Tăng trưởng xanh với quyền con người

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với quyền con người từ năm 2011 đến nay đã và đang thúc đẩy quyền tham gia của cá nhân, cộng đồng vào sinh kế xanh, lối sống xanh theo hướng hài hòa giữa con người với kinh tế và môi trường. Trên cơ sở đó, cần đẩy mạnh truyền thông và xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân; xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ quyền về môi trường; phát động cuộc vận động “sinh kế xanh, lối sống xanh” trên phạm vi toàn quốc.
Ảnh minh họa (internet).
Quyền con người đối với tăng trưởng xanh

Quyền con người đối với tăng trưởng xanh (TTX) là thực hiện quyền tham gia của cá nhân, cộng đồng theo hướng tiêu dùng xanh, sản xuất xanh, rộng hơn là sinh kế xanh, lối sống xanh. Bằng cách giảm mức tiêu thụ tài nguyên, năng lượng trong sinh hoạt thường nhật và trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng khó hoặc không thể tái tạo (thép, xi măng, cơ khí,…) có lợi cho môi trường sinh thái, trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, phát triển bền vững trên cơ sở duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng nhu cầu người dân với mức tác động thấp nhất đến môi trường sinh thái và làm lợi cho môi trường văn hóa.

TTX gắn với bảo đảm quyền con người là một chiến lược hướng đến mục tiêu kép: (1) Tích cực hóa vai trò chủ thể của con người trong mối quan hệ cân bằng với môi trường tự nhiên – xã hội. (2) Tối ưu hóa sản lượng kinh tế và giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Ở đây vị trí của bảo đảm quyền con người  không đơn thuần chỉ thể hiện ở khía cạnh kết quả phái sinh của tăng trưởng kinh tế mà trước tiên và chủ yếu là vai trò chủ thể của con người trong sản xuất, tiêu dùng, sinh kế và lối sống hài hòa với môi trường tự nhiên  – xã hội, từ cách nghĩ đến cách làm.

Quá trình xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với quyền con người

– Giai đoạn 2011 – 2020: ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: (1) Xanh hóa sản xuất thông qua việc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa sạch bằng cách rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; (2) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững bằng cách kết hợp lối sống đẹp, truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng TTX và phát triển bền vững.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 – 2020, gồm 4 chủ đề chính: (1) Xây dựng thể chế và kế hoạch TTX tại địa phương. (2) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (3) Thực hiện xanh hóa sản xuất. (4) Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Việc triển khai, thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX từ năm 2012 đến nay đã nâng cao nhận thức của Nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của TTX. Từ đó, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện TTX; xuất hiện những mô hình sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.

Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu TTX đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể: đã có 8 bộ và 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược TTX thời kỳ 2011 – 2020. Từ các kế hoạch hành động trên, nội dung TTX đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các luật, nghị định, thông tư trong những lĩnh vực cụ thể để tạo hành lang pháp lý nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược thời kỳ 2011 – 20201, như: Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật Khí tượng thủy văn năm 2015; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới TTX. Cụ thể trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải…

Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược TTX thời kỳ 2011 – 2020 đã đạt được kết quả khả quan, như: các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp (DN) công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% (năm 2010) lên 46,9% (năm 2020); tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng 23,5% so với năm 2015);…2.

– Giai đoạn 2021 – 2030: ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, Chiến lược cũng đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống gần gũi với thiên nhiên trong truyền thống văn hóa nhằm thúc đẩy lối sinh kế xanh và lối sống nói chung hài hòa với thiên nhiên trong xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới. Cụ thể:

(1) Về TTX: Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP giảm từ 1 – 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 – 20%; kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao trong tổng xuất khẩu đạt trên 60%… Đến năm 2050, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP giảm từ 1,5 – 2%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25 – 30%; kinh tế số chiếm 50% GDP; tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao trong tổng suất khẩu đạt trên 80%,…3.

(2) Về sống xanh (sinh kế và lối sống bền vững): là những suy nghĩ, thói quen và hành động nhằm giảm thiểu dấu chân các-bon (carbon footprint), như: tránh lãng phí thực phẩm, tái sử dụng đồ vật, thay đổi phương thức di chuyển nhằm giảm khí thải các-bon sống dung hòa với thiên nhiên tươi xanh. Quá trình chuyển đổi theo hướng sống xanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm nhằm bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của TTX để không ai bị bỏ lại phía sau.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 là chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai “Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh”; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%;…4. Định hướng chung, đơn giản đối với mỗi người và xã hội, trước tiên và cơ bản chỉ là thay đổi thói quen sinh sống để giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tránh gây tác động xấu đến môi trường, như: sử dụng tiết kiệm nước, phương tiện đi lại, thực phẩm thân thiện với môi trường ngay tại từng địa phương; phân loại rác thải để dễ dàng cho việc tái chế; sử dụng tiết kiệm năng lượng (điện, than, lương thực, thực phẩm…) trong sinh hoạt, sản xuất; tránh tối đa việc sử dụng đồ nhựa; trồng và chăm sóc cây xanh ngay từ mỗi gia đình.

Đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh gắn với bảo đảm quyền con người

Cho đến nay, ở mức độ nhất định, nhận thức của một số bộ, ngành và chính quyền địa phương về TTX cũng còn một số bất cập, hạn chế. Một nguyên nhân và cũng là thực trạng những dự án của các bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về TTX chủ yếu dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, mà chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của các bộ, ngành, địa phương như Chương trình liên minh sinh kế xanh quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn có sự trùng lặp và xung đột về mục tiêu giữa các chiến lược, như: chiến lược phát triển bền vững, chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược TTX… Nguồn lực thực hiện chiến lược TTX hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.

Vì vậy, với phương hướng chung là vận động và phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của người dân và DN, phát triển kinh tế gia đình, DN theo hướng sinh kế xanh và lối sống xanh để phát huy lợi thế đặc thù của mỗi địa phương trong liên kết nội vùng, liên vùng nhằm tạo không gian phát triển bền vững. Qua đó, bảo đảm tăng trưởng kinh tế xanh dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để thực hiện điều này cần đẩy mạnh việc áp dụng rộng rãi nội dung sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, gắn với bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người nhằm bảo đảm phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, rộng hơn là sinh kế xanh và lối sống xanh. Theo đó, các giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, đẩy mạnh truyền thông và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích thực hiện sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và sinh kế xanh, lối sống xanh nói chung. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, hệ thống tiêu chuẩn (tiêu chí) xanh cho các chương trình, dự án sản phẩm và dịch vụ. Trong đó, chú trọng tích hợp các mục tiêu TTX vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo hướng giảm phát thải gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.

Trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến TTX (Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn,…); xây dựng, ban hành văn bản pháp quy mới nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động quản lý liên quan đến TTX, như: nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh; xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chí thống kê, cơ sở dữ liệu về TTX, các quy định, hướng dẫn theo hướng tăng cường tính ràng buộc pháp lý trong triển khai, thực hiện chiến lược TTX. Cùng với việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong công tác giám sát và đánh giá định kỳ việc thực hiện chiến lược TTX.

Thứ hai, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Chiến lược quốc gia về TTX đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ việc triển khai, thực hiện Chiến lược. Trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho TTX còn rất hạn chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh nguồn đầu tư tư nhân, nguồn đầu tư này mang tính quyết định đối với quá trình xanh hóa sinh kế và lối sống trong xã hội, do đó, bảo đảm thành công trong thực hiện Chiến lược. Nguồn đầu tư tư nhân bao gồm: các dự án đầu tư của DN FDI, DN trong nước, kinh tế gia đình (hộ sản xuất, gia trại, trang trại),… Để huy động được nguồn đầu tư tư nhân, theo các chuyên gia, các chính sách của Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì ngắn hạn, phải có tầm nhìn từ 5 năm trở lên để tạo sự tin tưởng cho đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, việc triển khai cung ứng vốn cho đầu tư tư nhân phát triển cần được thực hiện phổ cập hơn, mạnh mẽ hơn từ ngân hàng nhà nước đến các ngân hàng cổ phần, liên doanh với nước ngoài.

Thứ ba, xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch hành động TTX của các bộ, ngành và địa phương trong thực tế.

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về TTX, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng, ban hành và thực hiện dựa trên thực tế kế hoạch hành động TTX liên kết với mục tiêu của các chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu,… Đặc biệt phải gắn với việc thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất, tiêu dùng bền vững, thực hiện chỉ tiêu giảm tiêu thụ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (thép, xi măng, cơ khí,…).

Thứ tư, tăng cường bảo vệ quyền về môi trường trong quá trình đẩy mạnh thực hiện TTX.

Nhà nước cần cập nhật thông tin thường xuyên về tác động của môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thực hiện trách nhiệm công bố thông tin về môi trường, tình trạng môi trường; bảo vệ quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo đảm quyền, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư đối với việc gắn phát triển kinh tế – xã hội trong bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền khởi kiện về môi trường; bổ sung quy định về xác định trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ năm, phát động cuộc vận động “sinh kế xanh, lối sống xanh” từ trung ương đến cơ sở.

Trước hết, cần xác định “sinh kế xanh, lối sống xanh” là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Tuyên truyền thực trạng ô nhiễm môi trường, diện tích rừng bị thu hẹp, trái đất đang nóng lên… theo đó, vận động, kêu gọi toàn dân tạo lối sống xanh trong sinh hoạt hằng ngày vì môi trường, như: học cách từ chối và nói không với sự lãng phí; tái sử dụng và tận dụng hết tính năng của các món đồ; ăn thực phẩm “xanh” là thực phẩm hữu cơ; tiết kiệm và sử dụng nguồn năng lượng “xanh” giúp tiết kiệm tài chính và tài nguyên điện; sử dụng đồ dùng “xanh” thân thiện với môi trường giúp tiết kiệm và giảm chất thải ra môi trường đất; dùng nước hợp lý cũng là một cách “sống xanh” giúp tiết kiệm chi phí và hạn chế lượng ô nhiễm môi trường nước; di chuyển theo kiểu “sống xanh” giúp cơ thể khỏe hơn và ngăn trái đất nóng lên…

Chú thích:
1, 2, 3. Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân. http://consosukien.vn, ngày 28/10/2021.
4. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. https://moit.gov.vn, ngày 02/10/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
2. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 củaThủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
4. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
5. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
ThS. Nguyễn Thị Loan Anh
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội