Cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra vụ án hình sự

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động điều tra vụ án hình sự là việc cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tiến hành các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự. Tuy nhiên, để bảo đảm cho hoạt động này diễn ra đúng pháp luật, nhanh chóng và kịp thời, một quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ cần được thiết lập trong cơ chế kiểm soát quyền lực.

 

Cán bộ điều tra Công an Hà Nội lấy lời khai một đối tượng truy nã. Ảnh: anninhthudo.vn
Khái quát về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra vụ án hình sự

Kiểm soát quyền lực (KSQL) trong hoạt động điều tra vụ án hình sự (VAHS) nhằm phòng ngừa và xử lý những hànhvi, vi phạm pháp luật trong tố tụng hình sự (TTHS) nhằm tăng cường quyền lực nhà nước.

KSQL trong hoạt động điều tra VAHS là hệ thống cơ chế được tiến hành bởi Nhà nước và toàn xã hội để giám sát hoạt động điều tra của cơ quan điều tra. Dựa trên hình thức KSQL trong hoạt động điều tra có thể phân chia thành nhóm KSQL bên trong, bao gồm: cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và nhóm KSQL từ bên ngoài những cơ quan này. Đồng thời, cơ chế kiểm soát bên ngoài phân chia thành nhóm kiểm soát bên trong Nhà nước và nhóm kiểm soát bên ngoài không mang tính quyền lực nhà nước. Trên thực tiễn hệ thống KSQL trong hoạt động điều tra là một chuỗi quy trình có mối quan hệ ràng buộc, nghiêm ngặt và chặt chẽ buộc CQĐT phải hoạt động theo đúng pháp luật, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi đúng, đủ, chính xác và công bằng.

Cơ chế tự kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra vụ án hình sự

Kiểm soát trong hoạt động tố tụng hình sự

Đối với hoạt động TTHS, kiểm soát hoạt động của CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định Bộ luật TTHS năm 2015, với mục đích kiểm soát hoạt động của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS. Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết VAHS.

Kiểm soát bằng biện pháp hành chính

CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra kiểm soát hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm Luật này quy định nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT; các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động điều tra hình sự; giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự; những hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa CQĐT và Viện Kiểm sát (VKS) trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật TTHS. Thông tư này quy định về đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của CQĐT trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS, đề ra yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra của kiểm sát viên, VKS trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra. Về thẩm quyền cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, được phân theo các cấp từ trung ương đến địa phương. Việc phân cấp, phân nhiệm như trên giúp CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, xác định được thẩm quyền tiến hành điều tra VAHS, đồng thời phối hợp nhịp nhàng trong quá trình giải quyết VAHS.

Cán bộ, Đảng viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Ảnh: vksndtc.gov.vn.
Cơ chế kiểm soát từ bên ngoài cơ quan điều tra

Kiểm soát trực tiếp mang tính quyền lực nhà nước

Trong hoạt động điều tra VAHS, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chịu sự kiểm sát và phải được VKS phê chuẩn khi tiến hành điều tra VAHS. Theo đó, VKS có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS đối với CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại Điều 20 Bộ luật TTHS năm 2015, theo đó “Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự…”. Như vậy, VKS sẽ kiểm soát mọi hoạt động TTHS của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, với các quyết định trong hoạt động TTHS, qua đó, phát hiện những hành vi, vi phạm các quy định TTHS, những hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Trên thực tiễn, không phải khi nào CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố VAHS, kết luận điều tra thì VKS đều truy tố bị can trước Tòa án, vì những lý do khác nhau như thiếu chứng cứ để chứng minh, có căn cứ để chứng minh khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác, có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng… khi đó, VKS sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Như vậy, thông qua việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, VKS đã kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tránh lạm quyền hay vi phạm các quy định về TTHS.

Với mục tiêu bảo đảm quyền con người được bảo vệ tốt nhất, VKS tiến hành kiểm sát hoạt động bắt người theo quy định Bộ luật TTHS: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; không ai bị bắt nếu không có quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Như vậy, khi tiến hành thực hiện lệnh, quyết định này, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được phê chuẩn của VKS. Trường hợp bắt không đúng quy định của Bộ luật TTHS thì VKS ra quyết định không phê chuẩn quyết định, lệnh của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tòa án nhân dân kiểm soát hoạt động của CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi thực hiện chức năng xét xử của mình. Trong Bộ luật TTHS quy định tại Điều 296 về sự có mặt của Điều traviên và những người khác; Điều 317 về điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến.

Như vậy, trong quá trình xét xử nếu tòa án xét thấy cần thiết sẽ triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để trình bàynhững vấn đề liên quan đến vụ án và làm rõ các quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra. Từ đó, tòa án có thể phát hiện được những sai sót, hành vi vi phạm các quy định về TTHS của CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Việc kiểm tra giám sát hoạt động TTHS được ghi nhận tại Điều 33 Bộ luật TTHS năm 2015: “Các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…”. Nếu các cơ quan có thẩm quyền giám sát hoạt động TTHS phát hiện hành vi của người tiến hành tố tụng trái pháp luật, họ có quyền kiến nghị với CQĐT và cơ quanđược giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết trả lời kiến nghị theo quy định của Bộ luật TTHS. Qua đó, các cơ quan này đã và đang thực hiện chức năng giám sát của mình đối với CQĐT và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong hoạt động điều tra VAHS.

Kiểm soát không mang tính quyền lực nhà nước

Kiểm soát không mang tính quyền lực nhà nước, được tiến hành thông qua hoạt động điều tra VAHS, là việc người bào chữa, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng khiếu nại, đăng tải thông tin, tố giác của Nhân dân, cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Điều 72 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về người bào chữa và Điều 73 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bào chữa có quyền: “gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc, người bào chữa có thể hỏingười bị bắt, người bị tạm giữ, bị can…”.

Như vậy, việc người bào chữa, đặc biệt là luật sư tham gia hoạt động TTHS không chỉ giúp cho người bị buộc tội, bị bắt, giữ, giam bảo đảm quyền và lợi ích, đồng thời cũng giám sát hoạt động tố tụng của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án.

Đối với hoạt động KSQL trong TTHS, vai trò của các phương tiện truyền thông, cơ quan thông tấn báo chí, tố giác, tin báo về tội phạm, khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, tố cáo của Nhân dân, cơ quan, tổ chức… không chỉ là kênh phản biện xã hội, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giám sát các quyết định, các hành vi TTHS của CQĐT, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, phát hiện những sai phạm để kiến nghị hoặc khiếu nại các sai phạm. Đồng thời, đây cũng là kênh để người dân có thể tiếp cận các hành vi tố tụng của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong một phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TTXVN.
Một số kiến nghị về tăng cường hiệu quả kiểm soát hoạt động điều tra

Thứ nhất, tăng cường hoạt động kiểm soát trong điều tra VAHS theo chức năng của VKS.

Hoạt động KSQL của VKS có ý nghĩa rất quan trọng tránh lạm quyền trong hoạt động điều tra VAHS. Hoạt động kiểm soát này nếu phát huy có hiệu quả sẽ giảm áp lực cho hoạt động kiểm soát bên trong. Vì vậy, trong thời gian tới, việc tăng cường kiểm soát từ bên ngoài CQĐT sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều tra khám phá tội phạm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra tội phạm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động này, cần tăng cường công tác cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao hiệu quả, chất lượng của chức danh kiểm sát viên, sắp xếp bố trí cán bộ kiểm sát viên làm công tác kiểm sát chuyên trách về các VAHS. Bên cạnh đó, việc bảo đảm chính sách tiền lương cũng phải tươngxứng với ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Thứ hai, Tăng cường giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự

Một trong những nhiệm vụ cơ bản là cần phải hoàn thiện hơn nữa quy chế phối hợp giám sát của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trật Tổ quốc trong công tác giám sát xã hội đối với hoạt động điều tra VAHS. Quy định rõ CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tiếp thu, thực hiện và giải trình các kiến nghị, ý kiến của các cơ quan này trong công tác giám sát. Bảo đảm các cơ quan dân cử thực hiện hiệu quả quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan này cần xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan dân cử, để phát huy được chức năng giám sát và phản biện xã hội, đồng thời, cần phải quy định cụ thể trách nhiệm đối với cơ quan bị giám sát, phản biện xã hội.

Thứ ba, tăng cường cơ chế tự kiểm của cơ quan điều tra.

Hoạt động tự kiểm soát của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra rất cần thiết, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tránh lạm dụng quyền lực. Như đã phân tích trong hoạt động KSQL có kiểm soát bên trong và bên ngoài CQĐT, nếu hoạt động kiểm soát bên trong CQĐT có hiệu quả sẽ giảm áp lực cho kiểm soát bên ngoài CQĐT. Do đó, hoạt động kiểm soát bên trong và bên ngoài có mối quan hệ tác động qua lại, biện chứng với nhau. Chính vì vậy, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cần nhìn nhận hoạt động kiểm soát bên trong là quan trong và cần thiết và luôn ưu tiên.

Tuy nhiên, để hoạt động kiểm soát bên trong đạt được hiệu quả cao, ngoài việc nâng cao mối quan hệ giữa các cấp CQĐT, cần phải có sự phân cấp trong thanh kiểm tra hoạt động TTHS của CQĐT một cách có hệ thống và bài bản. Để hoạt động này đạt được hiệu quả cao, CQĐT phải luôn chú trọng đến công tác cán bộ, bên cạnh với việc giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng thì xác định rõ công tác đào tạo cán bộ có trình độ cao là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, cần có chế độ, chính sách thu hút cán bộ, cơ chế đãi ngộ xứng đáng, phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích đối với cán bộ làm công tác điều tra.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
3. Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VK- SNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
ThS Lê Trọng An 
Học viện Cảnh sát nhân dân