Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn  

 (Quanlynhanuoc.vn) – Nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản, những vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng theo quy định của pháp luật. Do đó, khi xác định bảo đảm an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để giữ vững ổn định chính trị – xã hội, phát triển toàn diện, bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Dự án nhà ở xã hội tại Đặng Xá – Gia Lâm – Hà Nội (Nguồn: https://cand.com.vn).

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” đã đặt ra yêu cầu chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân.

Tiếp tục phát triển quan điểm, chủ trương đó của Đảng và nghị quyết của các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội (NOXH) được quan tâm rõ rệt và cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: “Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu đạt 30m2 sàn nhà ở bình quân đầu người”1. Để khẳng định quan điểm của Đảng về có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển NOXH trong giai đoạn tiếp theo, là: “Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội; bố trí hợp lý khu dân cư và hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu”2. Việc cần phải bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ NOXH càng khẳng định: “nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định”3.

Tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật  về nhà ở xã hội trong thời gian qua

Bảo đảm quyền an sinh xã hội (ASXH) cơ bản cho người dân là nội dung lần đầu tiên được khẳng định rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội ” (tại Điều 34) và “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội” (Điều 59). Hệ thống pháp luật và chính sách về ASXH ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, trong đó đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về NOXH cho người dân được tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực tiễn thời gian qua.

Bên cạnh kết quả trong thực hiện các chính sách cho đối tượng thụ hưởng về trợ giúp xã hội được mở rộng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất hỗ trợ kịp thời người dân bị rủi ro do thiên tai bão lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại,… và các chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội nước ta, Chính phủ đã có những giải pháp ứng phó nhanh với đại dịch Covid-19 vừa qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác triển khai hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được chú trọng đầu tư, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng cũng được đẩy mạnh, nhất là về thực hiện nhà ở cho các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng nghèo, thu nhập thấp…

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành các cơ chế ưu đãi tài chính và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được thuê, cho thuê mua, bán NOXH được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá nhà, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định với thời hạn vay và mức lãi ưu tiên cho các đối tượng được mua nhà; hỗ trợ về thời gian trả tiền nhà, cải tạo, sửa chữa nhà để ở… Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011 – 2015, đã hỗ trợ được 531.000 hộ nghèo; giai đoạn 2016 – 2018, tiếp tục hỗ trợ 89.378 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở và đến năm 2020 hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 144.000 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Từ nguồn vận động, tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đã xây dựng, sửa chữa 323.229 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn4.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại cũng đã dành diện tích đất ở để xây dựng NOXH theo quy định của pháp luật về nhà ở. Nhiều dự án NOXH tiếp tục được triển khai, “đến hết năm 2018, cả nước đã hoàn thành 198 dự án NOXH với hơn 81.700 căn hộ với diện tích hơn 4.085.000m2 cho người có thu nhập thấp. Hiện đang tiếp tục triển khai 226 dự án, với khoảng 182.200 căn hộ và diện tích khoảng 9.110.000m2. Chương trình phát triển NOXH dành cho công nhân khu công nghiệp đã đầu tư 100 dự án, với 41.000 căn hộ và diện tích 2.050.000m2; đang tiếp tục triển khai 73 dự án với 88.400 căn hộ và diện tích 4.420.000m25.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng thì chương trình phát triển NOXH tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn6. Nhiều dự án NOXH cũng đã được quan tâm đầu tư cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hải đảo… Điều này, được thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật (CSPL) về hỗ trợ NOXH từ nhiều nguồn lực, trong đó các nguồn lực từ Nhà nước, các nguồn ODA, các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các CSPL việc phát triển mạnh mẽ NOXH hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là các quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH; quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua NOXH và các quy định thực hiện trình tự, thủ tục hồ sơ thuê, thuê mua, mua nhà xã hội…

Thứ nhất, việc quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH, cụ thể là đối tượng được mua NOXH. Theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH bao gồm: (1) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; (2) Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; (3) Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; (4) Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; (5) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; (6) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; (7) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; (8) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ (người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước); (9) Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; (10) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Với những quy định về đối tượng được mua NOXH nêu trên cho thấy, hệ thống CSPL của Nhà nước ta đã mở rộng ưu tiên cho nhiều đối tượng. Song trên thực tế, việc quy định cho nhiều đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ mua NOXH đã bộc lộ những bất cập, chưa thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước về ý nghĩa của NOXH chỉ dành cho đối tượng là người có thu nhập thấp, người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội hoặc người có công với cách mạng… Quy định khá nhiều đối tượng được mua NOXH song không xác định được thứ tự ưu tiên giữa các đối tượng khi mua NOXH.

Thứ hai, việc quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua NOXH tuy đã rõ ràng, nhưng trên thực tế, các đối tượng này chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về NOXH. Một số CSPL về các điều kiện được mua NOXH nói riêng đã bộc lộ khá nhiều bất cập trong thực tiễn cuộc sống. Người dân còn gặp nhiều khó khăn khi được hưởng điều kiện để mua NOXH, như việc phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở và giấy tờ chứng minh về điều kiện hoàn cảnh để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Chẳng hạn như: đối tượng đăng ký xin mua, thuê, thuê mua NOXH có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có NOXH thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó; đối tượng đăng ký xin mua, thuê, thuê mua NOXH không có hộ khẩu thường trú thì phải có bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú; bản sao có chứng thực hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người đó đăng ký mua, thuê, thuê mua NOXH…; các đối tượng có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết.

Thứ ba, việc quy định NOXH và nhà ở dành cho người có thu nhập thấp vẫn được hiểu là khác nhau, do đó, nhiều địa phương đã có những biện pháp thực hiện khác nhau giữa NOXH và nhà ở dành cho người có thu nhập thấp; dẫn đến, khi ban hành văn bản hướng dẫn vẫn chỉ đề cập nhà ở dành cho người có thu nhập thấp mà không bao quát các đối tượng khác theo quy định của Luật Nhà ở. Sự không rõ ràng trong quy định hai thuật ngữ này thực tế đã tạo nên sự trùng lặp, khó hiểu, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, đặc biệt trong các văn bản pháp luật do tỉnh, thành phố ban hành. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể nào về tiêu chí xét duyệt theo thứ tự ưu tiên đối với các đối tượng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua NOXH.

Thứ tư, để có điều kiện hưởng CSPL về NOXH, nhiều nơi đã phức tạp hóa việc khai các thủ tục hành chính liên quan xác định thực trạng chỗ ở, từ đó cố tình khai gian dối, làm giả giấy tờ. Điều này cho thấy, trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm khi xét điều kiện mua nhà ở còn hạn chế; chưa có quy định về trách nhiệm ràng buộc trong kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng mua NOXH.

Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội

Để nâng cao hiệu quả của chính sách về NOXH trong những năm tiếp theo, cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

Một là, cần nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật quy định về hỗ trợ NOXH nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả các quy định, chính sách, chế độ hỗ trợ NOXH. Trong đó, xác định những nội dung, thông tin về hỗ trợ NOXH cần rõ ràng, cụ thể, như: tiếp tục bảo đảm hỗ trợ về NOXH theo đúng tiêu chí của từng đối tượng hưởng CSPL đã quy định, từ đó tạo sự công bằng trong việc phân bổ nguồn chính sách, loại bỏ tình trạng trục lợi chính sách.

Việc quy định các đối tượng được mua NOXH cần phải được xem xét, điều chỉnh lại cho hợp lý, nên bỏ quy định đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật hay các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở (vì các đối tượng này đã được hưởng các chính sách khi Nhà nước lấy lại nhà hoặc được Nhà nước bồi thường bằng tiền khi thu hồi đất). Đồng thời, cần bổ sung các đối tượng khác trong xã hội, như đối tượng người dân thường xuyên gặp khó khăn tại các vùng chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu lại chưa được tham gia mua NOXH.

Hai là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi CSPL, quy định về hỗ trợ NOXH. Cần có những quy định cụ thể, ràng buộc để cho chủ đầu tư xét duyệt hồ sơ đăng ký mua NOXH bảo đảm tính khách quan và chính xác trong quá trình xét duyệt hồ sơ và quá trình phân phối NOXH có sự tham gia giám sát của đại diện những người có thu nhập thấp trong quá trình kiểm tra, xác nhận đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng NOXH.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân để nắm rõ và biết được quyền, lợi ích và trách nhiệm của bản thân khi khai báo các nội dung, thông tin mua NOXH. Từ đó, cần bổ sung quy định về chế tài đối với các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về NOXH nếu có hành vi gian dối hoặc làm giả các giấy tờ để chứng minh mình đủ điều kiện được hưởng theo quy định pháp luật.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động xét duyệt điều kiện của đối tượng được hưởng chế độ, chính sách mua NOXH nhằm kịp thời xử lý và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

CSPL về NOXH là một nội dung quan trọng trong hệ thống chính sách về ASXH của Đảng và Nhà nước ta. Để những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung CSPL về mua NOXH ngày càng hiệu quả và thiết thực trong đời sống xã hội, nhất thiết phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với pháp luật khác, như: quyền con người, quyền công dân, pháp luật cư trú, hộ tịch. Từ đó, giúp cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền hoàn thiện các CSPL mua NOXH bảo đảm hiệu lực của quản lý nhà nước.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 260, 265.
3. Khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
4, 5. Việt Nam  hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 06/01/2021.
6. “Bức tranh” nhà ở xã hội năm 2020: Liệu có tín hiệu sáng?http://tapchitaichinh.vn, ngày 04/5/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cư trú năm 2020.
2. Nhà ở năm 2014.
3. Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
4. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”.
5. Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững. http://tapchimattran.vn, ngày 08/01/2021.

ThS. Lương Ban Mai
Học viện  Hành chính Quốc gia