Huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Huyện Ea H’Leo nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk có nhiều tài nguyên về rừng và đất trong đó có cao su và cà phê là hai loại cây công nghiệp chủ đạo, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Hiện nay, huyện có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Ea Drăng và 11 xã. Trong năm qua, huyện đã tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới huyện Ea H’Leo giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 07/7/2021 của Huyện ủy đề ra.
Ảnh minh họa (Nguồn: eahleo.daklak.gov.vn)
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới của huyện Ea H’Leo

Để triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình theo tiêu chí nông thôn mới (NTM), Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Ea H’Leo đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện (tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 09/3/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) huyện Ea H’Leo giai đoạn 2021 – 2025) và Văn phòng Điều phối chương trình NTM huyện (Quyết định số 559/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 về việc kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM huyện Ea H’Leo). Mặc dù do đại dịch Covid-19 bùng phát, song việc tuyên truyền xây dựng NTM vẫn được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trực tiếp hoặc lồng ghép trong các hoạt động tại cơ quan, trụ sở UBND xã, tại các thôn, buôn khi có người dân tham gia. Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chương trình xây dựng NTM, giúp người dân biết được mục đích, ý nghĩa, nội dung xây dựng NTM, hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của chương trình. Chính vì vậy, huyện Ea H’Leo đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM trong thời gian qua như sau:

Một là, về quy hoạch xây dựng NTM (tiêu chí số 1): 11/11 xã được quy hoạch xây dựng NTM và có 7 xã đã công bố, công khai các nội dung đồ án quy hoạch xây dựng NTM (còn 4 xã chưa thực hiện); có 6 xã được điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM (DliêYang, Ea Khăl, Ea Nam, Cư Mốt, Ea H’Leo, Ea Wy) giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hai là, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội (tiêu chí số 2 – 9):

(1) Giao thông – tiêu chí 2: xây dựng giao thông nông thôn với tổng số 46 công trình; huy động Nhân dân và doanh nghiệp đóng góp bê tông hóa 71.989 m đường giao thông; đến nay, đã có 8/11 xã đạt (còn lại 3 xã: Ea Sol, Cư Amung, Ea Tir chưa đạt).

(2) Thủy lợi – tiêu chí 3: hiện đã có 51 công trình thủy lợi và 3 công trình thủy điện, tổng dung tích chứa các công trình thủy lợi trên 6 triệu m3. Hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện là 23,34 km, đã kiến cố hóa 15,46 km, đạt 66,2%, đã có 10/11 xã đạt.

(3) Về điện – tiêu chí 4: hệ thống điện nông thôn không ngừng được cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các xã đã có lưới điện (đạt tỷ lệ 100%), tỷ lệ thôn, buôn có điện là 100%, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn từ các nguồn là 98%. Tính đến nay, có 11/11 xã đạt.

(4) Về trường học – tiêu chí 5: đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các phòng học của các trường trên địa bàn huyện, trong đó, nâng cấp, sữa chữa 10 trường học. Đến nay, tỷ lệ thôn, buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (tính ở vùng nông thôn): 21/58 trường, tỷ lệ 36,2%, trong đó bậc mầm non có 2/17 trường, tỷ lệ 11,8%, cấp tiểu học có 17/27 trường, tỷ lệ 63%, THCS có 02/14 trường, tỷ lệ 14,3%. Đã có 11/11 xã đạt tiêu chí trường học.

(5) Cơ sở vật chất văn hóa – tiêu chí 6: đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khảo sát, hỗ trợ thiết chế văn hóa cho trung tâm văn hóa – thể thao xã. Huy động người dân đóng góp xây dựng mới 3 hội trường thôn buôn. Hiện nay, đã có 8/11 xã có trung tâm văn hóa xã, 165/179 thôn, buôn có hội trường bảo đảm theo quy định, đạt 92%, có 7/11 xã đạt.

(6) Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn – tiêu chí 7: các chợ nông thôn không ngừng được sửa chữa, nâng cấp tại các xã Ea Nam, Ea Ral, Ea H’leo, Ea Sol, Ea Wy, Cư Mốt phục vụ tốt nhu cầu giao thương trao đổi hàng hóa. Đã có 10/11 xã đạt chuẩn (còn xã Cư A Mung chưa đạt).

(7) Thông tin và truyền thông – tiêu chí 8: hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông được đầu tư phát triển và mở rộng phạm vi tại các xã, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành, phục vụ an ninh – quốc phòng; 91% số xã có nhà bưu điện xã, các thôn, buôn có điểm truy cập internet hoặc có hệ thống lắp đặt internet đến tận thôn, buôn; có hệ thống và người dân sử dụng mạng WiFi, 3G… UBND các xã đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (hệ thống IDesk, IGate) phục vụ công tác cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần bảo đảm hệ thống trao đổi thông tin thống nhất từ cấp huyện đến cơ sở. Kết quả, có 10/11 xã đạt chuẩn tiêu chí này (còn xã Ea Tir chưa đạt).

(8) Về nhà ở dân cư – tiêu chí 9: công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát, hộ gia đình chính sách có công khó khăn về nhà ở được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, có 11/11 xã đạt.

Ba là, giảm nghèo, an sinh xã hội và tổ chức sản xuất (tiêu chí số 10 – 13): các chương trình mục tiêu, các dự án giảm nghèo, an sinh xã hội luôn được thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao, như: chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, kết hợp với công tác khuyến nông, khuyến lâm; chính sách cứu trợ xã hội; chính sách hỗ trợ về giáo dục; chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ 5,99% và có 9/11 xã đạt.

Bốn là, phát triển giáo dục ở nông thôn (tiêu chí số 14): UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng trường chuẩn quốc gia các cấp học để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện từng tiêu chuẩn, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 32 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường mầm non, 22 trường tiểu học và 7 trường trung học cơ sở.

Năm là, phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn (tiêu chí số 15): đẩy mạnh công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế thực hiện tốt, các chế độ, chính sách cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế, đặc biệt là bảo hiểm y tế diện 139 (dân tộc thiểu số và người nghèo) và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm thực hiện. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được chỉ đạo thực hiện tốt. Tính đến nay, có 11/11 xã đạt tiêu chí y tế.

Sáu là, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn (tiêu chí số 16): hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của huyện; bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc. Triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại xã Ea Hiao; tập trung triển khai xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử huyện Ea H’Leo trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn và định hướng đến năm 2040. Hoạt động bưu chính viễn thông duy trì và bảo đảm thông suốt, an toàn chất lượng ngày một tăng lên, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND huyện… Đã có 11/11 xã đạt tiêu chí này.

Bảy là, vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề (tiêu chí số 17): các xã thực hiện vệ sinh môi trường để đón nhận xã đạt chuẩn NTM, khu vực trụ sở và các khu dân cư văn minh. Đến nay, về cơ bản, đã có 11/11 xã thực hiện thu gom, xử lý rác thải, trong đó xã Ea Tir và xã Cư A Mung chưa có đội thu gom rác thải, nhưng người dân tự xử lý bằng biện pháp ủ, đốt rác trong các hố rác tự hủy theo các văn bản hướng dẫn của UBND huyện. Như vậy, đã có 8/11 xã đạt.

Tám là, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội trong xây dựng NTM: cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân (tiêu chí số 18): UBND huyện đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin năm 2021,… Nhìn chung, chính quyền 11/11 xã đã thực hiện tốt nội quy, quy chế, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được UBND huyện thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện tốt, trong đó đã có 11/11 xã đạt.

Chín là, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn (tiêu chí số 19): an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản được bảo đảm ổn định. Kết quả thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia. Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm quốc phòng” năm 2021; kế hoạch phòng thủ dân sự theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự được triển khai mạnh mẽ trong toàn huyện. Tính đến nay, đã có 11/11 xã đạt.

Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số địa phương chưa thực sự vào cuộc ở cả cấp ủy, chính quyền xã, thôn, buôn; công tác tuyên truyền, vận động chưa có sự chú trọng, đa dạng về hình thức nên hiệu quả triển khai thực hiện các tiêu chí chương trình NTM thấp, một số cán bộ và một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ bản chất của chương trình, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

Việc bố trí lực lượng trực tiếp thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các xã còn hạn chế về năng lực cũng như kinh nghiệm,  do thường xuyên bố trí công việc nên công tác tham mưu đánh giá, dự báo, xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, báo cáo làm chưa tốt, chưa sát đúng với tình hình thực tế. Một số thành viên Ban chỉ đạo huyện, Ban quản lý các xã chưa sâu sát cơ sở, chỉ đạo thiếu tính cụ thể, thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện chương trình.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của người dân chưa cao.

Chưa thực sự thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Phong trào xây dựng NTM còn trầm lắng, chưa sâu rộng, đồng đều ở các xã. Một số xã thực hiện các tiêu chí còn chồng chéo, đạt kết quả thấp và thiếu bền vững như: tiêu chí số 2 (giao thông), tiêu chí số 17 (môi trường), tiêu chí số 11 (hộ nghèo), tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức)…

Một số đề xuất nhằm triển khai hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Ea H’Leo trong thời gian tới

Để thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Ea H’Leo đã xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó đến hết năm 2022, có 81,8% số xã (9/11 xã) hoàn thành xây dựng NTM; phấn đấu năm 2022 có thêm xã Ea H’Leo đạt chuẩn NTM; đưa xã Cư Mốt đạt chuẩn NTM nâng cao và có từ 2 – 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Theo đó, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, để đạt chỉ tiêu Kế hoạch Chương trình xây dựng NTM năm 2022 và các năm tiếp theo, trong đó cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã đánh giá, xác định mức độ đạt các tiêu chí NTM, tuân thủ trình tự thủ tục về xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt.

Thứ hai, đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động, coi trọng việc phổ biến những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những mô hình hay trong xây dựng NTM để huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình từ huyện đến xã, thôn, buôn…

Thứ ba, tập trung đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, trong đó triển khai thực hiện các hạng mục công trình, giải ngân nguồn vốn bố trí xây dựng hạ tầng và ưu tiên lựa chọn triển khai các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu, ưu tiên cho các xã đăng ký tiêu chuẩn NTM. Đặc biệt, phát huy cao sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thi công và giám sát cộng đồng nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng công trình.

Thứ tư, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, phát triển các vùng sản xuất tập trung và các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác khuyến nông- chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ, làm tốt công tác thú y, bảo vệ thực vật, quản lý giống cây trồng, vật nuôi; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường nông thôn, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết rác thải, nước thải nông thôn, quy hoạch và quản lý nghĩa trang. Các xã chỉ đạo thôn, buôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước thôn, buôn trong công tác tự xử lý rác thải, nước thải tại hộ gia đình và xây dựng mô hình tổ, nhóm dân cư tự quản trong quản lý vệ sinh môi trường tại thôn, buôn.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững an ninh trật tự xã hội ở nông thôn.  Tập trung đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng an ninh nông thôn. Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao năng lực và vị thế cho phụ nữ nông thôn. Nâng cao vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để phối hợp quản lý mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội; giữ vững an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Thứ bảy, rà soát, điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch xã, huyện NTM và đề án xây dựng NTM và thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch NTM cần căn cứ vào các văn bản quy định của trung ương, của UBND tỉnh về xây dựng NTM.

Thứ tám, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các xã giữ vững, nâng chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện trong việc đánh giá mức độ đạt các tiêu chí và công tác hoàn thiện hồ sơ các tiêu chí về xây dựng NTM cho các xã trên địa bàn huyện. Trong đó, cần đề nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh kịp thời để UBND huyện Ea H’Leo triển khai thực hiện Chương trình NTM theo chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh đã giao. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành của tỉnh được giao phụ trách từng tiêu chí NTM tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện cụ thể theo từng nội dung, công việc trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ chín, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó có hỗ trợ kết nối, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng nông thôn của huyện để giải quyết tốt khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 661/BC-UBND ngày 16/11/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Ea H’Leo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia  xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
2. Báo cáo số 01/BC-VPĐP ngày  15/01/2021 của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
3. Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 05/6/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Ea H’Leo về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Ea H’Leo giai đoạn 2010 – 2020.
4. Quyết định 410/QĐ-UBND ngày 09/3/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Ea H’Leo về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Ea H’Leo giai đoạn 2021 – 2025.
5. Quyết định số 559/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Ea H’Leo về việc kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Ea H’Leo.
Phạm Văn Khôi
Ủy ban nhân dân huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk