NĐ- CP), theo đó, cần phải quy định cụ thể thời gian bao nhiêu lâu từ khi có sự cố trong giao dịch điện tử, cơ quan BHXH có trách nhiệm khắc phục để bảo đảm tính kịp thời trong hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Trong Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lao động và sử dụng lao động nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể các chế tài đối với các hành vi bị nghiêm cấm đó. Chính vì vậy, cần phải ban hành văn bản quy định cụ thể chế tài hành chính và hình sự đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Việc làm như: phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật…

Thứ hai, tăng cường hoạt động tổng kết, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về ASXH.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ASXH ở Việt Nam, cần tích cực tổng kết thực tiễn thực thi pháp luật để bổ sung các quy định còn thiếu và sửa đổi các quy định không phù hợp. Chỉ có thông qua tổng kết thực tiễn thực thi pháp luật về ASXH mới thấy được những lỗ hổng về pháp luật ASXH. Chẳng hạn, trong một số trường hợp có sự cố về giao dịch điện tử của các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được BHXH khắc phục kịp thời. Hoặc như khi xảy ra các hành vi bị nghiêm cấm trong lao động và sử dụng lao động: phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật… thì sẽ phải áp dụng các chế tài như thế nào. Bên cạnh việc thiếu quy định cụ thể các chế tài đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật về ASXH thì các chế tài đã có chưa đủ sức răn đe.

Thứ ba, trong xây dựng pháp luật về ASXH, cần tiếp tục tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để áp dụng đối với Việt Nam.

Khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ASXH trước các yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp bảo đảm thực hiện, trong đó tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước có trình độ phát triển kinh tế – xã hội tương đồng với Việt Nam; các nước có nhiều thành tựu trong xây dựng thể chế và thực hiện pháp luật về ASXH. Theo đó, có thể nghiên cứu những yếu tố phù hợp trong xây dựng pháp luật về ASXH của các nước Bắc Âu. Vì đây là nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao nhất trên thế giới. Xét về chỉ số hạnh phúc, theo Báo cáo về chỉ số hạnh phúc năm 2019, các nước Bắc Âu nằm trong “tốp” các nước người dân hạnh phúc nhất: Phần Lan xếp thứ nhất, Đan Mạch: 2, Na Uy: 3 và Thụy Điển: 76.

ASXH có mức độ phổ quát cao. Tất cả công dân được bảo đảm các lợi ích và dịch vụ ASXH cơ bản, bất kể thu nhập, giàu hay nghèo, có việc làm hay không có việc làm. Phân phối thu nhập tương đối công bằng, giáo dục miễn phí và cơ hội bình đẳng trong tiếp cận việc làm và chính phủ bảo đảm việc làm thông qua các chính sách thị trường lao động tích cực7.

Mặc dù không quy định trong pháp luật quốc gia về tiền lương tối thiểu nhưng các thỏa ước tập thể ngành đều quy định về tiền lương tối thiểu ngành. Điều này cho thấy sự linh hoạt của thị trường lao động khi chính sách lao động được điều chỉnh thông qua thỏa ước tập thể thay vì trong pháp luật quốc gia. Hiện nay, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam chưa thể ngang bằng với các nước Bắc Âu, nhưng có thể nghiên cứu áp dụng các yếu tố phù hợp với điều kiện của Việt Nam như xây dựng pháp luật về ASXH dựa trên nguyên tắc phổ quát và tăng cường các hình thức chế tài đối với các hiện tượng nợ, trốn đóng BHXH, nợ lương của các doanh nghiệp; trục lợi đối với quỹ BHXH và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực ASXH.

Chú thích:
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Một phần tư thế kỷ góp phần sự nghiệp an sinh. https://baovephapluat.vn, ngày 06/12/2019.
2, 3. Một phần tư thế kỷ góp phần vào sự nghiệp an sinh. http://baobaohiemxahoi.vn, ngày 05/12/2019.
4. Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình mới. https://baomoi.com, ngày 12/12/2019.
5. Danh sách quốc gia theo chỉ số phát triển con người (dựa trên dữ liệu năm 2018 công bố vào ngày 30/12/2019). https://vi.wikipedia.org, ngày 19/10/2020.
6. Liên hiệp quốc (UN). Báo cáo hạnh phúc thế giới. https://vi.wikipedia.org, ngày 20/10/2020.
7. Bùi Thanh Sơn và Đinh Toàn Thắng. Mô hình phát triển của một số nước Bắc Âu. Hội đồng Lý luận Trung ương, H. 2019.

TS. Lê Thanh Bình
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh