Phát triển xuất bản phẩm điện tử tại Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra tác động mạnh mẽ đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Hiện thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thị trường xuất bản phẩm điện tử nhìn chung phát triển chưa xứng với tiềm năng. Do đó, cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp toàn diện và có hệ thống để lĩnh vực xuất bản phẩm điện tử phát triển theo đúng định hướng của Nhà nước và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ảnh minh họa.
Cơ hội phát triển thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam

Xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT) được hiểu là các tài liệu được số hóa, được quét bằng các thiết bị kỹ thuật số hoặc được tạo bởi một thiết bị máy tính, tài liệu và được lưu trữ bằng các phương tiện điện tử, được tìm kiếm, khai thác sử dụng một cách dễ dàng dưới các dạng thức thông dụng như PDF, HTML hoặc TXT1.

XBPĐT có những ưu điểm vượt trội hơn so với các ấn phẩm in truyền thống. Khi được tối ưu hóa trên các thiết bị lưu trữ điện tử, các XBPĐT sẽ trở nên gọn nhẹ hơn rất nhiều so với sách in. Mỗi thiết bị đọc có thể chứa hàng nghìn cuốn sách giúp độc giả có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Không những thế, độc giả cũng có thể chủ động điều chỉnh phông chữ lớn, nhỏ tùy thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết (links) với những trang mạng để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh. Những ưu thế này tiện lợi cho các loại sách tham khảo, nghiên cứu, đặc biệt, độc giả không phải mang theo những túi sách cồng kềnh. Chính vì thế mà hiện nay nhiều quốc gia phát triển đã bắt đầu sản xuất các tài liệu giáo khoa bằng điện tử.

Nhận thức rõ được xu hướng cũng như nhu cầu thực tế của sự phát triển đối với lĩnh vực này, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện về pháp lý và môi trường công nghệ cho sự phát triển của hoạt động XBPĐT và kinh doanh sách điện tử trên môi trường internet. Điều này được thể hiện rõ nét ở Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử. Luật Xuất bản năm 2012 đã dành một chương với 8 điều, khoản quy định về xuất bản điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển.

Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển kết hợp các công nghệ trên nền tảng internet, trí tuệ nhân tạo…, đã giúp tạo ra những thay đổi đột phá trong lĩnh vực xuất bản nói chung và XBPĐT nói riêng.

Tuy còn mới mẻ, song vài năm trở lại đây, XBPĐT của Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Xuất bản. Sự phát triển của XBPĐT ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay đã hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa2. Từ năm 2015, một số nhà xuất bản (NXB) bắt đầu thử nghiệm xuất bản sách điện tử, (trong năm này đạt 1.163 đầu sách). Đến đầu năm 2016, cả nước có khoảng 10 đơn vị tham gia thị trường sách điện tử, như: NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Công ty sách Phương Nam, Vinapo, Lạc Việt… Ngoài ra, còn có những đơn vị chuyên phát hành sách điện tử như: Tiki,  Vinabook. Từ chỗ chỉ phát hành thử nghiệm, các công ty đã cung cấp cho người dùng số lượng đầu sách tương đối đa dạng, hình thức hiện đại, bắt mắt3.

Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2016 – 2018, số lượng đầu sách điện tử giảm mạnh do các NXB tạm dừng để thực thi quy định pháp luật về đăng ký hoạt động XBPĐT như: xây dựng đề án, trang bị các thiết bị, giải pháp đáp ứng điều kiện hoạt động XBPĐT theo quy định4. Cụ thể, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, số lượng XBPĐT có sự phát triển chưa ổn định với 679 xuất bản phẩm (năm 2016); 217 xuất bản phẩm (năm 2017); 19 xuất bản phẩm (6 tháng đầu năm 20185. Đến năm 2019, theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đơn vị thực hiện và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm, đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng. Trong đó, XBPĐT đạt hơn 2.400 cuốn, với 1,5 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng, chiếm gần 4% doanh thu hoạt động xuất bản. Năm 2020, cùng sự suy giảm chung của toàn ngành do đại dịch Covid-19, sách điện tử giảm còn 2.000 đầu sách. Hiện có 9 NXB tham gia xuất bản điện tử, chỉ chiếm 15% tổng số NXB6.

Về phía doanh nghiệp xuất bản, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cơ hội cho sự ra đời XBPĐT, in ấn được số hóa trên nền tảng công nghệ mới, phát hành, quảng bá xuất bản phẩm, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại giảm bớt, tạo điều kiện mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất bản phẩm.

Việc quảng bá xuất bản phẩm trên nền tảng internet góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Ở chiều ngược lại, ngành Xuất bản Việt Nam có thêm cơ hội khai thác, chuyển tải các xuất bản phẩm giá trị của nước ngoài về Việt Nam, phục vụ nhu cầu của độc giả trong nước. Những thay đổi đó đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển ngành Xuất bản Việt Nam.

Khó khăn, hạn chế trong phát triển xuất bản phẩm điện tử

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động XBPĐT ở thị trường Việt Nam cũng còn những hạn chế nhất định. Riêng với mảng sách điện tử, từ năm 2016 đến đầu năm 2020, số lượng đề tài đăng ký dần suy giảm. Số đầu sách (tên sách) điện tử trên thị trường bị giảm sút: năm 2016, số eBook đăng ký là gần 1.900 tên sách thì đến năm 2019 chỉ còn 5 NXB có khả năng xuất bản sách điện tử với 92 đề tài được đăng ký7. Đây là hiện tượng đi ngược lại với xu thế chung của thế giới, cũng như nhu cầu của bạn đọc…

Theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển xuất bản in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu: “Duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 – 30% là xuất bản phẩm điện tử”. Tuy nhiên, số liệu cập nhật năm 2019, trong khi sách giấy đạt khoảng 33.000 bản, sách điện tử mới đạt khoảng 2.400 bản (nghĩa là chỉ đạt khoảng 7,2% so với chỉ tiêu đề ra)8.

Như vậy, so với tiềm năng, quy mô, trình độ của XBPĐT ở Việt Nam hiện nay còn khá nhỏ; vai trò của các NXB chưa rõ; thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng internet hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông. Hiện nay, Việt Nam có rất ít NXB đủ điều kiện được cấp phép xuất bản điện tử, hiện mới có các NXB sau đủ điều kiện, gồm: NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam… Một số NXB đang trong lộ trình chuẩn bị về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ nhân sự làm XBPĐT, như: NXB Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Phụ nữ, NXB Công an nhân dân…9.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, do những hạn chế về chính sách, nguồn nhân lực cũng như nền tảng công nghệ, một số đơn vị đã thu hẹp quy mô đối với mảng hoạt động này, thậm chí có những doanh nghiệp đã rời thị trường hoặc dừng hoạt động… XBPĐT là tương lai của ngành Xuất bản, không chỉ giới hạn ở ebook, audio books mà còn mở rộng sang các hình thức tương tác ảo (sách kết hợp công nghệ AR), sách in có tích hợp video (quét mã QR code để xem). Một số công ty sách tư nhân, công ty công nghệ đã thử sức với mảng sách kết hợp công nghệ AR, Clipbook, Joicard… song nhiều NXB vẫn chưa dành mối quan tâm cho thể loại mới mẻ này.

Nguyên nhân khiến lĩnh vực xuất bản phẩm ở Việt Nam còn nhỏ bé và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ nhất, tiềm lực về nền tảng công nghệ của các NXB và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản còn hạn chế. Đơn củ như, các ứng dụng, định dạng ebook hiện nay vẫn chưa được cải tiến nhiều; tình trạng ebook hiện tại đang phân mảnh, mỗi đơn vị có một ứng dụng riêng tạo nên những bất lợi cho độc giả.

Thứ hai, khi công nghệ và tự động hóa phát triển, các đơn vị xuất bản phải đối mặt với áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến và đổi mới dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực có năng lực về công nghệ cao… Công nghệ, nhân lực và nguồn vốn hiện nay của các đơn vị xuất bản, đặc biệt là lĩnh vực in ấn, phát hành của Việt Nam còn khá hạn chế.

Thứ ba, công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước (QLNN) về XBPĐT chưa thực sự hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường XBPĐT ở Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Trong đó, các quy định QLNN về lĩnh vực XBPĐT cũng còn hạn chế. Chẳng hạn, Điều 45 Luật Xuất bản năm 2012 quy định: “Nhà xuất bản thực hiện xuất bản điện tử khi có đủ các điều kiện: có đăng ký hoạt động phát hành XBPĐT với cơ quan QLNN về hoạt động xuất bản…”. Tại Điều 17 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản năm 2012 tiếp tục quy định về điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành XBPĐT: có máy chủ đặt tại Việt Nam, máy tính và các thiết bị khác để phục vụ xuất bản, phát hành XBPĐT; có đường truyền kết nối internet được đăng ký hợp pháp để xuất bản, phát hành XBPĐT; có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát việc xuất bản, phát hành XBPĐT, bao gồm việc phát hành, loại bỏ hoặc khôi phục để phát hành…”. Điều này có nghĩa, NXB phải tổ chức hoạt động xuất bản và phát hành đi đôi với nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế, “xuất bản” và “phát hành” là hai khái niệm khác nhau. Các NXB muốn phát hành cần phải làm thủ tục đăng ký phát hành tại Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông. Việc buộc nhà xuất bản phải có các điều kiện đặc biệt như trên mới được đăng ký hoạt động XBPĐT sẽ gây khó cho các NXB. Đây là một trong những lý do khiến hoạt động về XBPĐT của các đơn vị bị chậm lại so với giai đoạn trước đó.

Bên cạnh đó, một số cơ quan QLNN chưa kịp thời có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Hiện nay, chưa có một cổng thông tin dành riêng để nộp lưu chiểu XBPĐT. Công tác nộp lưu chiểu vẫn được thực hiện bằng hình thức truyền thống là lưu file vào đĩa CD, dễ phát sinh tình trạng sao chép, ăn cắp bản quyền. Hơn nữa, nhiều vấn đề lý luận mới đặt ra trong công tác xuất bản nói chung và XBPĐT nói riêng chưa được nghiên cứu, làm rõ. Sự phối hợp giữa cơ quan QLNN và cơ quan chủ quản NXB còn nhiều hạn chế. Công tác QLNN trong lĩnh vực XBPĐT chưa được triển khai đồng bộ; quy định pháp lý trong việc chống vi phạm bản quyền ở nước ta còn vướng mắc. Năng lực, trình độ của một số cán bộ quản lý NXB, biên tập viên, lao động ngành Xuất bản chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động xuất bản trong điều kiện mới…

Ngoài ra, một phần do thói quen chưa tốt chỉ muốn tiêu dùng miễn phí, ít chịu trả tiền cho những sản phẩm trực tuyến của của một bộ phận không nhỏ bạn đọc cũng khiến doanh thu mảng này kém dẫn đến các đơn vị giảm đầu tư. Đó là chưa kể đến các vi phạm bản quyền với tình trạng phát hành eBook lậu còn tràn lan trên internet mà việc tìm kiếm và ngăn chặn là rất khó khăn. Chính thói quen của một bộ phận người Việt Nam mặc định sản phẩm trên mạng là miễn phí đã vô hình trung “tiếp tay” cho việc phát hành eBook lậu.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam hiện nay

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho họat động XBPĐT.

Cần quy định cụ thể hơn về khái niệm và cách thức hoạt động của XBPĐT. XBPĐT là tương lai của ngành Xuất bản, thể hiện qua xu hướng số hóa và lợi ích của phương thức XBPĐT là rõ ràng. Do vậy, việc điều chỉnh quy định liên quan xuất bản và phát hành XBPĐT rất cần thiết.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần hướng dẫn chi tiết thủ tục, điều kiện để các đơn vị thuận lợi tham gia vào hoạt động xuất bản điện tử. Theo đó, các cơ quan QLNN cần phổ biến rõ các thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh XBPĐT; thủ tục trong việc báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm trong phát hành ấn phẩm điện tử (ebook, audiobooks, kinh doanh nội dung sách trên các ứng dụng)…

Cùng với đó, cần có chiến lược quốc gia về xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó, cần quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng xuất bản, kinh doanh số, tận dụng nguồn lực và lợi ích của công nghệ để phát triển đa dạng hình thức XBPĐT. Đặc biệt, cần nghiên cứu chủ trương xây dựng một nền tảng kỹ thuật chung cho việc phát hành XBPĐT, tạo điều kiện cho các đơn vị cùng tham gia vào thị trường XBPĐT.

Hai là, tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ am hiểu về XBPĐT.

Cần nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo bài bản dành cho đội ngũ nhân sự làm công tác XBPĐT. Chương trình cần tập trung đào tạo kiến thức bao gồm lý thuyết về XBPĐT, quản lý thông tin trên internet, phương thức tổ chức sản xuất sản phẩm sách điện tử đa phương tiện; quản lý các hoạt động XBPĐT; tổ chức các hoạt động kinh doanh sản phẩm sách điện tử, truyền thông số trong môi trường internet… Ngoài ra, đội ngũ làm XBPĐT cần phát huy khả năng sáng tạo nội dung XBPĐT; kỹ năng biên tập XBPĐT; kỹ năng quản trị – kinh doanh XBPĐT và các kỹ năng ứng dụng kỹ thuật – công nghệ truyền thông số.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xuất bản, phát hành các XBPĐT.

Theo đó, các cơ quan QLNN về hoạt động xuất bản cần chủ động xây dựng cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hệ thống quản lý ngành dọc từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là các sở thông tin – truyền thông. Cùng với đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tích cực nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nói chung và XBPĐT nói riêng để tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Bộ Thông tin – Truyền thông cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; xây dựng quy chế phối hợp giữa các NXB liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác trong tổ chức xuất bản sách, chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý việc cấp giấp phép xuất bản. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra phòng, chống in lậu và xuất bản lậu sách eBook.

Cùng với đó, ngành Thanh tra chủ động phối hợp với ngành Công an, ngành Văn hóa, ngành Thông tin – Truyền thông, ngành Kiểm sát, Tòa án đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử kịp thời tội phạm trong lĩnh vực xuất bản và vi phạm bản quyền với các khung hình phạt thỏa đáng để đủ sức răn đe. Sử dụng triệt để các biện pháp hành chính, kinh tế, hình sự để xử lý sai phạm. Trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm, không chỉ nhằm vào đơn vị, cá nhân trong doanh nghiệp mà còn cả các cán bộ, cơ quan QLNN khi lơ là công việc, không thực hiện đúng chức năng, bỏ sót hay cố tình bỏ sót các trường hợp vi phạm; chống lại các hiện tượng bao che, nể nang dưới mọi hình thức. Đồng thời, kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động xuất bản nói chung và XBPĐT nói riêng.

Bốn là, tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ và hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động XBPĐT.

Hiện nay, dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành, như: Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS… ngày càng chiếm ưu thế rõ rệt. Độc giả ngày nay có thể trải nghiệm việc đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang sách ngay trên điện thoại thông minh. Các hình ảnh, audio, video được tích hợp trong ebook trên tương tác thời gian thực rất trực quan, sinh động. Do đó, để đáp ứng nhu cầu và xu hướng này, các NXB cần khéo léo kết hợp giữa hai loại hình sách in truyền thống và sách điện tử, để dần thu hút người đọc, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng máy tính và điện thoại thông minh.

Xuất bản trong thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Do đó, các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo bằng việc chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài có tính thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc. Cùng với đó, tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.

Các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả quản lý, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia trên thế giới cũng đang tập trung nghiên cứu và không ngừng cập nhật công nghệ để quản lý hiệu quả trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về xuất bản nhằm tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực XBPĐT.

Nhập khẩu sách báo và các thiết bị công nghệ phục vụ cho hoạt động XBPĐT đã và đang là kênh phân phối trực tuyến hiệu quả các sản phẩm văn hóa, giáo dục, hàng hóa đa dạng giúp thực hiện sự mệnh là cầu nối, nối liền nhịp cầu tri thức Việt Nam và thế giới. Do đó, việc mở rộng hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xuất bản và kỹ thuật xuất bản là một trong những biện pháp có ý nghĩa quan trọng.

Thời gian tới, các cơ quan nhà nước và các đơn vị xuất bản cần tiếp tục tăng cường hợp tác và trao đổi công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình phát triển các XBPĐT nói riêng và thị trường XBPĐT ở Việt Nam nói chung. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực xuất bản không chỉ giúp giao lưu văn hóa, mà còn giúp chia sẻ công nghệ, kỹ thuật nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm xuất bản (trong đó có XBPĐT) và nâng cao năng lực nội tại của hoạt động xuất bản ở Việt Nam.

Chú thích:
1, 3. Xuất bản phẩm điện tử – nhân tố tạo nên sự thay đổi trong hoạt động thư viện. https://nlv.gov.vn
2, 4. Xuất bản sách điện tử tụt dốc thê thảm. https://tinnhanhchungkhoan.vn, ngày 19/01/2021.
5, 9. Xuất bản điện tử và nhu cầu đào tạo xuất bản điện tử. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 27/11/2019.
6. Xuất bản điện tử: Hướng đến chuyên nghiệp. https://tcnn.vn, ngày 25/6/2020.
7. Ban Tuyên giáo Trung ương. Kết luận Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019.
8. Xuất bản phẩm điện tử: Chỉ mới bắt đầu. https://www.phunuonline.com.vn, 07/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Quý Minh. Sách điện tử – Xu thế tất yếu. Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông, số tháng 12/2014.
2. Đỗ Ngọc. Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền Ebook ngày càng nan giải. Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 5/2014.
3. Luật Báo chí năm 2016.
4. Luật Xuất bản năm 2012.
5. Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.
6. Luke, Ali. Publishing e-books for dummies, John Wiley & Sons, Hoboken, New Jersey, Canada, 2012.
7. Vinjamuri, David. Cuộc chiến sai lầm về sách điện tử (Ebook) giữa các nhà xuất bản và thư viện. Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 5/2014.
TS. Đặng Thành Lê
Học viện Hành chính Quốc gia