Quản lý nhà nước về phòng, chống dịch covid-19 của chính quyền cơ sở

(Quanlynhanuoc.vn)- Theo quy định của pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ. Theo đó, chính quyền cơ sở (cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã) có vai trò quan trọng trong thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

 

Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: Bộ Y tế)
Quy định của pháp luật hiện hành về vai trò của chính quyền cơ sở trong quản lý nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19

Quy định pháp luật hiện hành về vai trò của chính quyền cơ sở (CQCS) trong QLNN về phòng, chống dịch Covid-19 chính là các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (PCBTN) được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, trong đó tập trung ở các khía cạnh cụ thể sau:

Trước hết, quy định về vai trò, chức năng QLNN về PCBTN của CQCS. Ngay tại Điều 6, Luật PCBTN đã xác định cơ quan QLNN về PCBTN chỉ rõ Chính phủ thống nhất QLNN về công tác PCBTN trong phạm vi cả nước và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện QLNN về công tác PCBTN theo phân cấp của Chính phủ. Điều này cho thấy, pháp luật hiện hành đã quy định về vai trò quan trọng của CQCS trong QLNN về PCBTN.

Thứ nhất, quy định về trách nhiệm cụ thể của CQCS. Nhiều điều khoản cụ thể trong Luật PCBTN đã xác định rõ các trách nhiệm cụ thể của CQCS, gồm: chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về PCBTN; chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương; tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh PCBTN; tổ chức và thông qua Ban chỉ đạo chống dịch để thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch; tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch; bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

Thứ hai, quy định về việc áp dụng các biện pháp PCBTN của CQCS. Pháp luật hiện hành cũng đã quy định rõ vai trò của CQCS trong áp dụng các biện pháp PCBTN thể hiện rõ tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCBTN về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

Thứ ba, quy định về thẩm quyền của CQCS trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCBTN. Thẩm quyền của CQCS được quy định rõ trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, chủ tịch UBND xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt mức tiền phạt; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh).

Những nhóm quy định cụ thể này góp phần cho thấy rõ hơn vai trò của CQCS trong QLNN về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời là căn cứ, cơ sở đánh giá quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 của CQCS trên thực tiễn.

Thực tiễn quản lý nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền cơ sở

Những quy định pháp luật hiện hành đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng để CQCS chủ động triển khai tổng thể, đồng bộ các mặt hoạt động QLNN về PCBTN mà biểu hiện sinh động nhất trên thực tiễn là từ trường hợp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Việt Nam đã thể hiện rõ năng lực và hiệu quả cao trong quản lý, ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19, được thế giới đánh giá cao và xem là hình mẫu. Trong đó, QLNN về phòng, chống dịch Covid-19 của CQCS đã góp phần quan trọng vào kết quả này, thể hiện rõ qua các khía cạnh cụ thể sau:

Một là, CQCS đã triển khai thực hiện chủ động, trách nhiệm và hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật. Trong đó, CQCS tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch. CQCS cũng đã tích cực chủ động triển khai thực hiện công tác giám sát, thực hiện các biện pháp chống dịch và bảo đảm các điều kiện chống dịch theo quy định với việc bám sát phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Ban chỉ đạo chống dịch được thành lập và phát huy tốt vai trò trong thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch một cách khẩn trương và quyết liệt.

Theo Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống Covid-19 năm 2020 của Cục Y tế dự phòng, nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra, trong đó có vấn đề: sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp cùng với việc truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng1.

Hai là, trong quá trình phòng, chống dịch Covid – 19 thời gian qua, nhiều văn bản chỉ đạo của cấp trên đã được CQCS triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nổi bật là việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của CQCS. Chẳng hạn như, thực hiện các chỉ thị trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội đã ra thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phường trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Kết quả 100% các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ karaoke, internet đóng cửa, các phòng tập thể thao dừng hoạt động theo đúng quy định2.

Ba là, CQCS thực hiện tốt quy định về phối hợp, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động nhân dân trong phòng, chống dịch. CQCS đã phối hợp, hỗ trợ trong công tác điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, hỗ trợ khoanh vùng khẩn cấp các ổ dịch, điểm nóng, cách ly khẩn trương các trường hợp tiếp xúc gần. Hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 được CQCS quan tâm tăng cường. Thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định của Chính phủ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, CQCS thực sự trở thành “pháo đài” chống dịch.

Bốn là, thực hiện giám sát, nắm bắt thông tin trong phòng, chống dịch. Thực tế cho thấy, vai trò của CQCS trong QLNN về phòng, chống dịch Covid-19 được thể hiện rất nổi bật qua việc triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về khai báo y tế, quản lý sự di biến động của người dân trên địa bàn, đặc biệt là những người từ nước ngoài trở về, qua đó bảo đảm nắm bắt thông tin và thực hiện giám sát, báo cáo với các ngành chức năng và cấp có thẩm quyền một cách kịp thời, đóng góp thiết thực nâng cao hiệu quả QLNN về phòng, chống dịch.

Chẳng hạn như, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, UBND phường Phương Sài qua Ban Chỉ đạo phường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ dân phố rà soát công dân đi từ các vùng, địa phương có dịch trở về, hướng dẫn khai báo y tế, cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày. Tính đến ngày 20/8/2020, phường đã ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú với tổng số 27 trường hợp đi từ vùng dịch về, và đến hết ngày 20/8/2020, các trường hợp trên đều đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà, nơi lưu trú3.

Năm là, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng được CQCS tổ chức thực hiện tốt trong thời gian qua. Chẳng hạn tính đến ngày 26/8/2020, UBND phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã lập 51 biên bản nhắc nhở, 5 trường hợp xử phạt vi phạm hành chính4. Tại quận Long Biên, Hà Nội, tính đến ngày 8/4/2020, UBND phường Long Biên đã xử phạt 8 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng số tiền 1.600.000 đồng…5.

Sáu là, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch tại cơ sở với nhiều cách làm hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn như, UBND phường Long Biên đã chỉ đạo 100% các trường học trên địa bàn phường đã tổ chức lau khử khuẩn phòng học, phun thuốc khử khuẩn và trang bị các thiết bị bảo hộ cho học sinh, giáo viên, nhân viên theo hướng dẫn của trạm y tế phường. Góp phần hạn chế lây lan, phòng chống dịch Covid-19, UBND phường Long Biên đã lắp đặt Buồng khử khuẩn toàn thân tại trụ sở cơ quan dành cho cán bộ, công nhân viên chức và công dân đến giao dịch…6.

Một số nhận xét, đánh giá

Nhìn chung, CQCS đã phát huy tốt vai trò trong thực hiện các quy định QLNN về phòng, chống dịch Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Vai trò của CQCS được phát huy là minh chứng sinh động cho sức mạnh tổng hợp của “ý Đảng, lòng Dân” trong phòng, chống dịch Covid – 19. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành “hiện tượng” hay “hình mẫu” được nhiều quốc gia học tập trong phòng, chống dịch Covid – 19. Báo cáo của Chính phủ xác định: “Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được Nhân dân ủng hộ”7.

Đây cũng là cơ sở cho thấy hiệu quả QLNN về phòng, chống dịch Covid – 19 của CQCS với việc nhận thức rõ và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy định pháp luật có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Chính phủ cũng đã đánh giá cao vai trò của CQCS: “thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống chính trị cơ sở và các lực lượng chức năng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời xác định người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp”8. Với việc sát dân, gần dân, CQCS đã thực hiện tốt các quy định về phòng, chống Covid-19, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đáng trân trọng này, quá trình QLNN về phòng, chống dịch Covid-19 của CQCS còn một số tồn tại sau:

Thứ nhất, có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa được nhuần nhuyễn; một số nơi chưa thực sự quyết liệt, công tác thông tin, tuyên truyền ở một số thời điểm, địa bàn định hướng chưa rõ, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, công tác theo dõi, giám sát của CQCS đôi lúc vẫn còn gặp khó khăn do đội ngũ cán bộ còn mỏng hay sự chủ quan của một số trường hợp. Nổi bật là việc tỉnh Thanh Hóa phát hiện ca dương tính (bệnh nhân 748) là công dân phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn có liên quan trực tiếp đến ổ dịch tại thành phố Đà Nẵng. Vụ việc này đã cho thấy lỗ hổng, yếu kém trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở, đặc biệt là công tác giám sát, cách ly. Do đó, chủ tịch UBND phường đã bị tạm đình chỉ công tác do thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai việc giám sát, cách ly công dân từ vùng dịch trở về địa bàn9.

Thứ ba, trong một số trường hợp, CQCS đã triển khai các biện pháp quản lý quá cứng nhắc, chủ quan, không bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Chẳng hạn như UBND phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) ban hành Thông báo “Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết từ 0 giờ ngày 02/8/2020, bao gồm: khu vui chơi, giải trí, dịch vụ massage, vũ trường, quán bar, karaoke và các cơ sở làm đẹp” cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, lãnh đạo UBND thành phố Nha Trang chưa ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết và đến thời điểm đó, Khánh Hòa nằm trong nhóm nguy cơ thấp10.

Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về PCBTN từ thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy vẫn còn hạn chế. CQCS chủ yếu vẫn chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở, do đó một số nơi vẫn có tình trạng vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Như vậy, từ trường hợp phòng, chống dịch Covid-19, CQCS đã cho thấy vai trò quan trọng và đã phát huy tốt vai trò này trong thực hiện quy định về PCBTN. Tuy nhiên, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, CQCS vẫn còn những hạn chế nhất định trong thực hiện quy định pháp luật hiện hành về PCBTN. Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ diễn ra trong thời gian tới, việc phát huy vai trò của CQCS trong QLNN về phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng và nên chú ý một số khuyến nghị cụ thể sau:

Một là, hoàn thiện quy định pháp luật về PCBTN. Thực tế các quy định pháp luật hiện hành mà tiêu biểu là Luật về PCBTN đã phát huy hiệu lực, hiệu quả cao từ thực tiễn phòng, chống Covid-19. Song các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong thực tế phòng, chống Covid-19 thời gian qua. Theo đó, việc bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về PCBTN cần chú ý các vấn đề cụ thể, như: bổ sung quy định về nội dung quản lý, quy định về trách nhiệm của chủ thể quản lý, nhất là CQCS trong QLNN về PCBTN; các quy định về biện pháp, cách thức PCBTN cần được cập nhật, bổ sung theo các tinh thần mới, như: “Chống dịch như chống giặc”, phát huy vai trò của CQCS theo phương châm 4 tại chỗ…

Hai là, tăng cường thực hiện có hiệu quả vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của CQCS. Những quy định liên quan đến vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của CQCS trong phòng, chống dịch Covid-19 cần được tăng cường tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa, nhất là việc bảo đảm phương châm 4 tại chỗ và thực hiện mục tiêu kép đang đặt ra. Quá trình triển khai thực hiện cần chú ý phát hiện, khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm hay quá cứng nhắc, máy móc không đúng quy định, ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

Ba là, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Qua đó bảo đảm điều kiện về nhân lực và vật lực cần thiết để CQCS phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm theo yêu cầu mới trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, yếu kém của CQCS trong thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra cũng hướng tới động viên, thúc đẩy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của CQCS. Đồng thời biểu dương kịp thời, nhân rộng những điển hình trong phòng, chống dịch.

Chú thích:
2. Cục Y tế dự phòng. Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống Covid-19 năm 2020.
3. Phường Phương Sài tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. https://nhatrang.khanhhoa.gov.vn, ngày 28/8/2020.
5, 6. Phường Long Biên, quận Long Biên tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. https://soyte.hanoi.gov.vn, ngày 14/4/2020.
4. Phường Minh Xá triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. https://www.bacninh.gov.vn, ngày 26/8/2020.
1, 7. Báo cáo số 237/BC-CP ngày 19/5/2020 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
8. Đề nghị đình chỉ chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và trạm trưởng y tế. https://nhandan.com.vn, ngày 07/8/2020.
9, 10. Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Nguyên thu hồi thông báo chưa đúng về phòng, chống dịch Covid-19. http://cand.com.vn, ngày 03/8/2020.
TS. Vũ Thành Luân
 Đại học An ninh nhân dân