Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua chủ đề Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021  2030 là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh của thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững…”1. Bài viết nghiên cứu vai trò của việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thực trạng và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng.
Ảnh minh họa. (internet).
Đặt vấn đề

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội (NLCXH) để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng là câu hỏi lớn không chỉ đối với riêng nước ta, đây là bài toán hóc búa, không dễ tìm lời giải trong một sớm một chiều, có khi phải đánh đổi bằng nhiều năm, thậm chí là nhiều thế hệ. Nhưng, một đất nước muốn thịnh vượng thì nhất định phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi NLCXH cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Vai trò nguồn lực của xã hội 

Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… ở cả trong và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của một lãnh thổ nhất định.

Nguồn lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KTXH của mỗi quốc gia, có vai trò quyết định cho sự phát triển của quốc gia, cụ thể:

Căn cứ vào nguồn gốc, phạm vi lãnh thổ có thể phân loại nguồn lực như sau:

(1) Nguồn lực bên trong: Vị trí địa lý, tự nhiên, KTXH trong nước.

(2) Nguồn lực bên ngoài: Vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.

(3) Nguồn lực vị trí địa lý (tự nhiên, kinh tế, chính trị, giao thông…) tạo điều kiện thuận lợi hay khó khăn trong việc trao đổi, tiếp cận hay cùng phát triển giữa các vùng trong một nước, giữa các quốc gia với nhau.

(4) Nguồn lực tự nhiên (đất, khí hậu, nước, biển, sinh vật, khoáng sản): là cơ sở tự nhiên cho các quá trình sản xuất; là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần cho quá trình sản xuất.

(5) Nguồn lực KTXH (dân cư, thị trường, vốn, khoa học kĩ thuật, chính sách và xu thế phát triển…) có vai trò quan trọng để lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.

Thực tiễn cho thấy, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có được những thành tựu tăng trưởng và thay đổi ngoạn mục, được xem là kỳ tích, là hình mẫu về sự phát triển trước sự ngỡ ngàng của thế giới, chính là việc huy động và sử dụng hiệu quả các NLCXH, là một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu để xây dựng phát triển KTXH. Nguồn lực có vai trò quyết định là nội lực (các nguồn tài nguyên thiên nhiên, KTXH, vị trí địa lý), nguồn lực là tổng thể các yếu tố trong và ngoài nước có thể khai thác và không có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của một lãnh thổ nhất định.

Để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi NLCXH, trước tiên, cần phải xác định được các nguồn lực hiện có của xã hội (quốc gia) là những gì, bao gồm cả nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình, cũng như đâu là nguồn lực hữu hạn, đâu là nguồn lực vô hạn (có thể gia tăng, phát triển)… Cụ thể, nguồn lực hữu hình chính là lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự trữ tài chính quốc gia… Nguồn lực vô hình đến từ con người, là trí tuệ, tư duy, phát minh, sáng chế, là các sản phẩm khoa học, công nghệ (KHCN)… Những nguồn lực này của Việt Nam hiện có như thế nào và được sử dụng ra sao vẫn là một trong những câu hỏi cần có lời giải.

Thực trạng việc huy động và sử dụng các nguồn lực của xã hội ở nước ta

Những năm gần đây, Việt Nam luôn đề cao việc huy động và sử dụng hiệu quả các NLCXH cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế.

Một là, cho đến hiện tại, vẫn rất khó xác định được ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào là chủ lực, mang giá trị cốt lõi sẽ trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia; sản phẩm, hàng hóa nào sẽ trở thành thương hiệu quốc gia để khi nhắc đến, nói đến thì khách hàng quốc tế đều biết đó là hàng hóa của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất – “made in Vietnam”. Không dễ để có được những điều này, nếu hoạch định chiến lược quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương chưa xác lập được tầm nhìn dài hạn hoặc thiếu đồng bộ, phù hợp với các nguồn lực…

Hai là, Việt Nam được cho là có những lợi thế về vị trí địa lý và nhiều ưu đãi về tự nhiên, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, “rừng vàng, biển bạc”, có bờ biển dài với nhiều vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới, như: vịnh Hạ Long, vịnh Đà Nẵng, vịnh Nha Trang… Những lợi thế này nếu biết cách khai thác sẽ là điểm tựa vững chắc cho “ngành công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sức hút du lịch của nước ta vẫn thiếu hấp dẫn, doanh thu tài chính của lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, đó là những hạn chế về tư duy và phương pháp quản lý, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp, dài hơi… Điều này đã làm triệt tiêu nguồn lực tự nhiên của quốc gia.

Ba là, nguồn lực đất đai, tài nguyên thì có hạn, nhưng cũng chưa tận dụng được tối đa lợi thế từ những nguồn lực này, việc tích tụ đất đai, “dồn điền đổi thửa” vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc… vô tình làm chậm quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn cũng như phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và cung ứng hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn… Do đó, nông – lâm sản của người dân rơi vào “được mùa là mất giá, được giá lại mất mùa” hoặc hễ có biến động bất thường của thị trường là cộng đồng lại phải kêu gọi “giải cứu”…

Bốn là, vấn đề thương mại và cán cân xuất nhập – khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều điểm hạn chế. Hàng hóa nào của Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích, có giá trị xuất khẩu lớn mang lại cân bằng cán cân xuất – nhập khẩu và giá trị thặng dư cho đất nước? Mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cho đến hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khai thác về đất đai và nhân công giá rẻ, còn tỉ lệ nội địa hóa hoặc cho phép chúng ta tham gia vào công nghệ, bí quyết sản xuất… hầu như rất thấp hoặc họ chưa muốn chia sẻ và vô hình trung, chúng ta lại trở thành nước xuất khẩu hộ quốc gia khác.

Năm là, nguồn lực KHCN có những bước tiến quan trọng, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển KTXH, góp phần nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, tinh thần khoa học, văn hóa đổi mới sáng tạo chưa thấm sâu vào tư duy, nhận thức cộng đồng xã hội, nhất là tư duy về cách mạng công nghiệp 4.0. KHCN Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thật sự trở thành động lực cho tăng trưởng KTXH; chưa có sản phẩm KHCN nổi tiếng thế giới cũng như có thể xuất khẩu…

Sáu là, nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực nhưng Việt Nam lại chưa thực sự khai thác hiệu quả được nguồn lực này, nhất là nguồn nhân lực trí thức, trí tuệ cao… Đơn cử là chúng ta chưa thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học đang công tác và giảng dạy ở các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới; các học sinh, du học sinh, sinh viên có học lực tốt, đạt kết quả cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Việt Nam không những chưa hấp dẫn và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn có nguy cơ “chảy máu chất xám” là hiện hữu.

Việt Nam đang trong thời kỳ có cơ cấu “dân số vàng” nhưng cơ hội và thách thức luôn đan xen, có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước. Lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa đồng đều; lao động giản đơn, lao động phổ thông chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn và chủ yếu làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc làm nông nghiệp ở các vùng nông thôn. Lao động xuất khẩu đi lao động ở nước ngoài cũng chủ yếu làm công nhân và những công việc nặng nhọc, giản đơn chứ chưa phải là chuyên gia, lao động chất lượng cao. Đáng chú ý là chênh lệnh về mức năng suất lao động Việt Nam với các nước vẫn còn khoảng cách khá xa, năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Xinh-ga-po; 19,53% của Ma-lai-xi-a; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của In-đô-nê-xi-a; 56,88% của Phi-lip-pin; 88,05% của Lào. Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Cam-pu-chia (gấp 1,6 lần)2.

Bảy là, hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật (giao thông, đường xá, bệnh viện, trường học…), mặc dù đã có những bước phát triển, đáp ứng phần nào yêu cầu phát triển KTXH nói chung, tuy nhiên, sự xuống cấp của hệ thống đường sắt, giao thông đường bộ quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn đang là lỗi lo lắng gây nhức nhối cộng đồng cũng như làm tăng chi phí xã hội. Ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt, khói bụi và rác thải công nghiệp… Hiện tại đang đặt ra những thách thức không nhỏ, tác động trực tiếp đến việc huy động và sử dụng hiệu quả các NLCXH…

Một số giải pháp nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội

Thứ nhất, đổi mới tư duy quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đây là một trong những nhóm giải pháp được đề cập nhiều nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu đã được công bố trên các phương tiện thông tin, báo chí.

Thứ hai, phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là trong quản trị nhà nước; vận hành hiệu quả chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số. Ứng dụng công nghệ thông tin để tích hợp và đồng bộ dịch vụ công nhằm công khai minh bạch mọi cơ chế, chính sách; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, cơ chế để “không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng” tồn tại trong xã hội; có biện pháp quản lý sự minh bạch nguồn gốc tài sản trong sở hữu và giao dịch toàn xã hội. Duy trì xã hội “không tiền mặt” góp phần hạn chế tình trạng tham ô, tham nhũng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước cũng như trong nền kinh tế nói chung.

Thứ ba, phải đổi mới giáo dục – đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, giáo dục chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước, quyết định tương lai của dân tộc. Tuy ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới, liên tục cải cách và đạt được những kết quả nhất định, nhưng thiết nghĩ, để cải cách giáo dục thực sự có hiệu quả lâu dài, ngành Giáo dục nên tham khảo những nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới, nắm bắt những điểm khác và điểm tương đồng để học hỏi kinh nghiệm.

Thứ tư, đổi mới phương pháp và công cụ thống kê nhằm thống nhất các chỉ số thống kê bảo đảm chính xác, tin cậy, không để tình trạng các chỉ số thống kê quá khác biệt giữa các cơ quan, tổ chức công bố, hoặc mỗi địa phương lại có cách đánh giá các chỉ số thống kê khác nhau, nhất là việc xác định lợi thế so sách, năng lực cạch tranh. Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, quản trị quốc gia thì các nhà lãnh đạo nhất định phải xác định được đâu là lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh quốc gia và đâu là những nguồn lực hiện có của đất nước để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho phát triển đất nước.

Kết luận 

Một đất nước có trở nên thịnh vượng hay không, trước hết thuộc về khả năng truyền cảm hứng từ các nhà lãnh đạo tới người dân và nhất định phải huy động và sử dụng hiệu quả các NLCXH. Biến mục tiêu, khát vọng thành hành động, thành tầm nhìn và tư duy lãnh đạo, nhất là kỹ năng và cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải được đổi mới theo hướng kiến tạo và phục vụ. Tất cả hướng về mục tiêu khát vọng thịnh vượng của dân tộc, cùng nhau đoàn kết, khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng của toàn dân với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp… theo đó là ý chí hành động của cả dân tộc vì mục tiêu thịnh vượng của đất nước, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Bất cứ quốc gia – dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển. Đối với Việt Nam, để hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội XII của Đảng đã đề ra và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực3.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021,tr. 206.
2. Thực trạng năng suất lao động tại Việt Nam. http://qđnd.vn, ngày 08/02/2021.
3. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. http://tapchicongsan.org.vn, ngày 26/11/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong đổi mới và phát triển. http://baokiemtoannhanuoc.vn, ngày 11/5/2020.
2. Đổi mới tư duy và tháo bỏ nút thắt thể chế để chuyển mạnh nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. http://hdll.vn, ngày 14/10/2018.
3. Hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng. https://baochinhphu.vn, ngày 26/01/2021.
4. Lãnh đạo – đổi mới tư duy và tầm nhìn trong kỷ nguyên chuyển đổi số. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 10/9/2019.
5. Một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường. http://baochinhphu.vn, ngày 29/3/2021.
6. Xây dựng tầm nhìn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta. https://tcnn.vn, ngày 28/10/2016.
ThS. Nguyễn Khắc Trường
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam