Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố

(Quanlynhanuoc.vn) – Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn xác định quan điểm chính thức của Nhà nước luôn xem thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Ảnh minh họa (internet).

Trong thực tế, có lúc, có nơi, người dân xem cấp thôn như một cấp chính quyền, cán bộ thôn như cán bộ của Nhà nước. Cán bộ cấp thôn nhiều người cũng “ngộ nhận” mình là người của Nhà nước, cũng có “quyền lực” nhà nước. Còn về phía chính quyền cấp xã cũng nhiều nơi xem cấp thôn như “cánh tay nối dài” của xã triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước đến dân, dẫn đến xu thế “hành chính hóa” cấp thôn, nảy sinh tư tưởng cho rằng Nhà nước phải chăm lo cơ sở vật chất và cấp kinh phí hoạt động, thậm chí phải trả lương cho cán bộ thôn.

Hệ thống chính trị cấp cơ sở gồm: chi bộ thôn, trưởng thôn, ban công tác mặt trận ở thôn cũng “hành chính hóa” và cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Bộ máy và nhân sự cấp thôn dần dần phình to, trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và người dân thông qua các quỹ đóng góp trên danh nghĩa là tự nguyện.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã chỉ rõ thực trạng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở. Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng “hành chính hóa”, “công chức hóa”. Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể từ năm 2021 – 2030 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Nghị quyết xác định tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung cho cơ sở, gắn bó với đoàn viên, hội viên, từng bước khắc phục “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ. Định hướng mở rộng thực hiện việc khoán kinh phí để phát huy tính tích cực, chủ động và tự chủ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Để giải quyết vấn đề nhân lực, nên tăng cường sử dụng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên. Nghị quyết xác định trong những năm tới, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương. Có thể khẳng định, các định hướng của Nghị quyết về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố tạo ra một sự thay đổi mang tính chất căn bản mang tính cải cách thực sự và kèm theo đó là khó khăn, thách thức cho hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố và cả chính quyền cấp xã.

Thực hiện việc thể chế hóa đường lối trên của Đảng đối với hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Tiếp theo đó, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn. Theo đó, một loạt đổi mới mang tính căn bản trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố sẽ được thực hiện theo lộ trình như sau:

(1) Về phương diện tổ chức bộ máy: xác định lại, thống nhất chỉ có một cấp cho mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, hoặc là thôn (và các tên gọi tương đương như ấp, khu phố). Hoặc là tổ dân phố (và các tên gọi tương đương như tổ nhân dân tự quản, tổ dân cư). Như vậy, sẽ có khó khăn trong việc chuyển đổi cho một số địa phương đang duy trì 2 cấp như TP. Hồ Chí Minh vừa có cấp ấp, khu phố, vừa có cấp tổ nhân dân, tổ dân phố. Một số thành phố lớn còn có thêm mô hình tổ chức tự quản của cộng đồng tại các chung cư: ban quản trị thay cho khu phố, tổ dân phố, theo mô hình của đô thị các nước phát triển.

(2) Về nhân sự của hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố:

“Người hoạt động không chuyên trách” ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận.

Những người còn lại được gọi chung là “người tham gia công việc” ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hằng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có). Như vậy, số người thuộc hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố thuộc diện được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước sẽ giảm mạnh so với trước.

Ngoài tác động giảm chi ngân sách, việc khống chế số người tối đa được hưởng phụ cấp hằng tháng và khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần (hoặc 5 lần đối với một số loại thôn) mức lương cơ sở để chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố còn có tác dụng khắc phục bệnh “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ của hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố. Các tổ chức đoàn thể nếu không có hoạt động, không có phong trào, không triển khai các mô hình sinh hoạt đoàn viên, hội viên thì tất yếu không có hưởng phụ cấp hằng tháng và cũng không có hưởng bồi dưỡng.

Thay đổi về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với hệ thống chính trị cấp thôn, tổ dân phố như trên là một sự chuyển biến quan trọng giúp làm rõ hơn tính tự quản của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, mô hình mới giúp phát huy tính tích cực, chủ động và tự chủ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở cấp thôn, tổ dân phố, góp phần xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự quản lý của chính quyền.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
2. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
3. Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
4. Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn.
ThS.Trần Anh Hùng
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh