Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong xét xử vụ án hình sự của tòa án nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và bảo vệ công lý, trong đó hoạt động xét xử vụ án hình sự  là một khâu quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong hoạt động áp dụng pháp luật xét xử vụ án hình sự, tình trạng áp dụng pháp luật chưa đúng, việc ban hành bản án hình sự, quyết định xét xử còn sai sót, xác định sai người tham gia tố tụng… Vì vậy, cần đặt ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong xét xử vụ án hình sự, kịp thời xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội, xử lý đúng người, đúng tội danh, đúng pháp luật.

 

Bị cáo Đào Xuân Anh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm liên quan hành vi chống người thi hành công vụ (Ảnh: XUÂN THAO).
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách nền tư pháp của nước ta đến năm 2020 đã nêu: “sớm hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp…”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh trọng tâm là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, phải được ưu tiên hàng đầu.

Trong quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã vận dụng hiệu quả Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) vào công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm phạm. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các cơ quan này cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mà BLHS năm 1999 chưa quy định, điều chỉnh. Chính vì vậy, việc BLHS năm 2015, ban hành thay thế cho BLHS năm 1999 là một nhu cầu tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 cũng được thay thế cho BLTTHS năm 2003, quy định về trình tự thủ tục tiến hành giải quyết vụ án hình sự (VAHS).

Có thể nói, BLTTHS năm 2015 đã thể chế hóa các quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đây là nội dung trọng tâm trong tiến trình cải cách tư pháp của Nhà nước ta, phù hợp với thực tiễn và phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao quy định về Phòng Xử án, đã ghi nhận nhiều nội dung tiến bộ, đặc biệt thay đổi hình thức của Phòng Xử án, theo đó, bị cáo không phải đứng vành móng ngựa mà thay vào đó là bục khai báo. Cơ quan công tố và cơ quan bào chữa có vị trí ngồi ngang hàng nhau tại phiên tòa.

Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ được ghi nhận trong BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015, nhưng hiện nhiều quy định vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc áp dụng pháp luật (ADPL) trong xét xử VAHS, ví như Điều 296 BLTTHS năm 2015 có bổ sung một chế định mới về sự có mặt của Điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác theo đó, nếu xét thấy cần thiết hoặc có đề nghị của bị cáo Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ hành vi tố tụng của mình.

Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan liên ngành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn điều luật này, gây khó khăn cho HĐXX, trường hợp triệu tập nhưng Điều tra viên không đến, hay đến phiên tòa thì vị trí ngồi và phát biểu… Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan liên ngành cần phải sớm nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định mới trong BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015, đối với những văn bản không còn phù hợp thì phải bãi bỏ, tránh tình trạng ADPL hình sự không thống nhất.

Đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong xét xử vụ án hình sự

 Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân

Trách nhiệm của TAND trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân được quy định rất cụ thể tại Điều 26 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 ghi nhận:“Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành cho nhân dân bằng hình thức phù hợp…”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng ngừa tội phạm và là khâu quan trọng để giảm bớt tình trạng tội phạm. Do đó, trong thời gian tới, TAND cần có một số hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với Nhân dân như sau:

Thứ nhất, tiếp tục giáo dục pháp luật qua hình thức xét xử công khai, có sự chứng kiến của Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về một số vụ án điển hình hoặc là những vi phạm pháp luật không đáng có, do vô ý… mà nhiều bộ phận quần chúng nhân dân nếu không có kiến thức pháp luật thì dễ vi phạm pháp luật.

Thứ hai, đối với địa bàn phát triển kinh tế với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều trường đại học, có thể tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo chuyên đề (hoạt động cho vay lãi nặng, làm thêm công việc…) tại các trường trung học, trung học phổ thông, đại học… để qua đó, giúp bộ phận thanh thiếu niên có những kiến thức pháp luật, không sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan, mặt trận, ban, ngành hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các buổi phát động phong trào, thông qua hoạt động in pa-nô, áp phích, đặt ở những nơi vị trí trung tâm về các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, như mại dâm, ma túy, cờ bạc…

 Tăng cường công tác tổng kết rút kinh nghiệm trong áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân.

Để thực hiện tốt theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW, TAND cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tổng kết rút kinh nghiệm, thông qua những bản án xét xử phúc thẩm của TAND đã ban hành để tìm ra những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót trong quá trình ADPL xét xử VAHS nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đó và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tập trung bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, cho đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử.

Hoạt động xét xử của ngành Tòa án là một hoạt động nghiệp vụ đặc thù, vì vậy, không chỉ tổng kết rút kinh nghiệm theo định kỳ, TAND tối cao đã triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác và đặt ra yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm sẽ giúp các thẩm phán nâng cao được tinh thần trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị xét xử, cũng như khi điều hành phiên tòa; thông qua hoạt động rút kinh nghiệm sau phiên tòa, thẩm phán và những người tham gia phiên tòa sẽ được học hỏi để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và điều hành phiên tòa; tiếp thu ý kiến về những hạn chế để lưu ý và khắc phục nhằm nâng cao chất lượng bản án, từ đó, giúp cho trình độ và nhận thức của thẩm phán được nâng lên khi ADPL xét xử VAHS.

 Xây dựng cơ chế bảo vệ thẩm phán và điều chỉnh nhiệm kỳ của thẩm phán

Một là, xây dựng cơ chế bảo vệ thẩm phán và thân nhân của thẩm phán. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới có cơ chế Nhà nước bảo vệ thẩm phán và thân nhân của thẩm phán tại Liên bang Nga, như: Luật số 45-FZ ngày 20/4/1995 “về các biện pháp của Nhà nước bảo vệ thẩm phán, những người thi hành pháp luật và thực hiện chức năng giám sát”, theo đó, Nhà nước cung cấp các biện pháp an ninh bảo vệ thẩm phán và thân nhân được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản; bồi thường thiệt hại; trách nhiệm giám sát hoạt động bảo vệ1.

Ở nước ta, tại Điều 391 BLHS năm 2015 quy định về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp “1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm… thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ chế bảo vệ thẩm phán tại phiên tòa khi đang tiến hành xét xử. Nếu trường hợp đặt ra là thẩm phán bị “thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm” ngoài phiên tòa thì lại chưa có cơ chế bảo vệ.

Chính vì vậy, vấn đề tương trợ tư pháp cần được quan tâm và chú trọng hơn nữa trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về cơ chế an ninh bảo vệ thẩm phán và thân nhân của họ ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó tham mưu với ngành Tòa án để đề xuất Quốc hội ban hành Luật về bảo vệ an ninh.

Hai là, xem xét điều chỉnh nhiệm kỳ của thẩm phán theo hướng không thời hạn. Nghị quyết số 49- NQ/TW có nêu vấn đề “Cần có cơ chế tuyển chọn và thu hút…”, theo đó, đối với đặc thù của ngành Tòa án, cần phải có chính sách phù hợp để thu hút nhân tài phục vụ trong lĩnh vực tư pháp. Việc vận dụng bổ nhiệm các chức danh trong lĩnh vực tư pháp không chỉ dừng lại ở cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước mà có thể mở rộng phạm vi đối với cả các luật sư – những người có năng lực, trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt. Cần nghiên cứu kéo dài thời hạn chức danh tư pháp đối với đội ngũ thẩm phán theo quy định tại khoản 3 Điều 105 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, phê chuẩn, cách chức, nhiệm kỳ, của Thẩm phán…” và quy định tại Điều 74 Luật Tổ chức TAND, nhiệm kỳ của thẩm phán được quy định như sau: “Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm…”.

Như vậy, việc bổ nhiệm thẩm phán nhiệm kỳ đầu tiên là 5 năm; trường hợp thẩm phán được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch hoặc thẩm phán khác thì nhiệm kỳ được kéo dài là 10 năm. Việc quy định thời hạn của thẩm phán có thể sẽ trở thành rào cản cho trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu có sự chỉ đạo, cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền khác, kể cả thủ tục hành chính. Điều này không bảo đảm được nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán. Chính lý do này, chúng tôi có đề xuất hai phương án cho việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 như sau:

Phương án 1, thẩm phán TAND được bổ nhiệm không kỳ hạn, theo đó, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm; trường hợp được tái bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Phương án 2, việc bổ nhiệm thẩm phán nhiệm kỳ đầu thì phải thành lập Hội đồng thẩm phán, thuộc TAND tối cao bổ nhiệm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nhiệm kỳ tiếp theo là do Chủ tịch nước bổ nhiệm, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng thẩm phán, thuộc TAND tối cao. Điều này mở rộng cơ chế quyền lực tập thể hạn chế quyền lực cá nhân, duy ý chí hoặc chủ quan.

Với 2 phương án nêu trên là hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về việc “tăng thời hạn trong việc bổ nhiệm chức danh Tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán không có kỳ hạn” trong giai đoạn cải cách tư pháp của Nhà nước ta hiện nay.

 Nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

TAND các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giao chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế trong TAND2.

Theo báo cáo của TAND tối cao, tính đến ngày 30/9/2018, tổng số biên chế TAND các cấp có 14.803 người, trong đó TAND tối cao là 402 người, các TAND cấp cao là 310 người, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 3.909 người và TAND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 10.182 người, thiếu 434 người so với biên chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao do giảm tự nhiên3.

Với khối lượng và áp lực công việc như vậy thì công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ cho thẩm phán là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, đòi hỏi thẩm phán phải có trình độ chuyên môn cao, có năng lực công tác tốt, đáp ứng được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Hội thẩm nhân dân mặc dù có trình độ chuyên môn riêng nhưng còn hạn chế về trình độ pháp lý. Việc quy định Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán khi xét xử VAHS đồng nghĩa với việc có quyền quyết định tất cả vấn đề trong quá trình xét xử, nghị án và ban hành bản án. Tuy nhiên, chỉ với tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân theo quy định hiện nay thì khi gặp những bị cáo là những người có trình độ chuyên môn, có kiến thức pháp luật, bị cáo có người giám hộ, người đại diện là những chuyên gia về pháp luật, là luật sư chuyên nghiệp trợ giúp pháp lý thì chắc chắn với các tiêu chuẩn về Hội thẩm nhân dân như hiện nay sẽ không đáp ứng được.

Vì vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định, quy chuẩn về tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân theo hướng quy định người được bầu làm Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử VAHS cần phải có trình độ pháp luật nhất định, tối thiểu phải có bằng đại học trở lên, phải có năng lực xét xử hoặc ít nhất phải qua các lớp bồi dưỡng kỹ năng về pháp luật từ sáu tháng đến một năm. Trong khi chưa sửa đổi quy định về sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân thì các cơ quan có liên quan cần phối hợp thường xuyên với TAND trong công tác tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ cho HTND tham gia xét xử VAHS, đặc biệt là tập huấn các văn bản pháp luật hoặc văn bản hướng dẫn áp dụng BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015; tăng cường tổ chức, rút kinh nghiệm trong xét xử một số loại vụ án đặc thù, có tính chất phức tạp.

Theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán. Theo đó, “Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý.

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và Nhân dân yêu cầu các thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến của thẩm phán toàn quốc, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia xây dựng bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán phải luôn trau dồi, rèn luyện, học tập…  có như vậy, thẩm phán mới hoàn thành được nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Chú thích:
1. Federal Law No. 45-FZ of 20 April 1995 on State Protection of Judges, Law-enforcement Officials and Controlling Bodies. http://ilo.ch.
2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức và đội ngũ tòa án các cấp, làm tốt công tác tuyển chọn đào tạo quy hoạch, http://quochoi.vn, ngày 22/12/2020.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao áp lực khi phải giảm biên chế. https://dangcongsan.vn, ngày 01/01/2018.

Lê Trọng An
Học viện Cảnh sát nhân dân