Xã hội hóa giáo dục đại học qua góc nhìn kết quả của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học, chúng ta đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, đã đào tạo cung cấp cho thị trường lao động cả trong và ngoài nhà nước hàng trăm nghìn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Qua góc nhìn kết quả của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học.
Ảnh minh họa: tiasang.vn.
Đặt vấn đề

Trong tiến trình cải cách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đảng và Nhà nước ta xác định thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo, nhất là xã hội hóa giáo dục đại học (GDĐH) là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của GDĐH. Bản chất của xã hội hóa GDĐH là sự chuyển giao dịch vụ GDĐH cho các tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước thực hiện trên cơ sở các quy định và chính sách của Nhà nước.

Xã hội hóa GDĐH không có nghĩa là Nhà nước thoái thác trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ GDĐH cho người dân và xã hội. Ngược lại, xã hội hóa GDĐH là đề cao vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ GDĐH cho người dân, tạo điều kiện cho người dân quyền được lựa chọn dịch vụ GDĐH có chất lượng cho mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ GDĐH cho cộng đồng xã hội.

Thực tiễn thực hiện xã hội hóa GDĐH ở nước ta và của các nước có nền GDĐH tiên tiến chỉ rõ xã hội hóa GDĐH là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng GDĐH vừa mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho người dân và cộng đồng xã hội. Việc thực hiện xã hội hóa GDĐH là minh chứng cho quan điểm hết sức đúng đắn về vai trò, chức năng của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, xây dựng nền kinh tế thị trường. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân không có nghĩa là Nhà nước làm cho dân, làm thay dân tất cả, Nhà nước chỉ làm, chỉ thực hiện những công việc người dân không làm được, còn việc người dân, tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện được, thực hiện có hiệu quả thì Nhà nước cần và nên chuyển cho người dân và tổ chức ngoài Nhà nước làm (thực hiện), Nhà nước tạo điều kiện cho người dân làm, người dân thực hiện.

Xã hội hóa GDĐH cũng là giải pháp tích cực, mở rộng dân chủ thu hút người dân tham gia vào quản trị nhà nước, thực chất cũng là để bảo đảm quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào quản trị nhà nước. Đây chính là biểu hiện của sự hợp tác công tư có hiệu quả để thực hiện chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và để giải quyết một vấn đề, một nhiệm vụ có tính chất quốc gia đại sự.

Xã hội hóa GDĐH còn là giải pháp cụ thể, thiết thực có hiệu quả cao trong thu hút các nguồn lực của xã hội vào phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có GDĐH. Nguồn lực xã hội hóa GDĐH, cụ thể là nguồn tài chính do học phí của người học tạo nên; nguồn lực từ các quỹ, quà, tiền, vật chất của các nhà hảo tâm, các học trò cũ thành đạt của trường, các hội, tổ chức phi chính phủ quan tâm đến GDĐH biếu, hiến tặng cho trường; nguồn lực từ vốn, cổ phiếu của các cổ đông đóng góp xây dựng trường; nguồn lực dưới dạng trí tuệ, công sức của các nhà khoa học, các nhà quản trị giàu kinh nghiệm, các nhà giáo đam mê với sự nghiệp trồng người trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy, quản trị và tham gia các hoạt động khác của trường…

Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục đại học

Chủ trương của Đảng về xã hội hóa GDĐH

Trong quá trình đổi mới xây dựng đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo; coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đảng ta đã đề ra chủ trương “Đẩy mạnh xã hội hóa trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục tự học“, “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư, xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao1. Chủ trương xã hội hóa GDĐH tiếp tục được khẳng định trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương trình Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo“, “phát triển các cơ cở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới2 và trong chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến xã hội hóa GDĐH, xác định xã hội hóa GDĐH là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực xã hội, phát triển và nâng cao chất lượng GDĐH, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và nhu cầu học tập của người dân.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa GDĐH

Chủ trương xã hội hóa GDĐH của Đảng được Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định pháp lý và chính sách trong Luật GDĐH năm 2012, đó là “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; ưu tiên về đất đai, thuế tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục tiêu lợi nhuận”3. Các quy định pháp luật và các chính sách cụ thể, rõ ràng là cơ sở và là động lực để đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận ra đời và phát triển. Chủ trương xã hội hóa GDĐH tiếp tục được khẳng định trong Luật sửa đổi một số điều Luật GDĐH năm 2012 được Quốc hội thông qua năm 2018 (Luật GDĐH năm 2018).

Luật GDĐH năm 2018 ra đời tạo động lực mạnh hơn, thúc đẩy xã hội hóa GDĐH. Luật quy định khá đầy đủ quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH “Tự chủ trong xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn học thuật, tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học“, “Thực hiện quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học thực chất là bước quá độ, tạo cơ sở, điều kiện tiến tới xã hội hóa các cơ sở giáo dục đại học4 và tiếp tục khẳng định: “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận5. Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách “Ưu tiên các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học“, “Có chính sách miễn giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia tín dụng sinh viên“; “Có chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn với trách nhiệm giải trình6. Các quy định của Luật GDĐH đã tạo cơ sở pháp lý và chính sách khá đầy đủ để thực hiện xã hội hóa GDĐH.

Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học qua góc nhìn từ trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Thực hiện chủ trương xã hóa GDĐH trong thời gian qua đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, đến nay cả nước có 60 trường đại học tư thục và đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Các trường đại học này đã đào tạo cung cấp cho thị trường lao động cả trong và ngoài nhà nước hàng trăm nghìn nhân lực chất lương cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Minh chứng cụ thể cho kết quả đạt dược trong thực hiện chủ trương xã hội hóa GDĐH của Đảng và Nhà nước, qua góc nhìn về kết quả đạt được của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405 ngày 15/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ đến nay tròn 25 năm. Ngay từ ngày thành lập trong Quy chế tổ chức và hoạt động đã xác định: “Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp vốn, góp sức vì sự nghiệp trồng người, không vì mục tiêu lợi nhuận. Cổ đông của trường phải có vốn góp, tối thiểu là 10 triệu đồng, không được chia lợi nhuận chỉ được nhận lợi tức hàng năm bằng lãi suất tiết kiệm gửi hàng năm7. Quy định như vậy phù hợp với quy định của Luật GDĐH năm 2012. Trường được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ “Mỗi cổ đông có 1 phiếu biểu quyết tại Đại hội cổ đông, không phân biệt vốn góp nhiều hay ít”. Quy định này dựa trên quan điểm của các nhà sáng lập trường là: “Sự thành công của một trường Đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều tiền mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài“.

Hiện nay, Sứ mệnh của trường là: “Đào tạo các nhà kinh tế, các nhà kỹ thuật-công nghệ thực hành, các nhà quản trị (cho cả khu vực công và tư), bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng giỏi y thuật và giàu y đức8. Mục tiêu của trường là: “Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, năng lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập9. Triết lý đào tạo của trường là: “Ứng dụng, sáng tạo, đổi mới”. Giá trị cốt lõi của trường là: “Đoàn kết Dân chủ Kỷ cương Tình thương Trách nhiệm – Văn minh10.

(1) Về quy mô đào tạo: Lúc đầu Trường chỉ đào tạo 3 ngành với quy mô 850 sinh viên. Đến nay Trường là cơ sở đào tạo hệ đại học đa ngành, đa lĩnh vực (27 ngành), đa cấp, đa hình thức, với quy mô đào tạo 25-30 nghìn sinh viên/năm; 300-600 học viên cao học và nghiên cứu sinh/năm. Trong 25 năm hoạt động, Trường đã tuyển sinh đào tạo 144.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, số tốt nghiệp ra trường: 109.636 người gồm 88.117 cử nhân các ngành, chuyên ngành; 21.506 người nhận học vị thạc sĩ, 13 người nhận học vị tiến sĩ11. Đa số những người tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm thích hợp cả trong và ngoài nhà nước.

(2) Về nguồn nhân lực: Hiện nay, Trường có đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu: 1.139 giảng viên cơ hữu, trong đó có 86 giáo sư, phó giáo sư; 122 tiến sĩ và 670 thạc sĩ, là các nhà giáo đức độ, có trình độ, năng lực kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy cao, đam mê với sự nghiệp trồng người12.

(3) Nguồn lực tài sản, tài chính, sở hữu – vốn tích lũy: Trường có 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Bắc Ninh và Hòa Bình. Tài sản của Trường gồm đất đai Nhà nước giao cho quyền sử dụng 22ha, trụ sở, các phòng làm việc, phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, các trang thiết bị giảng dạy và các giáo cụ trực quan. Sở hữu trong trường có sở hữu cá nhân của các cổ đông là 118 tỷ và sở hữu tập thể của trường là 737 tỷ. Đây là vốn tích quỹ tích lũy của Trường trong 25 năm hoạt động, đó là của cải và công sức đóng góp của các cổ đông, các cán bộ, giảng viên cơ hữu và người lao động, người học trong Trường. Vốn này được sự dụng nhất quán theo nguyên tắc: ”không chia, bảo toàn và phát triển”13.

Sau 25 năm, nhờ tổ chức và hoạt động của trường theo mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận, Trường đã đạt thành tích: Đào tạo cung cấp cho Nhà nước và xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao (các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ các ngành nghề khác nhau) với gần 110.000 người; đã tích lũy được nguồn vốn gần 1.000 tỷ, cùng các giá trị, thương hiệu do Trường tạo nên là hết sức to lớn, mà Nhà nước không phải đầu tư kinh phí cho Trường. Có thể khẳng định các kết quả của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đạt được là minh chứng điển hình, cụ thể về kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa GDĐH của Đảng và Nhà nước. Một chủ trương hết sức đúng đắn và cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa.

Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước, nhất là cán bộ, viên chức làm việc trong ngành giáo dục và đào tạo, cũng như toàn thể người dân biết về bản chất và vai trò to lớn của xã hội hóa GDĐH.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật về khung chương trình đào tạo đại học chuẩn; các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, giám định chất lượng. Đặc biệt, cần quy định rõ về giá thành dịch vụ GDĐH, cụ thể là giá dịch vụ đào tạo một cử nhân, một thạc sĩ, một tiến sĩ theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của Nhà nước, để có cơ sở xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các trường đại học tư thục. Ví dụ nếu trường đại học công lập đào tạo một cử nhân kinh tế với giá thành 400 triệu thì trường đại học tư thục cũng đào tạo được một cử nhân kinh tế theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của Nhà nước thì Nhà nước cũng phải trả cho trường là 400 triệu. Các Trường đào tạo bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động sẽ có nhiều người học, trường đó sẽ có nguồn thu do Nhà nước chi trả lớn. Đối với trường Đại học hoạt động vì lợi nhuận thì Nhà nước đánh thuế thu nhập, trường nào hoạt động không vì lợi nhuận thì Nhà nước miễn thuế thu nhập, đó là chính sách của Nhà nước để tạo ra cạnh tranh lành mạnh giữa các trường về chất lượng đào tạo. Vì vậy, để đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH, Chính phủ cần chỉ đạo cho các bộ ngành hữu quan khẩn trương sửa đổi bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng cụ thể, đầy đủ về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức, giá thành dịch vụ GDĐH để triển khai thực hiện được thuận lợi.

Thứ ba, tạo cơ chế tự chủ đầy đủ, toàn diện cho các trường đại học tư thục, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả xã hội hóa GDĐH. Cần cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quyền tự chủ được quy định trong Luật GDĐH năm 2018, như: Quyền toàn diện trong việc tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự chủ toàn diện về chuyên môn, học thuật, về mở mã ngành, chuyên ngành đào tạo, về nội dung chương trình đào tạo, liên kết đào tạo; tự chủ trong việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Vì chức danh giáo sư, phó giáo sư là thương hiệu có tính chất sở hữu của các trường đại học. Cụ thể hóa đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức, bảo đảm cho các trường đại học tư thục tự quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị, lựa chọn, bố trí, đề bạt các chức danh lãnh đạo, quản trị như Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trên cơ sở tiêu chí, tiêu chuẩn quy định trong Luật GDĐH; Cụ thể hóa đầy đủ quyền tự chủ về nhân lực của trường, đặc biệt là, cần cụ thể hóa toàn diện đầy đủ quyền tự chủ về tài chính, tài sản của trường, như quyết định về thu chi, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản miễn là không vi phạm những điều cấm của pháp luật về thuế, tài chính, tài sản, kế toán, kiểm toán… Đồng thời, với việc thể chế hóa, cụ thể hóa quyền tự chủ cũng phải thể chế hóa, cụ thể hóa về trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, các cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng cam kết của trường.

Thứ, quán triệt thực hiện triệt để trên thực tế nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các trường đại học công lập và các trường đại học tư thục trong thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước. Trước hết không được phân biệt giá trị bằng cấp của các trường đại học công cũng như tư thục. Mặc dù, trong các quy định của pháp luật không có sự phân biệt bằng cấp, nhưng trên thực tế vẫn có sự phân biệt bằng cấp trong tuyển dụng nhân lực vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Đối với các nhà giáo làm việc trong các trường công cũng như tư thục họ đều là viên chức sự nghiệp, họ cần được đối xử bình đẳng không nên có sự phân biệt trong đánh giá sử dụng, thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước. Để khắc phục triệt để sự phân biệt vẫn tồn tại trên thực tế về tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng… cần phải khẩn trương sửa đổi hoàn thiện Luật viên chức theo hướng ban hành quy định điều chỉnh chung cho cả viên chức công cũng như tư, tập trung quy định chủ yếu, cụ thể về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, nhất là viên chức ở ngành giáo dục, đào tạo. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật thi đua khen thưởng, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong khen thưởng người lao động đối với các khu vực công cũng như khu vực tư, nhất là ở ngành giáo dục, đào tạo. Vì thực tế cho thấy, viên chức là nhà giáo làm việc trong trường công lập dạy tốt, dạy giỏi thì được Nhà nước khen thưởng còn viên chức là nhà giáo làm việc trong các trường ngoài công lập thì không hoặc rất ít khi được Nhà nước khen thưởng.

Thứ năm, sửa đổi, hoàn thiện hoặc ban hành bổ sung các chính sách ưu tiên đối với các trường đại học tư thục. Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xã hội hóa GDĐH cần đặc biệt quan tâm đến sửa đổi hoàn thiện, bổ sung thêm các chính sách ưu tiên cho các trường đại học tư thục. Xã hội hóa GDĐH chỉ có thể phát triển và đạt hiệu quả cao khi Nhà nước có chính sách hợp lý, đủ mạnh. Cụ thể, cần sửa đổi hoàn thiện, bổ sung các chính sách về đất đai, thuế, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực GDĐH…

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện chủ trương quy định trong Luật GDĐH năm 2018 là “Ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhun”. Vì đây là chủ trương trúng và đúng, tổ chức các trường đại học theo mô hình đại học hoạt động không vì lợi nhuận (gọi tắt là đại học phi lợi nhuận) có những ưu điểm vượt trội so với trường đại học vì lợi nhuận ở chỗ môi trường đại học phi lợi nhuận là môi trường của văn hóa học thuật, ở đó ngự trị tự do, dân chủ và khát vọng vươn lên đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Đó là môi trường sống và làm việc của các nhà giáo luôn thấm nhuần sâu sắc đạo lý làm thầy, hiểu rõ vinh dự bổn phận và trách nhiệm của mình là giáo hóa vun trồng nhân cách con người, phát huy những năng lực và bản chất con người, hoàn thiện con người, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ. Họ lao động sáng tạo và cống hiến không vì lợi ích cá nhân mà vì sự nghiệp trồng người. Đó là đặc điểm, ưu điểm tạo nên giá trị, thương hiệu, sức mạnh, sự trường tồn của đại học tư thục phi lợi nhuận.

Còn đại học tư thục vì lợi nhuận, tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, là môi trường kinh doanh, lấy mục đích lợi nhuận là chính, cạnh tranh chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, lợi nhuận thu được phân chia cho các tổ chức cá nhân theo nguyên tắc đối vốn, tổ chức và hoạt động bị chi phối bởi quyền lực tài chính và quyết định của những cá nhân sở hữu vốn lớn nhất, ở đó ngự trị tinh thần “văn hóa phàm phu và lợi ích cá nhân”, không đề cao văn hóa học thuật, các loại hình trường này, hoạt động có thể có lợi nhuận cao, phát triển có thể nhanh nhưng không bền vững, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Thực tế cho thấy, các trường đại học danh tiếng trên thế giới không phải là các trường tổ chức theo mô hình vì lợi nhuận mà là các trường lựa chọn mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận, như ở Mỹ có các trường: Harvard, Princeton, Stanford hay ở Anh có các trường: Oxford, Cambridge, Hopkins Medicine… ở Hàn Quốc có trường: Samsung, Yonsei, ở Nhật có trường Keio…

Chú thích:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2021.
3. Luật Giáo dục đại học năm 2012.
4,5,6. Luật Giáo dục đại học năm 2018.
7,8,9. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày 07/8/2016.
11,12,13. Báo cáo Tổng kết 25 năm ngày thành lập trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TS. Văn Tất Thu. Vai trò của nhà nước trong cung ứng dịch vụ công, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 2/2018.
2. PGS.TS. Văn Tất Thu. Quản trị – yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của trường Đại học, Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ (ĐHKD&CNHN) số 13/2021.
PGS.TS Văn Tất Thu
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ