Vai trò của nhân tố chủ quan trong xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Dưới giác độ triết học, giáo dục là đối tượng phản ánh như một hiện tượng xã hội. Giáo dục tác động tới động lực nhận thức, sự học hỏi vốn là bản chất, nhu cầu nhận thức của con người. Giáo dục còn là một bộ phận trong hoạt động xã hội, là đối tượng của quản trị nhà nước khi Nhà nước hình thành và phát triển.
Ảnh minh họa (internet).
Vấn đề xã hội hóa giáo dục nhìn từ giác độ nhận thức vai trò chủ quan

Xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là một hiện tượng xã hội, đồng thời là một chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nó phản ánh một trong những mặt thuộc chức năng cơ bản của Nhà nước là quản lý xã hội. Nghiên cứu XHHGD và tác động của nhân tố chủ quan dưới góc độ tác động vào chính sách của Nhà nước tới sự lựa chọn, giải pháp, bước đi của các chủ thể tổ chức hoạt động giáo dục, gồm: nhà trường, việc học, việc dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác…

XHHGD là một chính sách của Nhà nước, nó liên quan đến chức năng của Nhà nước. Chức năng cơ bản của Nhà nước là quản lý xã hội trên tất cả các mặt của đời sống và được pháp luật quy định. Nhưng không phải lĩnh vực nào Nhà nước cũng độc quyền, không có Nhà nước lý tưởng nào độc quyền tất cả các lĩnh vực được coi là nhà nước thông minh, tạo ra xã hội văn minh được. Bởi, Nhà nước là một bộ máy thực hành quản trị chuyên nghiệp, không tạo ra lợi nhuận, của cải vật chất, thậm chí Nhà nước cần xã hội nuôi dưỡng bằng thuế của nhân dân. Nếu Nhà nước làm mọi thứ, thì sự hữu hạn về nhân lực, ngân sách và trí tuệ cũng không cho phép. So với sự giới hạn của Nhà nước thì nguồn lực của xã hội cả tài lực và vật lực là không có giới hạn.

Trong các chức năng của Nhà nước, có những loại chức năng không thể trao cho các chủ thể khác, đó là: an ninh, quốc phòng, quân đội, cảnh sát… Nhưng, có rất nhiều lĩnh vực Nhà nước có thể chuyển giao cho các chủ thể ngoài công quyền là các cá nhân, tập thể, cộng đồng, đoàn thể… thực hiện, như: giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa,… Khi đó, Nhà nước quản trị xã hội bằng chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các thể chế ngoài công quyền thực hiện, xu hướng đó gọi là xã hội hóa (XHH). XHH là quá trình chuyển giao một loại hình đối tượng quản lý của Nhà nước sang khu vực tư để tổ chức thực hiện, trên cơ sở hành lang pháp lý do Nhà nước thiết lập. Từ quan niệm trên, XHH, trong đó có giáo dục, có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, khu vực đối tượng vốn nhà nước đang quản lý được chuyển giao sang khu vực dân sự, từ đó thay đổi vị thế chủ thể quản trị tổ chức.

Thứ hai, XHHGD từ chỗ, bước đầu là trao quyền tự chủ từng phần, theo tỷ lệ, đến chỗ chuyển hẳn một trường công sang chủ sở hữu ngoài nhà nước. Chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo có tính chiến lược, mũi nhọn trong kinh tế – xã hội hay lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng – an ninh… Nó là cả một quá trình, bởi mỗi chính sách cần có bước đi để thẩm định từ thực tiễn. Sự nóng vội hay sự trì trệ đều không phản ánh nhận thức khoa học gắn với thực tiễn.

Thứ ba, XHH không phải tuyệt đối, một lần, một chiều. XHH là một chính sách, sự chủ động thuộc về Nhà nước. Nhà nước có thể rút lại theo hình thức thu hẹp đối với những chủ thể không đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vì vậy, chuyển giao hay rút lại thuộc quyền chủ động của Nhà nước với vị trí là chủ thể, thay mặt Nhân dân quyết định những gì có lợi cho Nhân dân. Lý thuyết là như vậy, nhưng xét từ yếu tố chủ quan, có thể còn do quy định XHH không phản ánh đúng hiện trạng, đối tượng, nhu cầu xã hội mà dẫn đến không thành công.

Hiện nay, XHH có xu hướng ngày càng mở rộng lĩnh vực và được ưu tiên, có hai lý do: (1) Nếu đã là một quá trình, thì theo quy mô một chính sách sẽ được mở rộng, bởi đó là chính sách đề xuất từ thực tiễn; (2) XHH có thể mở rộng đến mức Nhà nước chỉ giữ lại những khu vực quản trị cốt yếu như: quốc phòng – an ninh và tài chính công. Nhà nước còn là chủ thể duy nhất về ưu thế trong các tình huống bất thường tạo ra những rủi ro cho đời sống Nhân dân, như: hậu quả của bão tố, sóng thần, trực tiếp xử lý các tình huống hỏa hoạn, thiên tai mà quốc gia nào cũng phải đối mặt. Khi đó, Nhà nước trong nhiều lĩnh vực sẽ chỉ giữ vai trò như “nhà thầu khoán” các dịch vụ xã hội. Như vậy, XHH mở ra điều kiện cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở pháp luật nhà nước. Mà cạnh tranh luôn là động lực của sáng tạo các yếu tố chủ quan.

Thứ tư, XHH song song với trao quyền tự chủ, trong đó có quyền hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế. Như vậy, các cơ sở giáo dục có thể không còn là nguyên nghĩa về mặt chủ thể quản trị, về sự thay đổi tính chất nhà nước. Nghĩa là, tổ chức từ chỗ pháp nhân của một quốc gia, thành một tổ chức liên kết quốc tế, nghĩa là phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế.

Vai trò của nhân tố chủ quan trong xã hội hóa giáo dục

Nhân tố chủ quan là nhận thức về con người, thể hiện trong nhận thức phản ánh thế giới bên ngoài, định ra khuynh hướng tác động của hành vi với tính cách là chủ thể có mục đích, mục tiêu nhất định. Theo các mối liên hệ biện chứng, nhân tố chủ quan trong những quan hệ nhất định vừa có vị thế chủ thể, vừa là đối tượng của các chủ thể khác. Là chủ thể theo bản chất con người tạo ra cái gọi là xã hội, khi đó con người là chủ thể của xã hội. Con người còn là đối tượng của xã hội trong quan hệ nhất định, như quan hệ thể chế nhà nước. Theo đó, Nhà nước cho dù là dân chủ hay chuyên chế, là chủ thể quản lý xã hội, định ra các quy định định hướng hành vi của cá nhân và tổ chức, cộng đồng. Vì thế, trong xã hội có Nhà nước, chính sách của Nhà nước có sức mạnh định hướng hành vi của công dân. Nói cách khác, công dân không thể làm những gì vi phạm quy định của Nhà nước. Chính sách là quy định chung cho tất cả, còn thực thi chính sách lại là sự khác biệt theo từng chủ thể có năng lực nhận thức, vận dụng, giải pháp không giống nhau. Vì vậy, chính sách muốn đi vào đời sống, trở thành hiện thực phải qua sự nhào nặn của đối tượng thực thi là toàn thể xã hội. Đó chính là vai trò của Nhân dân tác động vào XHH với tính cách là một kênh của nhân tố chủ quan.

Nhân tố chủ quan là toàn bộ những tác động của con người, của xã hội với các thuộc tính chủ động, sáng tạo có mục đích, mục tiêu trong hành động nhất định. Tuy nhiên, khi phân tích nhân tố chủ quan trong hoạt động xã hội, nó được nghiên cứu như một yếu tố độc lập có tính chủ động, sáng tạo, có sự khác biệt không bị yếu tố khách quan dẫn dắt thụ động. Nhân tố chủ quan liên hệ với xã hội loài người thể hiện tính vượt trội của phần còn lại của giới sinh vật, nhất là các giống loại động vật. Cùng một hiện tượng, đối với động vật, dù là cao cấp, chúng chỉ ở trình độ tự phát, bản năng; đối với con người, tính bản năng vẫn tồn tại, nhưng tính tự giác chủ động, sáng tạo là đặc trưng riêng có. Vì vậy, khi tác động tới xã hội, hoạt động của con người với tính cách là nhân tố chủ quan có vai trò rất quan trọng.

Vai trò của nhân tố chủ quan là sự góp vào của nhân loại tác động làm thay đổi nhất định các quan hệ xã hội theo hướng tích cực thay đổi hiện thực. Phạm vi tác động và xác định vai trò của nhân tố chủ quan liên quan tới quy mô tác động của chúng. Đó là vai trò của nhân tố chủ quan đối với phát triển nhân loại, hay từng khu vực, từng quốc gia. Trong một nhà nước, vai trò của nhân tố chủ quan liên quan tới quan hệ tổng thể toàn xã hội, hay từng nhóm, loại quan hệ xác định liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị và các sinh hoạt dân sự. Với cách tiếp cận như vậy, vai trò của nhân tố chủ quan trong một yếu tố của lĩnh vực giáo dục là XHHGD, theo nhận thức của tác giả, thể hiện qua những mặt dưới đây:

Một là, đối với Nhà nước, nhân tố chủ quan thể hiện ở sự nhận thức cần thiết phải có sự thay đổi chủ thể quản trị các đơn vị giáo dục – đào tạo, bao gồm giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Nhà nước xác định giáo dục có thể chuyển giao từng bước cho khu vực ngoài công lập, để Nhà nước tập trung vào những hoạt động liên quan đến chức năng cơ bản của thể chế. Với cách tiếp cận đó, nhận thức của chủ thể với tính chất là nhân tố chủ quan thể hiện trong các quy trình cơ bản của quản lý nhà nước về giáo dục. Đó là xây dựng ý tưởng, từ đó hình thành chính sách, thể hiện ra thành các văn bản pháp luật thực định như Luật Giáo dục năm 2019,… Từ đó, nhân tố chủ quan còn thể hiện năng lực tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, sửa đổi ý tưởng và quy phạm…

Đối với nguồn nhân lực khoa học, họ đóng vai trò quan trọng trong việc luận giải vì sao việc XHH đã đến lúc phải trở thành hiện thực. Đối với các tổ chức có vai trò chủ quản hoạt động giáo dục – đào tạo, họ như người trong cuộc thấy trước những gì cần phải thay đổi trong quản lý để phát huy tính sáng tạo, đẩy lùi trì trệ trong quản trị trường học. Đối với xã hội, là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục, họ muốn chứng minh cho công quyền thấy quyền lựa chọn phương thức học tập, đào tạo cần có sự mở rộng theo quyền dân chủ của thể chế đã được Hiến pháp quy định.

Hai là, XHH mở ra cơ hội lớn cho động lực chủ quan của các nhà giáo dục, các doanh nhân, các “mạnh thường quân” trong giáo dục có cơ hội thực hiện ước nguyện tham gia trực tiếp vào tiến trình giáo dục – đào tạo từ hành lang của pháp luật về giáo dục ngoài công lập.

Ba là, XHH góp phần xác định chính sách hơn chức năng cơ bản, cũng như điều kiện để Nhà nước tập trung vào nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý. Nếu không XHHGD thì Nhà nước phải thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến giáo dục, gồm: làm luật, tổ chức bộ máy quản lý, thành lập trường, tổ chức quản lý và trực tiếp đào tạo…

Bốn là, nhờ có XHHGD, tiềm năng kinh tế, tài chính, trí tuệ khu vực tư như được “bung ra” để tham gia vào hoạt động phát triển đất nước thông qua giáo dục. Một nhà nước quản trị tốt, là một bộ máy tạo được niềm tin chính trị cho sự tự giác huy động năng lực của Nhân dân đóng góp vào quản trị đất nước trên các mặt, trong đó có giáo dục với hàng nghìn cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các hệ, cấp đào tạo.

Năm là, XHHGD đồng nghĩa với việc hình thành các cơ sở ngoài công lập. Quá trình này góp phần giảm nhẹ chi phí tài chính công cho giáo dục, để góp phần chuyển hướng sử dụng nguồn ngân sách đầu tư chiều sâu cho giáo dục hoặc hiện đại hóa cơ sở công lập, đặc biệt vùng sâu, vùng xa và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, XHHGD tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong chất lượng giáo dục quốc dân. Cơ chế thị trường đồng nghĩa với yếu tố cạnh tranh, khu vực giáo dục cũng không đứng ngoài quá trình đó. Đây là sự cạnh tranh trong chiến lược tầm nhìn, chương trình đào tạo, xây dựng nguồn lực, chính sách sử dụng người học…, là hệ thống hàng hóa phong phú, tạo cơ hội cho khách hàng lựa chọn.

Bảy là, tiến hành chủ trương XHHGD thành công sẽ góp phần minh chứng rằng, Việt Nam đã tiệm cận được môi trường dân chủ cùng với các thể chế dân chủ phát triển trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục thông qua chính sách XHH ngày càng được hoàn thiện, mở rộng và ưu tiên.

Tài liệu tham khảo
1. Chu Văn Thành. Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công – một số vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004.
2. Nguyễn Như Diệm. Nhân tố con người và tích cực hóa nhân tố con người: khái niệm và vấn đề. Thông tin khoa học xã hội, 01/1989.
3. Những điểm mới trong các nghị quyết Đảng từ sau Đại hội XII của Đảng. http://hdll.vn, ngày 01/10/2018.
4. Nguyễn Hữu Khiển, Trần Thị Thanh Thủy. Hỏi đáp về hành chính. H NXB Lý luận chính trị, 2007.
5. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.
6. Trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu phải tương xứng.  http://daidoanket.vn, ngày 03/5/2019.
7. Vũ Quang Vinh và cộng sự. Bác Hồ với sự nghiệp diệt giặc đói, giặc dốt. H. NXB Dân trí, 2016.
ThS. Lê Thị Ngọc Mai
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội