Phát huy vai trò của cán bộ chính trị đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở đơn vị cơ sở trong tình hình mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cơ sở trong Quân đội. Đội ngũ cán bộ chính trị là lực lượng nòng cốt trong tổ chức và tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội giai đoạn hiện nay. Bài viết khái quát và đưa ra phương pháp phát huy vai trò của lực lượng này đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở đơn vị cơ sở trong tình hình mới.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng chính trị trong đấu tranh vũ trang và xây dựng Quân đội, Người cho rằng: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”1. Tại Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 5/1941), Người đã xác định trong biên chế của đội tự vệ, bên cạnh đội trưởng còn có chính trị viên (CTV) chuyên trách việc xây dựng về chính trị. Trong cuốn “Cách đánh du kích” được dùng làm tài liệu huấn luyện cho các đội du kích cách mạng, Người viết: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái người ngoài đến làm”2. Khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Người chỉ đạo, đã hình thành mô hình tổ chức chi bộ đảng, người đội trưởng và CTV. Sắc lệnh số 71/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 22/5/1946 đã xác định từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự có CTV…

Theo Người, cán bộ chính trị (CBCT) trong Quân đội phải là người giữ phương hướng chính trị của toàn đơn vị. CBCT là những CTV tiêu biểu được tổ chức lựa chọn làm đại biểu của Đảng, là người “nắm cái kim chỉ nam của đội”, bảo đảm cho đơn vị đi đúng đường lối chính trị, quân sự của Đảng, làm cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thấu suốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, hăng hái, tích cực, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ; góp phần trực tiếp vào xây dựng Quân đội vững mạnh. Chính vì vậy, đội ngũ chính ủy, CTV có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc xây dựng uy tín ở các tổ chức đảng cơ sở trong sạch, vững mạnh.

CBCT không chỉ có vai trò quan trọng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng mà còn có vai trò rất lớn trong xây dựng tổ chức và phát huy hiệu lực chỉ huy. Theo Hồ Chí Minh: “Trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng”3. Khi chiến đấu, người chính ủy, CTV phải ở trước mặt trận để lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chỉ huy tác chiến. Điều đó, đòi hỏi chính ủy, CTV phải có kiến thức về quân sự và khả năng tổ chức chỉ huy các hoạt động quân sự. Người chỉ rõ: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc”4. Để thực hiện vai trò đó, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với CBCT phải có kiến thức toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, khoa học – nghệ thuật quân sự; đặc biệt, phải có trình độ lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững đường lối, nhiệm vụ chính trị, đường lối nhiệm vụ quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hướng nhiệm vụ công tác chính trị; phải có trình độ nghiệp vụ và năng lực chuyên sâu về công tác đảng, công tác chính trị… Đồng thời, phải thường xuyên tích lũy kinh nghiệm dồi dào; có năng lực tư duy lý luận, có khả năng tổng kết thực tiễn cũng như vận dụng lý luận vào thực tiễn, chủ động, sáng tạo giải quyết thành công những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng (CTTT) là một mặt hoạt động cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”5. Vai trò của công tác giáo dục CTTT trước hết ở việc trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng lập trường giai cấp công nhân, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật trong Quân đội và tinh thần cảnh giác cách mạng cho quân nhân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật Nhà nước được đề cao”6. Cấp ủy, chính ủy, CTV, chỉ huy, cơ quan chính trị và đội ngũ CBCT các cấp đã quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục CTTT tại đơn vị, phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xác định chủ trương, biện pháp, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục CTTT.

Công tác giáo dục CTTT ở đơn vị cơ sở đã bám sát đặc điểm nhiệm vụ từng giai đoạn và đời sống của bộ đội; chú trọng kết hợp công tác giáo dục với công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống, thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động, nhất là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến tuyên truyền pháp luật. Đội ngũ CBCT ở các đơn vị đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục CTTT, trên cơ sở đó, xây dựng cho bộ đội thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong thực hiện nhiệm vụ, giúp cán bộ, chiến sĩ thấu suốt nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và nhiệm vụ của đơn vị, nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, công tác giáo dục CTTT ở đơn vị cơ sở vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, như: nhận thức của một số cán bộ chính trị về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục CTTT chưa đầy đủ. Hoạt động giáo dục thường xuyên còn đơn giản, chưa đồng bộ, việc giáo dục cá biệt đối với từng đối tượng ở một số đơn vị chưa được coi trọng triệt để. Trong dự báo, đánh giá, nhận định và giải quyết tư tưởng có biểu hiện thiếu chủ động, nhạy bén, chưa thực sự bám sát tình hình và diễn biến tư tưởng, nhất là những thời điểm nhạy cảm, phức tạp. Nội dung, phương pháp giáo dục chưa gắn chặt định hướng tư tưởng với chỉ đạo hành động, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục pháp luật, kỷ luật. Việc phát huy vai trò của đội ngũ CBCT trong công tác giáo dục CTTT còn hạn chế; chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ CBCT các cấp chưa cao; năng lực, phương pháp sư phạm của một số CBCT chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng bài giảng và các hoạt động định hướng tư tưởng chưa cao, thiếu tính thực tiễn, ít thông tin. Khả năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục CTTT ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, vận dụng sáng tạo vào thực hiện công tác giáo dục CTTT ở đơn vị có hiệu quả, thiết thực. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ; là cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội. Nội dung quán triệt cần phải được tiến hành thường xuyên, cụ thể, bám sát kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, kết hợp giữa việc nghiên cứu, học tập trung với tự nghiên cứu, tự quán triệt. Coi trọng nâng cao chất lượng cả về nội dung và phương pháp, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết những vấn đề tư tưởng.

Hai là, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương pháp tổ chức giáo dục CTTT cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Với điều kiện hiện nay, công tác giáo dục CTTT cần coi trọng tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các nội dung, như: chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chiến lược Quốc phòng Việt Nam, chiến lược quân sự Việt Nam, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia,… tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị; giáo dục làm rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, đối tượng tác chiến của Quân đội và bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam…; đồng thời, trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học, văn hóa – xã hội, nhất là về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ.

Đổi mới các hình thức giáo dục CTTT, như: học tập chính trị; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; ngày chính trị và văn hóa tinh thần; thông báo chính trị – thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các thiết chế văn hóa, thiết chế dân chủ. Nghiên cứu vận dụng thích hợp hình thức giáo dục mới là học tập trên internet, mạng xã hội…

Ba là, chủ động nắm bắt, đánh giá, phân loại và giải quyết tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, định hướng tư tưởng, dư luận trong đơn vị. Cần thực hiện tốt nội dung, yêu cầu các khâu, các bước của công tác quản lý tư tưởng ở đơn vị cơ sở, bảo đảm nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của bộ đội, phân tích đánh giá, phân loại sát thực tế, giải quyết đúng đắn, kịp thời và có hiệu quả những vấn đề nảy sinh, bảo đảm sự ổn định vững vàng về tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo. Duy trì có nền nếp việc nắm tình hình tư tưởng bộ đội qua chế độ báo cáo, giao ban, phản ánh. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm chắc hồ sơ lý lịch, quản lý chặt chẽ các đối tượng trong đơn vị. Duy trì nghiêm chế độ học tập, sinh hoạt, công tác, chú trọng rèn kỷ luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kịp thời báo cáo theo phân cấp, làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy, kịp thời rút kinh nghiệm trong quản lý, giải quyết tư tưởng.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức triển khai có hiệu quả hình thức sinh hoạt “ngày chính trị và văn hóa tinh thần”, sinh hoạt tư tưởng, tọa đàm, đối thoại ở cơ sở. Qua đó, nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp giải quyết những vướng mắc, nhu cầu nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ. Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý tư tưởng với công tác chính sách, công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng nhân rộng những tấm gương điển hình tiến tiến trong cơ quan, đơn vị; xây dựng môi trường văn hóa, bảo đảm tiêu chuẩn đời sống tinh thần cho bộ đội.

Bốn là, đẩy mạnh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” là một nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp và ý thức hệ trong điều kiện mới. Đặc biệt chú trọng đến phát huy vai trò của “lực lượng 47” trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” ở đơn vị cơ sở bằng những nội dung, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Chủ động đấu tranh chống các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái thù địch, đặc biệt là trên không gian mạng. Kịp thời dự báo những sự thay đổi trong âm mưu, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, thông qua đó, đề ra các chủ trương, giải pháp định hướng cho cán bộ, chiến sĩ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong tình hình mới.

Chú thích:
1, 4, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 217, 218, 483.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập.Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 502.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 485.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 219 – 220.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện “Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” (2013 – 2018). Hà Nội, 2018.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Vũ Minh Thành
Trường Sĩ quan Chính trị