Đầu tư công ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020

(Quanlynhanuoc.vn) – Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để phát triển tỉnh Bình Thuận đạt các mục tiêu mà Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đặt ra trong giai 2016 – 2020 thì đầu tư công đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội như đầu tư y tế, giáo dục, văn hóa, … cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, xây dựng chỉnh trang đô thị,…
Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: hanoimoi.com.vn.

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh là thành phố Phan Thiết nằm cách TP. Hồ Chí Minh 183 km. Bình Thuận có 192 km bờ biển kéo dài từ ranh giới giáp tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, có 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện và 01 huyện đảo, với 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 12 thị trấn, 18 phường và 94 xã. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2020, dân số của tỉnh đạt 1.239,2 nghìn người, với 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh, tiếp đến là các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa, Cơ Ho, Tày…

Với những đặc điểm như trên, để phát triển tỉnh Bình Thuận đạt các mục tiêu mà Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã đặt ra trong giai 2016 – 2020 thì đầu tư công (ĐTC) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội như đầu tư y tế, giáo dục, văn hóa, … cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, xây dựng chỉnh trang đô thị,… Thông qua ĐTC, tác động lan tỏa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thiết yếu để kêu gọi các nhà đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, ĐTC có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh thông qua việc triển khai các công trình, dự án về quốc phòng, an ninh, trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đã xác định nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 là 9.593 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong cân đối 2.709 tỷ đồng, đầu tư từ tiền sử dụng đất 3.514 tỷ đồng, nguồn vốn thu từ phát hành xổ số kiến thiết 3.370 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh đã phân bổ giai đoạn 2016 – 2020 là 11.061 tỷ đồng, đạt 115,3% kế hoạch vốn so với nghị quyết đề ra.

Việc phân bổ vốn ĐTC giai đoạn 2016 – 2020 đã bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và hằng năm của tỉnh và các địa phương. Trong đó, tập trung bố trí vốn ĐTC để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm của tỉnh, như: giao thông, kè biển, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, sắp xếp khu dân cư vùng sạt lở, y tế, giáo dục,… ưu tiên bố trí vốn ĐTC cho vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, các xã miền núi, hải đảo, những vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị.

Trong từng ngành, lĩnh vực và các địa phương, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên cho các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu vốn, bố trí vốn đối ứng cho các dự án trung ương hỗ trợ, các dự án chuyển tiếp và các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch.

Việc điều hành kế hoạch ĐTC trong giai đoạn cũng như trong kế hoạch hằng năm đã được lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các chủ đầu tư và các sở, ngành, địa phương có liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, định kỳ rà soát điều chuyển kế hoạch vốn để sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả. Kết quả giải ngân cụ thể: năm 2016 đạt 93%; năm 2017 đạt 83%; năm 2018 đạt 84%; năm 2019 đạt 84,57%; năm 2020 đạt 100%. Nhờ đó, nhiều dự án được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trong bố trí vốn đầu tư ngân sách tỉnh có sự lồng ghép với ngân sách trung ương để đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả nổi bật ở một số ngành, lĩnh vực như:

Về hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường có quy mô khá lớn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, như Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, Quốc lộ 55, quốc lộ 28B, đường Lê Duẩn, đường Hùng Vương, đường từ cầu Hùng Vương đến Võ Nguyên Giáp và một số tuyến đường giao thông tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố… kết nối tốt với hệ thống trục chính quốc lộ, tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh và liên thông với các tỉnh bạn. Đến nay, hệ thống đường giao thông huyện, đường đến các trung tâm xã, thôn, xóm cơ bản đã được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Ngoài ra, tỉnh đang chuẩn bị khởi công 3 tuyến đường ven biển quan trọng.

Về hạ tầng thủy lợi, thủy sản và kè bảo vệ bờ biển, tỉnh đã quan tâm ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thủy lợi, kè bảo vệ bờ biển, khu neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, đã tập trung đẩy mạnh đầu tư dự án Hồ Sông Lũy, đầu tư hoàn thành khu neo đậu tàu thuyền Phú Quý – giai đoạn 1, đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục đầu tư khởi công dự án hồ chứa nước Ka Pét. Nhờ tập trung đẩy mạnh đầu tư hệ thống thủy lợi nên tỉnh cơ bản khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất.

Về hạ tầng giáo dục – đào tạo, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn NSNN, nhất là vốn xổ số kiến thiết để đẩy mạnh đầu tư hệ thống mạng lưới cơ sở vật chất trường, lớp học và thiết bị phục vụ dạy học khá toàn diện ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xóa phòng học tạm bợ và ca 3 của các cấp học trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở vật chất được đầu tư cơ bản đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Về hạ tầng y tế, nhờ huy động nguồn lực vốn đầu tư từ NSNN, nhất là từ vốn xổ số kiến thiết dành cho lĩnh vực y tế đã được đẩy mạnh đầu tư. Đồng thời, hệ thống thiết bị y tế cũng đã được đầu tư đồng bộ, kịp thời cho các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực và phòng khám đa khoa khu vực, trong đó có một số thiết bị hiện đại đã được đầu tư nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Từ số liệu cung cấp của các cơ quan chuyên môn cho thấy, việc bố trí vốn ĐTC giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực; phù hợp với khả năng thực hiện và tiến độ giải ngân của từng dự án; công tác quản lý nhà nước về ĐTC đã được tăng cường, việc phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án ĐTC bảo  đảm chặt chẽ, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; việc sử dụng vốn ĐTC của tỉnh ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, việc bố trí vốn ĐTC vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: việc huy động vốn NSNN đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là các nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu còn thấp; một số dự án ĐTC được bố trí vốn thực hiện nhưng chậm triển khai xây dựng do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng đất rừng; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt lại dự án đầu tư do chính sách tiền lương; công tác khảo sát, thiết kế, biện pháp thi công chưa phù hợp với thực tế; năng lực của một số chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ĐTC còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác chuẩn bị hồ sơ dự án chậm so với yêu cầu, nhiều dự án đã dự kiến được nguồn vốn đầu tư nhưng chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định; một số dự án, nguồn vốn giải ngân không đạt kế hoạch giao, quá thời hạn giải ngân phải bị hủy dự toán theo quy định của Luật NSNN và Luật ĐTC.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng kết quả ĐTC của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020 và đánh giá kết quả những nội dung đã đạt được cũng như chỉ ra những mặt còn hạn chế, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cho những năm tiếp theo như:

(1) Tăng thu ngân sách địa phương để chủ động và bảo đảm chi, nhất là chi đầu tư phát triển; chuẩn bị đầy đủ, kịp thời, chất lượng về hồ sơ dự án đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật ĐTC; phân bổ các nguồn vốn ĐTC kịp thời theo quy định của Luật ĐTC và các văn bản hướng dẫn của trung ương.

(2) Đối với các dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn tiếp theo, cần chủ động chuẩn bị tốt công tác hồ sơ dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu.

Phối hợp tốt giữa các ngành, các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là các dự án khởi công mới.

(3) Tranh thủ tốt hơn nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho các dự án quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn tiếp theo; đồng thời đăng ký kế hoạch vốn hằng năm phải sát với tình hình thực tế, phù  hợp với khả năng thực hiện, giải ngân của công trình; thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện của công trình để bảo đảm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, không kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn ĐTC cần bảo đảm công khai, minh bạch và đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc, như: việc phân bổ vốn ĐTC từ nguồn vốn ngân sách tỉnh phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật ĐTC, Luật NSNN và các văn bản pháp luật có liên quan, tránh tùy tiện, cảm tính…

(4) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành, địa phương; việc phân bổ vốn ĐTC phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm của tỉnh, của các ngành, các lĩnh vực, các địa phương cũng như kế hoạch tài chính 5 năm.

Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.

Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng; chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án chống sạt lở bờ biển, các dự án bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các huyện miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, thực hiện đồng bộ với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Trung ương, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.

Tài liệu tham khảo:
1. Tờ trình số 4678/TTr-UBND ngày 27/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021 và danh mục các dự án trọng điểm nguồn vốn ngân sách tỉnh.
2. Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2021.
Đỗ Văn Chung
Ban Kinh tế – Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận