4 nguyên tắc lãnh đạo dựa trên giá trị

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuốn sách “4 nguyên tắc lãnh đạo dựa trên giá trị” của tác giả Harry M. Jansen Kraemer – doanh nhân người Mỹ, đã được NXB Hồng Đức ấn hành năm 2014. Cuốn sách viết về chủ đề lãnh đạo và kỹ năng lãnh đạo dựa trên giá trị với triết lý bắt đầu và kết thúc bằng 4 nguyên tắc: (1) Sự tự phê bình; (2) Sự cân bằng; (3) Sự tự tin chân chính; (4) Sự khiêm nhường chân thật. Harry M. Jansen Kraemer cũng cho rằng, 4 nguyên tắc này không chỉ dành cho các nhà quản lý mà có thể ứng dụng cho tất cả những ai muốn phát triển tiềm năng lãnh đạo.

 

Cuốn sách được kết cấu thành 3 phần với 12 chương.

Phần I, gồm 4 chương (từ chương 1 – 4). Trong phần này, tác giả đã phân tích dựa trên 4 nguyên tắc.

Nguyên tắc tự phê bình: là chìa khóa giúp mỗi người định hình giá trị mà họ tự đánh giá để thấy giá trị nào là quan trọng nhất.

Tự phê bình là quá trình mỗi cá nhân tự suy ngẫm, sàng lọc những điều gì là cần thiết, điều gì gây nhũng nhiễu, xác định vấn đề để ưu tiên đầu tư thời gian, công sức và năng lượng vào đó.

Quá trình tự phê bình giúp mỗi cá nhân nhận thức về bản thân sâu sắc hơn, thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, khả năng và những điều cần cải thiện. Người lãnh đạo (NLĐ) thông qua nguyên tắc tự phê bình để xem xét và tìm ra bản thân mình là ai, từ đó, có thể quyết định mình thuộc kiểu NLĐ nào.

Nguyên tắc sự cân bằng: là khả năng nhìn thấy mọi thứ từ nhiều góc cạnh, bao gồm cả góc nhìn trái chiều với quan điểm của chính mình.

Sự cân bằng giúp NLĐ có thể ra quyết định một cách rõ ràng và có tầm ảnh hưởng rộng rãi, thay vì tập trung vào khía cạnh hẹp. NLĐ có được sự cân bằng sẽ trở thành người có cái nhìn tổng quát, hiểu thấu đáo khiến ai giao tiếp cũng cảm thấy hài lòng. Họ biết rằng, lãnh đạo đang lắng nghe họ và quan trọng hơn là thấy họ đang được lãnh đạo lắng nghe.

Sự cân bằng cũng giúp mỗi cá nhân, nhất là NLĐ làm đúng điều cần làm.

Nguyên tắc sự tự tin chân chính: là tố chất bên trong, xây dựng năng lực tiềm ẩn cho NLĐ, giúp họ có thể trao quyền cho cấp dưới.

Sự tự tin cùng với sự tự phê bình giúp NLĐ nhận thức sâu sắc về bản thân, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu và thực sự biết mình đã làm được gì và những gì mình chưa làm được. Từ đó, họ tự học tập nâng cao trình độ để phát triển bản thân trở nên tốt hơn. Học hỏi là một hành trình suốt đời và NLĐ tự tin là người cởi mở đối với việc học hỏi.

Nguyên tắc sự khiêm nhường chân thật: là điều cốt lõi trong sự phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân trong tổ chức, giúp kết nối giữa con người thật của mỗi người với nhau, từ đó mỗi người trong tổ chức trở nên gần gũi và thân thiện hơn.

Sự khiêm nhường chân thật giúp lãnh đạo kết nối được với nhiều người, điều này giúp NLĐ có thể phát triển đội nhóm đa dạng, đây chính là mấu chốt của vấn đề quản lý nhân tài.

Phần II, gồm 6 chương, (từ chương 5 – 10). Tác giả đề cập các yếu tố thiết yếu của một tổ chức dựa trên giá trị. Đó là:

(1) Lãnh đạo với các giá trị;

(2) Quản lý nhân tài và phát triển;

(3) Thiết lập phương hướng rõ ràng;

(4) Truyền thông hiệu quả;

(5) Động viên và thu hút tham gia nhóm;

(6) Thi hành và thực hiện.

Các giá trị của mỗi tổ chức tạo ra sự khác biệt thật sự thì phải thiết lập phương hướng rõ ràng và truyền thông đến với mọi người ở các cấp. Không có sự khởi đầu tốt và phương hướng rõ ràng cũng có thể bị ngưng trệ. Vì thế, không chỉ lãnh đạo biết mà cả tổ chức phải biết và hiểu được họ đang đi đâu? Làm gì? Và tại sao? Từ đó, họ có thể đưa ra những phản hồi cần thiết.

Hãy xem xét một tổ chức có được NLĐ dựa trên giá trị thì sẽ như thế nào? Sự tự phê bình làm tăng khả năng tự nhận thức của lãnh đạo. Sự cân bằng khích lệ lãnh đạo tìm kiếm những quan điểm khác nhau từ tất cả thành viên để đưa ra quyết định tốt nhất.

Khi định nghĩa được các giá trị của tổ chức một cách nghiêm túc, đặt đúng người, đúng việc, thiết lập phương hướng rõ ràng, khi đó, cần có truyền thông hiệu quả. Đó là khả năng truyền tải thông tin và ý tưởng một cách cởi mở để những người khác có thể hiểu được thông điệp. NLĐ có đủ 4 giá trị sẽ xác định được họ giao tiếp với mọi người tốt như thế nào và lãnh đạo cần làm gì để đội ngũ của họ hiểu và gắn kết với nhau.

Tác giả cho rằng, lãnh đạo không phải là việc bảo những người khác làm gì mà cần phải cho họ thấy tại sao nó lại quan trọng với toàn bộ tổ chức và quan trọng hơn và nhân viên đồng ý đi theo lãnh đạo.

Phần III, gồm 2 chương (từ chương 11 – 12). Đây là phần cuối cuốn sách, tác giả trình bày những giá trị cốt lõi của cuốn sách. Trong đó nhấn mạnh: để có thể trở thành NLĐ dựa trên giá trị và dẫn dắt tổ chức biến mọi thứ thành hiện thực, lãnh đạo cần:

(1) Lòng can đảm để vượt qua thay đổi, tranh cãi và khủng hoảng;

(2) Lãnh đạo có trách nhiệm xã hội.

“4 nguyên tắc lãnh đạo dựa trên giá trị” nhìn qua có vẻ đơn giản. Song, không nên nghĩ rằng có thể dễ dàng thực hiện. Bốn nguyên tắc này tiêu biểu cho quá trình rèn luyện học tập suốt đời và mặc dù đem tới những khó khăn, thách thức ban đầu, nhưng khi thực hiện sẽ luôn mang lại cho người đọc những điều quan trọng nhất. Đặc biệt là những người đã, đang và sẽ phấn đấu trở thành NLĐ nghiên cứu, học tập và vận dụng.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

ThS. Nguyễn Thị Quyên
Học viện Hành chính Quốc gia