Quản trị nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh và định hướng cải thiện

(Quanlynhanuoc.vn) – Nền hành chính quốc gia Việt Nam được thiết kế theo Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và những sắc lệnh tiếp theo đã có những đặc điểm của một nền quản trị theo hướng hiện đại, dân chủ, phát triển, có hiệu lực từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệttinh thần của bản Hiến pháp năm 1946 phản ánh tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một chính quyền mạnh, sáng suốt, hoạt động vì Nhân dân, chịu sự kiểm soát, bãi miễn của Nhân dân. Hệ thống các sắc lệnh và quy định về tổ chức nhà nước và pháp luật trong giai đoạn này đã hình thành một thể chế nhà nước của thời đại Hồ Chí Minh mang giá trị nhân văn và phát triển bền vững. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quản trị nhà nước trong xây dựng chính phủ số, chính quyền thông minh, quản trị thông minh cần được làm sáng tỏ trong bối cảnh phát triển của nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn.
Quản trị nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Thể chế, định chế nhà nước là sản phẩm của Nhà nước, của trí tuệ tập thể trong bối cảnh xã hội nhất định. Ở thời đại Hồ Chí Minh, dấu ấn của Người thể hiện ở quan điểm, mục tiêu xây dựng nhà nước kiểu mới, một nền hành chính của Nhân dân, lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu hoạt động.

Tư tưởng của Người về một nhà nước của dân, do dân, vì dân ở chỗ:

(1) Của dân, là: dân bầu ra Nhà nước, gồm những người được do dân tín nhiệm; dân kiểm soát Nhà nước; dân bãi miễn Nhà nước; dân biểu thị khen, chê Nhà nước.

(2) Do dân, là: dân tự làm, tự lo, tự giải quyết trong vòng pháp luật; Nhà nước chỉ can thiệp vừa, đủ, đúng theo pháp luật.

(3) Vì dân là: mọi quy định pháp luật đều vì dân; mọi lợi ích cho dân; mọi thuận tiện cho dân; xóa đặc quyền, đặc lợi; thân dân; gần dân.

Theo Người, nền hành chính nhà nước được thiết kế, tổ chức để phục vụ Nhân dân, chăm lo cho lợi ích của Nhân dân. Hiến pháp năm 1946 quy định: cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ (có nghĩa Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của Nhà nước), người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, là người nắm tập quyền hành pháp trong bộ máy nhà nước. Chính phủ hoạt động dựa trên Hiến pháp và pháp luật, là trung tâm điều chỉnh mọi hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước.

Hình ảnh về chính quyền địa phương (CQĐP) giai đoạn này được xem là một cơ quan “tự quản” của Nhân dân, một cơ quan quyết định về những vấn đề có tính địa phương bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương. Quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) về nguyên tắc là quyết định tất cả những vấn đề có tính địa phương được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều sắc lệnh.

Quyền hạn của Nhà nước trung ương là thực hiện sự thống nhất và tập trung, đưa ra một danh mục công việc bắt buộc HĐND phải xin phép trung ương nếu CQĐP muốn thực hiện. Ngoài danh mục đó CQĐP tự quyết định mọi công việc.

Để bảo đảm cho HĐND thực hiện đầy đủ thẩm quyền, các nghị quyết của HĐND phải gửi lên cơ quan hành chính cấp trên trong một thời hạn nhất định nếu không có sự bác bỏ hoặc yêu cầu bổ sung thì HĐND sẽ đương nhiên thực hiện nghị quyết đó. HĐND có thẩm quyền rộng và đặt dưới sự quản lý của Chính phủ là những định chế đến nay vẫn có giá trị và ý nghĩa thời sự. Có nhiều nguyên nhân về kinh tế, lịch sử, chính trị, hành chính của thiết chế HĐND chỉ có ở cấp tỉnh và cấp xã, không có HĐND cấp huyện.

Về Ủy ban hành chính các cấp cũng có nhiều nét đặc biệt, Ủy ban này do HĐND bầu ra, đồng thời là cơ quan đại diện cho Chính phủ tại mỗi cấp, hoạt động chủ yếu theo mệnh lệnh từ trên xuống. Ủy ban hành chính cấp trên có quyền kiểm soát và phê duyệt một số hoạt động của Ủy ban hành chính cấp dưới.

Từ Ủy ban hành chính cấp kỳđến cấp tỉnh, huyện và xã, chức năng, quyền hạn rất cụ thể, không lẫn với HĐND, thi hành mệnh lệnh của Chính phủ và cơ quan hành chính cấp trên, kiểm soát các cơ quan chuyên môn cùng cấp và cơ quan hành chính cấp dưới, theo dõi hoạt động của HĐND cấp dưới, chấp nhận hoặc không chấp nhận các nghị quyết của HĐND cấp dưới. Việc thi hành mệnh lệnh của cơ quan hành chính cấp trên, Ủy ban hành chính còn là cơ quan thực hiện các nghị quyết của HĐND cùng cấp, là một bộ phận của chính quyền nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương. Riêng về Ủy ban hành chính xã, còn có một nhiệm vụ về tư pháp là thi hành các bản án của toà án.

Với vị trí, chức năng, quyền hạn đó đã được Hồ Chí Minh cho thấy về một nền hành chính tập trung trên nguyên tắc dân chủ, nói cụ thể hơn đó chính là sự kết hợp các nguyên tắc tập quyền, phân quyền và tản quyền trong nền hành chính quốc gia.

Quyền hạn của Nhân dân trong việc kiểm tra HĐND và Ủy ban hành chính được một cơ chế pháp lý bảo đảm. Đó là việc cử tri có quyền phúc quyết, “không tín nhiệm” HĐND, các HĐND có quyền phúc quyết Ủy ban hành chính cùng cấp (xã, tỉnh). Đối với cấp kỳ và cấp huyện không có HĐND thì việc phúc quyết Ủy ban hành chính do HĐND cấp dưới một cấp thực hiện. Như vậy, có thể nói, một cơ chế kiểm soát của Nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực ở các cấp CQĐP đã hình thành rõ nét trong những năm đầu của chính quyền dân chủ nhân dân. Và điều này chứng minh thực tiễn lịch sử tư tưởng quản trị nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là luôn đặt quyền và lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu để xây dựng, tổ chức bộ máy với những kỹ trị nhằm thực thi nền quản trị nhà nước dân chủ, tiến bộ, hiệu quả.

Xu hướng chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính phủ số, chính quyền thông minh, quản trị nhà nước hiệu lực, hiệu quả

Ngày nay, xu hướng của các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng các mô hình quản trị thông minh trong quản lý, có thể kể đến mô hình trưởng thành của Chính phủ số theo Gartnerdưới đây:

Bảng: Mô hình trưởng thành của Chính phủ số theo Gartner

Chính phủ Điện tử Mở Tập trung vào Dữ liệu Hoàn toàn số hóa Thông minh
Mức độ trưởng thành 01
Khởi đầu
02
Đang phát triển
03
Được xác lập
04
Được quản lý
05
Tối ưu hóa
Giá trị cốt lõi Sự tuân thủ Sự minh bạch Giá trị lập hiến Sự chuyển đổi từ nhận thức sâu sắc Sự bền vững
Mô hình dịch vụ Phản ứng thụ động (reactive) Bậc trung Tiên phong chủ động (proactive) Tích hợp Dự báo
Nền tảng CNTT là trung tâm Khách hàng là trung tâm Dữ liệu là trung tâm Mọi vật là trung tâm

Hệ sinh thái là trung tâm

Hệ sinh thái Chính phủ là trung tâm Đồng sáng tạo dịch vụ Nhận thức Gắn kết Tiến hóa
Yếu tố dẫn dắt Công nghệ Dữ liệu Kinh doanh Thông tin Đổi mới sáng tạo
Công nghệ cốt lõi Kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) Quản trị giao diện lập trình ứng dụng (API) Mở bất cứ dữ liệu nào Chuẩn hóa theo môđun Trí tuệ (nhân tạo)
Thông số đánh giá chính % dịch vụ trực tuyến Số tập dữ liệu mở % cải thiện về kết quả, KPI % dịch vụ mới và lỗi thời

Số mô hình cung cấp dịch vụ mới

Tiếp đó, quản trị thông minh (S.M.A.R.T)là nội dung quan trọng, trong đó thể hiện rõ vai trò của thông tin và công nghệ truyền thông trong việc cải thiện nền hành chính công.

Xuất phát từ sự nhận thức về vai trò của thông tin và công nghệ truyền thông đối với quản trị nhà nước, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định phát triển chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số cũng chính là để nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Việc sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại tổ chức và vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hiệp quốc (được quy định tại Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”).

Theo đó, Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “4 không”: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “4 có”: có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tếxã hội.

Để triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/2018/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), kết quả cho đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh4.

Hiện nay, hệ thống chính trịhoạt động theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ5. Đảng lãnh đạo có nghĩa là Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại. Nhà nước (bao gồm Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp) quản lý có nghĩa là Nhà nước tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, biến nó thành hiện thực. Nhân dân (thông qua Mặt trận, các tổ chức quần chúng thành viên của Mặt trận) làm chủ là chủ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thụ hưởng các thành quả do mình làm ra.

Riêng về các cơ quan nhà nước thì Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; Chính phủ là cơ quan hành pháp, có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, biến luật pháp của Nhà nước, tức cũng là đường lối của Đảng thành hiện thực, tạo ra của cải vật chất, quản lý xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn thể nhân dân, cho đất nước; các cơ quan tư pháp (gồm tòa án, viện kiểm sát…) là cơ quan bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cho xã hội, cho nhân dân.

Thực tiễn trong suốt hơn 75 năm qua, những thành tựu đạt được của Chính phủ bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, sự kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản trị nhà nước.

Có thể nhận thấy, hệ thống chính trị của Nhà nước được xây dựng nhằm tận dụng tối đa và tối ưu các nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, khi đổi mới, áp dụng quản trị thông minh vào trong quản lý hành chính nhà nước đã xóa nhòa mọi ranh giới giữa cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp. Trong tương lai, quản trị số – là phương thức để người dân tham gia quản lý, giám sát và thực hiện quyền chính trị của mình đối với Nhà nước và xã hội. Những tư tưởng, phương thức đổi mới, sáng tạo để áp dụng quản trị thông minh ở các cấp chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội chính là sự học tập, kế thừa những đặc trưng quản lý, quản trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền hành chính của dân, do dân, vì dân từ nội dung bản Hiến pháp năm 1946.

Với cách tiếp cận phát triển theo xu hướng quốc tế thì quản trị thông minh được dựa trên nội dung và giá trị của quản trị tốt (good governance), là một hệ thống lấy tương tác giữa nhà nước và các chủ thể trong xã hội làm trọng tâm trong việc ra quyết định để đạt được các mục tiêu quản lý nhà nước và xã hội. Chẳng hạn, trong quá trình cải thiện nền hành chính công của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, làn sóng cải cách thứ nhất – “chính phủ nhỏ hơn” bao gồm các cải cách nhằm kiểm soát sự gia tăng chi tiêu của chính phủ. Làn sóng thứ hai – “chính phủ tốt hơn” – bao gồm các cải cách nhằm cải thiện dịch vụ và quan hệ với công chúng. Hiện nay, làn sóng thứ ba đang diễn ra – “chính phủ số, chính phủ thông minh” giúp nâng cao sự hài lòng của người dân, chính phủ hoạt động, điều hành linh hoạt và thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

Trong bối cảnh này, việc phát triển công nghệ thông tin và công cuộc chuyển đổi số sẽ đưa quản trị thông minh trong khu vực công là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và các khía cạnh dân chủ. Tạo mọi điều kiện tối ưu để người dân được làm chủ, được giám sát, được tham gia vào hoạt động quản lý xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, vẫn có một số lý do để giải thích cho việc vì sao các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công lại tỏ ra chậm chạp trong tiếp thu và áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc là do:

(1) Chi phí cao trong ứng dụng công nghệ thông tin xuất phát từ quy mô lớn của nền hành chính công;

(2) Sức ỳ và thói quen hành chính giấy tờ; những lo ngại về an ninh, bảo mật thông tin; những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã lỗi thời;

(3) Thiếu hiểu biết về công nghệ và kỹ năng sử dụng máy tính.

Trong khi rõ ràng là áp dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công sẽ giảm chi phí hành chính, phản ứng nhanh và chính xác hơn kể cả đối với yêu cầu ngoài giờ làm việc, có thể tiếp cận các bộ và CQĐP từ bất kỳ nơi nào, tạo điều kiện thu thập dữ liệu từ các hệ thống đang hoạt động, tạo thuận lợi trong tiếp xúc giữa chính phủ với người dân và ngược lại tăng cường sự phản hồi thông tin của người dân.

Một số định hướng cải thiện xây dựng chính phủ số, chính quyền thông minh, quản trị thông minh

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã rút ra 5 bài học lớn, thể hiện rõ nét sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay với một phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”6. Theo đó, “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”7.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và vận dụng để phát triển một nhà nước thực sự vì Nhân dân, cần chú trọng đến vấn đề nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; kiểm soát quyền lực nhà nước, chống các hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền công dân, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Đây cũng là sự kế thừa và phát triển tư duy tiến bộ về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng ta, trong đó quyền lực nhà nước phải được pháp luật quy định rõ ràng; làm căn cứ để thực thi và bảo vệ quyền của người dân (dân quyền) trên thực tế và xác định quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Bên cạnh việc phát huy cao nhất quyền dân chủ của Nhân dân, cần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, từ đó, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước và phù hợp với xu thế chung của chính phủ số, chính quyền thông minh.

Để bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất và linh hoạt, thích ứng trong quản trị thông minh, cần tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động quản lý hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này cho thấy tinh thần xây dựng Nhà nước dân chủ thực sự gắn bó với dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân bằng sự kế thừa và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản trị nhà nước.

Nội dung được nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả, trong đó cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại,… tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện điều này, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, cần có định hướng cải thiện cụ thể nhằm hướng đến nền hành chính dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm và lấy phục vụ công dân làm tôn chỉ hoạt động thì những người làm việc trong khu vực công ở Việt Nam phải thay đổi tư duy và văn hóa quản lý, từ quản lý dựa trên “quyền cai trị” sang lãnh đạo dựa trên “trách nhiệm” và tôn trọng các giá trị của khu vực công.

Hai là, xây dựng chính phủ số, chính quyền thông minh, quản trị thông minh, cần có tư duy số và sự văn minh, hiện đại trong văn hóa công vụ, cần thiết lập nền tảng đúng đắn, tức là không nên tính đến những công cụ quản lý nhà nước phức tạp, thậm chí dẫn đến tình trạng “lạm dụng luật” trong khi tổ chức bộ máy đó vẫn đang hoạt động hiệu quả,…

Ba là, cần chú trọng đến đến thực thi hiệu lực, hiệu quả chứ không phải là sự quan tâm đến những điều nghĩ ra, viết ra. Bởi thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo nhưng khi đánh giá tác động thì không thể đưa vào triển khai thực hiện trong thực tiễn (có nghĩa là cần quan tâm đến bản chất chứ không phải là biểu hiện hành vi bên ngoài). Đồng thời, cũng cần quan tâm đến việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, chú ý tránh sự sao chép. Việc thay đổi khi cần phải thay đổi, khi bắt gặp một cú hích lớn cũng sẽ tạo ra thời cơ để thay đổi, tuy nhiên đây cũng là những khó khăn, thách thức, vì vậy, cần có dự phòng tình huống để bắt kịp xu thế, tránh sai lầm hoặc đổ vỡ.

Bốn là, phải nhận biết rõ được mặt tích cực và mặt trái trong thực tiễn để tránh những sai lầm, không lặp lại sai lầm, không nóng vội và cần tìm các giải pháp bền vững, phù hợp. Trong tổ chức, cần đặt đúng người vào đúng vị trí…

Hiện nay, trong các quốc gia phát triển trên thế giới, CQĐP thực hiện theo hướng cải cách “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, cải cách cơ cấu lại bộ máy nhà nước và Chính phủ cho phù hợp với vai trò, chức năng mới cũng nên tham khảo của các quốc gia phát triển. Hiện nay, việc nghiên cứu chia tách, hay sáp nhập các bộ, các cấp CQĐP không được áp đặt, cơ học hay gượng ép. Cơ quan, tổ chức được lập mới do sáp nhập phải đạt mục tiêu tổ chức lại, tinh giản đầu mối, quản lý thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đạt yêu cầu Chính phủ tinh gọn, nhưng hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Điều này cần kiên trì, nhất quán và một ý chí chính trị rất cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Chú thích:
1. Cấp kỳ là cấp hành chính ở vùng nông thôn (Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945) ngoài tỉnh, xã, huyện. Ở đó tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.
2. Mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số”.http://cchc.mard.gov.vn, truy cập ngày 12/5/2022.
3. S.M.A.R.T – trong đó: S (social – tính xã hội) là việc cung cấp các dịch vụ thân thiện với công dân, cho phép người dân đồng sáng tạo với chính phủ; M (Mobile – tính di động) là việc sử dụng các công nghệ di động như SMS (Short Messaging Service), APP (Application), truyền thông xã hội, điện toán đám mây (Icloud) và mạng di động để cung cấp dịch vụ công thân thiện với người dân và thực hiện các nhiệm vụ khác của chính phủ; A (Analytics – sự phân tích) là việc có thể sớm đưa ra quyết định chính sách và hành động bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu lớn; R (Radical openness cởi mở triệt để) cung cấp khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng và sự tham gia của người dân để duy trì tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và các dịch vụ thân thiện với công dân; T (Trust – niềm tin) là sự cam kết cung cấp an ninh mạng hiệu quả cho các dịch vụ linh hoạt, sẵn có và dựa trên quyền riêng tư.
4. 41/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đang xây dựng đô thị thông minh. https://vietnamnet.vn, ngày 10/11/2021.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 72 – 73.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.249.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.118.
Tài liệu tham khảo:
1. Điều thứ 43, 58 Hiến pháp năm 1946.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8.H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
3. Ngân hàng Phát triển châu Á. Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012.
4. Quyết định số 942/2021/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.
5. The OECD Digital Government Policy Framework: Six dimensions of a Digital Government, 2020, p. 9.
6. OECD Digital Government Index (DGI), 2019, p. 14 – 16.
7. The Institute of Digital Government. The 15th WASEDA International Digital Government Rankings Report, 2020.
8. Từ Chính phủ điện tử đến chính phủ số: “4 Không” thêm “4 Có”. https://vneconomy.vn, ngày 16/6/2021.
9. Việt Nam sẽ hình thành Chính phủ số vào năm 2025. https://mic.gov.vn, ngày 12/3/2021.
TS. Trương Cộng Hòa
Phân hiệu Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia