Hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự, trong đó quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với pháp nhân phạm tội. Đây được coi là bước đột phá trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tư duy lập pháp hình sự của Việt Nam nói riêng. Sau một thời gian triển khai trên thực tế, các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện nhằm bảo đảm cho các bộ luật này thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ảnh minh họa (internet)
Khái quát pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Quan điểm về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 74 – 76 quy định, có hai loại pháp nhân: pháp nhân thương mại (PNTM) (gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác) và pháp nhân phi thương mại (gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác). Do đó, vấn đề trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với PNTM chủ yếu được hiểu là các pháp nhân kinh tế. Còn các pháp nhân khác (ví dụ: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp…) hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì sẽ không phải là chủ thể phải chịu TNHS.

Dưới góc độ khoa học pháp luật hình sự, TNHS của PNTM được hiểu là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng hình phạt đối với PNTM do Luật Hình sự quy định1.

Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định, khi pháp nhân thực hiện hành vi bị coi là tội phạm, xâm hại đến các giá trị, quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm, tức phải chịu TNHS – hậu quả pháp lý bất lợi được biểu hiện cụ thể ở những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước áp dụng, tước bỏ hay hạn chế các quyền và lợi ích của pháp nhân không bị bất kỳ sự cản trở nào. Pháp nhân phải tự mình gánh chịu TNHS, không thể ủy thác hoặc chuyển cho một pháp nhân khác như cơ quan quản lý cấp trên hay cho một pháp nhân thuộc, trực thuộc mình chịu thay.

Việc quy định TNHS của PNTM về bản chất được hiểu là việc bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu TNHS, bên cạnh việc quy định TNHS của chủ thể thứ nhất là cá nhân, về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân này thực hiện. Đây được coi là bước tiến mới trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tư duy lập pháp hình sự của Việt Nam nói riêng. Điều này cũng thể hiện quan điểm hoàn toàn đổi mới của các nhà lập pháp Việt Nam về chủ thể của tội phạm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc tập trung xử lý những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, tài trợ khủng bố và rửa tiền, đồng thời, tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân.

Quan điểm về TNHS của PNTM cũng rất rõ ràng. Là chủ thể của tội phạm, song PNTM không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong BLHS mà chỉ phải chịu TNHS về một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của PNTM. Cụ thể, PNTM chỉ bị xử lý hình sự đối với 33 tội theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015. Trong số 33 tội danh đó, có những tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của PNTM như: tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… nhưng cũng có tội ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của PNTM như: tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Thực trạng quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Kể từ khi BLHS năm 2015 được thông qua với nhiều điểm mới tích cực về TNHS của PNTM, Bộ luật này đã được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề của thực tiễn xét xử đối với các tội phạm liên quan đến các PNTM. Tuy vậy, trên thực tế, từ khi BLHS có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2016) và cho đến nay vẫn chưa có PNTM nào bị khởi tố theo thủ tục tố tụng hình sự, mặc dù, những hành vi vi phạm thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của pháp nhân, trên thực tế đã và đang xảy ra không ít và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chỉ áp dụng trách nhiệm hành chính là chủ yếu. Việc truy cứu TNHS đối với PNTM còn gặp phải một số vướng mắc phần lớn bắt nguồn từ những hạn chế, bất cập ngay trong các quy định của Bộ luật, cụ thể có thể được kể đến như sau:

Một là, thiếu thống nhất trong quy định về bản chất TNHS của PNTM.

Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 quy định khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội… do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm…”. Với quy định này, có thể hiểu, chủ thể của tội phạm ngoài cá nhân còn có PNTM. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 lại quy định điều kiện chịu TNHS của PNTM là: “hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại”, nghĩa là PNTM không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà phải thông qua cá nhân nhân danh PNTM trực tiếp thực hiện. Hay nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn là cá nhân chứ PNTM không thể “tự mình” phạm tội được. Như vậy, ngay trong cùng một Bộ luật đã có sự mâu thuẫn và thiếu thống nhất trong quy định về bản chất TNHS của PNTM.

Hai là, thiếu nhất quán trong quy định các tội danh đối với PNTM.

Trên cơ sở các yêu cầu từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới, BLHS năm 2015 đã xác định phạm vi các tội danh mà PNTM phạm tội phải chịu TNHS chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Đây là những tội danh mà PNTM thường hay vi phạm, có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Theo đó, Bộ luật này đã liệt kê 33 tội, phân vào 3 nhóm tội phạm kể trên. Tuy nhiên, trong số 33 điều của BLHS quy định về TNHS của PNTM, chỉ có 26 điều là có cách quy định phù hợp với bản chất của việc quy định TNHS của PNTM. Còn lại, 7 điều luật có cách quy định không phù hợp với bản chất của việc quy định TNHS của PNTM. Nghĩa là, quy định hai hành vi phạm tội riêng biệt cho hai chủ thể chịu TNHS (cá nhân và PNTM) đối với cùng một tội phạm.

Chẳng hạn, với cùng một tội phạm về “buôn lậu”, mức phạt tiền đối với cá nhân (trường hợp thông thường), đối tượng buôn lậu trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên đã phải chịu TNHS về tội buôn lậu, nhưng đối với PNTM, thông thường đối tượng buôn lậu trị giá hàng hóa phải từ 200.000.000 đồng trở lên mới chịu TNHS về tội buôn lậu (Điều 188 BLHS năm 2015). Sự khác biệt trong quy định này đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai chủ thể phải chịu TNHS và trái với bản chất của việc quy định TNHS của pháp nhân nói chung và PNTM nói riêng.

Ba là, vướng mắc trong quy định về điều kiện truy cứu TNHS đối với PNTM.

Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định các điều kiện để có thể truy cứu TNHS đối với PNTM gồm: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của PNTM; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM; (4) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Tuy nhiên, các điều kiện này phải bảo đảm tính độc lập, nghĩa là phải có đủ các điều kiện này mới truy cứu được TNHS của PNTM. Trong khi điều kiện thứ nhất và điều kiện thứ ba dường như chưa độc lập với nhau bởi thực tế, nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM thì không thể lại có trường hợp không có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của PNTM và ngược lại, nếu đã có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của PNTM thì chính là đã nhân danh PNTM. Hơn nữa, PNTM không có tri giác để thực hiện hành vi mà phải thông qua người đại diện.

Hơn nữa, tại Điều 9 BLHS năm 2015 quy định, khi phân loại tội phạm do PNTM thực hiện áp dụng theo quy định phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 với các khung hình phạt gồm: hình phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, tù chung thân, tử hình. Điều này dường như không phù hợp với PNTM, vì trong số các hình phạt này chỉ có hình phạt tiền là hình phạt được áp dụng chung cho cả cá nhân và PNTM. Do đó, nếu khung hình phạt áp dụng cho PNTM chỉ quy định về phạt tiền thì sẽ xác định PNTM phạm tội ít nghiêm trọng. Trong trường hợp PNTM bị áp dụng khung hình phạt có quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì lại không phân loại tội phạm được2. Vì vậy, dẫn đến vướng mắc trong áp dụng pháp luật để tính thời hiệu truy cứu TNHS đối với PNTM phạm tội. Và nếu như điều kiện “chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS” gặp vướng mắc trong xác định TNHS đối với PNTM phạm tội thì đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến việc xác định TNHS của PNTM.

Bốn là, chưa có quy định rõ về hình phạt và các biện pháp tư pháp cần áp dụng đối với PNTM.

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 có bước phát triển mới khi lần đầu tiên quy định tương đối cụ thể các loại hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với PNTM, cụ thể gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với PNTM phạm tội khác. Tuy nhiên, xét về bản chất, do không phải là thể nhân nên PNTM không thể tự thân phạm tội được mà phải do cá nhân hoặc một nhóm người nắm quyền lãnh đạo của PNTM đó phạm tội. Nghĩa là, không phải tất cả các cổ đông hay người lao động của PNTM đó đều phạm tội. Do vậy, trong trường hợp tiến hành áp dụng hình phạt đối với PNTM nếu không có các quy định rõ ràng sẽ khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông và người lao động khác thuộc PNTM đó.

Một số giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Thứ nhất, quy định thống nhất về bản chất TNHS của PNTM.

Việc quy định chuẩn xác về bản chất TNHS của PNTM có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định tới việc xác định đúng và có các biện pháp về TNHS phù hợp đối với PNTM. Trong khi các quy định hiện hành trong BLHS năm 2015 còn chưa có sự thống nhất về bản chất TNHS của PNTM, cần xem xét sửa đổi theo hướng thống nhất quy định: chỉ có duy nhất một chủ thể của tội phạm là cá nhân và hai chủ thể của TNHS là cá nhân và PNTM. Theo đó, cần sửa đổi lại quy định về tội phạm tại Điều 8 của BLHS năm 2015 theo hướng chỉ quy định cá nhân mới là chủ thể của tội phạm. Có như vậy, mới thống nhất với quy định tại Điều 75 và phù hợp với quy định về tội phạm cụ thể mà PNTM phải chịu TNHS.

Thứ hai, quy định nhất quán về mức định lượng hàng hóa phạm pháp để có cơ sở xác định các tội danh đối với PNTM.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất bình đẳng trong việc quy định TNHS giữa hai chủ thể là cá nhân và PNTM, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi BLHS năm 2015 theo hướng không bổ sung dấu hiệu định tội áp dụng riêng biệt cho PNTM như 7 tội nói trên, mà chỉ nên quy định theo như cách quy định của 26 điều luật còn lại đã liệt kê. Có thể quy định theo hướng: “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt…”.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều này thì bị phạt…”.

Việc này không chỉ bảo đảm sự nhất quán trong quy định của các điều luật trong phần các tội phạm về các tội danh mà PNTM phải chịu TNHS mà còn bảo đảm đúng với bản chất của việc quy định TNHS của PNTM.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về điều kiện truy cứu TNHS của PNTM.

Trong số các điều kiện để có thể truy cứu TNHS đối với PNTM hiện đang có hai điều kiện chưa bảo đảm tính độc lập, gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM và hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM. Do đó, có thể xem xét ghép hai điều kiện này vào thành một điều kiện chung làm cơ sở cho việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân để bảo đảm tính công bằng và dễ chứng minh hơn về phương diện tố tụng hình sự.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng chế định “điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”, BLHS nên bỏ khoản 2 Điều 9 khi quy định phân loại tội phạm do PNTM thực hiện áp dụng như phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện. Điều này là bất hợp lý, không cần thiết và ảnh hưởng đến việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS của PNTM và ảnh hưởng đến việc xác định TNHS của chủ thể này.

Việc sửa đổi này sẽ thể hiện đúng cơ sở lý luận về tội phạm – chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân, việc quy định bổ sung TNHS của pháp nhân không làm thay đổi hiện tượng “tội phạm”. Đồng thời, thể hiện đúng được bản chất của việc quy định TNHS của PNTM chỉ là việc bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu TNHS, bên cạnh việc quy định TNHS của chủ thể thứ nhất là cá nhân về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân này thực hiện.

Thứ tư, rà soát, hướng dẫn các biện pháp tư pháp được áp dụng đối với PNTM.

Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về việc áp dụng một số biện pháp tư pháp được áp dụng đối với PNTM phạm tội theo quy định tại Điều 82 BLHS năm 2015, như: (1) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; (2) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra; (3) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường. Các biện pháp này hiện chưa được quy định trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với PNTM, khi PNTM phải chịu các hình phạt trên. Các cơ quan tố tụng có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản cụ thể quy định về vấn đề này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với các PNTM có hành vi phạm tội trên phạm vi toàn quốc.

Kết luận

Trên đây chỉ là một số quy định cơ bản trong nhiều nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi để hoàn thiện BLHS và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để các bộ luật này phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các bộ luật này sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Namr

Chú thích:
1. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015. http://vksbinhdinh.gov.vn, ngày 18/7/2021.
2. Bàn về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015. https://tapchitoaan.vn, ngày 03/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
4. Nguyễn Thị Chi. Tìm hiểu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. H. NXB Thế giới, 2019.
5. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại – Nhận thức cần thống nhất. H. NXB Tư pháp, 2020.
6. Hội thảo về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. https://tapchitoaan.vn, ngày 25/11/2020.
7. Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội). Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Luật học trước biến đổi của thời đại (International Conference Law in a Chaning World). Tập 2. Hà Nội, tháng 8/2019.
8. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. https://tapchitoaan.vn, ngày 27/5/2019.
ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I – Bộ Công an