Hiểu đúng về kỷ luật và thi hành kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Kỷ luật và thi hành kỷ luật của Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và có tác dụng to lớn đối với hoạt động xây dựng Đảng và hoạt động lãnh đạo cách mạng của ĐảngBài viết đi sâu phân tích hiểu đúng về kỷ luật Đảng là góp phần lấy lại uy tín, niềm tin của Đảng, xóa tan những định kiến về kỷ luật Đảng là có “vùng cấm, “ngoại lệ”.
Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn
Các quan niệm về kỷ luật và thi hành kỷ luật của Đảng

Hiểu theo nghĩa đời thường cứ nhắc đến kỷ luật nói chung, kỷ luật Đảng (KLĐ) nói riêng là nhiều người nghĩ ngay kỷ luật là hình thức “phạt” nên từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu không chính xác, thậm chí hiểu sai về kỷ luật của Đảng hiện nay.

Theo Đại từ điển tiếng Việt, “kỷ luật” là “quy tắc, điều quy định bắt buộc mọi người trong tổ chức phải tuân thủ”1. Chỉ như thế, một tổ chức mới tồn tại và phát triển. Nói cách khác, kỷ luật của một tổ chức chính là các quy định, quy chế, quy tắc do tổ chức đó đặt ra và có hiệu lực bắt buộc các thành viên trong tổ chức đó phải tuân theo.

Như vậy, có thể hiểu: KLĐ là những nguyên tắc, chế độ, quy định do Đảng đặt ra có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong Đảng (các tổ chức đảng và đảng viên). Kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Theo nghĩa hẹp, KLĐ là những quy định trong Đảng mà các thành viên của Đảng (các tổ chức đảng và mọi đảng viên phải nghiêm túc chấp hành) như:

Cương lĩnh chính trị của Đảng định hướng về đường lối, quan điểm, chính sách, hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng để xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Mọi tổ chức đảng (TCĐ) và đảng viên (ĐV) phải chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị của Đảng. Làm trái Cương lĩnh chính trị là vi phạm kỷ luật của Đảng.

Điều lệ Đảng là những quy định về mục đích của Đảng; các nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng; nguyên tắc tổ chức và hệ thống tổ chức của Đảng; nhiệm vụ, quyền hạn của các TCĐ và ĐV; sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội; việc khen thưởng và KLĐ… Toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng phải được tiến hành trên cơ sở các quy định của Điều lệ Đảng. Vi phạm Điều lệ Đảng là vi phạm kỷ luật của Đảng.

Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng còn được thể hiện và quán triệt trong các nghị quyết Đại hội đảng ở các cấp, được cụ thể hoá thành nghị quyết, chỉ thị, quy định của các TCĐ. Mọi TCĐ và ĐV phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; vi phạm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng là vi phạm kỷ luật của Đảng.

Theo nghĩa rộng, trong điều kiện Đảng cầm quyền, đường lối, quan điểm, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh, nghị định… của Nhà nước. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”2. Do đó, mọi TCĐ và ĐV cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. ĐV vi phạm Hiến pháp và pháp luật cũng là vi phạm kỷ luật của Đảng, phải được xem xét kỷ luật về mặt nhà nước.

Các tổ chức chính trị – xã hội được lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng trong phạm vi tổ chức của mình. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi tổ chức chính trị – xã hội đều có điều lệ, kỷ luật riêng; những quy định riêng này được hình thành từ sự cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng. Do vậy, “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”3. ĐV hoạt động trong các tổ chức chính trị – xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của tổ chức chính trị – xã hội mà mình tham gia. Vi phạm kỷ luật của các tổ chức chính trị – xã hội mà mình tham gia cũng là vi phạm kỷ luật của Đảng.

Kỷ luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhất là trong tình hình hiện nay, bảo đảm cho Đảng hoạt động và phát triển. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục TCĐ, ĐV. Tất cả các TCĐ cần nắm vững và thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của Đảng và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh KLĐ, chống mọi biểu hiện lệch lạc trong việc thi hành kỷ luật của Đảng, làm cho TCĐ luôn trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”4. Kỷ luật của Đảng và thi hành kỷ luật trong Đảng là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp có thẩm quyền phải xem xét một cách thận trọng, nghiêm túc, khách quan, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục và theo quy trình, không được làm tắt, làm ngang hoặc có thái độ chủ quan, định kiến dẫn đến bỏ qua các thủ tục cần thiết trong quá trình xem xét.

Cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra xem xét, thi hành kỷ luật phải nắm vững những nguyên tắc, thủ tục, quy định của Đảng; phải có khả năng phân tích đầy đủ, chính xác các tình tiết cấu thành các hành vi vi phạm kỷ luật của TCĐ, ĐV vi phạm.

Các TCĐ có thẩm quyền xem xét thi hành KLĐ phải có những quyết định công tâm, khách quan để mỗi TCĐ và ĐV bị thi hành kỷ luật, cũng như TCĐ, ĐV có liên quan thật sự “tâm phục, khẩu phục”, từ đó TCĐ, ĐV bị kỷ luật mới có ý thức chấp hành nghiêm túc và có hướng khắc phục sửa chữa vi phạm một cách tự giác và có hiệu quả nhất. Làm được như vậy mới có tác dụng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, có tác dụng giáo dục, răn đe đối với những TCĐ, ĐV có liên quan, nhằm hướng tới mục đích cao nhất của công tác thi hành kỷ luật trong Đảng là góp phần đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng lệch lạc, tiêu cực trong Đảng và xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Nếu hiểu sai về KLĐ, thi hành kỷ luật trong Đảng không được tiến hành nghiêm túc sẽ gây ra những hậu quả tai hại khó lường làm ảnh hưởng đến uy tín của TCĐ có thẩm quyền nói riêng và uy tín lãnh đạo của Đảng nói chung.

Tính chất của kỷ luật Đảng

Bắt nguồn từ bản chất giai cấp của Đảng, nên “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”5.

Nghiêm túc là tất cả TCĐ và ĐV đều phải phục tùng kỷ luật của Đảng, phải chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Toàn Đảng phải triệu người như một, tuyệt đối không ai được bất cứ bằng cách nào, dưới bất cứ hình thức gì truyền bá những quan điểm trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Đảng tôn trọng quyền bảo lưu ý kiến của thiểu số, song mọi ĐV đều phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng, ai vi phạm đều phải được xem xét, nếu cần thiết, phải bị thi hành kỷ luật. Đảng yêu cầu mọi TCĐ và ĐV phải chấp hành kỷ luật đảng vô điều kiện. Đảng không giảm bớt yêu cầu đối với ai, không ai được coi là ngoại lệ.

Tự giác là đặc trưng cơ bản của KLĐ, vì Đảng ta bao gồm những người thừa nhận và tự nguyện phấn đấu thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, lấy việc phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân làm lẽ sống của mình. Mọi ĐV đều ý thức sâu sắc rằng, giữ gìn kỷ luật của Đảng, giữ gìn sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, nên dù trong lĩnh vực hoạt động nào, trong điều kiện, hoàn cảnh nào, càng khó khăn, phức tạp, càng phải đề cao tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng.

Song, chỉ có tự giác thì chưa đủ mà còn phải có sự bắt buộc. Bắt buộc là nhân tố tất yếu phải có đối với bất kỳ kỷ luật của tổ chức nào. Nhưng, bắt buộc trong kỷ luật của Đảng được xây dựng trên cơ sở giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp của tất cả ĐV; giác ngộ càng cao, nhân tố bắt buộc càng trở thành tự giác.

Tính nghiêm túc và tự giác của KLĐ là sự thống nhất giữa tập trung và dân chủ, bắt buộc và tự giác. Nghiêm túc phải trên cơ sở tự giác, tự giác càng cao thì kỷ luật càng nghiêm túc. Sự thống nhất và kết hợp giữa nghiêm túc và tự giác là điều kiện bảo đảm cho kỷ luật của Đảng thực sự là kỷ luật sắt.

Sự cần thiết phải hiểu đúng về kỷ luật của Đảng

Kỷ luật của Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và có tác dụng to lớn đối với hoạt động xây dựng nội bộ Đảng và hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, kỷ luật của Đảng càng có vai trò, tác dụng to lớn quyết định việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách đúng đắn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Mọi biểu hiện buông lỏng KLĐ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động của Đảng.

Trong quá trình hoạt động, Đảng ta mong muốn không phải dùng đến kỷ luật nhưng khi cần thiết vẫn phải kiên quyết thi hành kỷ luật nếu có vi phạm đến mức phải kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”6.

Hiểu đúng về KLĐ là góp phần lấy lại uy tín, niềm tin của Đảng, xóa tan những định kiến về KLĐ là có “vùng cấm, “ngoại lệ”. Điều đó được minh chứng khi trong một nhiệm kỳ, hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó nhiều cán bộ bị xử lý hình sự; có cả Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh, thành ủy, bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, nhiều tướng lĩnh và cả anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,…

Hiểu đúng về KLĐ để mỗi cán bộ, ĐV và nhân dân thấy rằng trong KLĐ luôn có cả tập trung và dân chủ. Trong các tính chất của KLĐ thì cũng có tới hai nội dung về dân chủ và phát huy dân chủ là nghiêm túc và tự giác mới đến bắt buộc. Trong quy trình thi hành kỷ luật với TCĐ, ĐV cũng thực hiện công khai, dân chủ. Đối tượng vi phạm KLĐ được quyền trình bày với cấp có thẩm quyền trước khi quyết định hình thức kỷ luật.

Hiểu đúng về KLĐ để thấy rằng, các cơ quan của Đảng và Nhà nước luôn có sự phối hợp đồng bộ. ĐV bị xử lý KLĐ thì sẽ bị xử lý kỷ luật của chính quyền tương xứng và nếu vi phạm đến mức phải xử lý theo pháp luật thì cũng bị xử lý đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

“Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ/2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ/2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ/2.663 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, đạt tỷ lệ trung bình hàng năm hơn 32% so với số tiền có điều kiện thi hành, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước”7.

Thực tế xử lý kỷ luật cán bộ cao cấp vi phạm vừa qua, cho thấy, nhìn một cách tổng thể, công tác cán bộ của Đảng được quy định rất chặt chẽ và khoa học, nhất là việc đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải qua nhiều bước, nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương xem xét, thẩm định. Do đó, không thể có lỗ hổng về quy trình, quy định. Phải chăng lỗ hổng ở đây là do tổ chức, cá nhân thực hiện các quy trình, quy định đó tạo ra, là sự thiếu trách nhiệm, nể nang, né tránh, là lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” của những người có thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá, nhận xét, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ? Vì thế, hiểu đúng về KLĐ nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm của TCĐ và ĐV, để phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót khuyết điểm khi mới manh nha; bảo đảm cho Đảng ta, trước hết là các cơ quan lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo của Đảng luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng, có phẩm chất cách mạng tốt, ngăn chặn, đẩy lùi được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.

Hiểu đúng về KLĐ mới có tác dụng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, có tác dụng, giáo dục, răn đe đối với những TCĐ, ĐV có liên quan, nhằm hướng tới mục đích cao nhất của thi hành kỷ luật trong Đảng là góp phần đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng lệch lạc, tiêu cực trong Đảng và xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Nhờ có kỷ luật nghiêm minh mà những người cộng sản Việt Nam gắn kết chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất ý chí và hành động, có sức mạnh vô địch. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chú thích:
1. Nguyễn Như Ý. Đại từ điển tiếng Việt. H. NXB Văn hóa – Thông tin, 1998, tr. 933.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2017, tr.5.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 33.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 67.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 17.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 323, 324.
7. Xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng. https://baophapluat.vn.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
3. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
4. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
5. Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

PGS.TS. Lê Văn Cường – Viện Xây dựng Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học,
Toà án nhân dân tối cao