Thực trạng và giải pháp giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý nguồn vốn vay nước ngoài với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh và tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp cho giai đoạn 2021 – 2025 ngay cả khi đại dịch Covid-19 vẫn đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam; ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh – sản xuất của cả nước bao gồm cả các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Bài viết đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài và đưa ra giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài.

 

Ảnh minh họa.

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài

Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế là trọng tâm chỉ đạo ở các địa phương, vì vậy các địa phương đã phát huy hiệu quả của tất cả các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài. Đây là nguồn đầu tư do Chính phủ hợp tác với các tổ chức tín dụng của nước ngoài để vay vốn và các địa phương vay lại với lãi suất hợp lý để đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế.

Thực tiễn vừa qua, việc giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài của các địa phương qua từng năm đều đạt thấp so với kế hoạch, do đó, dự án đầu tư bị kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả vay của các nguồn vốn Chính phủ. Các bộ, ngành trung ương, địa phương đã có nhiều cuộc họp đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc và có những chỉ đạo để tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên, việc giải ngân vẫn còn chậm.

Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020) là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công (VĐTC), cùng với Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các nghị định, chỉ thị và các văn bản liên quan. Trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân VĐTC nói chung, VĐTC nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng.

Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC. Cụ thể như: Chính phủ đã tổ chức 7 đoàn công tác kiểm tra tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn nhằm tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc giải ngân VĐTC. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân VĐTC. Riêng Bộ Tài chính, có 7 đoàn công tác được triển khai làm việc trực tiếp với các bộ có các dự án sử dụng vốn ODA với quy mô lớn, tổ chức 7 đoàn công tác làm việc với các địa phương, 5 lượt công văn gửi các địa phương đôn đốc thực hiện giải ngân và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về giải ngân VĐTC từ nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án1.

Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài Chính, tại thời điểm tính đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân VĐTC từ nguồn vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương mới đạt 13,96% dự toán được giao năm 20202. Nhờ chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, sau 2 tháng tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành đã đạt tỷ lệ 21,28% dự toán được giao (tương đương 3.875 tỷ đồng); các địa phương đạt tỷ lệ 22% dự toán vốn cấp phát được giao (tương đương 8.600 tỷ đồng). Đối với vốn vay lại của địa phương, tỷ lệ giải ngân là 26% kế hoạch cho vay lại (trị giá 6.895 tỷ đồng). Đến ngày 30/11/2020, số giải ngân đối với nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt tỷ lệ 41% so với dự toán (điều chỉnh); 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (dự toán đã điều chỉnh), bao gồm: thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Định, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu3.

Đối với nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, tính đến ngày 30/11/2020, so với dự toán được giao, số giải ngân đạt tỷ lệ 38% và 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy. Về tỷ lệ giải ngân chung, bao gồm cả phần ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và trung ương cho vay lại là 39,5% dự toán được giao (trong đó, dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đã được điều chỉnh)4.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian vừa qua, những hạn chế trong công tác giải ngân VĐTC nguồn vay nước ngoài vẫn tồn tại do một số nguyên nhân, cụ thể như:

Một là, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện các dự án này chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu,… dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn này bị ngưng trệ do không có khối lượng thực hiện hoặc nếu có khối lượng thì gặp khó khăn trong việc xác nhận, nghiệm thu và thanh quyết toán.

Hai là, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ tình trạng công tác tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng. Một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án còn bị động trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án và tiếp nhận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; năng lực cán bộ làm công tác quản lý ODA còn hạn chế về chuyên môn mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính; nhất là về ngoại ngữ nên khả năng trao đổi, đàm phán trực tiếp với nhà tài trợ còn khó khăn. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA, dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình.

Ba là, chính sách của dự án ODA, vay vốn ưu đãi có nhiều quy định khác so với Việt Nam. Đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, trên thực tế, các dự án ODA thường viện trợ không hoàn lại đối với gói thầu tư vấn lập dự án. Trong phần lớn các dự án ODA, công tác tư vấn, khảo sát, lập dự án đều do nhà tài trợ chỉ định thực hiện. Tuy nhiên, hồ sơ do tư vấn lập thường sơ sài, chưa phù hợp với quy định về khảo sát lập dự án của Việt Nam, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện, làm phát sinh thời gian và tăng chi phí, tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, Hiệp định vay vốn ODA được ký giữa Chính phủ và nhà tài trợ có giá trị pháp lý cao, gồm điều khoản về thủ tục đấu thầu mà chủ đầu tư bắt buộc phải thực hiện và áp dụng “Sổ tay hướng dẫn mua sắm đấu thầu” do nhà tài trợ quy định nhưng có nhiều điểm khác biệt so với quy định của Luật Đấu thầu trong nước, như: giá trúng thầu không bắt buộc phải nhỏ hơn giá gói thầu được duyệt; số lượng các ứng thầu có thể nhỏ hơn 3; không yêu cầu xử lý tình huống như Luật Đấu thầu của Việt Nam… Do đó, những quy định khác biệt dẫn đến tình trạng: quy mô gói thầu quá lớn làm giảm số lượng các nhà thầu Việt Nam có đủ điều kiện tham gia dự thầu; quá trình lựa chọn nhà thầu vẫn được coi là hợp pháp dù chỉ có một ứng thầu tham gia dự thầu. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để xử lý tình huống trong đấu thầu, kéo dài thời gian xét thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Bốn là, việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra những hệ quả như, các dự án chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Cụ thể như: kế hoạch vốn năm 2019 được giao làm nhiều lần và chậm, do đó, năm 2019 mới chỉ giải ngân được 32,5% kế hoạch vốn nước ngoài trong phần ghi thu, ghi chi. Bên cạnh đó, việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các bộ, ngành, địa phương còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 được kéo dài, chuyển nguồn. Với một số nhà tài trợ (WB, ADB…), Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết đối với phần vốn vay chưa giải ngân. Việc chậm giải ngân trong giai đoạn 2016 – 2020 đã gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ về khả năng hấp thụ nguồn vốn này.

 Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài

Thứ nhất, rà soát từng dự án và đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân VĐTC. Các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được theo kế hoạch vốn năm 2020 và nguyên nhân không đạt được tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch. Trong trường hợp theo tiến độ khối lượng dự án đặt ra không có khả năng hoàn thành, các bộ, ngành, địa phương phải đề xuất với Chính phủ cắt giảm và điều chuyển kế hoạch vốn được giao theo Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ hai, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đôn đốc giải ngân VĐTC ngày 29/10/2020. Bộ trưởng các bộ, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, đôn đốc tiến độ thực hiện giải ngân VĐTC, không để chậm trễ những việc trong thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát kế hoạch số VĐTC nước ngoài đã phân bổ các năm trước, tổng hợp và báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và phối hợp thực hiện. Trong trường hợp thẩm quyền quyết định của Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch vốn thì phải hoàn thành các thủ tục để trình Quốc hội, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.

Thứ tư, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án phải được nâng cao, thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng, tái định cư, đầu tư, xây dựng để triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, chủ đầu tư phải tận dụng trong việc tiếp nhận, triển khai các dự án ODA, trao đổi kinh nghiệm với nhà tài trợ, xin ý kiến về chính sách “không phản đối” của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, gửi Kho bạc nhà nước để được xác nhận kiểm soát chi, đủ điều kiện thanh toán.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở quyết định về điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao, hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi và bảo đảm chi trong dự toán được phân bổ theo chế độ quy định, không để dồn đến cuối năm.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC từ nguồn vốn vay nước ngoài, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương tổng hợp các dự án với đánh giá cụ thể, chi tiết về tỷ lệ giải ngân để hoàn thiện các thủ tục và thanh, quyết toán; đồng thời, phải phản ánh những khó khăn, vướng mắc gửi Chính phủ để kịp thời tháo gỡ và cần chủ động phối hợp, rà soát với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân vốn đầu tư theo quy định.

Chú thích:
1. Bộ Tài chính. Triển khai nhiều giải pháp đốc thúc giải ngân từ nguồn vốn vay nước ngoài. http://thoibaotaichinh.vn, ngày 04/9/2020.
2. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài. http://dangcongsan.vn, ngày 07/12/2020.
3, 4. Giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của các địa phương. http://tapchitaichinh.vn, ngày 07/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đầu tư công năm 2019.
2. Khó khăn lớn nhất khi kiểm toán dự án ODA là sự khác biệt về cơ chế, chính sách. http://tapchitaichinh.vn, ngày 11/12/2019.
3. Bốn địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 70%. http://dangcongsan.vn, ngày 07/12/2020.
4. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA. http://nhandan.com.vn, ngày 03/11/2020.
Làm gì để “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài? http://tapchitaichinh.vn, ngày 17/12/2020.

Th. Đoàn Quang Dũng
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên