Khắc phục bệnh “ngại học, lười học” lý luận chính trị – từ thực tế Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

(Quanlynhanuoc.vn) – Giảng dạy lý luận chính trị có những đặc thù riêng, đó là quá trình tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng; nhận thức lý luận chính trị nhằm góp phần giúp người học nhận thức và gia tăng bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, lĩnh hội các vấn đề về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng những kiến thức đó vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Ảnh minh họa (internet)

Ngại học, lười học lý luận chính trị (LLCT) mà cụ thể là “lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) của Đảng, trong đó yêu cầu chế độ học tập LLCT bắt buộc và quy định về trình độ LLCT, đổi mới phương pháp dạy học LLCT nhằm khắc phục tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Những năm qua, công tác nghiên cứu, học tập LLCT trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh được đẩy mạnh và đạt được thành tựu đáng khích lệ. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”1. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan, đó là: công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra. Sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế. Chưa chú trọng xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình mới, điển hình tiên tiến, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực2.

Hiện nay, khi cả nước đang thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, quán triệt các văn bản, chỉ thị của cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Gia Lai đã kịp thời chỉ đạo vừa phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa phải bảo đảm công tác giảng dạy phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảng dạy và học tập LLCT ở trường vẫn còn tồn tại những hạn chế, cụ thể:

Một là, số lượng học viên đi học không đồng đều, vẫn có xu hướng muốn học các lớp mở tại địa phương, không muốn học tập trung tại Trường Chính trị tỉnh. Điều này có thể lý giải do Gia Lai là một tỉnh miền núi đặc thù, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước; địa bàn rộng, khoảng cách từ các huyện về trung tâm tỉnh, thành phố xa (xa nhất có thể kể đến các huyện K’Bang, Krông Pa khoảng 150 km). Để thuận tiện cho việc vừa tham gia lớp học, vừa có thể giải quyết công việc đột xuất của cơ quan nên người học có tâm lý ngại học tập trung tại Trường Chính trị tỉnh. Việc tổ chức học các lớp ngay tại địa phương tuy tạo điều kiện cho người học nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, bởi các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu, học viên không có điều kiện tham khảo tài liệu tại thư viện và một phần không kiểm soát tốt thời gian học viên đến lớp.

Hai là, người học vẫn còn tâm lý rụt rè, ngại phát biểu, ngại tham gia viết bài cho nội san của Trường, mặc dù, Trường vẫn thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện để đăng bài và theo Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì học viên được ưu tiên cộng điểm các công trình nghiên cứu, bài viết khi xét khóa luận tốt nghiệp cuối khóa. Thực tế cho thấy, do đặc thù Gia Lai là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống (có khoảng hơn 40 dân tộc anh em), học viên là cán bộ cơ sở được cử đi học có trình độ học vấn không đồng đều và thường có sự chênh lệch về độ tuổi; lối sống, phong tục, tập quán văn hóa; khả năng lĩnh hội cũng khác nhau, nhất là những vấn đề mới thuộc về lý luận, do đó gây không ít khó khăn cho cả người học và người giảng dạy LLCT. Có thể khẳng định, việc nắm vững đối tượng người học để lựa chọn nội dung và phương pháp truyền tải là việc làm hết sức cần thiết để người học có thể lĩnh hội được kiến thức.

Ba là, với sự bùng nổ phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay, người học chỉ thích tra cứu thông tin đơn thuần trên internet, rất ngại đọc giáo trình, tham khảo sách chuyên sâu trong quá trình học để mở rộng kiến thức. Thông qua thống kê hằng năm của thư viện tỉnh cho thấy, thời gian đọc sách, lượt học viên đọc sách, mượn sách ở thư viện hầu như rất ít.

Bốn là, vẫn còn tình trạng đến muộn giờ hoặc vắng mặt, nhất là vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần đối với các học viên ở huyện bởi họ thường tranh thủ về nhà vào cuối tuần.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Gia Lai đã họp, thảo luận và thống nhất một số giải pháp chỉ đạo như sau:

Thứ nhất, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm việc chấp hành nội quy, quy chế học tập của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Trường Chính trị tỉnh. Ngoài việc phân công giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp, Trường còn ban hành quyết định thành lập Ban cán sự lớp để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm theo dõi, nắm bắt tình hình học tập của lớp. Tăng cường công tác điểm danh, bảo đảm sỹ số học tập thông qua hoạt động của giáo viên chủ nhiệm, Phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu khoa học; thông qua giảng viên trực tiếp lên lớp và thông qua hình thức kiểm tra đột xuất của lãnh đạo trường.

Lắp camera một số phòng học để giám sát quá trình học tập; yêu cầu giảng viên trực tiếp lên lớp ký nhận xét, ghi tên học viên vắng mặt vào sổ đầu bài sau mỗi buổi học làm căn cứ để xét điều kiện dự thi sau khi kết thúc mỗi phần học, môn học… Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt sỹ số học viên; ký công văn gửi về địa phương danh sách học viên vắng mặt không có lý do làm cơ sở để đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm.

Thứ hai, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT. Đối với đội ngũ giảng viên, Nhà trường có kế hoạch và chủ động cử đi học các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và LLCT; yêu cầu quán triệt những quan điểm của Đảng, cập nhật thông tin chính thống để kịp thời bổ sung vào bài giảng. Mặt khác, hạn chế số lượng loại hình các lớp mở tại các huyện, tăng số lượng các lớp mở tập trung tại Trường Chính trị tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giảng dạy, học tập.

Tăng cường trao đổi, thảo luận, tương tác giữa người dạy và người học; biến những vấn đề phức tạp, khô khan trong quá trình học tập thành những vấn đề đơn giản, dễ hiểu, dễ hình dung, dễ lĩnh hội. Trường cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế về cơ sở nhằm kịp thời nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội, văn hóa – đời sống, phong tục tập quán, ở địa phương, bổ sung vào bài giảng. Qua những chuyến thực tế, giảng viên hiểu thêm những vấn đề mới, những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực nhạy cảm về công tác dân tộc, tôn giáo, đất đai… ở từng địa phương cụ thể để đưa vào bài giảng, giúp người học thảo luận, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình quản lý, điều hành tại địa phương, góp phần làm phong phú và hiệu quả từng tiết giảng, tạo hứng thú cho người học.

Hằng năm, bảo đảm 100% đội ngũ giảng viên có đủ bài viết khoa học, đi thực tế cơ sở và bảo đảm định mức giờ giảng trong năm theo quy định. Nhờ đó, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên từng bước được nâng lên rõ rệt.

Thứ ba, chú trọng đổi mới phương pháp học tập, thi cử. Yêu cầu mỗi học viên phải có đầy đủ một bộ giáo trình, tài liệu học tập; thường xuyên đọc giáo trình trước khi lên lớp… nhằm khắc phục tình trạng học viên photocopy giáo trình cũ, hoặc sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mỗi tháng, quý, thư viện Trường đều công bố các tài liệu mới trên các trang tin của Trường và thông qua các zalo nhóm lớp học để học viên tham khảo, cập nhật thông tin mới trong quá trình học. Trường cũng tiên phong, chủ động biên soạn và xuất bản các tài liệu hướng dẫn ôn tập cho học viên, đồng thời, linh hoạt trong việc lựa chọn các hình thức thi (tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp) và tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp, thi học viên giỏi LLCT nhằm góp phần đánh giá đúng năng lực và chất lượng học viên.

LLCT có vai trò quan trọng và việc giáo dục LLCT, xây dựng nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Nghiên cứu, giảng dạy LLCT là nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường chính trị. Việc tổ chức các lớp LLCT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương cần phải bảo đảm nguyên tắc linh hoạt, phù hợp với các đặc thù mỗi địa phương. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Gia Lai cần nỗ lực trong thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng “ngại học, lười học” LLCT của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị do Trường tổ chức nhằm đem lại kết quả thiết thực.

Chú thích:
1, 2. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. H. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 28, 25.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị của Tỉnh ủy Gia Lai, ngày 08/5/2020.
2. Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Gia Lai lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Báo cáo số 46-BC/TCT ngày 29/10/2020 của Trường Chính trị tỉnh Gia Lai về tổng kết năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
ThS. Ksor Hội
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai