Bảo đảm trách nhiệm của luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo thống kê, luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, từ ngày 31/12/2015, có tổng số 2.700 luật sư thành viên; đến ngày 31/12/2020 tăng lên 4.466 luật sư thành viên1. Mặc dù số lượng luật sư những năm qua tăng 1.766 luật sư nhưng trách nhiệm của luật sư tham gia bào chữa vụ án hình sự trong những năm gần đây vẫn còn những hạn chế nhất định. Điều này đặt ra yêu cầu đối với trách nhiệm của luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khi tham gia bào chữa với vai trò là người bào chữa chỉ định cũng như các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Đại hội đại biểu Đoàn luật sư thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: hanoimoi.com
Thực tiễn hoạt động của luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với vai trò là người bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021, tỷ lệ luật sư được chỉ định tham gia bào chữa trong xét xử vụ án hình sự (VAHS) của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội ngày một tăng cao. Đoàn Luật sư (ĐLS) thành phố Hà Nội đều thực hiện nghiêm túc việc phân công luật sư tham gia bào chữa chỉ định theo yêu cầu của TAND ở quận, thành phố.

Những hạn chế trong quá trình thực hiện với vai trò bào chữa chỉ định tại phiên tòa xét xử các VAHS

– Giai đoạn chuẩn bị xét xử: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra các tài liệu tố tụng của hồ sơ vụ án, nhiều luật sư đã không phát hiện được các vi phạm tố tụng. Một số luật sư chưa chủ động, dự kiến được kế hoạch tiếp xúc, trao đổi với bị can, bị cáo, với thân chủ nên còn bỏ sót những vấn đề cần phải làm rõ, liên quan đến chứng cứ có lợi cho thân chủ; chưa xác định được cụ thể tài liệu muốn thu thập dẫn đến việc thu thập lan man, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số luật sư chưa chủ động đề xuất các vấn đề liên quan đến tố tụng với Tòa án. Một số luật sư còn “e ngại”, giữ mối quan hệ với Tòa án mà không chủ động thực hiện những đề xuất nêu trên khi Tòa án là cơ quan đã yêu cầu ĐLS thành phố Hà Nội cử luật sư tham gia và được trả thù lao bào chữa; một số luật sư chưa dự kiến câu hỏi, luận cứ bào chữa tại phiên tòa, chưa bám sát nội dung vụ án, các hành vi và tội danh mà Viện kiểm sát truy tố nên chưa làm rõ những mâu thuẫn về chứng cứ, các vi phạm thủ tục tố tụng.

– Giai đoạn xét xử tại phiên tòa: Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, khi theo dõi diễn biến phiên tòa, luật sư còn thiếu trách nhiệm giúp đỡ thân chủ về mặt pháp lý trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng. Tại phần tranh luận tại phiên tòa, một số luật sư chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng luận cứ bào chữa (dù là sơ bộ) để sử dụng khi cần thiết nên còn lúng túng trong việc trình bày các quan điểm pháp lý và khi viện dẫn các chứng cứ có lợi cho thân chủ. Về bản chất là bào chữa theo kiểu “hình thức” hoặc do trình độ, năng lực hạn chế.

– Giai đoạn tuyên án: Thực tế cho thấy, các luật sư thường lơ là, thiếu trách nhiệm trong khi lắng nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án, dẫn đến không nắm rõ toàn bộ nội dung cũng như hình thức bản án, nhất là các quyết định liên quan đến thân chủ của mình làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân của những hạn chế:

Trước hết, điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về đối tượng bắt buộc phải có người bào chữa trong trường hợp “Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần…” đã xảy ra những bất cập. Ví dụ như bị can bị cụt một tay hoặc chỉ bị hỏng một mắt có nằm trong trường hợp chỉ định luật sư bào chữa hay không? Quy định về thủ tục chỉ định luật sư tham gia bào chữa. Tuy nhiên, các giai đoạn tố tụng trước đó luật sư không tham gia nên rất khó có thể làm tròn trách nhiệm một cách tối đa mặc dù sau khi được chỉ định buộc luật sư phải nghiên cứu rõ toàn bộ hồ sơ vụ án. Quy định về thù lao của luật sư tham gia bào chữa khi được chỉ định, trong trường hợp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) chưa bảo đảm. Như cách tính giờ làm việc trên một ngày của luật sư bị giới hạn bởi cách xác định thời gian gặp bị can, bị cáo; thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan; thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan THTT; thời gian tham gia phiên tòa; thời gian đi công tác… điều này làm giảm đi đáng kể thù lao trên ngày của luật sư.

Thứ hai, nhiều luật sư khi được Tòa án yêu cầu còn thiếu tinh thần trách nhiệm với bị cáo, kỹ năng hành nghề của luật sư bào chữa còn chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng đưa ra những đề nghị không phù hợp; thậm chí còn làm ảnh hưởng đến quyền của bị can, bị cáo. Thực tiễn hoạt động của luật sư vẫn còn không ít trường hợp do không hiểu thấu đáo quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định, nên đã không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi làm nhiệm vụ bào chữa cho bị can, bị cáo.

Thứ ba, từ phía cơ quan THTT: thực tiễn cho thấy, người THTT đôi khi chưa đánh giá hết mặt tích cực khi có sự tham gia của luật sư trong quá trình giải quyết VAHS. Một số người THTT đã không nhận thức đúng về vị trí, vai trò của luật sư, quan niệm luật sư chỉ là “thầy cãi” gây khó khăn cho hoạt động tố tụng nên không tôn trọng và thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật để luật sư thực hiện nhiệm vụ bào chữa của họ. Còn coi nhẹ, e dè, cảnh giác khi nghe ý kiến của luật sư, thậm chí còn gây khó khăn cho hoạt động hành nghề của luật sư.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự

Một là, cần quy định cụ thể hơn về đối tượng bắt buộc phải có người bào chữa: việc chỉ định người bào chữa được quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015:  “1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội…”, một trong những điều kiện chỉ định người bào chữa là chỉ khi người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền THTT cần xác định thời điểm, hoàn cảnh và thời gian mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân của họ thuộc trường hợp bắt buộc phải chỉ định mà không nhờ người bào chữa.

Mặt khác, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2015, ngoại trừ người dưới 18 tuổi có giấy tờ khai sinh chứng minh, các trường hợp người bị nhược điểm về thể chất hoặc nhược điểm về tâm thần sẽ được cơ quan có thẩm quyền THTT xác định thông qua việc cảm nhận trực quan hay phải chờ kết quả kết luận giám định. Đối với bị cáo có nhược điểm về tâm thần thì khó khăn nhất là trường hợp những nhược điểm này không phải bẩm sinh mà xuất hiện trong quá trình điều tra, xét xử vụ án. Khi cơ quan THTT có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của bị cáo thì các cơ quan này phải trưng cầu giám định theo Điều 206 BLTTHS năm 2015.

Hai là, về thủ tục chỉ định luật sư làm người bào chữa: khi người bị buộc tội thuộc trường hợp phải chỉ định người bào chữa, cơ quan THTT phải yêu cầu hoặc đề nghị ĐLS phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư tham gia bào chữa. Tuy nhiên, trong thực tiễn tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay có một khoảng trống trong giai đoạn từ khi thực hiện lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam cho đến khi các thủ tục nhờ người bào chữa chính thức được thực hiện phải mất một khoảng thời gian nhất định. Trong giai đoạn này, đã có trường hợp bức cung, nhục hình xảy ra, tác động đến nhận thức, thái độ khai báo, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Xuất phát từ điều này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề xuất Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu xây dựng chế độ trực ban Luật sư.

Ba là, tăng  mức thù lao của luật sư tham gia bào chữa khi được chỉ định. Mức thù lao của luật sư tham gia bào chữa sẽ do Tòa án thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 12/12/2014  của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan THTT. Tuy nhiên, quy định về mức thù lao chưa được bảo đảm, cách tính giờ làm việc trên một ngày của luật sư chưa hợp lý. Do đó, cần có sự điều chỉnh phù hợp theo kịp với sự phát triển chung của xã hội.

Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ luật sư thuộc ĐLS thành phố Hà Nội. Cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục chính trị, đạo đức nghề nghiệp, củng cố bản lĩnh cho đội ngũ luật sư, tạo điều kiện cho luật sư nghiên cứu, tiếp cận và cập nhật những kiến thức pháp luật để không ngừng hoàn thiện kỹ năng hành nghề. Ngoài ra, ĐLS thành phố Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề của các luật sư, luật sư tập sự về việc tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phát hiện, xử lý nghiêm minh những vi phạm thuộc thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của ĐLS thành phố Hà Nội với các tổ chức hành nghề của luật sư, phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội kiểm tra, giám sát các tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động hành nghề của luật sư, nắm bắt kịp thời và thay mặt luật sư phản ánh, kiến nghị những thắc mắc trong hoạt động hành nghề của mình trong quá trình tham gia bào chữa khi được chỉ định.

Năm là, nâng cao năng lực nhận thức của cơ quan, người THTT: Đối với cơ quan THTT phải nhận thức rõ việc luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa xét xử khi được chỉ định đóng vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo, đồng thời giúp cơ quan nhà nước giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, những người THTT cần được đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn thường xuyên những kiến thức mới về pháp luật, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế… Thay đổi nhận thức của một số những người THTT về vai trò, vị trí của luật sư khi được chỉ định bào chữa tại phiên tòa xét xử các VAHS; phát động các phong trào thi đua có nội dung về đạo đức nghề nghiệp, tác phong sống, làm việc nghiêm túc, lành mạnh, coi đây là cơ sở đề xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Chú thích:
1. Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn luật sư thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2. Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 12/12/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Nguyễn Văn Văn
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội