Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Sơn La

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhằm khai thác tốt các lợi thế và khắc phục những điều kiện bất lợi trong sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã đưa ra những giải pháp chiến lược trong việc tái cơ cấu, phát triển ngành Nông nghiệp (nông – lâm nghiệp, thủy sản), trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao được xác định là một giải pháp then chốt, tất yếu trong toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: vietnet24h.vn
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên là 14.109 km2, có diện tích đất nông nghiệp lớn, chiếm 69,03% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, đất đai màu mỡ. Tuy nhiên, diện tích canh tác nông nghiệp của Sơn La vẫn còn có nhiều bất lợi do địa hình dốc, khác biệt điều kiện khí hậu giữa các vùng và hạ tầng sản xuất không đồng bộ.

Thời gian qua, Sơn La đã cụ thể hóa một số chính sách, văn bản chỉ đạo của trung ương và đưa ra các chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp CNC, hỗ trợ tín dụng, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu như: Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, quy định những nội dung hỗ trợ xây dựng nhà kính, nhà lưới, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt; Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017 – 2021, hỗ trợ một phần lãi suất tiền vay cho hợp tác xã để thực hiện các nhiệm vụ sau: cải tạo, trồng mới vườn cây ăn quả bằng phương pháp ghép, giống nuôi cấy mô và cây dược liệu; đầu tư hệ thống tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của I-xra-en; Nghị quyết 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2021 và Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Sơn La

Trong giai đoạn 2015 – 2020, quá trình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp CNC trong tương lai. Cụ thể:

Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN), đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập của địa phương. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh tính theo giá hiện hành tăng bình quân 8,38%/năm và tốc độ tăng trưởng tính theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 4%/năm. Tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp năm 2020 đạt 14,10 nghìn tỷ đồng, lớn gấp 1,53 lần so với năm 2015 và lớn gấp 2,84 lần so với năm 2010.

Năng suất và giá trị sản phẩm trên diện tích tăng lên rõ rệt: giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng từ 34 triệu đồng/ha năm 2015, lên 47 triệu đồng/ha năm 2020 và giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1 ha tăng từ 96 triệu đồng năm 2015, lên 100 triệu đồng năm 2020 (tăng 4%)1. Giai đoạn 2016 – 2020, Sơn La đã thực hiện cải tạo vườn tạp, ghép cải tạo trên gốc cũ bằng giống mới, chất lượng cao trên diện tích 12.672 ha cây ăn quả2.

Hạ tầng sản xuất phục vụ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư, xây dựng. Diện tích nhà lưới, nhà kính, nhà màng đạt 3,18 ha đang trồng các loại cây trồng ôn đới như: nho, dâu tây, dưa… Một số công nghệ mới như công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học… được đẩy mạnh ứng dụng trong chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đến nay, đã đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng gồm: 4 giống mía; 19 giống ngô; 5 giống lúa; 20 giống cây ăn quả các loại; 2 giống chè; 1 giống cà phê THA1,…3.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, canh tác an toàn bước đầu được hình thành, cho chất lượng sản phẩm tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn. Đến hết năm 2020, có 2.611 hecta diện tích cây ăn quả áp dụng VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương; 40 hecta các loại cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi phù hợp với yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Hiện nay, Sơn La có 70 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh Qr-Code bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Thị trường KHCN bước đầu hình thành và phát triển. Đến nay, có 12 DN KHCN, trong đó có 11 DN KHCN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bằng 91,7% tổng số DN KHCN trên địa bàn tỉnh4.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về cơ bản nền nông nghiệp CNC của tỉnh vẫn phát triển chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm nông nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC; chưa có DN, hợp tác xã được công nhận là tổ chức nông nghiệp ứng dụng CNC5. Diện tích áp dụng công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung, chủ yếu là các hộ kinh doanh, hộ nông dân đầu tư sản xuất quy mô nhỏ lẻ, không đồng bộ, chưa thực sự tạo được động lực phát triển công nghiệp chế biến. Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật; CNC còn chậm, chi phí cao, đôi khi không hiệu quả do các vùng nguyên liệu diện tích canh tác nhỏ, không tập trung.

Số lượng, diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP) còn thấp so với tổng diện tích. Chỉ tính riêng với lĩnh vực cây ăn quả – là ngành có tiêu chuẩn rõ ràng và cao hơn về chất lượng, chỉ có 2.611/66.390 hecta chiếm 2,93% diện tích cây ăn quả áp dụng VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Diện tích áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 8 hecta vào năm 2018 nhưng đến nay diện tích này không còn nữa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở các khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói phục vụ xuất khẩu tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế (thiếu kho lạnh; dịch vụ đầu vào về giống, vật tư kỹ thuật…).

Một số giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh

Xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng KHCN đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La. Một mặt, Sơn La có thể tận dụng được thành tựu KHCN tiên tiến, nhất là cuộc cách mạng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, giảm tính dễ tổn thương trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng khả năng cạnh tranh và nắm giữ thị trường. Mặt khác, chi phí đầu tư khoa học CNC trong sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để ứng dụng CNC, một khi không chuyển đổi được hình thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, các DN sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh sân nhà của mình. Vì vậy, để nắm bắt thành công cơ hội và chủ động đón đầu những thách thức, xây dựng Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của vùng Tây Bắc như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2020 – 2025) đã đề ra, cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KHCN theo hướng chuyển từ quản lý theo nhiệm vụ KHCN sang khoán, đặt hàng sản phẩm KHCN gắn với giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đề tài nghiên cứu, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các dự án chuyển tiếp để mở rộng đầu tư chiều sâu, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài. Khuyến khích các DN đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN, tham gia tuyển chọn, chủ trì thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng CNC. Hướng dẫn, hỗ trợ các DN chuyển đổi, thành lập DN KHCN nông nghiệp có năng lực để thực hiện vai trò nòng cốt, truyền dẫn công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ cơ giới hóa, cung cấp máy móc, thiết bị nông nghiệp (cho thuê thiết bị, cung cấp dịch vụ phun thuốc, cày, xới…). Bên cạnh đó, việc hình thành các trung tâm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp cũng mang lại nhiều lợi ích khác: thu hút được các DN tư nhân tham gia cung cấp nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại; Nhà nước có thể hỗ trợ các trung tâm này bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm hiệu quả sử dụng đầu tư công và tính lan tỏa cao hơn so với việc hỗ trợ trực tiếp một hoặc một vài đơn vị nhất định.

Thứ ba, tăng cường hợp tác về KHCN đối với các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến để tiếp nhận chuyển giao những CNC, thích ứng với điều kiện sinh thái và thực tế của Sơn La, nhất là những quốc gia đang sỡ hữu, dẫn dắt trong ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp như: I-xra-en, Hoa Kỳ, Hà Lan, Nhật Bản…

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khuyến nông. Lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm; các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… để phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Hoạt động khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất; nội dung, phương pháp khuyến nông phải phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng… Đổi mới và nâng cao chất lượng bản tin khuyến nông, các nội dung liên quan đến sản xuất và thị trường; làm tốt công tác dự báo thị trường nông sản, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường…

Thứ năm, nâng cao công suất, hiệu quả của các nhà máy chế biến hiện có, đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, loại bỏ dần các dây chuyền thiết bị lạc hậu, kém hiệu quả. Chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến tinh sâu, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến đầu tư thiết bị công nghệ xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Ứng dụng công nghệ xử lý các phế, phụ phẩm nông nghiệp (mật rỉ; bã mía; lõi ngô, vỏ cà phê…) tái tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ sản xuất (phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thức ăn gia súc…).

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế đất đai. Thúc đẩy các hình thức hợp tác, liên kết ngang giữa các chủ thể để hình thành diện tích sản xuất tập trung. Đẩy mạnh công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho người nông dân đối với diện tích khai hoang, đã canh tác ổn định theo quy định hiện hành. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm quyền tài sản của người dân, khuyến khích người nông dân an tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư. Xem xét, triển khai vận động dồn điền, đổi thửa nhất là đối với khu vực chưa hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm số lượng mảnh đất rải rác trên mỗi hộ xuống còn 1 – 2 mảnh/hộ.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện thị trường vốn, hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp CNC. Cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh Sơn La theo hướng tập trung vào việc giảm lãi suất, nâng thời hạn hợp đồng vay vốn của các dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu hút các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các DN đang liên kết với các hộ nông dân theo chuỗi liên kết dọc tài trợ, tập huấn kỹ thuật (như mô hình các công ty cà phê, mía đường tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân), đưa trực tiếp các hộ nông dân tiêu biểu, dám tiên phong về ứng dụng KHCN tham gia các chương trình tham quan mô hình CNC trong và ngoài nước.

Thứ tám, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp CNC. Có chính sách đặc thù thu hút nguồn nhân lực có trình độ khoa học – kỹ thuật cao từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về làm việc hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh. Đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên sâu về khối ngành kỹ thuật công nghệ thông tin, công nghệ cảm biến IoT, công nghệ nhà kính, nhà màng, công nghệ sinh học, quản lý nông vụ, truy xuất nguồn gốc… Chú trọng đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn, tăng cường hướng dẫn chuyển giao KHCN, ứng dụng công nghệ thông tin trong các chương trình khuyến nông.

Chú thích:
1, 4. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (Báo cáo số 477-BC/TU ngày 14/9/2015) và Quyết định số 2887/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
2. Báo cáo số 93-BC/TU ngày 08/4/2021 của Tỉnh ủy Sơn La đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 –  2020.
3, 5. Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Kết luận số 90-KL/TU ngày 15/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La).
Tài liệu tham khảo:
1. Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025.
2. Luật Công nghệ cao năm 2008.
3. Quyết định số 2887/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
TS. Lừ Văn Tuyên
Ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La
Tòng Thị Lan
Trường Chính trị tỉnh Sơn La