Phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh niên Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là lực lượng xung kích, tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động. Bài viết làm rõ vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu ra một số hạn chế trong giáo dục, bồi dưỡng, quản lý thanh niên hiện nay; đồng thời, đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng: Thanh niên là rường cột nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên… Điều đó, khẳng định vai trò của thanh niên vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực.

Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng Tết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”1. Tháng 8/1947, trong Thư gửi thanh niên, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”2.

Theo thống kê đến năm 2020, Thanh niên Việt Nam (TNVN) từ 16 – 30 tuổi có khoảng 22,609 triệu người chiếm khoảng 23,2% dân số cả nước3. Đây là lực lượng có độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình, là lực lượng có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, các cấp, các ngành cần phát huy tốt vai trò của thanh niên. Đồng thời, thanh niên cũng cần tiếp tục tự khẳng định mình thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trong đời sống xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vai trò của thanh niên trong tiến trình cách mạng Việt Nam

Ngay từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, được Nguyễn Ái Quốc thức tỉnh, giác ngộ, TNVN đã tin tưởng, đi theo Đảng, cùng với Nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Đất nước giành được độc lập nhưng lại phải đối diện với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gay go, ác liệt. Phát huy truyền thống ông cha đi trước, với tinh thần và ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và những phong trào cách mạng: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”… TNVN đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến công vĩ đại: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp đó, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, TNVN luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; trung thành, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Bên cạnh đó, thanh niên luôn có khát vọng, ý chí vươn lên, có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, vì cộng đồng và lợi ích quốc gia, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, xung kích hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Những việc làm và hoạt động của thanh niên được thể hiện rõ nhất ở các phong trào hành động cách mạng, các chương trình hành động, tiêu biểu, như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, với các hoạt động, như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Góp đá xây Trường Sa”… Gần đây nhất, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cùng với cả hệ thống chính trị, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã vào cuộc quyết liệt. Nhiều mô hình sáng kiến của thanh niên đã để lại dấu ấn cho cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: xây dựng “Trạm rửa tay dã chiến”, “Điểm rửa tay” từ vật dụng tái chế; dự án phát triển hệ thống cảnh báo sớm Covid-9 toàn cầu; điểm cấp gạo ATM miễn phí… đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng thế hệ trẻ và Nhân dân cả nước; góp phần làm thay đổi thái độ và nhận thức chính trị của thanh niên.

Bên cạnh đó, phong trào “Xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Sáng tạo trẻ”, “Thanh niên chung tay xây dựng Nông thôn mới”… đã cổ vũ đoàn viên thanh niên phát huy sáng kiến, tích cực nghiên cứu khoa học, tăng năng suất lao động với nhiều mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Qua đó, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia ở những nơi khó khăn, gian khổ; xây dựng tiềm lực quốc phòng – an ninh của từng địa phương, đơn vị. Các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, “Đền ơn đáp nghĩa”, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục mở rộng về quy mô, nội dung, hình thức, ngày càng đi vào chiều sâu…

Thanh niên hiện nay, trong đó không ít bạn trẻ có trình độ học vấn cao luôn sẵn sàng nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là điều rất đáng phấn khởi và là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hiện nay có một bộ phận thanh niên ngại khó, ngại khổ, không chịu phấn đấu vươn lên, thích hưởng thụ hơn là thích làm việc; chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ vinh dự, trách nhiệm và niềm tự hào được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đạt được nhiều thành tựu sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng để có thể đem hết tài năng, trí tuệ, sức trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay; hằng ngày, hằng giờ trên các phương tiện thông tin truyền thông vẫn còn rất nhiều thanh niên vi phạm pháp luật; thậm chí có một số thanh niên còn bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng mua chuộc, phát tán tài liệu, livetream đưa những thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước…

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần vừa do yếu tố khách quan là tác động của xã hội, phần nữa do yếu tố chủ quan từ gia đình. Công tác giáo dục quản lý của gia đình còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ; các thành viên trong gia đình ít quan tâm, hỏi han, chia sẻ với nhau; bản thân một bộ phận thanh niên thiếu động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên, sống buông thả, không đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu, khi gặp thất bại, khó khăn, trở ngại là nản lòng, nhụt ý chí, hoặc dao động… Chính vì vậy, việc giáo dục, bồi dưỡng, quản lý để phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là việc làm vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một số giải pháp phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”4 là một nội dung quan trọng. Năm 2022, nhiệm vụ của Đoàn rất nặng nề, vì đây là năm tổ chức Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ 12. Đồng thời, phải tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Muốn khơi dậy trong thanh niên khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau đây:

Một là, giáo dục nhằm phát huy cao độ tính tự giác, chủ động, tích cực của thanh niên trong tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng. Bối cảnh quốc tế hiện nay đang tác động mạnh mẽ đối với thanh niên, tác động một cách toàn diện lên tư tưởng, tình cảm, lối sống, nhu cầu của từng thanh niên. Do đó, thanh niên phải rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh; tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030. Đổi mới hình thức, phương pháp học tập lý luận chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên; chú trọng giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, phát huy tính tích cực chính trị của thanh niên để họ quan tâm các vấn đề, các sự kiện chính trị của đất nước; tăng cường công tác giáo dục, quản lý, bồi dưỡng của các chủ thể đối với thanh niên, nhất là gia đình, nhà trường và xã hội, thường xuyên có sự phối hợp với nhau trong xác định nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện cho phù hợp. Giáo dục cho thanh niên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, con đường đã lựa chọn, đặc biệt phải luôn giữ mình ở mọi lúc, mọi nơi, không sa vào tệ nạn xã hội, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Hai là, phát huy vai trò tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và tay nghề, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng đất nước. Trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay, TNVN cần nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khả năng thực tế, kỹ năng lao động để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế. Phải xây dựng xã hội học tập cho thanh niên với phương châm: người thanh niên nào cũng phải học; ở đâu, làm gì, thời gian nào cũng phải học; người thanh niên nào cũng phải xác định tham gia học tập thường xuyên, suốt đời là quyền và nghĩa vụ của bản thân; phải nỗ lực phấn đấu không ngừng về mọi mặt, nhất là về đạo đức, lối sống, trình độ, chuyên môn công tác; không được bằng lòng, thỏa mãn với kết quả hiện có; không nên dựa dẫm vào gia đình, phải bằng bàn tay, đôi chân, trí tuệ của mình đi lên; không a dua, đua đòi, học theo thói hư, tật xấu của thanh niên khác; mỗi thanh niên cần phải căn cứ vào điều kiện gia đình mình để xác định con đường học tập, rèn luyện cho phù hợp.

Ba là, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong xây dựng Đoàn Thanh niên vững mạnh, thật sự là lực lượng chính trị đáng tin cậy của Đảng, của Nhân dân. Việc quan tâm, chăm lo đầu tư cho thanh niên phát triển toàn diện vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ Đảng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị, tư tưởng sâu rộng cho thanh niên nhận thức đúng tình hình đất nước và trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc và Nhân dân; tham gia tích cực giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống, học tập và đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là thanh niên. Có kế hoạch xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh từ cơ sở để đủ sức thu hút thanh niên tự nguyện tham gia các phong trào chung của xã hội và của Đoàn. Thanh niên phải tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; tham gia bảo vệ và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp vững mạnh và tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc. Các đối tượng thanh niên tự nguyện, tự giác tham gia vào các hội của thanh niên, phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên và hội viên của tổ chức chính trị xã hội…

Bốn là, thanh niên phải xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tự nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến nông, khuyến lâm, thông tin công tác Đoàn, tài liệu khoa học – kỹ thuật, phổ biến các kiến thức về chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế. Phấn đấu hằng năm, 100% thanh niên trong độ tuổi quy định của pháp luật, có đủ năng lực hành vi dân sự sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và lực lượng dân quân tự vệ.

Năm là, thanh niên phải tích cực tham gia vào việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và môi trường sinh thái trong lành, sạch đẹp; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tích cực tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Khuyến khích, động viên và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh, thiếu niên tự học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng để thích nghi với môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Chủ động và tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ dân số, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo… Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao tinh thần nêu gương của mỗi người, xây dựng môi trường dân chủ, đoàn kết, thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là lúc hoạn nạn, khó khăn. Từ đó, thanh niên sẽ nhận ra đó là tấm gương mẫu mực tiêu biểu để học tập, noi theo, sẽ có những nhận thức, hành động đúng với pháp luật, quy định địa phương, tích cực, chủ động hơn trong các hoạt động rèn luyện, bồi đắp nên lý tưởng, khát vọng cống hiến mạnh mẽ hơn nữa ở  thanh niên.

Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, “phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”5.

Mục tiêu đó đã và đang đặt ra những yêu cầu, trọng trách lớn lao đối với thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi TNVN phải ra sức học tập, trau dồi lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thi đua lao động và rèn luyện để hình thành một thế hệ thanh niên tân tiến, đủ sức khỏe và trí tuệ vượt qua khó khăn, thách thức, cùng Nhân dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hùng cường, sánh vai các cường quốc trong thế kỷ XXI.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 194.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 216.
3. Số liệu thống kê về dân số, lao động, việc làm học tập của thanh niên năm 2015 – 2020 của Tổng Cục thống kê. Hà Nội, 2020.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 202, 36.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030.
2. Luật Thanh niên năm 2020.
3. Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
4. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
ThS. Nguyễn Văn Thật
Phân viện miền Nam – Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam