Ứng dụng khoa học – công nghệ trong giám định âm thanh do lực lượng kỹ thuật hình sự công an nhân dân tiến hành

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình giám định âm thanh, bên cạnh nhân tố con người thì việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào quá trình này sẽ quyết định đến chất lượng công tác giám định âm thanh. Trong phạm vi bài viết, tác giả trao đổi một số vấn đề về ứng dụng khoa học – công nghệ trong giám định âm thanh do lực lượng kỹ thuật hình sự Công an nhân dân tiến hành.
Cán bộ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công An. Ảnh: cand.com.vn.
Đặt vấn đề

Trong tình hình hiện nay, ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) đã và đang trở thành xu thế của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, robot, các ứng dụng công nghệ khác để xây dựng một xã hội văn minh, an toàn và khoa học đang được triển khai rộng khắp trên cả nước. Trong công tác công an nói chung, công tác giám định âm thanh (GĐÂT) nói riêng, KHCN đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn, góp phần đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới. Ứng dụng KHCN trong GĐÂT do lực lượng kỹ thuật hình sự công an nhân dân (CAND) được quy định ở nhiều văn bản. Trong đó, Điều 4 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã nêu cụ thể về nhiệm vụ của hoạt động KHCN là góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tại Điều 40 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 14 Điều 16 Luật CAND năm 2018 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của CAND cũng nêu rõ: “việc áp dụng khoa học – kỹ thuật trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Ngoài ra, các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng đề cập tới KHCN, coi đây là vấn đề cốt lõi trong phát triển các lĩnh vực của đất nước. Trong nội dung Văn kiện Đại hội Đảng (khóa XIII) có nội dung về những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược đã nêu: “… đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”1.

Như vậy có thể thấy, ứng dụng KHCN là yếu tố tiên quyết, quyết định đến chất lượng hiệu quả các mặt công tác công an trong tình hình hiện nay. Đối với công tác GĐÂT, đây là yêu cầu cấp thiết, mang tính then chốt trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám định, bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong quá trình GĐÂT do lực lượng kỹ thuật hình sự CAND tiến hành.

Thực trạng ứng dụng khoa học – công nghệ trong giám định âm thanh do lực lượng kỹ thuật hình sự công an nhân dân tiến hành

Giám định kỹ thuật hình sự là một lĩnh vực giám định của hệ thống giám định tư pháp với nhiều chuyên ngành giám định khác nhau, trong đó có GĐÂT. Theo Điều 3 Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 05/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự, trong đó nêu rõ giám định viên âm thanh là một trong những giám định viên kỹ thuật hình sự. Đối với GĐÂT, hoạt động giám định được tiến hành tại tổ chức giám định tư pháp công lập. Ở nước ta, tổ chức giám định tư pháp công lập có khả năng GĐÂT trong CAND là Viện Khoa học hình sự.

Về nội dung GĐÂT thuộc giám định kỹ thuật hình sự. Việc tiến hành giám định dựa trên căn cứ là trưng cầu, yêu cầu giám định của cơ quan, cá nhân theo quy định của pháp luật. Nội dung của GĐÂT là tiến hành truy nguyên người nói, xác thực tiếng nói và xác định nội dung nói, xác định âm khác để phục vụ hoạt động điều tra tội phạm theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp năm 2012.

Trong thực tiễn, GĐÂT là hoạt động do giám định viên âm thanh tiến hành sử dụng các kiến thức, phương pháp khoa học, các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ nghiên cứu âm thanh lưu trong các phương tiện điện tử nhằm truy nguyên người nói, xác thực tiếng nói, xác định nội dung nói và những vấn đề khác có liên quan phục vụ hoạt động điều tra vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy để đưa ra được kết luận GĐÂT theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan, cá nhân trưng cầu giám định, giám định viên âm thanh sử dụng một số phương pháp cụ thể, như: phương pháp cảm thụ thính giác, phương pháp phân tích phổ âm thanh, phương pháp tự động… có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng.

Khảo sát thực tế công tác GĐÂT (từ năm 2012 – 2020) cho thấy, lực lượng kỹ thuật hình sự đã tiến hành giám định 1.099 vụ việc với 3.454 yêu cầu giám định2. Trong đó, 100% số vụ việc đều sử dụng các phần mềm, thiết bị, phương tiện, các ứng dụng KHCN khác trong quá trình GĐÂT. Việc ứng dụng KHCN trong GĐÂT được thể hiện trong các công việc, như: (1) Trích xuất, sao lưu, khôi phục dữ liệu là âm thanh; (2) Phân tích phổ âm thanh; (3) Xử lý nhiễu nền, nâng cao chất lượng âm thanh hoặc xác định nội dung âm thanh; (4) Tiến hành “số hóa” dữ liệu; (5) Giám định so sánh. Như vậy, trong GĐÂT sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dùng là yếu tố được đặt lên hàng đầu, sự hỗ trợ của KHCN là then chốt bảo đảm chất lượng công tác giám định.

Việc ứng dụng KHCN trong GĐÂT do lực lượng kỹ thuật hình sự CAND thời gian qua  đã thực hiện đạt một số kết quả: (1) Tất cả các vụ việc trưng cầu đều được ứng dụng KHCN trong xử lý, giải quyết yêu cầu giám định một cách triệt để, có hiệu quả; (2) Vận dụng tối đa tính năng của các trang thiết bị hiện có phục vụ đắc lực cho quá trình GĐÂT; (3) Ứng dụng KHCN trong GĐÂT được tiến hành theo trình tự, tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật (phương tiện, phần mềm nào được sử dụng mới ứng dụng trong giám định); (4) Giám định viên làm chủ được các ứng dụng KHCN trong quá trình GĐÂT; (5) Thận trọng, tỉ mỉ trong quá trình ứng dụng KHCN khi GĐÂT.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng quát thì việc ứng dụng KHCN trong GĐÂT do lực lượng kỹ thuật hình sự CAND thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, cụ thể:

Một là, việc trang cấp thiết bị, phần mềm phục vụ GĐÂT còn chưa đồng bộ, dẫn tới việc ứng dụng KHCN chưa triển khai kịp thời trong quá trình giám định.

Hai là, việc hợp tác trong chuyển giao công nghệ chưa được tiến hành thường xuyên, chưa mang tính chủ động, do đó việc tiếp cận những thiết bị hiện đại phục vụ GĐÂT còn hạn chế.

Ba là, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác đào tạo quốc tế đội ngũ giám định viên âm thanh để làm chủ KHCN còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược dài hạn, do đó ảnh hưởng đến kết quả ứng dụng KHCN trong GĐÂT.

Bốn là, việc nghiên cứu phát triển các thiết bị trong nước phục vụ GĐÂT chưa thực sự hiệu quả.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học – công nghệ trong giám định âm thanh do lực lượng kỹ thuật hình sự công an nhân dân tiến hành

Thứ nhất, nâng cao năng lực cho giám định viên âm thanh để lực lượng CAND sử dụng tốt phương tiện, thiết bị, các phần mềm chuyên dụng khi được chuyển giao, đầu tư, trang cấp theo các đề án của Nhà nước, của Bộ Công an, cụ thể cần làm các công việc sau:

(1) Các cơ quan nghiên cứu lý luận, học viện, trường CAND (chủ yếu là Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân) cần xây dựng, bổ sung, cập nhật lý luận nghiệp vụ liên quan đến sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ giám định kỹ thuật hình sự nói chung, GĐÂT nói riêng, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về việc sử dụng các thiết bị, phần mềm mới trong GĐÂT, xây dựng quy trình sử dụng phục vụ đào tạo, bồi dưỡng giám định viên, cán bộ kỹ thuật hình sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

(2) Tổ chức tập huấn chuyên sâu về các phần mềm, thiết bị chuyên dụng trong GĐÂT cho cán bộ kỹ thuật hình sự, các giám định viên ở công an các địa phương. Đây là hoạt động thiết thực, vừa nâng cao lý luận, vừa nâng cao khả năng sử dụng, ứng dụng thành tựu khoa học cho cán bộ kỹ thuật hình sự, các giám định viên, đáp ứng yêu cầu GĐÂT trong tình hình hiện nay.

(3) Tiến hành tổng kết công tác GĐÂT đối với một số vụ trọng án điển hình, từ đó rút ra những hạn chế của việc ứng dụng KHCN trong quá trình giám định, đánh giá những thiếu sót tồn tại, cần khắc phục như thế nào, cần đầu tư trang bị phương tiện, phần mềm cụ thể nào để quá trình GĐÂT được tiến hành nhanh chóng, đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất trang bị phương tiện, phần mềm hiện đại cần thiết để tiến hành công tác GĐÂT đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN trong tình hình hiện nay.

(1) Đầu tư các thiết bị mang tính hiện đại, kế thừa có chọn lọc các phương pháp GĐÂT hiện đại của các nước trên thế giới, như: Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… Trong đó, phải chú trọng cả yếu tố tính pháp lý trong sử dụng thiết bị, phần mềm đó, để làm được như vậy cần phải đánh giá chính xác tính năng, tác dụng của phương tiện, phần mềm để xây dựng và đề xuất cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

(2) Đề xuất trang bị các phương tiện, thiết bị có sẵn tại Việt Nam, trên cơ sở kết nối, phối hợp với các đơn vị phát triển về phương tiện, phần mềm liên quan đến làm rõ âm thanh, tiếng nói, công cụ công nghệ thông tin trong xử lý nhiễu âm… để đề xuất trang bị, sử dụng trong GĐÂT.

(3) Phối hợp với các chuyên gia về công nghệ thông tin trong và ngoài ngành để cung cấp các thiết bị, vận hành các phần mềm, ứng dụng KHCN trong quá trình GĐÂT, từ đó giúp bám sát việc trang cấp và vận hành trang thiết bị, phần mềm.

(4) Trang bị cho các địa bàn, địa điểm nóng về tội phạm hình sự, thường xuyên có yêu cầu GĐÂT các thiết bị ghi hình, ghi âm để thu thập dữ liệu âm thanh phục vụ công tác GĐÂT khi có yêu cầu của cơ quan điều tra.

Thứ ba, hoàn thiện, củng cố cơ sở pháp lý vững chắc cũng như tính chính thống trong việc sử dụng hệ thống phần mềm, thiết bị để tiến hành GĐÂT ở Việt Nam. Việc ứng dụng KHCN trong GĐÂT là tất yếu, là cấp thiết, tuy nhiên, không phải vì xu thế mà ứng dụng KHCN một cách tùy tiện, thiếu khoa học. Phải nhận thức rằng, GĐÂT là hoạt động tiến hành theo trình tự thủ tục tố tụng, kết luận GĐÂT là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Vì vậy, các phương tiện, thiết bị sử dụng trong giám định phải hợp pháp, được công nhận, thừa nhận, khi đó kết quả GĐÂT mới có giá trị.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng thành tựu KHCN phục vụ GĐÂT trong điều tra tội phạm cần chú trọng các mặt công tác sau:

(1) Đào tạo kỹ năng, phương pháp sử dụng các phần mềm GĐÂT (được chuyển giao) cho cán bộ kỹ thuật hình sự, giám định viên âm thanh, tập trung vào các nội dung mà Việt Nam chưa xây dựng được hoặc đang gặp khó, khăn vướng mắc cần có chuyên gia hỗ trợ như: giám định tiếng động vật, giám định xác thực cắt ghép âm thanh trong video, lọc nhiễu…

(2) Chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng, ứng dụng có hiệu quả các phương tiện, công nghệ mới để mở rộng khả năng thực hiện các yêu cầu liên quan đến GĐÂT. Trao đổi kinh nghiệm trong công tác ứng dụng KHCN để GĐÂT phục vụ công tác điều tra tội phạm và tranh thủ nguồn tài trợ, tăng cường thu hút viện trợ, đầu tư trang bị phương tiện hiện đại cho lĩnh vực GĐÂT trong CAND.

(3) Cử cán bộ kỹ thuật hình sự trong lực lượng CAND, đặc biệt là giám định viên âm thanh công tác tại các đơn vị giám định đi nghiên cứu, học tập, trao đổi về việc ứng dụng KHCN cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ để GĐÂT phục vụ công tác công an nói chung, công tác điều tra vụ án nói riêng.

(4) Hợp tác với các trường công an, trung tâm đào tạo uy tín của các nước trên thế giới để mở các lớp đào tạo ngắn hạn (tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ) và đào tạo (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ), tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học liên quan đến ứng dụng KHCN trong tiến hành công tác GĐÂT. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công an, đặc biệt là nhân lực GĐÂT, từ đó góp phần làm chủ KHCN, đưa ra kết luận GĐÂT nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, khoa học phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 200 – 201.
2. Viện Khoa học hình sự. Báo cáo Tổng kết công tác từ năm 2012 – 2020. Hà Nội, 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Công an nhân dân năm 2018.
3. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
4. Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 05/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công An quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự.
NCS. Nguyễn Ngọc Hoan
Học viện An ninh nhân dân