Tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức cấp xã trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức cấp xã là hoạt động đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những tác động ngày càng rõ ràng, mang đến những cơ hội; đồng thời, đặt ra những thách thức nhất định đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Chính vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể để tạo động lực cho đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Ảnh minh họa.

Một trong những vấn đề đang ngày càng được coi trọng trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực hiện nay (bao gồm nguồn nhân lực thuộc khu vực công) – chính là hoạt động tạo động lực làm việc (TĐLLV). Thiếu động lực làm việc khiến người lao động khó có thể thỏa mãn được nhu cầu của chính bản thân họ; đồng thời, không thể hoàn thành tốt công việc, từ đó, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của tổ chức. Đây là một trong những hoạt động ngày càng được quan tâm, được đầu tư thực hiện một cách bài bản hơn trong các tổ chức.

Với tầm quan trọng đặc biệt của mình, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã luôn là đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. TĐLLV cho đội ngũ này thực sự là một hoạt động cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh mới với nhiều diễn biến khó lường trên thế giới hiện nay.

Tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức cấp xã và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Động lực làm việc là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra khi đề cập khái niệm động lực làm việc, như: “sự tự nguyện nỗ lực ở mức độ cao nhằm hướng tới những mục tiêu của tổ chức, được tạo điều kiện bởi khả năng của những nỗ lực đó để thỏa mãn một số nhu cầu cá nhân”1 hoặc “một lực có ý thức, hoặc vô thức khơi dậy trong con người mong muốn được hành động và hướng hành động của họ vào việc đạt tới một mục tiêu mong đợi”2. Từ một góc độ khác, cũng có thể hiểu là “sự thúc đẩy khiến cho con người nỗ lực làm việc trong điều kiện cho phép để tạo ra năng suất, hiệu quả cao”3.

Như vậy, mặc dù các định nghĩa về động lực làm việc là khá đa dạng, tuy nhiên, phần lớn quan điểm đều thống nhất cho rằng động lực làm việc xuất phát từ chính mỗi con người, giúp cho họ phát huy được năng lực của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở TĐLLV cho CBCC cấp xã, có thể chia các biện pháp TĐLLV thành 3 nhóm như sau: (1) TĐLLV thông qua lương, thưởng; (2) TĐLLV thông qua công việc (cải thiện, làm mới công việc, đẩy mạnh công tác phân quyền,…); (3) TĐLLV thông qua cải thiện môi trường làm việc (hoàn thiện hệ thống chính sách trong quản lý CBCC; xây dựng các mối quan hệ công tác lành mạnh; cải thiện điều kiện lao động,…).

Đối với bản thân CBCC cấp xã, động lực làm việc giúp người thực thi công vụ với quyết tâm, nỗ lực cao hơn, từ đó tác động tích cực tới hiệu quả, hiệu suất làm việc. CBCC cấp xã có động lực làm việc cũng thể hiện tốt hơn sự gắn kết với tổ chức, mức độ nhiệt tình, sáng kiến và mức độ hoàn thiện bản thân cao hơn so với chính họ khi chưa có động lực làm việc.

Những chuyển biến tích cực này đồng thời sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của chính quyền cấp xã nói chung; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự cấp cơ sở, đồng thời  bảo đảm sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa người lao động và tổ chức, từ đó thúc đẩy sự hoàn thành mục tiêu của tổ chức.

Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức cấp xã

Trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực nói chung, TĐLLV vẫn luôn là một nội dung quan trọng và ngày càng cấp thiết. Sự xuất hiện và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đến mọi lĩnh vực đời sống không thể phủ nhận hay làm giảm tầm quan trọng của công tác TĐLLV trong mỗi tổ chức, mà ngược lại, đòi hỏi mỗi tổ chức phải quan tâm nhiều hơn và nhìn nhận sự tác động này để kịp thời có sự điều chỉnh nhằm hoàn thiện công tác TĐLLV.

Việc TĐLLV cho CBCC cấp xã cũng chịu sự tác động nhất định từ bối cảnh cuộc CMCN 4.0 – đặc biệt là từ khía cạnh số hóa,  trong đó:

Thứ nhất, sự tác động đến mức độ nhận thức về TĐLLV.

Trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, mặc dù nội dung TĐLLV cho CBCC cấp xã đã được quan tâm lồng ghép quán triệt trong các nội dung về quản lý nhân sự, nhưng nhìn chung chưa được triển khai đồng đều đến tất cả địa phương, các đơn vị với hiệu quả như mong muốn. Sự xuất hiện của CMCN 4.0 và sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ số, các ứng dụng trực tuyến sẽ là một tiền đề tốt để việc phổ biến, quán triệt về tầm quan trọng và các nội dung liên quan đến công tác TĐLLV cho CBCC cấp xã được dễ dàng nhân rộng, phổ biến (thông qua các lớp học trực tuyến, các kho dữ liệu mở,…) ở một phạm vi rộng với tính thống nhất cao hơn.

Đây rõ ràng là một lợi thế cần được tận dụng tốt trong bối cảnh CMCN 4.0 đối với hoạt động TĐLLV cho CBCC cấp xã.

Thứ hai, sự tác động đến các biện pháp TĐLLV.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, về cơ bản các biện pháp TĐLLV cho CBCC cấp xã không hẳn diễn ra theo xu hướng thay thế toàn bộ các biện pháp TĐLLV trước đây. Sự thay đổi diễn ra ở cấp độ từng biện pháp cụ thể với mức độ khác nhau. Chẳng hạn, một trong những sự thay đổi đáng chú ý chính là ở biện pháp cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cấp xã nói riêng phải bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong thực thi công vụ. Để đáp ứng yêu cầu này, cơ quan hành chính cấp xã phải có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu làm việc của CBCC.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh yêu cầu các quy trình, thủ tục giải quyết công việc phải ngày càng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm hiệu suất cao trong mọi lĩnh vực do bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thì TĐLLV cho CBCC phải lưu ý hơn tới việc thiết lập chính thức các quy trình, cách thức phối hợp,… trong thực thi công vụ một cách cụ thể, đơn giản hóa để tạo sự đồng bộ. Tránh trường hợp rườm rà, không rõ ràng trong phân công, phối hợp,… gây triệt tiêu động lực làm việc của CBCC cấp xã, nhất là trong bối cảnh cơ quan hành chính cấp xã là cấp phải thực hiện số lượng đầu mối công việc lớn như hiện nay.

Thứ ba, sự tác động đến phương thức tạo động lực.

Trong bối cảnh công nghệ số chưa phát triển một cách phổ biến thì phương thức TĐLLV cho CBCC cấp xã dường như vẫn thông qua phương thức trực tiếp (thông qua giao tiếp, cử chỉ, lời nói,… trực tiếp với đối tượng được TĐLLV) là chủ yếu. Do đó, cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học – công nghệ và các kênh thông tin – truyền thông, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube,…) làm phương thức TĐLLV cho CBCC cấp xã. Từ đó, họ có thể thực hiện một cách gián tiếp và hiệu quả chức trách, nhiệm vụ của mình và tạo thêm kênh để TĐLLV cho đội ngũ quan trọng này.

Thứ tư, sự tác động đến mức độ tham gia của các chủ thể TĐLLV.

Chủ thể TĐLLV cho CBCC cấp xã bao gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau, chẳng hạn: lãnh đạo cấp trên, đồng nghiệp đồng cấp, đồng nghiệp thuộc cấp, các đối tượng chịu sự quản lý và giải quyết công việc (người dân, các tổ chức kinh tế – xã hội,…). Trong công tác TĐLLV cho CBCC cấp xã, mỗi chủ thể giữ một vai trò, mức độ quan trọng khác nhau. Trong đó, vai trò đặc biệt quan trọng thường được cho là thuộc về nhóm chủ thể là lãnh đạo trực tiếp, cấp trên của người được TĐLLV – những người có quyền quyết định ở mức độ nhất định về phân công, điều động, giao quyền, tạo cơ chế, chính sách,… vốn là những yếu tố rất quan trọng trong TĐLLV.

Công nghệ số mang đến những điều kiện để các chủ thể – đặc biệt là chủ thể vốn được nhận định là ít tham gia hoặc ít có điều kiện tham gia vào công tác TĐLLV cho CBCC cấp xã có thể thay đổi mức độ tham gia của mình theo xu hướng ngày càng sâu rộng và trực tiếp hơn.

Một trong những đối tượng đặc thù chính là người dân, các tổ chức kinh tế – xã hội có quan hệ giải quyết công việc với CBCC cấp xã. CMCN 4.0 phát triển khiến việc tham gia của người dân vào việc kiểm tra, đánh giá, phản ánh, đặc biệt phản ánh sự ghi nhận tích cực và đóng góp của người dân đối với hoạt động của đội ngũ CBCC cấp xã càng trở nên dễ dàng. Khi hoạt động của đội ngũ này ngày càng hiệu quả thì thông qua các kênh thông tin truyền thông của xã hội 4.0, sự phản ánh tích cực càng dễ công khai và lan tỏa, từ đó tạo động lực mạnh mẽ hơn cho CBCC cấp xã. Thông qua đó, mức độ tham gia của người dân vào công tác TĐLLV cho CBCC cơ sở ngày càng dễ dàng và toàn diện hơn. Tương tự như vậy, mức độ tham gia của các chủ thể khác cũng được tạo điều kiện để điều chỉnh theo hướng ngày càng sâu sắc hơn.

Thứ năm, sự tác động đến cách thức đánh giá hiệu quả của hoạt động TĐLLV.

Đánh giá hiệu quả TĐLLV là hoạt động không hề đơn giản. Trong điều kiện thiếu thông tin từ các kênh cần thiết, việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động này càng trở nên khó khăn. Bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ số và các kênh truyền thông khiến hoạt động TĐLLV cho CBCC cấp xã có điều kiện trở nên hiệu quả hơn, đồng thời có thể được thực hiện dễ dàng hơn thông qua nhiều cách thức. Đó có thể là việc áp dụng các phần mềm đánh giá động lực làm việc, TĐLLV, cũng có thể là việc gửi và nhận kết quả đồng loạt cho một phạm vi đối tượng lớn các bài kiểm tra hiệu quả TĐLLV (thông qua bảng hỏi, bảng phỏng vấn sâu,…).

Như vậy, có thể thấy, bối cảnh CMCN 4.0 mang đến nhiều những vận hội, điều kiện thuận lợi cho hoạt động TĐLLV cho CBCC cấp xã. Tuy vậy, bối cảnh này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ dành cho công tác quan trọng này, bởi ở khía cạnh ngược lại, công tác TĐLLV không đúng định hướng, cách thức khi được nhân rộng thông qua sự đa dạng của các kênh thông tin, truyền thông sẽ tạo hiệu ứng ngược nhân lên nhiều lần, từ đó triệt tiêu động lực làm việc của đội ngũ CBCC tại cơ sở.

Giải pháp tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức cấp xã trong bối cảnh phát triển cách mạng công nghiệp 4.0

Một là, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác TĐLLV trong bối cảnh CMCN 4.0.

Trong bất kỳ bối cảnh nào, TĐLLV cho đội ngũ CBCC cấp cơ sở luôn là một hoạt động quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công việc của bản thân đội ngũ này, mà còn thông qua đó tác động tích cực đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự phát triển của địa phương. Do đó, cần tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của TĐLLV cho CBCC cấp xã đến các đối tượng có liên quan đến hoạt động này.

Việc nhấn mạnh các yếu tố chịu sự tác động từ bối cảnh cuộc CMCN 4.0 của hoạt động này cũng cần được làm rõ để các chủ thể TĐLLV có thể định hướng các vấn đề cần tập trung thực hiện. Bối cảnh 4.0 với sự bùng nổ của các phương thức thông tin, truyền thông sẽ là một lợi thế giúp việc triển khai các nội dung này đến các đối tượng liên quan được thực hiện dễ dàng, hiệu quả hơn.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các biện pháp TĐLLV đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0

Các nhóm giải pháp liên quan trực tiếp nên được cân nhắc có thể bao gồm: quán triệt nội dung liên quan tới bối cảnh CMCN 4.0 và sự tác động của bối cảnh này đến hoạt động thực thi công vụ cấp cơ sở, thiết lập các quy trình – thủ  tục – phương thức làm việc phù hợp với yêu cầu của bối cảnh số hóa, cung ứng đầy đủ trang thiết bị để việc ứng dụng công nghệ số được tối ưu hóa,…

Các hoạt động cụ thể như phân bổ ngân sách, tổ chức tập huấn, thu hút sự tham gia của các chuyên gia công nghệ số,… cần được quan tâm để triển khai hiệu quả các nội dung trên. Đồng thời, các biện pháp tạo động lực mang tính chất truyền thống và đạt hiệu quả cao, như tạo động lực thông qua việc cải cách chế độ tiền lương, cải thiện môi trường làm việc, hoàn thiện các mối quan hệ phối hợp,… vẫn cần được tiếp tục phát huy và kết hợp một cách thông suốt.

Ba là, đa dạng hóa phương thức TĐLLV cho CBCC cấp xã.

Với sự phát triển của công nghệ số, không chỉ trong hoạt động thực thi công vụ, mà trong cả hoạt động TĐLLV cho CBCC cấp xã cũng cần tận dụng triệt để những thuận lợi do bối cảnh này mang lại – đặc biệt là từ phương diện số hóa của CMCN 4.0. Để tận dụng ưu thế này, cần tăng cường hơn nữa việc áp dụng phần mềm công nghệ, các sản phẩm số hóa để nâng cao hiệu quả của hoạt động TĐLLV, chẳng hạn trong việc áp dụng công nghệ số, mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, phản hồi nhận xét, nhân rộng các điển hình tiên tiến,… Tận dụng những lợi điểm này sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực và tạo động lực cho đội ngũ CBCC cấp xã trong thực thi công vụ.

Bốn là, tạo sự thích ứng và tối đa hóa vai trò các chủ thể tiếp cận và tham gia TĐLLV cho CBCC cấp xã.

Bối cảnh công nghệ số của cuộc CMCN 4.0 tạo ra thuận lợi đáng kể cho các chủ thể tham gia tạo động lực cho CBCC cấp xã. Tuy nhiên, mỗi chủ thể sẽ có sự nhìn nhận về vai trò tạo động lực của mình cũng như có sự tham gia vào hoạt động này ở mức độ khác nhau. Trong đó, sự nhận thức rõ ràng và vai trò chủ đạo nhất trong hoạt động TĐLLV thường thuộc về các chủ thể bên trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước (đặc biệt là các cơ quan quản lý cấp trên và bản thân đội ngũ CBCC cấp xã). Nhóm các chủ thể khác, như: người dân, các tổ chức kinh tế – xã hội,… cũng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động này, nhưng thường chưa đánh giá đúng vai trò, cũng như chưa chủ động tham gia vào quá trình tạo động lực.

Trong bối cảnh mới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để một mặt giúp các chủ thể nhận thức rõ vai trò của bản thân trong việc TĐLLV, lợi ích từ việc TĐLLV, đồng thời, cần tạo thêm nhiều kênh giúp các chủ thể phát huy vai trò của mình vào công tác TĐLLV cho đội ngũ CBCC cơ sở một cách chủ động và phù hợp nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0, việc tiếp tục ứng dụng các phần mềm công nghệ cao để thu hút sự tham gia của người dân vào TĐLLV cho CBCC cơ sở (thông qua cơ chế đánh giá, ghi nhận, đóng góp ý kiến tích cực vào hoạt động thực thi công vụ,…) là cần thiết để tiếp tục phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể này trong tình hình hiện nay.

Năm là, đầu tư cho hoạt động đánh giá hiệu quả TĐLLV trong bối cảnh CMCN 4.0.

TĐLLV cho CBCC cấp xã cần thực sự được quan tâm và thực hiện một cách bài bản, có sự chỉ đạo, định hướng hoạt động, có các biện pháp và kế hoạch thực hiện, đồng thời có sự đầu tư cho các biện pháp đánh giá, kiểm tra hiệu quả TĐLLV cho đội ngũ quan trọng này.

Để bảo đảm kết quả đánh giá hiệu quả TĐLLV trong bối cảnh mới, cần phát huy vai trò của cơ quan cấp trên của chính quyền cấp xã, bởi đây là đối tượng quản lý trực tiếp và có vai trò quan trọng trong việc thực thi các biện pháp TĐLLV. Vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở cũng đặc biệt quan trọng. Việc tổ chức tập huấn để các nhóm đối tượng này nắm vững các biện pháp đánh giá hiệu quả TĐLLV trong bối cảnh mới là cần thiết. Ngoài ra, sự tham gia của các chuyên gia nhân sự – chuyên gia về lĩnh vực tạo động lực và đánh giá hiệu quả tạo động lực là cần thiết để đáp ứng yêu cầu này. Việc thiết lập và kết hợp đa dạng các biện pháp, các chủ thể, các kênh đánh giá hiệu quả TĐLLV là cần thiết nhằm giúp công tác đánh giá đạt hiệu quả tối ưu.

Chú thích:
1, 2. Nguyễn Trang Thu. Tạo động lực làm việc cho người lao động trong tổ chức. H. NXB. Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 29, 29.
3. Nguyễn Thị Hồng Hải (chủ biên). Giáo trình Động lực làm việc trong tổ chức hành chính nhà nước. H. NXB Lao động, 2013, tr. 24.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Thành, Đỗ Quang Hưng. Xây dựng và phát triển thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
2. Klaus Schwab. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.

Ths. Nguyễn Minh Lý
 Học viện Hành chính Quốc gia