Thực hiện quy chế dân chủ ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

(Quanlynhanuoc.vn) – Quán triệt nội dung của Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 và các văn bản pháp luật về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị  trấn, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mai Sơn nói riêng đã xác định đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước cụ thể hoá phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống thực sự có hiệu quả, củng cố lòng tin của Nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa (internet)
Thực trạng thực hiện quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mai Sơn

Mai Sơn là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, với tổng diện tích tự nhiên là 147.247 ha, dân số 149.715 người, có 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là dân tộc Thái, Kinh, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, Mường và một số dân tộc khác. Phát huy truyền thống quê hương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn đã không ngừng ra sức phấn đấu hăng hái, thi đua học tập, lao động sản xuất đạt được nhiều kết quả  về phát triển kinh tế – xã hội, theo đó cơ cấu kinh tế – xã hội chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 – 2020 đạt 21.166,5 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 39,5 triệu đồng/người (tăng 64,58% so với năm 2015)…1.  Những kết quả khả quan có sự tác động nhất định của việc tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở của huyện Mai Sơn đã có chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng sự mong đợi của Nhân dân, nhận được sự đồng tình hưởng ứng rộng rãi, đặc biệt trong thời gian qua, địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Pháp luật về thực hiện dân chủ thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng hoàn thiện, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị đã tập trung theo hướng: trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.  Những kết quả đó được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện QCDC ở xã, thị trấn đã và đang được các xã, thị trấn gắn với việc tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, thực hiện mô hình làm công tác “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; qua đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thứ hai, các xã, thị trấn đã xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định, trong đó nêu rõ nội dung và hình thức thực hiện; hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước ở bản, tiểu khu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, có sự tham gia đông đảo ý kiến của người dân, nhất là các ý kiến trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, việc phát triển các ngành, nghề cho lao động ở nông thôn. Việc sắp xếp, sáp nhập tổ, bản theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập 241 bản thành 110 bản, giảm từ 458 bản xuống còn 327 bản (giải quyết thôi đảm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách đối với 1.703 người)2; công tác quản lý đất đai, chương trình, dự án hoặc thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng,… cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân3.

Thứ ba, việc phát huy nội lực trong Nhân dân tham gia xây dựng hạ tầng, xây dựng “Nông thôn mới” với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” được đẩy mạnh; tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong  trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, toàn huyện đạt 249 tiêu chí (tăng 103 tiêu chí so với năm 2015), bình quân mỗi xã đạt 11,85 tiêu chí, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt từ 10 – 13 tiêu chí, 10 xã đạt từ 6 – 9 tiêu chí.

Chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động đầu tư hỗ trợ hội viên, đoàn viên xóa nhà tạm, vay vốn sản xuất phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học – công nghệ và đã chuẩn bị xong thủ tục để tiến hành mở 8 lớp học nghề cho 280 lao động nông thôn theo kế hoạch; ủng hộ trên 400 triệu đồng giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hướng dẫn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho Nhân dân…; chăm lo củng cố hệ thống tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chất lượng, hiệu quả.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên. Trong 5 năm qua, đã tổ chức vận động, tiếp nhận 14,7 tỷ đồng, xóa 194 nhà tạm và hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai, trong năm 2020, vận động, tiếp nhận được gần 1,2 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động các nguồn hỗ trợ xóa được 138 nhà tạm trên địa bàn4

Thứ năm, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo QCDC các cấp không ngừng được kiện toàn và nâng cao cả về số lượng và cơ cấu tổ chức (22 xã, thị trấn đều có Ban Chỉ đạo QCDC). Các ban này đã luôn chủ động phối hợp với chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân được thực hiện quyền giám sát các nội dung theo quy định với các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Thực hiện niêm yết tại nhà văn hóa bản, tiểu khu để người dân được tham gia, đóng góp ý kiến, chính quyền tiếp thu các ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã theo quy định; việc tiếp công dân và tiếp nhận, giải quyết đơn thư được bảo đảm tiến hành theo đúng quy định, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp (tỷ lệ giải quyết theo quy định đạt 97%).

Nhìn nhận một cách toàn diện, việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn của huyện Mai Sơn trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, khó khăn nhất định:

Một là, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện một số văn bản về thực hiện QCDC ở một số đơn vị chưa được thường xuyên; việc thực hiện QCDC có nơi, có việc còn hình thức. Việc phát huy quyền dân chủ của Nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa được mở rộng, vai trò, trách nhiệm của Nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi chưa được cao.

Hai là, Ban Chỉ đạo QCDC ở xã chưa kịp thời chỉnh sửa, bổ sung quy chế hoạt động, dẫn đến chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy vai trò trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo; việc chỉ đạo đôn đốc và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện QCDC; việc kiện toàn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế.

Ba là, việc giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi sáp nhập các bản, tiểu khu còn gặp nhiều khó khăn. Một số xã vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm; cán bộ, công chức tiếp dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ… gây ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả quản lý.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn huyện Mai Sơn giai đoạn tới

Để tiếp tục tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu quả và chất lượng QCDC ở xã, thị trấn gắn liền với công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của huyện, với những sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương… trong thời gian tới, cần tập trung theo một số định hướng như sau:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò của các đoàn thể và của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC trong thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; nhất là tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng thực hiện QCDC gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện QCDC ở xã, thị trấn tại địa phương, đưa việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên  truyền, tập huấn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, thị trấn; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp Nhân dân. Gắn và chú trọng việc thực QCDC với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ công, nâng cao ý thức trách nhiệm trong phục vụ Nhân dân; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ ba, thực hiện nghiêm QCDC trong công tác cán bộ. Tiếp tục đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, làm tốt công tác tiếp công dân, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp của Nhân dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp.

Thứ tư, không ngừng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện QCDC theo hệ thống của từng tổ chức.

Chú thích:
1. Báo cáo Chính trị số 1088-BC/HU ngày 25/7/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mai Sơn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2, 3, 4. Báo cáo số 09-BC/BCĐ ngày 15/11/20220 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Mai Sơn về kết quả việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021.
Chẩu Đình Dương
Trường Chính trị tỉnh Sơn La