Tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho người dân thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tuyên truyền kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân đã được lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố Hà Nội quan tâm thực hiện tạo nên những chuyển biến tích cực đóng góp vào công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số tồn tại, bất cập, cần đổi mới hoạt động tuyên truyền kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới.
Cuộc chiến với lửa. Ảnh minh hoạ: Internet.
Thực trạng công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho người dân thành phố Hà Nội

Hà Nội có diện tích 3.344,7km2, bao gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn, hơn 4.000 khu dân cư. Trên địa bàn Thủ đô có khoảng 10 triệu người dân thường xuyên sinh sống và tạm trú; các quận nội thành có mật độ dân số cao. Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có vai trò quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh.

Theo thống kê của Công an thành phố, từ năm 2017 đến hết năm 2021, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra gần 3.000 vụ cháy, 7 vụ nổ. Ngoài ra, còn có hàng nghìn các vụ việc, sự cố khác, như: chập dây điện trên cột điện; cháy rác… Địa bàn xảy ra cháy trong nội thành chiếm tới hơn 60% tổng số vụ. Qua thực tiễn, các vụ cháy này chủ yếu tập trung xảy ra tại cơ sở là kho, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là nhà ở hộ gia đình được xây dựng dạng ống và nhà ở kết hợp sản xuất – kinh doanh1.

Qua điều tra của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thì nguyên nhân của những vụ cháy, nổ:

Một là, cơ sở vật chất, kỹ thuật đã lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu sản xuất – kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân nên dẫn đến dễ cháy, nổ như chập điện; sự cố kỹ thuật máy móc… Đặc biệt, các vụ cháy, nổ trong những năm qua thường diễn ra trong khu vực nội thành, tập trung vào các loại hình cơ sở như nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ… Những khu vực trên có hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước không đáp ứng hiệu quả cho công tác PCCC cũng gây ra khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng.

Hai là, năng lực và nhận thức của người dân về công tác PCCC còn yếu, chưa đáp ứng được khi tình huống xảy ra, cụ thể là: kiến thức về PCCC chưa đầy đủ; không nắm được kiến thức pháp luật về PCCC nên trong sinh hoạt và sản xuất – kinh doanh còn vi phạm pháp luật về PCCC (thiết kế hệ thống điện còn chưa theo đúng quy định về PCCC; không thường xuyên và định kỳ bảo dưỡng thiết bị điện; cơ quan, doanh nghiệp, nhà ở của người dân còn chưa bố trí lối thoát an toàn hoặc các phương tiện PCCC) và kỹ năng PCCC chưa được đào tạo hoặc do nhận thức chưa đầy đủ nên dẫn đến hoạt động còn hạn chế. Năm 2020, số vụ cháy, nổ là do người dân sơ xuất khi sử dụng lửa là 34 vụ; hàn cắt là 2 vụ; đốt là 2 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt là 1 vụ2.

Thái độ của người dân về PCCC còn chủ quan trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất – kinh doanh (xây dựng nhà thành chuồng cọp, không đúng quy định PCCC); thái độ vô trách nhiệm đối với công tác cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động PCCC…

Nhận thức rõ vai trò hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Công an thành phố Hà Nội để thực hiện tốt chức năng tham mưu, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC và CNCH; đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền kiến thức PCCC cho Nhân dân.

Phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự tuyên truyền về hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng hàng trăm phóng sự thực hiện chuyên mục: “An toàn phòng cháy, chữa cháy; phối hợp với Kênh VOV giao thông – Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng các phóng sự thực hiện chuyên mục: “Hồ sơ 114”; phối hợp Báo An ninh Thủ đô xây dựng những phóng sự thực hiện Chuyên mục: “Alo 114 xin nghe”; phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện dự án sản xuất bộ phim truyền hình dài tập “Lửa ấm”. Đăng tải công khai các đơn vị, cơ sở vi phạm về PCCC trên Cổng thông tin điện tử Công an thành phố và Bản tin 141- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội…3.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố đã xây dựng các bộ tài liệu về PCCC và CNCH dùng cho bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa; cùng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực khác. Kết hợp tuyên truyền với ký cam kết về PCCC đối với cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ; mở các lớp tuyên truyền PCCC và CNCH đối với khu dân cư với trăm nghìn người tham dự4. Đôn đốc, hướng dẫn 100% thôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố thành lập Đội dân phòng và trang bị bước đầu một số phương tiện phục vụ cho công tác PCCC5. Tích cực xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến về PCCC. Các mô hình liên kết hoạt động ngày càng có hiệu quả, tác động tích cực, mạnh mẽ vào phong trào toàn dân tham gia PCCC, qua đó đã chủ động phòng ngừa các sự cố cháy, nổ xảy ra.

Những hạn chế, bất cập

Mặc dù việc tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng quá trình tuyên truyền trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như:

(1) Mức độ chuyển biến về ý thức PCCC của các hộ gia đình, cơ sở và người dân còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

(2) Hình thức tuyên truyền mới chỉ tập trung vào phối hợp với cơ quan báo chí, cơ quan đài truyền hình, cổng thông tin truyền hình. Chưa chú trọng hình thức tuyên truyền khác như các hình thức trên mạng xã hội nên chưa thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm theo dõi.

(3) Nội dung tuyên truyền phổ biến có lúc, có nơi chưa sâu sát với từng loại đối tượng như: chủ cơ sở kinh doanh; người lao động; người thuê trọ; thanh thiếu niên… nên hiệu quả công tác tuyên truyền còn chưa đạt hiệu quả cao với những nhóm đối tượng này.

(4) Đối tượng tuyên truyền chưa rộng rãi, mới chỉ tập trung vào cán bộ, công chức; chủ cơ sở kinh doanh; chủ hộ gia đình mà chưa tập trung vào những đối tượng khác, như: trẻ em; người lao động từ địa bàn khác đến thành phố Hà Nội sinh sống và làm việc.

Ảnh minh hoạ: Internet.
Biện pháp tăng cường hoạt động tuyên truyền kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân

Một làchú trọng xây dựng tài liệu tuyên truyền kiến thức PCCC cho Nhân dân. Tài liệu tuyên truyền là công cụ truyền đạt nội dung đến đối tượng được tuyên truyền, có vai trò quan trọng nâng kiến thức của người dân. Khi xây dựng tài liệu tuyên truyền cần chú ý tới những vấn đề về: nội dung của tài liệu tuyên truyền; trong đó thể hiện rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về PCCC và CNCH như: Luật PCCC (năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013) đặc biệt, cần thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các lực lượng và quần chúng nhân dân. Hình thức tài liệu tuyên truyền cần phong phú, phù hợp các các tầng lớp nhân dân, như: phim tài liệu; tập tài liệu; pano hình ảnh; tranh cổ động…

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, bên cạnh các hình thức tuyên truyền cũ cần chú trọng tuyên truyền trên mạng xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền. Hằng năm, Công an thành phố Hà Nội cần tham mưu với UBND thành phố và chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tuyên truyền kiến thức PCCC; định hướng cụ thể chủ thể, nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng. Tuyên truyền phải được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, như: mở lớp tập huấn kiến thức cho các cán bộ, công chức; chủ doanh nghiệp; cụm dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; học sinh, sinh viên… tuyên truyền miệng của đội tuyên truyền lưu động, chiếu phim tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; sản xuất các clip tuyên truyền và tài liệu đăng tải trên mạng internet, qua tin nhắn điện thoại, zalo.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp trong tuyên truyền kiến thức, cần: phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội trong việc “lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học”6. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn để đăng tải các phim tài liệu, bảng tin, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật… để người dân kịp thời tiếp cận thông tin chính thống. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thành phố Hà Nội cần chú trọng phối hợp với tổ chức chính trị – xã hội ở từng địa bàn, qua đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân là một tuyên truyền viên góp phần tích cực trong công tác PCCC và CNCH của Thủ đô; phối hợp các nhà mạng điện thoại trong nhắn tin tuyên truyền…

Bốn là, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC, như: mô hình cụm liên kết “Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàng Mai”; mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” tại quận Ba Đình; mô hình vận động Nhân dân xóa bỏ “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm khi có cháy, nổ xảy ra tại quận Thanh Xuân.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Với vị thế là trung tâm chính trị, văn hóa  xã hội của cả nước, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động quan trọng của đất nước nên việc tăng cường hoạt động tuyên truyền kiến thức PCCC cho người dân của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm tài sản, tính mạng quần chúng nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Chú thích:
1, 2, 3. Công an thành phố Hà Nội. Báo cáo tình hình, kết quả công tác năm 2020 – 2021 của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hà Nội, 2021.
4, 5. Công an thành phố Hà Nội. Báo cáo công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hà Nội, tháng 6/2022.
6. Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2011 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
TS. Đỗ Hoàng Vương
Học viện An ninh nhân dân