Tư duy chiến lược trong hoạch định chính sách quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Vận mệnh của mọi quốc gia phần lớn đều được quyết định bởi các chính sách, quyết sách trong thời gian dài hạn, hay nói cách khác, đó chính là chiến lược, đường lối phát triển của mỗi quốc gia. Việc hoạch định, triển khai chiến lược quốc gia lại phụ thuộc vào khả năng tư duy chiến lược, cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo đất nước cũng như đội ngũ tham mưu và bộ máy triển khai. Bài viết tổng hợp lại các quan niệm cơ bản về “tư duy chiến lược”; đồng thời, phân tích chiến lược phát triển thành công của một số quốc gia dựa trên kỹ năng tư duy chiến lược của đội ngũ các nhà lãnh đạo, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị cho chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Một chính sách quốc gia phải đạt được tầm “tư duy chiến lược”. Nếu một chính sách ban hành chỉ giải quyết được các vấn đề thứ yếu, trước mắt mà để lại hậu quả, hệ lụy tiêu cực lâu dài, đó sẽ là một “sai lầm chiến lược”. Ngược lại, nếu đạt mục tiêu cơ bản, chính yếu, chính sách đó sẽ có ý nghĩa chiến lược và thành công. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cùng với việc chuyển hướng mạnh mẽ sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Do vậy, một Nhà nước kiến tạo phát triển là phải hoạch định đường lối phát triển cho đất nước và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó.

Để đảm đương tốt vai trò này, đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước cần có tầm nhìn, tư duy chiến lược (TDCL), không ngừng thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và công dân.

Quan niệm về tư duy chiến lược

Về “tư duy”, theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam: Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt – bộ não con người. Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận…1. Theo George Wilhemer Fridrick Heghen: “Ý niệm tuyệt đối là bản nguyên của hoạt động và nó chỉ có thể biểu hiện trong tư duy, trong nhận thức tư biện mà thôi”2. Karl Marx nhận xét: “Đối với Heghen, vận động của tư duy được ông nhân cách hóa dưới tên gọi “ý niệm” là chúa sáng tạo ra hiện thực; hiện thực chỉ là hình thức bề ngoài của ý niệm”3. Với triết học duy vật biện chứng, tư duy là một trong các đặc tính của vật chất phát triển đến trình độ tổ chức cao. Karl Marx cho rằng: “Vận động kiểu tư duy chỉ là sự vận động của hiện thực khách quan được di chuyển vào và được cải tạo/tái tạo trong đầu óc con người dưới dạng một sự phản ánh”4. Những luận cứ này cho rằng: tư duy là quá trình phản ánh hiện thực khách quan, là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lý.

Đối với khái niệm “chiến lược”, thực chất là một dạng kế hoạch, là tập hợp các quyết định về các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Chiến lược đóng vai trò như kim chỉ nam cho sự vận hành, hoạt động và phát triển của một tổ chức. Với chiến lược này, tất cả thành viên sẽ cùng dốc sức đi theo một định hướng chung mang lại lợi ích cho toàn bộ tổ chức và các bên liên quan. Từ đó, có thể hiểu, chiến lược phát triển của một quốc gia là kế hoạch hành động và nghệ thuật, bao gồm nhiều sách lược sáng tạo, thông minh, nhằm đạt tới những kết quả lớn, tổng thể, lâu dài trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội… của đất nước.

Kết hợp quan niệm về tư duy và chiến lược thì TDCL là một loại hình tư duy ở cấp độ cao của con người. TDCL phản ánh được bản chất, quy luật, xu hướng vận động của hiện thực khách quan, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, có tính sáng tạo, từ đó đưa ra những dự báo, định hướng đúng để đạt mục tiêu chiến lược trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển của khách quan. Nói một cách khác, TDCL là quá trình quan sát, lý giải, nắm bắt được các xu thế chủ đạo, thể hiện tầm nhìn, để thấy được những khía cạnh cơ bản của không gian chiến lược, trong đó sẽ tiến hành các bước đi và huy động lực lượng nhằm đạt những mục tiêu chủ chốt, lâu dài. Cách thức tiếp cận theo kiểu “vụ việc”, chạy theo “sự kiện” là đi ngược lại với TDCL. TDCL cũng khác với tư duy trừu tượng, TDCL hướng về hành động với mục đích ứng dụng vào thực tiễn.

Ở quan điểm khác: “Tư duy chiến lược là một công cụ vô cùng hiệu quả và có giá trị”5. Với quan niệm này, TDCL có những đặc điểm sau đây: (1) Kết hợp tư duy logic với tư duy sáng tạo; (2) Có tầm nhìn xa; (3) Mục tiêu rõ ràng, triển khai thành những nhiệm vụ cụ thể, được bố trí nguồn lực phù hợp; (4) Linh hoạt, tạo khoảng lùi để xem xét lại mọi việc khi cần thiết và có thể ứng biến với thay đổi của tình hình; (5) Lắng nghe, học hỏi cái mới và vận dụng kịp thời; (6) Tiếp cận mở để tránh bỏ sót ý tưởng; (7) Coi trọng bài học lịch sử và bề dày kinh nghiệm; (8) Thoát khỏi lối mòn bằng các môi trường tư duy đặc biệt; (9) Lạc quan nhưng thực tế về tính khả thi; (10) Tập hợp đội ngũ cố vấn giỏi; (11) Tránh phán xét; chỉ phản biện bằng lập luận; (12) Kiên trì và kiên nhẫn.

Bằng việc nêu và phân tích các khái niệm ở trên cho thấy, TDCL của các nhà lãnh đạo được xem là một quá trình sáng tạo và đa dạng, thể hiện tầm nhìn của các nhà lãnh đạo cho dù ở cấp độ nào, đòi hỏi họ phải gắn kết các hoạt động hằng ngày với mục tiêu chiến lược dài hạn của tổ chức, với phạm vi mà họ lãnh đạo, quản lý cũng như môi trường xung quanh… Tầm nhìn thường được hình tượng hóa bằng một hình ảnh, gợi ra định hướng cho tương lai, mang tính lựa chọn (một tiêu chuẩn, một điều lý tưởng có định hướng) và hướng đến khát vọng tạo ra một điều gì đó đặc biệt, là sự hình dung của một người hay một tổ chức về mục tiêu cần đạt được, về điểm cần đến trong một khoảng thời gian nào đó… Để đạt tầm TDCL các nhà hoạch định chính sách (HĐCS) quốc gia cần có khả năng nhận diện và tư duy về một “bức tranh lớn, tổng thể, toàn diện”…

Tư duy chiến lược trong hoạch định chính sách quốc gia từ thực tiễn của một số quốc gia

Trên thế giới, các quốc gia đều nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng TDCL đối với đội ngũ lãnh đạo đất nước. Một số quốc gia đã có được thành công và sự phát triển như ngày nay là nhờ vào khả năng tư duy, tầm nhìn chiến lược của những người đứng đầu đất nước. Chẳng hạn, như:

(1) Ở Xinh-ga-po, là một quốc đảo với diện tích khá khiêm tốn nhưng với nguồn nhân lực chất lượng cao và một chính sách kinh tế thương mại tự do, Xinh-ga-po ngày một phát triển và củng cố vững chắc vị thế cường quốc và là con Rồng châu Á trong khu vực. Điều khiến một đất nước nhỏ bé như Xinh-ga-po trở nên đặc biệt là các nhà HĐCS đã tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ, tức là tư duy một cách chiến lược trong điều kiện thực tế không thuận lợi của nước này (nhỏ về diện tích, nghèo nàn về tài nguyên, dân số ít và cộng đồng đa sắc tộc). Trên cơ sở tập hợp và sử dụng đội ngũ cố vấn giỏi, Xinh-ga-po đã đặt mục tiêu phát triển rõ ràng, nhất quán, giữ nguyên tắc nhưng cũng hết sức thực tế trong quan hệ với các nước lớn.

Về kinh tế, ngay từ những năm 60 – 70 thế kỷ XX, Xinh-ga-po đã tận dụng vị trí bên cạnh các điểm nút chiến lược ven biển để thúc đẩy sự bùng nổ về giao dịch, vận chuyển quốc tế, cho phép các dòng vốn, công nghệ mới các phương thức tổ chức hiệu quả lan truyền vào đất nước. Những khía cạnh khác của TDCL là trọng dụng nhân tài, xây dựng thể chế minh bạch trung thực cùng với sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Xinh-ga-po, giúp đất nước này trở thành một trong số quốc gia có bộ máy lãnh đạo trong sạch nhất thế giới. Sau một giai đoạn phát triển thần kỳ, các nhà lãnh đạo Xinh-ga-po đã và đang đi tìm một chiến lược mới cho Xinh-ga-po trong bối cảnh “hậu Lý Quang Diệu”. Đã có rất nhiều các cuộc tranh luận giữa các học giả về TDCL phát triển mới cho Xinh-ga-po. Những cuộc tranh luận này cho thấy, với tư cách là một quốc đảo thành công, là quốc gia phát triển duy nhất trong ASEAN, các lãnh đạo Xinh-ga-po luôn tích cực tìm kiếm hướng đi chiến lược mới, không ngừng tìm tòi cái mới và linh hoạt6.

(2) I-xra-en, quốc gia nhỏ bé nằm giữa các nước Ả Rập khổng lồ, có tổng diện tích hơn 22.000 km2, trong đó có ¾ diện tích là sa mạc, ¼ là đồi núi, dân số khoảng 8,6 triệu người. Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng quốc gia này đã vươn lên, trở thành quốc gia có sự đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo thành công bậc nhất thế giới. Một trong những chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thành công ngày nay của I-xra-en, đó chính là tư duy mang tính chiến lược về một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia được hình thành cách nay khoảng hơn 1 thế kỷ – lâu hơn cả thời gian lập quốc mới chỉ 70 năm7.

Cách đây hơn 40 năm, Chính phủ I-xra-en đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho các DN để khởi nghiệp sáng tạo, điều mà vài năm gần đây, Việt Nam và một số nước đang phát triển mới chú trọng đến. Trong cơ cấu Chính phủ nước này, các bộ của I-xra-en đều thành lập một bộ phận chuyên về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và một chuyên gia trưởng được phân công chịu trách nhiệm về việc phát triển khoa học – công nghệ để thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà lãnh đạo I-xra-en đã sớm có tầm nhìn về việc thúc đẩy khoa học – công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển đất nước. Chính phủ nước này đã sớm xây dựng cơ cấu tổ chức phục vụ cho đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo một cách bài bản, khoa học nên đạt hiệu quả cao. Cơ quan Đổi mới Sáng tạo I-xra-en (thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp  I-xra-en) chịu trách nhiệm về chính sách đổi mới, hoạt động vì lợi ích của hệ sinh thái đổi mới nền kinh tế của I-xra-en. Cơ quan Đổi mới Sáng tạo I-xra-en tư vấn cho các bộ, ủy ban của Chính phủ và Quốc hội về chính sách đổi mới trong nước, đồng thời theo dõi và phân tích những thay đổi đang diễn ra trong môi trường đổi mới ở I-xra-en lẫn các nước trên thế giới.

Để thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất, Cơ quan Đổi mới Sáng tạo I-xra-en đã thiết kế và vận hành một loạt các chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành các công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội. Đối với các DN vừa và nhỏ, Cơ quan Đổi mới Sáng tạo I-xra-en thường không đưa ra định hướng đầu tư vào lĩnh vực nào mà tùy thuộc vào DN chọn lựa. Nếu ý tưởng độc đáo, dự án có tính khả thi cao sẽ được Chính phủ xét cấp vốn. Tuy nhiên, đối với những DN có quy mô lớn, Cơ quan này sẽ định hướng đầu tư vào một số lĩnh vực cần phát triển, mở rộng (đặc biệt là ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ ô tô không người lái…). Có một nguyên tắc mà Chính phủ I-xra-en luôn yêu cầu các DN khởi nghiệp được Nhà nước hỗ trợ vốn phải tuân thủ nghiêm ngặt, đó là bằng sáng chế phải được đăng ký tại I-xra-en và phải được cấp bởi cơ quan chức năng của I-xra-en. TDCL của các nhà lãnh đạo I-xra-en là hướng đến tạo ra sự thịnh vượng kinh tế thông qua đổi mới. Tầm nhìn này được chia thành hai mục tiêu có tác động, bổ sung cho nhau: một là, duy trì vị trí hàng đầu của I-xra-en trong quá trình đổi mới trên phạm vi toàn cầu; hai là, nâng cao toàn bộ nền kinh tế I-xra-en thông qua đổi mới công nghệ.

Mặc dù phải đối diện với khó khăn của một nước nhỏ trên sa mạc nhưng người dân I-xra-en không xem đó là điều bất lợi. Ngược lại, luôn coi đó là thời cơ để tự khẳng định và vươn lên cái mới tốt hơn. Điều đó góp một phần không nhỏ vào sự thành công của I-xra-en ngày nay.

Một số khuyến nghị, đề xuất tư duy chiến lược nhằm cụ thể hóa các quyết sách mang tính chiến lược ở Việt Nam

Tổng kết lý luận và thực tiễn, nhìn lại 35 năm đổi mới, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã đề ra những chủ trương, đường lối, thực hiện những bước đi hoàn toàn đúng đắn. Đây chính là kết quả của TDCL, tư duy nhìn xa, trông rộng để thấy được toàn diện, thấy được xu hướng vận động của hiện thực khách quan mà đề ra chủ trương dẫn dắt, soi đường cho cả đất nước phát triển. Từ kết quả về kinh nghiệm TDCL của các quốc gia nêu trên, nhìn từ góc độ TDCL, chúng ta có thể nhận thấy hai nước Xinh-ga-po và I-xra-en đã có những thành công là: (1) Định vị không gian chiến lược đủ rộng và có chiều sâu; (2) Xây dựng giá trị hợp tác về đối ngoại, kinh tế bền vững với các đối tác chiến lược; (3) Linh hoạt, nhạy bén, nắm bắt và ứng biến với sự thay đổi của tình hình. Với cách tư duy này, có thể có những định hướng về TDCL phù hợp cho Việt Nam, theo quy trình này, bắt đầu từ những tư duy, hoạch định tới tổ chức, triển khai chính sách.

Tại Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần hướng tới đồng thời các mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững, tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, đưa Việt Nam vào nhóm 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với tầm chiến lược đề ra này, trong chiến lược phát triển, một nghịch lý là muốn tăng trưởng lâu dài cần phải “hy sinh” tăng trưởng trước mắt. Chỉ khi sở hữu được nguồn nhân lực chất lượng cao (cả về trình độ, kỹ năng và sức khỏe), gắn với nhu cầu thực của nền kinh tế, Việt Nam mới có thể tăng trưởng bền vững, lâu dài. Theo hướng đó, chuyên nghiệp hóa lực lượng công chức trên cơ sở hiện đại hóa nền quản trị quốc gia là bước triển khai TDCL cần thiết, đồng thời, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế để hai yếu tố này không loại trừ lẫn nhau. Để thực hiện được các mục tiêu này, cần có sự đầu tư tương xứng để cụ thể hóa các quyết sách mang tính chiến lược đó. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên các dự án đầu tư theo chiều sâu. Bên cạnh đó, coi trọng hơn nữa nhu cầu nội địa để tối ưu hóa thị trường trăm triệu dân (đứng thứ 15 trên thế giới trong một khu vực phát triển năng động).

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đang đàm phán đều có thể góp phần hiện thực hóa TDCL cho sự phát triển. Bên cạnh đó, một hướng đi chiến lược mới là định vị vai trò kinh tế biển thông qua hợp tác quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà còn dịch vụ, hậu cần… Điều này đòi hỏi phải tái cấu trúc, điều chỉnh chính sách kinh tế biển (chẳng hạn thiết lập cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo mà một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công). Đồng thời, tiếp tục tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự tham gia của khu vực tư nhân. Vì vậy, Việt Nam cũng cần chú trọng, nâng mức đầu tư và bổ sung vào chiến lược quốc gia tổng thể những không gian mới như “không gian số”, “không gian mạng”, “không gian hội nhập”…

Chú thích:
1. Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam. Tập 4. H. NXB Từ điển bách khoa, 2005.
2. Heghen. Logic học Hê ghen (sách tham khảo). H. NXB Khoa học xã hội, 1989.
3, 4.  Karl Marx. Tư bản. Quyển I. Tập 1. (bản tiếng Pháp). NXB Nathal. Paris, 1938, tr. 29; 29.
5. Lê Đình Tĩnh. Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế tiếng Việt, Học viện Ngoại giao, số 4 (111).
6. Singapore. http://vi.wikipedia.org, ngày 21/8/2021.
7. Israel – Quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới. https://thanhuytphcm.vn, ngày 28/6/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược ở Xinh-ga-po và kinh nghiệm cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 04/3/2020.
2. Nguyễn Mạnh Cường. Về bản chất của tư duy. Tạp chí Triết học, số 1 (152), 2015.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Khát vọng hùng cường & tư duy lãnh đạo. https://dangcongsan.vn, ngày 19/4/2021.
5. Phạm Bình Minh. Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011.
6. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam. Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Hà Nội, 2016.
7. Nghị quyết số 26/2020/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
8. Phát triển tư duy chiến lược của người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. https://tcnn.vn, ngày 22/9/2016.
9. Huỳnh Bửu Sơn. Giấc mơ hóa rồng. H. NXB Lao động, 2016.
10. Tầm nhìn và tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo trước yêu cầu nhiệm vụ mới. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 24/02/2021.
11. Nguyễn Chí Vịnh. Đối ngoại quốc phòng – Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Biên phòng Việt Nam, ngày 14/5/2017.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển
TS
. Bùi Thị Thùy Nhi
Học viện Hành chính Quốc gia